Các vụ kiện phòng vệ thương mại trong WTO gây ra nhiều tác động xấu và thiệt hại lớn đến các doanh nghiệp xuất khẩu như giảm năng lực cạnh tranh và kim ngạch xuất khẩu, nguy cơ đánh mất thị trường. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam lại chưa quan tâm nhiều đến công cụ này để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình, thậm chí là rất... hờ hững.

Doanh nghiệp Việt hờ hững với phòng vệ thương mại trong WTO

Một Thế Giới | 14/11/2014, 06:33

Các vụ kiện phòng vệ thương mại trong WTO gây ra nhiều tác động xấu và thiệt hại lớn đến các doanh nghiệp xuất khẩu như giảm năng lực cạnh tranh và kim ngạch xuất khẩu, nguy cơ đánh mất thị trường. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam lại chưa quan tâm nhiều đến công cụ này để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình, thậm chí là rất... hờ hững.

Có rất ít doanh nghiệp bày tỏ sự quan tâm tại hội thảo “Kinh nghiệm ứng phó và sử dụng hiệu quả biện pháp phòng vệ thương mại và cơ chế giải quyết tranh chấp tại WTO”, do Cục Quản lý cạnh tranh tổ chức ngày 13.11 (TP.HCM). 
Theo quan sát, lúc mới bắt đầu hội thảo, nhiều người bước tới bàn đăng ký xong nhận tài liệu, mở ra xem rồi... ra về. Một số khác thì đợi đến lúc nghỉ giải lao, đi về. Vào phần hỏi đáp những khó khăn vướng mắc liên quan ở cuối buổi, chỉ duy nhất đại diện Tập đoàn Hoa Sen (Tôn Hoa Sen) có thắc mắc, nhưng cũng không nổi bật. Các doanh nghiệp còn lại đều im phăng phắc.
Đáng chú ý là mặc dù trong lịch trình hội thảo có thông báo sự chia sẻ kinh nghiệm thực tế của Tôn Hoa Sen khi lên tiếng mạnh mẽ chống lại việc chính phủ Indonesia tự ý ra văn bản quyết định áp dụng biện pháp tự vệ thương mại đối với sản phẩm tôn lạnh nhập khẩu vào nước này, mà không qua tham vấn trước với Chính phủ Việt Nam theo quy định của WTO (7.7.2014).
Nhưng từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc hội thảo, không thấy đại diện nào của Tôn Hoa Sen lên trình bày, ban tổ chức cũng không có lời giải thích.
Theo ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục quản lý cạnh tranh: “Các doanh nghiệp hầu như không quan tâm đến phòng vệ thương mại (Trade Remedies), chỉ đến khi bị kiện rồi mới la toáng ầm ĩ cả lên. 
Nhiều doanh nghiệp nói "cụm từ phòng vệ thương mại nghe chưa quen, khó hiểu và thấy nó cao siêu quá!”.
Cho đến nay, 3 pháp lệnh (chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ) trong phòng vệ thương mại đã có hiệu lực hơn 10 năm, nhưng mới chỉ chính thức điều tra 3 vụ việc đối với mặt hàng kính nổi, dầu thực vật tinh luyện và một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội.
Trên thế giới, các nước đang phát triển có nhiều điều kiện để áp dụng phòng vệ thương mại. Tuy nhiên, Việt Nam chưa được nhiều nước công nhận là nền kinh tế thị trường nên chịu nhiều thiệt thòi. Người ta áp dụng các điều kiện lấy từ nước thứ 3 và cho vào điều kiện của Việt Nam".
Một nguyên nhân nữa theo ông Nam, là do "cụm từ phòng vệ thương mại nghe chưa quen, khó hiểu và thấy nó cao siêu quá! Thực chất là áp dụng các biện pháp kỹ thuật thương mại để bảo hộ nền sản xuất thị trường trong nước, nói nôm na là bảo hộ nền sản xuất của doanh nghiệp trong nước”.
Ngoài ra, theo bà Nguyễn Chi Mai, Cục Quản lý cạnh tranh, khi đưa ra một vụ giải quyết tranh chấp phòng vệ thương mại trong WTO thì Việt Nam thường bị rào cản về ngoại giao, các nước gây khó dễ bằng cách kéo dài thời gian và đưa ra nhiều lý do để không tham gia vào giải quyết tranh chấp dẫn đến thiệt hại cho doanh nghiệp Việt.
Trong bối cảnh cạnh tranh của hàng Việt tại các thị trường ngoại đang gặp khó khăn bởi các biện pháp phòng vệ thương mại thì ngay tại thị trường trong nước, hàng Việt cũng đang có nguy cơ thất thủ. Mà đứng trước nguy cơ đó, Việt Nam lại càng cần chủ động để bảo vệ sản xuất, chứ không thể hờ hững mãi thế này!
Từ năm 1994-2013, Việt Nam đã phải đối mặt với 52 vụ điều tra chống bán phá giá bởi 15 nước khác nhau. Trong đó, số lượng các vụ việc mà sản phẩm là thép chiếm khoảng 15 vụ việc. Riêng trong 3 năm từ 2011 đến 2013, Việt Nam đã phải ứng phó với 8 vụ điều tra chống bán phá giá sản phẩm về thép.
Tính đến hết tháng 10.2014, con số các vụ kiện đã lên đến 80 vụ, trong đó doanh nghiệp Việt Nam bị điều tra chống bán phá giá chiếm đến 47 vụ. Các vụ kiện này có tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp. Các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao lớn như: cá tra, basa, tôm và da giày... đến các mặt hàng có kim ngạch thấp như ốc vít, sợi, máy biến thế... đều gặp nhiều khó khăn.
Trong thương mại quốc tế, các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ vốn được coi là 3 cột trụ của hệ thống các biện pháp phòng vệ thương mại và được áp dụng để bảo vệ thị trường nội địa trước sự thâm nhập của hàng hoá nước khác.
Theo Cục Quản lý cạnh tranh
Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào
Với mục tiêu không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan chủ động đánh giá, dự báo sát tình hình; xây dựng các phương án, kể cả phương án xấu nhất.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Doanh nghiệp Việt hờ hững với phòng vệ thương mại trong WTO