Việt Nam có 16 mặt hàng xuất khẩu bị các nước điều tra phòng vệ thương mại nhưng không có mặt hàng nào bị áp thuế chống bán phá giá.
Thông tin trên được ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) đưa ra tại buổi công bố thông tin liên quan đến công tác phòng vệ thương mại 11 tháng năm 2022 ngày hôm nay (16.12).
Theo đó, ông Trung cho biết, kể từ đầu năm đến hết tháng 11 năm 2022, các nước đã tiến hành 16 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Trong các vụ việc này, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp xử lý hiệu quả thông qua các hoạt động đa dạng.
Nhờ đó, cho tới nay, Việt Nam đã xử lý đạt kết quả tích cực trong nhiều vụ việc, giúp nhiều doanh nghiệp, mặt hàng xuất khẩu không bị áp thuế phòng vệ thương mại hoặc được hưởng mức thuế thấp (với các mặt hàng như tôm, cá tra-basa, một số sản phẩm thép, mật ong…), góp phần duy trì tăng trưởng xuất khẩu, nhất là sang các thị trường lớn như: Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Canađa,...
Đối với hoạt động nhập khẩu, Bộ Công Thương không khởi xướng điều tra vụ việc phòng vệ thương mại mới nhưng dựa trên kết quả điều tra theo quy định pháp luật đã quyết định áp dụng 3 biện pháp phòng vệ thương mại, ngừng áp dụng 2 biện pháp phòng vệ thương mại và tiến hành rà soát việc áp dụng 7 biện pháp phòng vệ thương mại.
Việt Nam đã và đang tiếp tục phát huy vai trò của các biện pháp phòng vệ thương mại như một công cụ để bảo đảm môi trường thương mại công bằng nhằm ngăn chặn tác động tiêu cực của hàng nhập khẩu đến sản xuất trong nước và lao động, việc làm, bảo đảm an ninh kinh tế và an sinh xã hội.
Nhờ công cụ phòng vệ thương mại, nhiều doanh nghiệp thuộc một số ngành kinh tế đã cải thiện đáng kể tình hình sản xuất kinh doanh, thoát khỏi thua lỗ và từng bước ổn định sản xuất như đường mía, phân bón, sắt thép, sợi...
Theo ông Thắng, công tác phòng vệ thương mại của Việt Nam thời gian qua đã được đẩy mạnh cả về phạm vi, quy mô, mức độ và đạt được kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.
Đánh giá của Cục Phòng vệ Thương mại cho thấy, trong năm 2022, công tác phòng vệ thương mại diễn ra trong bối cảnh tình hình thương mại khu vực và toàn cầu, xung đột thương mại, xung đột địa chính trị giữa một số nước diễn biến phức tạp kéo theo xu thế bảo hộ thương mại tại nhiều nước tiếp tục duy trì. Kèm theo đó, chi phí nhiều loại hàng hóa đầu vào, chi phí vận tải tăng cao; chính sách tài chính - tiền tệ của nhiều quốc gia có sự thay đổi để đáp ứng tình hình mới.
Bên cạnh đó, tình hình dịch COVID-19 tiếp tục có diễn biến phức tạp trong nửa đầu năm 2022, nhiều quốc gia tiếp tục duy trì các biện pháp cách ly, giãn cách xã hội gây gián đoạn chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến trao đổi thương mại quốc tế. Việc thực hiện cắt giảm thuế quan theo cam kết trong các FTA đưa mức thuế nhập khẩu ưu đãi xuống thấp, nhiều dòng thuế ở mức 0%.
Trong bối cảnh đó, đã tác động trực tiếp tới các hoạt động về phòng vệ thương mại. Cụ thể, một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục là đối tượng bị điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Hoạt động của một số ngành sản xuất trong nước có sự biến động dẫn đến việc cần xem xét khả năng sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Gia tăng các vụ việc điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam.