Reuters ngày 25.7 đưa tin vụ con đập phụ thuộc dự án đập thủy điện Xepian-Xe Nam Noy bị đổ sụp ở miền nam Lào đã khiến 19 người chết, hơn 3.000 người cần được cứu hộ.

19 người chết trong vụ vỡ đập thuỷ điện tại Lào

Trần Trí | 25/07/2018, 17:29

Reuters ngày 25.7 đưa tin vụ con đập phụ thuộc dự án đập thủy điện Xepian-Xe Nam Noy bị đổ sụp ở miền nam Lào đã khiến 19 người chết, hơn 3.000 người cần được cứu hộ.

Theo báo Vientiane Times ngày 24.7, một quan chức cấp huyện nói 19 thi thểđã được tìm thấy, hơn 3.000 người cần được cứu và khoảng 2.851 người dân làng đã được cứu.

Công tác giải cứu dân bị kẹt trong cơn lụt là rất khó khăn

Trước đó, một quan chức cấp cao của chính phủ Lào giấu tên - vì không được phép gặp giới truyền thông - nói khoảng chục người được cho là đã chết,sau khi con đậpphụ đang xây dở bị sập lúc 18 giờ tối 23.7, khiến 5 tỉ mét khối nước tràn xuống vùng quê lân cận.

Vị quan chức ở thủ đô Vientiane nói chuyện qua điện thoại với Reuters: “Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực trong ngày hôm nay nhưng điều kiện rất khó khăn. Hàng chục người chết và có thể số người chếtcòn tăng cao hơn nữa”.

Báo cáo của LHQ nêu số tử vong là 5 người, 34 người mất tích, 1.494 người được sơ tán, và 11.777 dân ở 357 làng bị ảnh hưởng, 20 ngôi nhà bị phá hủy, hơn 223 nhà và 14 cầu bị hư hại vì cơn lụt.

Chính quyền địa phương dùng xuồng tiến hành cứu các nạn nhân bị mắc kẹt trong vụ lụt. Hình ảnh ghi từ máy bay cho thấy toàn khu vực ngập nước bùn, chỉ còn trông thấy dân làng cùng con nhỏ đứng trên mái nhà.

Một số dân làng cũng chèo thuyền tìm chỗ an toàn ở tỉnh Attapeu phía nam Lào. Ít nhất 7 làng bị chìm trong cơn lụt và các chuyên gia nói sự hẻo lánh của khu vực bị lụt có thể cản trở hoạt động giải cứu.

Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith kêu gọi các cơ quan chính quyền, cảnh sát và quân đội giúp sức vào nỗ lực cứu hộ khẩn cấp ở tỉnh Attapeu thuộc đông nam Lào. Đây làtỉnh nông nghiệp giáp Việt Nam về phía đông và Campuchia về phía nam.

Công ty SK Engineering & Construction (Hàn Quốc) là đơn vị xây đập Xepian-Xe Nam Noy, nói các đợt mưa lớn cùng lũ lụt đã khiến con đập phụ bị sụp đổ, và công ty đang phối hợp với chính quyền Lào giúp cứu hộ dân làng sống gần đập này.

Người phát ngôn của công ty cho Reuters biết: “Chúng tôi đang điều hành đội cứu hộ khẩn cấp, lập kế hoạch giúp sơ tán và cứu dân ở các làng gần đập”.

Một quan chức công ty nói hôm 22.7 đã phát hiện ngay các vết nứt trên con đập phụ, và công ty đã ra lệnh sơ tán dân ở 12 làng ngay khi đoan chắc đập sẽ sập.

Giáo sư địa lý Ian Baird thuộc Đại học Wisconsin - Madison (Mỹ) và là một chuyên gia về Lào, nói vụ sập đập phụ không tác động đến các đập khác của dự án, nhưng phải đợi đến mùa khô mới có thể sửa đập, dù mực nước lụt đã hạ.

Hàn Quốc, Singapore và Thái Lan đã đề nghị giúp sức cứu hộ. Nhưng Giáo sư Baird nói khu vực hẻo lánh, cầu đường bị hư hỏng sẽ khiến rất khó tiếp cận những dân làng còn bị kẹt lại.

Đã có cảnh báo việc xây đập quá nhanh để Lào trở thành "cục pin của châu Á"

Theo Reuters, con đập phụ bị sụp trị giá 1,2 tỉ USD, thuộc dự án đập thủy điệnXepian-Xe Nam Noy, do Công ty điện lực Xe Pien-Xe Namnoy xây và liên doanh khai thác với nhiều công ty Lào, Thái Lan và Hàn Quốc. Đập phụ thuộc mạng lưới hai đập chính và 5 đập phụ.

Công trình này được khởi công năm 2013, dự kiến xây xong vào cuối năm 2018 và dự tính đưa vào hoạt động từ năm 2019.

Mục tiêu là đập thủy điện này sẽ trở thành một nguồn thu béo bở cho Lào, bằng cách xuất khẩu 90% sản lượng điện qua Thái Lan láng giềng.

Vẫn theo Reuters, Lào là một trong các nước nghèo nhất châu Á, không có biển và muốn trở thành “cục pin của châu Á” bằng cách bán điện cho các nước láng giềng, thông qua nhiều đập thủy điện.

Chính phủ Lào dựa mạnh vào các nhà thầu nước ngoài để xây các con đập, theo hình thức nhượng quyền thương mại, qua đó xuất khẩu điện đến các nước phát triển hơn Lào, trong đó cóThái Lan đang rất “đói” điện.

Kế hoạch của chính phủ Lào là trong 20 năm tới sẽ xây nhiều đập thủy điện lớn trên sông Mê Kông, chuyển Lào trở thành một trung tâm thủy điện, với 11 đập thủy điện lớn trên sông Mê Kông, cùng 120 đập phụ.

Nhưng các nhà bảo vệ môi trường đã liên tục báo động về các kế hoạch của chính phủ Lào sẽ tác động xấu đến cuộc sống của dân địa phương và môi trường thiên nhiên, từ việc xây các đập thủy điện quá nhanh, gồm tổn thất đã xảy ra với hệ sinh thái của các con sông trong khu vực.

Theo báo Vientiane Times, vào năm 2017, đập thủy điện 15 megawatt Nam Ao đã bị sập ở tỉnh Xieng Khuong (bắc Lào), và hậu quả là lụt nặng, “gây tổn thất nặng nề về người và tài sản”.

Tổ chức Các con sông Quốc tế - hoạt động kêu gọi ngưng xây các đập thủy điện “hủy diệt môi trường” ở Lào, nói vụ đập phụ bị sập phơi trần “các nguy cơ lớn” liên quan khâu thiết kế đập “không thể đối phó với điều kiện thời tiết cực đoan”.

Tổ chức này viết trong e-mail gởi Reuters: “Các sự cố thời tiết cực xấu và khó lường trước đang trở nên thường xuyên ở Lào cùng khu vực, vì sự thay đổi thời tiết. Nó cũng cho thấy sự thiếu hệ thống cảnh báo cho công tác xây dựng và quản lý đập thủy điện. Sự cảnh báo đến quá muộn, vô hiệu lực trong việc báo động trước cho dân biết, để bảo đảm an toàn tính mạng cho họ và gia đình họ”.

Hồi tháng 4, tổ chức này từng có báo cáo các đập thủy điệnở vùng hạ lưu sông Mê Kông là mối đe dọa nghiêm trọng cho khu vực này.

Báo cáo dự báo tác động xấu gồm nguồn cá sông giảm từ 30 đến 40 % từ năm 2040, giảm mạnh về sản lượng nông nghiệp và an ninh lương thực, và mức nghèo khổ tăng ở đa phần vùng chậu sông Mê Kông.

Theo tổ chức phi chính phủ TERRA (Thái Lan), Lào đã xây xong 11 đập thủy điện, và 11 đập khác đang xây dở, cùng hàng chục đập khác đã được lên kế hoạch xây dựng.

Bích Ngọc (theo Reuters)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
19 người chết trong vụ vỡ đập thuỷ điện tại Lào