20 doanh nghiệp niêm yết có giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất đều đang chịu áp lực thanh khoản lớn trong 12 tháng tới khi dòng tiền yếu, áp lực nợ trái phiếu, nợ tín dụng lớn hơn dòng tiền tạo ra, trong khi các kênh huy động vốn gặp nhiều khó khăn.

20 doanh nghiệp niêm yết phát hành trái phiếu lớn nhất đều gặp áp lực thanh khoản lớn

Hoài Lam | 23/11/2022, 18:55

20 doanh nghiệp niêm yết có giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất đều đang chịu áp lực thanh khoản lớn trong 12 tháng tới khi dòng tiền yếu, áp lực nợ trái phiếu, nợ tín dụng lớn hơn dòng tiền tạo ra, trong khi các kênh huy động vốn gặp nhiều khó khăn.

Tổ chức phát hành là DN niêm yết: Chất lượng tín dụng thấp

Theo báo cáo “Tình hình giao dịch thị trường, năng lực tín dụng tổ chức phát hành và gợi ý phương án tái cơ cấu nợ trái phiếu” của FiinRatings, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) 10 tháng đầu năm đã giảm mạnh và chỉ đạt hơn 246,3 nghìn tỉ đồng, giảm gần 64,13% so với cuối năm 2021, trong đó có 236,8 nghìn tỉ phát hành riêng lẻ và gần 9,53 nghìn tỉ qua kênh chào bán ra công chúng.

Trái ngược với thị trường sơ cấp, thanh khoản thị trường thứ cấp 10 tháng đầu năm 2022 tăng gấp đôi so với mức giá trị giao dịch bình quân trong năm 2021. Điều này cho thấy quy mô của thị trường TPDN thứ cấp đang phát triển nhanh chóng kể cả về nhu cầu niêm yết TPDN lẫn nhu cầu mua bán của nhà đầu tư.

Về chất lượng tín dụng của tổ chức phát hành, FiinRatings cho hay, 20 tổ chức phát hành là doanh nghiệp niêm yết có giá trị phát hành lớn nhất đều đang chịu áp lực thanh khoản lớn trong ngắn hạn 12 tháng tới. Lý do là dòng tiền yếu và áp lực nợ trái phiếu và nợ tín dụng lớn hơn dòng tiền tạo ra trong khi các kênh huy động vốn đang gặp nhiều khó khăn.

“Rủi ro này cũng lớn hơn khi được đặt trong bối cảnh lãi suất tăng cao và nhiều ngành đang có triển vọng kém tích cực trong năm 2023”, FiinRatings nhận định.

Phân tích cụ thể hơn, FiinRatings cho biết, dựa vào báo cáo tài chính quý 3/2022 của nhóm 20 nhà phát hành niêm yết có số dư nợ trái phiếu lớn nhất, hệ số tổng vay nợ/vốn chủ sở hữu bình quân ở mức tương đối thấp là 1.0 lần, song hệ số nợ vay/EBITDA bình quân lại ở mức khá cao 6.99 lần.

“Chúng tôi muốn lưu ý rằng hệ số nợ vay thực tế của nhóm có thể cao hơn nếu bóc tách và điều chỉnh để tính thêm các khoản phải trả có tính chất trả lãi vay ví dụ các khoản hợp đồng hợp tác kinh doanh với đối tác hoặc khách hàng”, báo cáo nhấn mạnh.

Ngoài ra, tổng giá trị EBITDA của 20 doanh nghiệp này đang chỉ đáp ứng 63,15% số nợ vay đáo hạn trong 12 tháng tới (bao gồm cả vay ngân hàng lẫn vay TPDN). Một số nhà phát hành niêm yết sử dụng đòn bẩy không quá cao nhưng dòng tiền và năng lực tín dụng có dấu hiệu suy yếu, vài doanh nghiệp còn có khả năng đối mặt với rủi ro thanh khoản trong ngắn hạn nếu không duy trì được mức độ lợi nhuận hoặc các kênh huy động vốn mới vẫn khó khăn như hiện nay.

Kết quả đánh giá cũng cho thấy năng lực tín dụng dù gặp nhiều hạn chế trong điều kiện thị trường thách thức, song tỷ lệ chi trả lãi vay (“ICR”) bình quân của nhóm vẫn đạt 3.74 lần. Điều này đồng nghĩa vẫn có các doanh nghiệp sở hữu khả năng chống chịu tương đối tốt trong ngắn hạn và có thể khôi phục nếu vượt qua giai đoạn tới nếu như các kênh huy động vốn được khai thông.

tp-4.jpg
20 tổ chức phát hành là doanh nghiệp niêm yết có giá trị phát hành lớn nhất đều đang chịu áp lực thanh khoản lớn

Tuy nhiên, theo báo cáo này, dù sức khỏe tín dụng gặp hạn chế, nhiều doanh nghiệp vẫn có khả năng chống chịu tốt và có thể khôi phục nếu vượt qua giai đoạn tới.

Ngoài ra, nhà phát hành niêm yết nên thường xuyên thực hiện công bố thông tin định kỳ để nhà đầu tư có thể chủ động phần nào việc đánh giá cho các quyết định đầu tư, đặc biệt khi tình huống khi xảy ra vi phạm nghĩa vụ thanh toán.

Tổ chức phát hành là DN chưa niêm yết: Nhiều điểm mù thông tin

Với tổ chức phát hành là doanh nghiệp chưa niêm yết, mặc dù trái phiếu được sở hữu khá phổ biến bởi nhà đầu tư cá nhân nhưng thị trường vẫn tồn tại nhiều điểm mù về thông tin.

“Điều này đã góp phần tạo lên sự mất lòng tin và gây ra việc rút trước khi đáo hạn kể cả các trái phiếu của các doanh nghiệp được chúng tôi cho là rủi ro thấp và gây ra các hiệu ứng dây chuyền lên thị trường cổ phiếu và chứng chỉ quỹ trái phiếu”, FiinRatings nhận định.

Theo báo cáo này, trái chủ mua trung gian từ công ty chứng khoán (chiếm 22,49% cơ cấu nhà đầu tư) hầu như không thể tự đánh giá sức khỏe tín dụng và theo dõi được năng lực trả nợ của doanh nghiệp.

“Chúng tôi cho rằng giải pháp khả thi để giảm thiểu rủi ro TPDN là khuyến khích các nhà phát hành cung cấp bản cáo bạch (“OC”) đầy đủ cho các trái chủ, đồng thời các cơ quan quản lý cần làm việc với các chủ thể này nhằm ban hành các hướng dẫn cụ thể về xử lý vấn đề thanh toán trễ và thu xếp nợ TPDN”, FinRatings nêu.

Cũng theo FiinRatings, trong ngắn hạn tác động trực tiếp của trái phiếu sang chất lượng tín dụng của hệ thống ngân hàng sẽ thấp. Lý do là cơ cấu TPDN trong hệ thống ngân hàng vẫn còn tương đối khiêm tốn, với quy mô nắm giữ TPDN phi ngân hàng chiếm khoảng 2,47% trên tổng tài sản sinh lời.

Tuy nhiên, trường hợp kênh TPDN không được sớm khai thông và tâm lý nhà đầu tư không được cải thiện sẽ tạo ra vấn đề thanh khoản lớn hơn. Các sự kiện vi phạm trái phiếu có thể tạo ảnh hưởng dây chuyền sang hệ thống tín dụng ngân hàng bởi một doanh nghiệp có khả năng cao rơi vào nhóm nợ xấu nếu vi phạm nghĩa vụ nợ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
1 giờ trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
20 doanh nghiệp niêm yết phát hành trái phiếu lớn nhất đều gặp áp lực thanh khoản lớn