Nhiều ý kiến cho rằng việc 2/3 số sinh viên muốn làm việc trong khu vực nhà nước là kết quả của sự kém năng động và thích an nhàn của sinh viên và phụ huynh Việt Nam. Nhưng liệu đó có phải là sự thực, hay chúng ta đang quá khắc nghiệt và thiếu đi một sự thấu hiểu cần thiết đối với thế hệ trẻ của đất nước?

2/3 sinh viên muốn làm việc trong khu vực nhà nước: Cần một sự thấu hiểu?

22/01/2017, 06:57

Nhiều ý kiến cho rằng việc 2/3 số sinh viên muốn làm việc trong khu vực nhà nước là kết quả của sự kém năng động và thích an nhàn của sinh viên và phụ huynh Việt Nam. Nhưng liệu đó có phải là sự thực, hay chúng ta đang quá khắc nghiệt và thiếu đi một sự thấu hiểu cần thiết đối với thế hệ trẻ của đất nước?

Một thông tin không lấy gì làm vui mừng trong những ngày đầu năm mới 2017, khi mà các nỗ lực cải cách kinh tế và khuyến khích khởi nghiệp thông qua chương trình “Quốc gia khởi nghiệp” đang được Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ với hy vọng nâng gấp đôi số doanh nghiệp hiện có từ nay đến năm 2020, là việc kết quả điều tra mới đây của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết: 2/3 sinh viên Việt Nam trong năm 2015 muốn làm việc trong khu vực nhà nước hơn, chủ yếu do sự hấp dẫn của công việc.

Việc khu vực nhà nước với ưu thế về sự ổn định và thu nhập khá luôn là một trong những sự lựa chọn hàng đầu của không ít sinh viên sau khi ra trường từ lâu đã không phải là điều gì lạ lẫm. Tuy nhiên việc có tới gần 2/3 số sinh viên được khảo sát lựa chọn muốn làm việc trong khu vực nhà nước thì lại là điều bất ngờ, nhất là khi triển vọng của kinh tế Việt Nam đang ngày càng được đánh giá cao hơn trong tương lai gần. Nhiều ý kiến cho rằng đó là kết quả của sự kém năng động và thích an nhàn của sinh viên và phụ huynh Việt Nam. Nhưng liệu đó có phải là sự thực, hay chúng ta đang quá khắc nghiệt và thiếu đi một sự thấu hiểu cần thiết với thế hệ trẻ của đất nước?

Con số gần 2/3 sinh viên Việt Nam được khảo sát trong năm 2015 muốn làm việc trong khu vực nhà nước được rút ra từ cuộc Điều tra chuyển tiếp từ trường học đến việc làm của ILO với khoảng 2.200 mẫu khảo sát (theo CafeF). Lý do chủ yếu là vì sự hấp dẫn của công việc ổn định và thu nhập khá từ khu vực này. Trên thực tế, việc khu vực nhà nước luôn nằm trong số những lựa chọn hàng đầu của sinh viên sau khi ra trường ở Việt Nam không phải điều gì quá xa lạ, và đúng là nó phản ánh phần nào thực trạng rằng sự kém năng động và thích an nhàn vẫn luôn là một điểm yếu cần khắc phục của sinh viên Việt Nam. Nhưng khi tỷ lệ sinh viên muốn làm việc trong khu vực nhà nước lên tới 2/3 số được khảo sát – một mức có thể xem là cao bất thường – thì có lẽ lời lý giải không chỉ nằm ở bản thân sinh viên và phụ huynh, những người luôn có xu hướng muốn con em mình có một công việc ổn định, nhàn nhã và thu nhập khá.

Trước hết, cần nhắc lại một số liệu cũng không lấy gì làm vui vẻ, đó là theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vào ngày 13.1 vừa qua, thì trong năm 2016 cả nước có tới 202.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Nếu tính cả số người thất nghiệp có chuyên môn kỹ thuật như trình độ cao đẳng chuyên nghiệp và trình độ trung cấp chuyên nghiệp, thì tổng số thất nghiệp có trình độ ở Việt Nam hiện nay khoảng gần 420.000 người (theo The Saigon Times). Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên luôn ở mức cao nhất, khoảng trên 7%. Có không ít tiếng nói đã đề cập đến chuyện nhiều cử nhân thạc sĩ có bằng cấp đã buộc phải quay lại các trường dạy nghề mới có hy vọng kiếm việc làm.

Trong bối cảnh thị trường việc làm cho lao động có trình độ đặc biệt là các cử nhân đang bấp bênh và khó khăn như vậy, thì cũng dễ hiểu vì sao nhiều sinh viên lại tỏ ý muốn được vào làm việc cho khu vực nhà nước vốn có ưu thế về sự ổn định. Đó là một lựa chọn hoàn toàn mang tính tất yếu và logic. Khi nền kinh tế tăng trưởng cao và ổn định, nhu cầu tuyển dụng lớn, thường sẽ xuất hiện dòng chảy dịch chuyển lao động từ khu vực nhà nước sang tư nhân có thu nhập cao hơn. Nhưng khi nền kinh tế bất ổn, tỷ lệ thất nghiệp cao, thì dòng chảy dịch chuyển lao động theo chiều ngược lại sẽ có xu hướng quay trở lại. Đó là điều hết sức bình thường.

Ngoài ra, bản báo cáo của ILO cũng chỉ ra một thực tế rằng, phần lớn nguyên nhân của tình trạng trên không hẳn là xuất phát từ phía sinh viên mà chủ yếu đến từ chất lượng đào tạo của hệ thống giáo dục và nhu cầu tuyển dụng hạn chế của các doanh nghiệp và nền kinh tế. Giám đốc ILO Việt Nam Chang-Hee Lee cho biết: “Doanh nghiệp đang chưa tận dụng hết tiềm năng, năng suất của nhiều lao động trẻ, mặt khác lại không thể hoạt động ở mức năng suất lao động tối đa của mình bởi họ tuyển dụng lao động thiếu khả năng. Sự không phù hợp với yêu cầu công việc có thể tạo ra gánh nặng lên từng cá nhân, doanh nghiệp và toàn xã hội” (theo CafeF).

Ngoài ra, chất lượng việc làm tương đối thấp cũng đang là trở ngại rất lớn đối với những lao động là cử nhân, thạc sĩ. Theo kết quả khảo sát của ILO, dù 58,6% lao động làm công việc được trả lương nhưng hơn 1/3 lao động trẻ vẫn đang phải làm những công việc dễ bị tổn thương như lao động tự làm hoặc lao động làm cho gia đình không được trả lương; và gần 1/2 thanh niên làm việc được trả lương nhưng không có hợp đồng bằng văn bản. Ngoài ra, khoàng 80% lao động trẻ làm các công việc phi chính thức – chủ yếu là những công việc thiếu tiếp cận bảo trợ xã hội và sự bảo vệ về pháp luật căn bản, cũng như các quyền lợi của người lao động (theo CafeF).

Rõ ràng, những con số thống kê nói trên đang vẽ ra một viễn cảnh thị trường việc làm không lấy gì làm hứa hẹn lắm với những sinh viên đang buộc phải lựa chọn tương lai cho mình. Lẽ tất yếu là phần lớn trong số họ sẽ lựa chọn khu vực nhà nước với ưu thế về sự ổn định và thu nhập khá dù có phải chấp nhận chạy chọt hay lo lót đi nữa. Đặc biệt là khi theo số liệu thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tính đến hết quý 2.2016, thì khu vực nhà nước vẫn đang có mức thu nhập bình quân tháng cao nhất (khoảng 6,72 triệu đồng), cao hơn cả khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (khoảng 5,53 triệu đồng) (theo The Saigon Times). Cứ so sánh những thống kê này, sinh viên Việt Nam nếu không lựa chọn khu vực nhà nước thì mới là có vấn đề.

Thật khó để có thể đòi hỏi sinh viên Việt Nam phải năng động và lựa chọn khởi nghiệp sau khi ra trường thay vì muốn vào làm việc trong khu vực nhà nước, khi mà chất lượng đào tạo của hệ thống giáo dục vẫn rất kém cỏi và sự bấp bênh của thị trường việc làm trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Xét về một khía cạnh khác, sinh viên cũng không phải là đối tượng phù hợp cho việc khởi nghiệp, khi đây là đối tượng thiếu cả vốn, tri thức lẫn kinh nghiệm (ngoại trừ một số ít có năng lực và sự năng động cần thiết). Thay vì đòi hỏi sinh viên phải năng động và không thích an nhàn, thì có lẽ chúng ta nên cải thiện chất lượng giáo dục và hoạt động của nền kinh tế ổn định hơn.

Nhàn Đàm

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Đa dạng hóa loại hình và nguồn lực cho đào tạo nhân lực bán dẫn
5 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là "đột phá của đột phá" trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
2/3 sinh viên muốn làm việc trong khu vực nhà nước: Cần một sự thấu hiểu?