Trong 8 tháng đầu năm 2022 đã xảy ra 146 trận động đất ở tỉnh Kon Tum, gấp 1,3 lần năm 2021.

146 trận động đất xảy ra ở Kon Tum trong 8 tháng đầu năm

Thu Anh (tổng hợp) | 24/08/2022, 23:23

Trong 8 tháng đầu năm 2022 đã xảy ra 146 trận động đất ở tỉnh Kon Tum, gấp 1,3 lần năm 2021.

Theo thông tin từ Viện Vật lý địa cầu - Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam, trong ngày 23.8 đã liên tiếp xảy ra 11 trận động đất tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Đáng chú ý là trận động đất có độ lớn 4,7 độ richter, ở độ sâu 8,2 km, gây rung chấn ở một khu vực rộng lớn thuộc các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên.

Mới nhất là trận động đất xảy ra lúc 1 giờ 21 phút sáng 24.8, có cường độ 2,5 độ richter. Các trận động đất này có cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.

Được biết, từ đầu năm đến nay, Kon Tum liên tục xảy ra động đất cường độ mạnh, ngày nhiều nhất ghi nhận 7-8 trận. Trong đó, ngày 18.4 có trận động đất với độ lớn 4,5 độ richter ở huyện Kon Plông khiến nhiều địa phương lân cận có sự rung chấn.

24_08_2022_1_v.png
Động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông vào sáng 24.8 - Ảnh: Viện Vật lý địa cầu

Chiều 24.8, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đã họp trực tuyến với các tỉnh Kon Tum, Quảng Nam để xem xét, đánh giá, bàn phương án ứng phó với tình hình động đất đang diễn biến phức tạp tại huyện Kon Plông, Kon Tum.

Theo TS Phạm Thế Truyền (Phó giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý địa cầu), trong thời gian gần đây, động đất xảy ra thường xuyên và có xu thế gia tăng cả về tần suất và cường độ trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Cụ thể, trong năm 2021 đã xảy ra 114 trận động đất ở tỉnh Kon Tum. Trong 8 tháng đầu năm 2022 xảy ra 146 trận động đất ở tỉnh này (gấp 1,3 lần năm 2021). Theo nhận định sơ bộ của Viện Vật lý địa cầu, cường độ động đất trong khu vực này có thể có độ lớn tối đa không quá 5,5 độ richter.

Ông Truyền cho biết, nguyên nhân xảy ra các trận động đất trên địa bàn tỉnh Kon Tum có khả năng ảnh hưởng từ việc xây dựng và tích nước của các hồ chứa... Tuy nhiên, để khẳng định nguyên nhân phát sinh động đất và có cơ sở dự báo xu thế hoạt động, cũng như cường độ động đất trong tương lai, cần có đánh giá chi tiết và tiến hành nghiên cứu cụ thể.

Theo đại diện Bộ KH-CN, nghiên cứu các trận động đất tại khu vực Kon Plông từ năm 2021 đến nay cho thấy chưa đến mức độ nghiêm trọng. Nhận định bước đầu của các nhà khoa học cho rằng động đất tại Kon Plông là động đất kích thích do quá trình tích nước hồ chứa thủy điện.

Trước đó, ngày 19.4, trong cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, ông Nguyễn Xuân Anh (Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu) nói rằng động đất ở Kon Tum thời gian qua liên quan việc tích nước của các hồ chứa thủy điện. Đơn cử, rung chấn ở huyện Kon Plông xảy ra sau khi thủy điện Thượng Kon Tum tích nước.

Theo ông Nguyễn Xuân Anh, từ năm 2020, Viện Vật lý địa cầu thiết lập trạm quan trắc ở Kon Tum để cảnh báo nguy hiểm. Với số lần động đất gia tăng, địa phương cần lắp thêm nhiều trạm nhằm thu thập số liệu, nghiên cứu chi tiết, có hệ thống...

Để kịp thời ứng phó, khắc phục hậu quả do động đất, chiều tối 23.8, Thủ tướng Chính phủ có công điện yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai - Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành, địa phương liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả.

Bài liên quan
Ứng dụng cứu mạng người leo núi ra đời từ vụ siêu động đất năm 2011 ở Nhật Bản
Vụ siêu động đất ở phía đông nước Nhật ngày 11.3.2011 đã khiến ra đời một ứng dụng bảo đảm an toàn mạng sống cho dân leo núi cùng các hoạt động ngoài trời khác.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Nghiên cứu thiết lập hệ thống đăng ký quốc gia về tín chỉ carbon
1 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên - Môi trường khẩn trương nghiên cứu thiết lập hệ thống đăng ký quốc gia về tín chỉ carbon.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
146 trận động đất xảy ra ở Kon Tum trong 8 tháng đầu năm