Theo TS Lê Đăng Doanh, hội nhập là tất yếu, đã đến lúc ngành mía đường phải cơ cấu lại, nâng cao năng suất, giảm giá thành…
Ngành mía đường phải cơ cấu lại
Theo TS Lê Đăng Doanh, mía đường có quá trình phát triển 25 năm nhưng đứng trước ngưỡng cửa hội nhập lại đang phải đối mặt với những thách thức, khó khăn.
“Nguyên nhân vẫn là do năng lực cạnh tranh còn yếu cùng với đó là thiên tai, thời tiết, giá đường thế giới biến động giảm, buôn lậu và gian lận thương mại đường nhập lậu phức tạp… Đặc biệt, kể từ ngày 1.1.2020, thực thi cam kết tại Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), Việt Nam đã xóa bỏ hàng rào hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường từ các nước ASEAN, áp lực cạnh tranh đối với ngành mía đường ngày càng lớn”, ông Doanh nói.
Theo ông Doanh, ngành mía đường Thái Lan được quản lý bởi Luật Mía đường, được chính phủ hỗ trợ từ kiểm soát thị trường nội địa (hỗ trợ mức giá cố định, phân chia thị phần), kiểm soát nhập khẩu, trợ cấp xuất khẩu, hỗ trợ tài chính trực tiếp (1,3 tỉ/năm), tài trợ nợ vay, trợ cấp vốn đầu vào.
Đặc biệt, Thái Lan còn có chính sách chia tổng lượng đường sản xuất thành 3 hạn ngạch: quota A dành cho tiêu dùng nội địa, quota B là cơ sở để tính toán hỗ trợ cho nông dân trồng mía, quota C là phần thả nổi giá.
Về hỗ trợ nông dân trồng mía, Thái Lan sớm thành lập quỹ mía đường với khoản đóng góp căn cứ trên chính sản lượng bán ra ở doanh nghiệp phân phối lẫn các nhà sản xuất đường.
Cùng với đó là hàng loạt chính sách hỗ trợ như giá bán điện sinh khối từ bã mía là 13 cent/kWh (trong khi tại Việt Nam là 5,8 cent/kWh), giá xăng E5 - loại xăng có pha cồn với nguồn gốc từ rỉ mật của nhà máy mía đường ở Thái Lan, thấp hơn xăng A92 1.500 đồng, còn tại Việt Nam chỉ chênh lệch khoảng 800 đồng.
“Diện tích mía đường của Thái Lan gấp 5 lần Việt Nam nhưng sản lượng lại gấp 8 lần. Giá mía nguyên liệu của Thái Lan cũng rẻ hơn 30-40% so với giá mía của Việt Nam. Các doanh nghiệp đường Thái Lan tuy phá giá đường xuất khẩu nhưng vẫn đạt lợi nhuận nhờ kinh doanh đường ở thị trường nội địa”, ông Doanh nói và cho rằng, đường Thái Lan khi "đổ bộ" vào thị trường Việt Nam đã nhanh chóng chiếm được thị phần lớn.
Theo chuyên gia này, đã đến lúc ngành mía đường cần phải cơ cấu lại, nâng cao năng suất, đầu tư hiệu quả giảm giá thành để có thể cạnh tranh sòng phẳng.
“Cả khâu đầu tư gieo trồng lẫn chế biến của ngành mía đường đều phải tái cơ cấu lại. Nếu chúng ta chế biến tốt, rỉ đường và bã mía có thể làm ra sản phẩm được để kinh doanh có lãi và hạ giá thành. Các nước khác đều làm như vậy và kinh doanh rất tốt”, ông Doanh chia sẻ.
Theo ông Doanh, hiện nay, nhiều nhà máy mía đường thua lỗ là do năng suất quá thấp. Nếu các doanh nghiệp mía đường Việt không cải thiện phương pháp canh tác để nâng cao năng suất và chất lượng cây mía nhằm hạ giá thành, thì chắc chắn họ sẽ khó sống do không thể cạnh tranh.
"Hội nhập là điều tất yếu. Chúng ta hội nhập kinh tế quốc tế thì phải sống cùng quốc tế, phải chấp nhận cạnh tranh để phát triển. Không nên nghĩ rằng, các quy định nghiêm ngặt về chất lượng, tiêu chuẩn, môi trường trở thành rào cản hạn chế xuất khẩu, hay những chính sách ưu đãi đối với hàng nhập khẩu lại là rào cản đối với hàng nội địa. Doanh nghiệp phải xem đây là áp lực để tự thay đổi, tự lớn mạnh lên", ông Doanh nói.
Ông Lê Đăng Doanh cho rằng chúng ta cần có một số nhà máy then chốt, năng suất cao, vùng mía tập trung ở một số khu vực.
“Cạnh tranh dẫn đến phá sản là điều phải chấp nhận trong kinh tế thị trường, song phá sản không phải là "ngày tận thế" mà phá sản là sự "tàn phá sáng tạo" vì lao động, máy móc vẫn còn, một người chủ mới sẽ đầu tư công nghệ mới và "từ đống tro tàn sẽ có một con phượng hoàng bay lên", ông Doanh cho hay.
Theo TS Lê Đăng Doanh, ngoài những nỗ lực tái cơ cấu của ngành mía đường, thì vai trò của cơ quan quản lý cũng hết sức quan trọng.
"Cơ quan quản lý, cần nghiên cứu áp dụng các hàng rào kỹ thuật và các công cụ phòng vệ để kiểm soát đường nhập khẩu theo thông lệ quốc tế. Cùng với đó, tăng cường liên kết nông dân và doanh nghiệp chế biến. Xem xét phê duyệt giá điện được sản xuất từ bã mía một cách phù hợp", ông Doanh nhấn mạnh.
Ai chống lưng cho đường nhập lậu?
Ông Nguyễn Hồng Vân - ĐBQH tỉnh Phú Yên cho biết, chúng ta tham gia ATIGA từ 1.1.2020 nhưng đã rốt ráo kêu gọi từ năm ngoái. Thế nhưng, đến tháng 7.2020, Chính phủ mới ban hành Chỉ thị 28 về triển khai các giải pháp phát triển ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới nhằm đảm bảo điều kiện cạnh tranh công bằng cho ngành đường và nông dân trồng mía.
"Tôi cho rằng, động thái này là quá muộn. Cũng như các chính sach khác, Chính phủ rất quyết liệt nhưng các bộ ngành, địa phương vẫn diễn ra rất chậm. Như gói hỗ trợ 62.000 tỉ, 3 - 4 tháng trời vẫn không có ai tiếp cận được", ông Vân đánh giá và nhấn mạnh, chúng ta phải làm quyết liệt và làm ngay mới có thể cứu được ngành mía đường.
Ông Vân đặt vấn đề, hiện tại, 25/40 doanh nghiệp sản xuất đường còn hoạt động, như vậy đã có 15 doanh nghiệp đã đóng cửa, nếu như chúng ta nhập đường thô để chế biến, phân phối thì hàng triệu nông dân của chúng ta đi về đâu, họ có thể làm giàu trên mảnh đất của họ không? Việc phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu, tam nông có phát triển bền vững không, hay chỉ có các doanh nghiệp nhập khẩu còn lại hàng triệu nông dân rơi vào đường cùng?
Từ thực tế, vị ĐHQH tỉnh Phú Yên cho biết, ông ủng hộ giải pháp phòng vệ chống bán phá giá. Tuy nhiên, hiện tại chúng ta mới ở giai đoạn "khởi xướng". Hơn nữa, dù đã "khởi xướng" nhưng trong những tháng vừa qua thì đường nhập vẫn tăng.
"Vậy ai chống lưng cho vấn đề này?", ông Vân đặt câu hỏi và cho biết, từ nhiều kỳ chất vấn, các ĐBQH đã rất nhiều lần chất vấn Bộ Tài Chính và Bộ Công Thương liên quan đến vấn đề các chính sách thương mại, đặt vấn đề về câu chuyện buôn lậu… và Bộ Công Thương và Bộ Tài Chính cũng có nhiều chính sách đưa ra để hạn chế tình trạng gian lận thương mại, buôn lậu.
Tuy nhiên, theo ông Vân các chính sách này vẫn chưa đủ mạnh, những giải pháp các Bộ này đưa ra không căn cơ.