“Xuất khẩu tăng hơn 4% so với năm ngoái thì rõ ràng sản xuất phải phục hồi và tăng trưởng hơn năm ngoái. Vậy sản xuất phải tốt chứ? Sản xuất kinh doanh tăng trưởng thì mới có hàng hóa để xuất khẩu, mà xuất khẩu tăng thì không có lý gì GDP của chúng ta lại thấp”, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính nêu.
Theo đánh giá từ Tổng cục Thống kê, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới làm đứt gãy thương mại quốc tế, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn giữ được mức tăng dương, trong đó nổi lên vai trò của khu vực kinh tế trong nước khi kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu 9 tháng đều tăng so với cùng kỳ năm trước.
Lũykế 9 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng 20,2%, trong khi nhập khẩu tăng 4,7%. Cán cân thương mại hàng hóa tháng 9 ước tính xuất siêu 3,5 tỉ USD.
Tính chung 9 tháng năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục xuất siêu 16,99 tỉ USD (tăng 233% so với cùng kỳ năm trước khi giá trị xuất siêu đạt 7,27 tỉ USD). Trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 10,52 tỉ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) xuất siêu 27,51 tỉ USD.
Về xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu hàng hóatháng 9 ước tính đạt 27,5 tỉ USD, giảm 0,7% so với tháng trước. Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 10,3 tỉ USD, tăng 0,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 17,2 tỉ USD, giảm 1,4%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 9 tăng 18%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 46,3%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 5,8%.
Tính chung 9 tháng năm 2020, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 202,86 tỉ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước tiếp tục là động lực cho sự tăng trưởng của hoạt động xuất khẩu cả nước khi đạt 71,83 tỉ USD, tăng mạnh 20,2%, chiếm 35,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 131,03 tỉ USD, giảm 2,9%, chiếm 64,6%.
Trong 9 tháng có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, chiếm 91,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỉ USD, chiếm 59,8%).
Một điểm sáng nổi bật của bức tranh xuất, nhập khẩu 9 tháng năm 2020 là sự tăng trưởng vượt bậc của khu vực doanh nghiệp trong nước. Cụ thể, nếu như những năm trước, xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI luôn đạt mức tăng trưởng cao hơn so với khối doanh nghiệp trong nước thì năm 2020, khối doanh nghiệp trong nước đã đạt mức tăng trưởng khá, có phần nhỉnh hơn khối FDI.
Các doanh nghiệp trong nước cũng đang tận dụng khá tốt các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1.8.2020. Nhiều sản phẩm chủ lực của Việt Nam đã được thị trường EU đón nhận và hưởng ưu đãi.
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng xuất siêu cao là điều đáng mừng. Trong đó, số liệu xuất khẩu tăng khoảng hơn 4% so với năm 2019 còn nhập khẩu giảm khoảng 0,8% so với năm ngoái.
“Như vậy, phân tách ra thì thấy điều này rất tốt vì xuất khẩu của chúng ta tăng lên đáng kể so với năm ngoái. Điều này cho thấy sản xuất kinh doanh có sự phục hồi tương đối tốt. Đây là điều đáng mừng”, ông Thịnh nói.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho biết ông phân vân vềcác chỉ số và các thông tin, và có vẻ như các con số không được khớp nhau.
“Xuất khẩu tăng hơn 4% so với năm ngoái thì rõ ràng sản xuất phải phục hồi và tăng trưởng hơn năm ngoái. Vậy sản xuất phải tốt chứ? Sản xuất kinh doanh tăng trưởng thì mới có hàng hóa để xuất khẩu, mà xuất khẩu tăng thì không có lý gì GDP của chúng ta lại thấp”, ông Thịnh nêu.
Cũng theo chuyên gia này, nếu nhập khẩu giảm đi 0,8% nhưng sản xuất vẫn tăng trưởng và phát triển, vậy nhập khẩu giảm đi thì phải có nguồn nào khác bổ sung chứ? Phải chăng nguồn sản xuất trong nước có sự tăng trưởng tốt hơn, để giảm nhập khẩu đi?
Lam Thanh