FiinRatings ước tính giá trị trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) "có vấn đề" trong 5 tháng 2024 đạt mức 145 nghìn tỉ đồng, tương ứng với 14.1% tổng giá trị TPDN lưu hành.
145 nghìn tỉ TPDN "có vấn đề"
Theo báo cáo của FiinRatings, thanh khoản thị trường TPDN thứ cấp đã tăng từ quy mô bình quân hơn 1.200 tỉ đồng/ngày năm 2023 và tăng lên đáng kể trong nửa đầu năm 2024 đạt mức hơn 4.250 tỉ đồng/ngày.
Điều này xảy ra với 3 nguyên nhân chính: Thứ nhất là do quy định mới theo Nghị định 65 yêu cầu tất cả trái phiếu riêng lẻ cần được kê khai và giao dịch tập trung trên HNX, và hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ trên HNX được vận hành vào 19.7.2023.
Thứ hai là nhu cầu giao dịch trước khi đáo hạn của cả phía nhà đầu tư chuyên nghiệp và từ chính tổ chức phát hành trong việc tái cấu trúc lại, thay vì mua và nắm giữ đến ngày đáo hạn.
Thứ ba là nhiều trái phiếu có kỳ hạn dài có các điều khoản mua lại sau 1 năm, điển hình như các trái phiếu ngân hàng được giao dịch với tính chất giống như giao dịch repo.
Ngoài ra, các giao dịch trên thị trường thứ cấp của TPDN tại Việt Nam hiện nay chủ yếu tập trung vào 2 ngành chính là ngân hàng và bất động sản, với tổng giá trị giao dịch chiếm gần 70% thị trường.
Trong đó, TPDN ngân hàng chiếm 44% tổng giá trị giao dịch, do đây được xem là những tài sản đảm bảo tin cậy với tính ổn định và thanh khoản cao, cũng như thường được các thành viên thị trường sử dụng trong các hoạt động quản trị rủi ro, quản lý thanh khoản…
Các giao dịch trên thị trường TPDN thứ cấp chủ yếu diễn ra ở nhóm trái phiếu với kỳ hạn còn lại từ 1-3 năm bởi với kỳ hạn còn lại ngắn thì rủi ro sẽ được nhận diện và đánh giá rõ hơn, nhất là với những trái phiếu kỳ hạn dài của doanh nghiệp có mức độ rủi ro cao hơn.
Các ngân hàng có xu hướng mua lại các trái phiếu tăng vốn cấp 2 do mình phát hành, với kỳ hạn còn lại khoảng 1 - 3 năm. Việc mua lại trước hạn này vừa hỗ trợ ngân hàng không phải khấu trừ vốn cấp 2 (theo Thông tư 41/2016/NHNN), đồng thời có thêm dư địa phát hành trái phiếu mới có kỳ hạn trên 5 năm để bổ sung nguồn vốn cần thiết nhằm đáp ứng quy định về an toàn vốn của Ngân hàng Nhà nước.
Cũng theo báo cáo, mức chênh lệch lợi suất hiện nay giữa trái phiếu phi ngân hàng và nhóm ngân hàng đang được nới rộng trong ngắn hạn, ở mức trung bình khoảng 5 - 6% đối với các kỳ hạn dưới 24 tháng.
Lợi suất tới ngày đáo hạn của trái phiếu doanh nghiệp phi ngân hàng thông thường cao hơn ở mức đáng kể so với trái phiếu ngân hàng, do thường có tính thanh khoản và mức xếp hạng tín nhiệm thấp hơn.
FiinRatings ước tính giá trị TPDN có vấn đề trong 5 tháng năm 2024 (bao gồm cả những TPDN cơ cấu lại và giãn hoãn kỳ hạn) đạt mức 145 nghìn tỉ, tương ứng với 14.1% tổng giá trị TPDN lưu hành và 25.8% số lượng tổ chức phát hành tại đầu năm 2024.
Trái phiếu năng lượng, bất động sản có vấn đề nhiều nhất
Về nhóm ngành, ngành năng lượng có tỷ lệ TPDN có vấn đề lớn nhất 42,7%, tiếp đến là bất động sản 42,5% và thương mại, dịch vụ 30,1%. Tính trên giá trị lưu hành, tỷ lệ TPDN có vấn đề chứng kiến suy giảm nhẹ từ 15,4% vào cuối năm 2023 xuống 14,1% vào thời điểm 30.5.2024.
FiinRatings cho rằng, trong 5 tháng đầu năm 2024, mặc dù tỷ lệ TPDNcó vấn đề vẫn ở mức cao nhưng đã có xu hướng chậm lại so với năm 2023. Điều này phản ánh phần nào sự phục hồi trong hoạt động kinh doanh, cũng như những nỗ lực cải thiện tình hình tài chính và quản lý rủi ro của các doanh nghiệp.
Trong giai đoạn nửa cuối năm 2023 tới nay, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã gặp khó khăn về thanh khoản khi thị trường chung diễn biến không thuận lợi. Do vậy, đã có những TPDN được giao dịch với mức lợi suất có thể lên tới 20 - 25%. Điều này cũng phần nào phản ánh mức khẩu vị rủi ro tương xứng của những nhà đầu tư đã mua vào, khi các giao dịch này thường diễn ra ở các TPDN có mức xếp hạng tín nhiệm ở mức rất thấp (từ [B] trở xuống).
“Đây thường là các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc triển khai dự án. Trong khi đó, áp lực tài chính với họ là tương đối lớn trong khoảng 12-18 tháng tiếp theo, và khả năng tái tài trợ hoặc huy động vốn mới gặp nhiều thách thức”, FiinRatings nêu.
Cũng theo báo cáo, phần lớn các doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ nợ có mức điểm [BB]-[B] và ở dưới mức điểm đầu tư. Trong đó, có đến 85% số doanh nghiệp sở hữu hồ sơ rủi ro tài chính ở mức cao đến rất cao, thể hiện qua việc duy trì mức độ sử dụng đòn bẩy cao hơn trung bình ngành nhiều năm, cũng như sự không tương xứng với dòng tiền hoạt động kinh doanh; dẫn tới khả năng đáp ứng nghĩa vụ nợ có thể không được đảm bảo.
Giữa các nhóm ngành có tỷ lệ chậm trả tăng cao, dải điểm của ngành bất động sản, xây dựng và năng lượng phần lớn nằm ở dưới mức điểm đầu tư. Các tổ chức phát hành trong nhóm điểm này thường là doanh nghiệp nhỏ chưa đảm bảo được độ nhận diện trên thị trường cũng như dòng tiền hoạt động ổn định.
Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp được lập ra với mục đích huy động vốn (SPE), do đó không ghi nhận doanh thu hay dòng tiền hoạt động kinh doanh mà vẫn có dư nợ vay trên bảng cân đối kế toán.