11 quốc gia bao gồm cả Việt Nam đã chính thức ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tại thủ đô Santiago - Chile hôm 8.3 (theo giờ địa phương) tức rạng sáng nay theo giờ VN.

11 nước chính thức ký Hiệp định CPTPP

Anh Tú (tổng hợp) | 09/03/2018, 06:50

11 quốc gia bao gồm cả Việt Nam đã chính thức ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tại thủ đô Santiago - Chile hôm 8.3 (theo giờ địa phương) tức rạng sáng nay theo giờ VN.

CPTPP bao gồm 11 nền kinh tế tham gia, gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Bộ trưởng Công thương Việt Nam Trần Tuấn Anh đã tham gia lễ ký.

CPTPP sẽ có hiệu lực trong 60 ngày sau khi có ít nhất 6quốc gia tham gia hoàn tất các thủ tục phê chuẩn. Hiệp định bao gồm 30 Chương và đề cập không chỉ các lĩnh vực truyền thống như hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, mà còn các vấn đề mới như thương mại điện tử, doanh nghiệp nhà nước,..
Sau khi có hiệu lực, hiệp định này sẽ tạo ra một khu vực tự do thương mại thuộc hàng lớn nhất thế giới, với quy mô thị trường chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu và bao trùm thị trường gần 500 triệu dân.

Trong tương lai, CPTPP còn có thể mở rộng hơn nữa khi nhiều nước rất quan tâm đến việc gia nhập hiệp định này.Trước khi hiệp định được ký kết, các nước bên ngoài như Anh, Thái Lan, Campuchia, Hàn Quốc và Indonesia cho hay đang xem xét gia nhập CPTPP. Ngay ngày 8.3, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc thông báo, nước này sẽ quyết định có gia nhập CPTPP trong năm nay hay không, sau khi xem xét tác động của hiệp định này đối với nền kinh tế quốc gia và tham vấn các nước thành viên.Ngay cả Mỹ sau khi rút khỏi TPP giờ lại có những động thái muốn quay lại với CPTPP. Tổng thống Chile Bachelet nhấn mạnh, các thành viên CPTPP sẽ hoan nghênh Mỹ trở lại nhưng Washington sẽ phải chấp nhận các điều khoản của hiệp định sửa đổi.

Tuy nhiên, ôngKazuyoshi Umemoto, trưởng phái đoàn đàm phán TPP của Nhật Bản, cho biết chỉ sau khi CPTPP có hiệu lực, vấn đề kết nạp thêm thành viên mới được bàn đến. Theo ông, bất kỳ quốc gia nào quan tâm đến hệ thống thương mại tự do, đa phương, dựa trên luật lệ và sẵn sàng tuân thủ những quy định của CPTPP cũng đều có thể được chào đón.

Về lợi ích của Việt Nam khi gia nhập CPTPP, Bộ trưởng Công Thương, Trần Tuấn Anh cho biết: "Nền kinh tế Việt Nam được hưởng lợi đến đâu còn phụ thuộc vào điều kiện và công việc tổ chức thực thi cam kết hội nhập, cải cách để hướng tới tăng trưởng bền vững và những nhân tố tổng hợp có tính tích cực tạo ra giá trị gia tăng của kinh tế. Đó mới là những yếu tố quyết định.Cũng như các quốc gia khác, khi đã tham gia CPTPP, Việt Nam không chỉ cam kết mở cửa thị trường, gỡ bỏ hàng rào thuế quan, tiếp tục tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại, mà còn tiếp tục công khai và minh bạch hóa quản lý nhà nước về phát triển thị trường".

Theo tiến sỹ Trần Toàn Thắng - Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội quốc gia (NCIF) thuộc Bộ Kế hoạch-Đầu tư (đơn vị trực tiếp thực hiện đánh giá tác động của CPTPP), CPTPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 1,32%, tương đương với 1,7 tỷ USD và có thể tăng tới 2,01% nếu Việt Nam thực hiện đồng thời cắt giảm thuế quan và tự do hóa dịch vụ theo kịch bản mở cửa dịch vụ.

Hiệp định sẽ góp phần vào việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico..., cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu phát triển.

Ước tính, Việt Nam có thể tăng tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 4% (tương đương 4,09 tỷ USD). Mặt khác, quá trình tự do hóa thương mại và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng thông qua CPTPP giúp Việt Nam trở thành một trong những địa chỉ hấp dẫn về đầu tư, có thể thu hút được dòng FDI với giá trị lớn hơn và công nghệ cao hơn.

P.V
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Trung ương Đảng đồng ý cho ông Vương Đình Huệ thôi các chức vụ
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Trung ương Đảng đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ: Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
11 nước chính thức ký Hiệp định CPTPP