Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), sau sự cố hải sản chết tại 4 tỉnh miền Trung, hiện nay dù mức tăng trưởng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam chưa bứt phá, nhưng khá ổn định qua các tháng gần đây. Theo đó, hiệp hội này dự báo xuất khẩu thủy sản cuối năm nay sẽ hồi phục mạnh hơn.

Xuất khẩu thủy sản có dấu hiệu khởi sắc 6 tháng sau sự cố cá chết

tuyetnhung | 03/10/2016, 12:48

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), sau sự cố hải sản chết tại 4 tỉnh miền Trung, hiện nay dù mức tăng trưởng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam chưa bứt phá, nhưng khá ổn định qua các tháng gần đây. Theo đó, hiệp hội này dự báo xuất khẩu thủy sản cuối năm nay sẽ hồi phục mạnh hơn.

          

Ngay đầu năm nay, sự cố môi trường biển khiến cá chết hàng loạt đã ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp xuất khẩu hải sản tại miền Trung, đặc biệt là Hà Tĩnh. Khó khăn về nguyên liệu trong nước cùng với nhu cầu không ổn định tại các thị trường nhập khẩu đã ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu của các doanh nghiệp hải sản. 

"Tuy nhiên, nhìn chung, tình hình của hầu hết các mặt hàng hải sản đang có xu hướng phục hồi, dù mức tăng trưởng ở mức không cao", Vasep nhận định

Vasep cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2016, trừ mực, bạch tuộc, tình hình xuất khẩu của hầu hết các nhóm sản phẩm thủy sản đều tăng trưởng dương. Dù mức tăng chưa bứt phá nhưng khá ổn định qua các tháng. Tổng giá trị xuất khẩu đạt 4,43 tỉ USD, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2015. 

Trong đó, xuất khẩu tôm tăng 5,8%; xuất khẩu cá tra tăng 6%; cá ngừ tăng 2,1%; cá các loại khác tăng 8,3%; cua ghẹ và giáp xác khác tăng 7,2%; còn giá trị xuất khẩu nhuyễn thể (gồm mực, bạch tuộc và nhuyễn thể hai mảnh vỏ) giảm 4,2% so với cùng kỳ năm trước. 

Bên cạnh đó, Vasep cũng cảnh báo về tình hình xuất khẩu của 2 mặt hàng thủy sản là tôm và cá tra, vì lượng xuất khẩu tôm sang Mỹ cuối năm có thể chững lại do thuế chống bán phá giá sang thị trường này áp cho tôm Việt Nam sẽ tăng 5 lần.

Tính đến hết tháng 8.2016, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 435,3 triệu USD; tăng 16,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Mỹ vẫn duy trì đà tăng trưởng nhập khẩu tôm từ Việt Nam do nhu cầu thị trường này tăng trong khi các nguồn cung khác cho Mỹ như Ấn Độ, Indonesia, Ecuador, Thái Lan đều gặp khó khăn về nguồn cung nguyên liệu dẫn tới giá xuất khẩu tăng. 

Trong khi đó, tình hình xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản 8 tháng đầu năm nay chưa có sự phục hồi đáng kể do đồng yen suy yếu, kinh tế chưa phục hồi và giá tôm cao.

Với mặt hàng cá tra, 8 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu cá tra vẫn đạt 1,08 tỉ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Tại hầu hết các thị trường xuất khẩu lớn, giá trị xuất khẩu đều tăng chậm. Trong đó chỉ có Mỹ và Trung Quốc là hai điểm sáng của bức tranh xuất khẩu cá tra trong thời gian này.

Theo Vasep, trong những tháng cuối năm, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trong nước cần chuẩn bị tốt nguồn cung nguyên liệu các mặt hàng do hoạt động khai thác biển có thể gặp khó khăn vì chi phí cao, công nghệ bảo quản chưa được cải thiện nhiều, giá bán không bù đắp giá vốn cho ngư dân.

Tuy nhiên, đánh giá về diễn biến chung cho việc xuất khẩu thủy sản những tháng cuối năm, Vasep vẫn dự báo xuất khẩu thủy sản của cả nước sẽ duy trì tăng trưởng từ 5 - 6%.

Tuyết Nhung

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL: Nhiều kênh rạch cạn kiệt nước, giao thông thủy gặp khó khăn
14 giờ trước Bảo vệ môi trường
Vào cuối năm 2023, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam đã dự báo mực nước sông Cửu Long xuống thấp do mưa mùa kết thúc sớm và mùa mưa năm 2024 đến muộn hơn. ĐBSCL không chỉ bị hạn mặn, nắng nóng, thiếu nước canh tác nông nghiệp… mà giao thông đường thủy gặp nhiều khó khăn do mực nước kênh rạch xuống rất thấp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xuất khẩu thủy sản có dấu hiệu khởi sắc 6 tháng sau sự cố cá chết