Năm 2022 ngành thuế đã hỗ trợ doanh nghiệp, người dân 233.000 tỉ đồng từ chính sách miễn giảm, giãn hoãn các loại thuế, phí.

Năm nay, hỗ trợ thuế-phí đạt kỷ lục 233.000 tỉ đồng

Tuyết Nhung | 22/11/2022, 20:39

Năm 2022 ngành thuế đã hỗ trợ doanh nghiệp, người dân 233.000 tỉ đồng từ chính sách miễn giảm, giãn hoãn các loại thuế, phí.

Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn đưa ra tại Hội nghị đối thoại về chính sách, thủ tục hành chính thuế, hải quan 2022 diễn ra hôm nay (22.11).

Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho biết trong suốt những năm qua, Bộ Tài chính luôn chủ động theo dõi sát diễn biến thực tế để nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp về gia hạn các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.

49a4d5cc-60bd-4ce5-bb92-31e6d934499c.jpeg
Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn

Bộ Tài chính cũng đã tiếp tục phối hợp với Bộ Kế hoạch - Đầu tư để đề xuất, tham mưu với Chính phủ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp về gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất.

“Đây là năm mà các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân về thuế, phí và lệ phí với quy mô lớn nhất, phạm vi áp dụng rộng nhất trong nhiều năm qua", Thứ trưởng Tuấn khẳng định.

Cũng theo Thứ trưởng Cao Anh Tuấn, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong năm 2022 nhưng nhờ triển khai có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ của cơ quan thuế - hải quan, cùng với sự nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, kết quả thu ngân sách nhà nước đạt những kết quả hết sức tích cực.

Theo đó, tổng thu thuế, phí trong nước 10 tháng năm 2022 đạt 107,2% so với cùng kỳ năm 2021. Có thể nhận thấy nguồn thu từ thuế, phí ngày càng bền vững và đảm bảo cho đầu tư phát triển, đảm bảo an sinh xã hội và an ninh quốc phòng.

Với những câu hỏi về lĩnh vực thuế, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Vũ Chí Hùng đã trả lời trực tiếp giải đáp những vướng mắc của các doanh nghiệp trong lĩnh vực thuế, hoàn thuế...

Trả lời câu hỏi của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và dịch vụ tổng hợp Nghệ An liên quan đến việc hoàn thuế xuất khẩu nói chung và hoàn thuế xuất khẩu tinh bột sắn, đại diện Tổng cục Thuế cho biết Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế đã trực tiếp trả lời các nội dung câu hỏi, vướng mắc của Hiệp hội Sắn Việt Nam về hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) mặt hàng tinh bột sắn.

Những doanh nghiệp được hoàn thuế GTGT nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện và thủ tục về hoàn thuế GTGT theo quy định của pháp luật. Đồng thời, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo Cục Thuế tỉnh Nghệ An phối hợp và làm việc với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để làm rõ những nội dung liên quan đến hồ sơ đề nghị hoàn thuế. Căn cứ trên kết quả xác minh, trả lời của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trường hợp nếu đủ kiện sẽ thực hiện hoàn thuế.

Về vấn đề trên, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn chia sẻ, đối với doanh nghiệp khó khăn thì Bộ Tài chính (cụ thể là Tổng cục Thuế) cũng có trách nhiệm và phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, không ai được phép làm sai quy định của pháp luật. Luật Quản lý thuế và Luật Thuế GTGT chỉ rất rõ có 2 loại "hoàn trước kiểm sau" và "kiểm trước hoàn sau". Khi có rủi ro thì hệ thống sẽ tự xác định là kiểm trước hoàn sau, do vậy các doanh nghiệp cũng cần chia sẻ với cơ quan thuế về việc thực hiện các quy định của pháp luật.

Liên quan đến vấn đề hóa đơn điện tử (HĐĐT), ông Đỗ Phương Nam - Kế toán trưởng Công ty cổ phần Nước sạch Hà Nội nêu thắc mắc về việc sử dụng hóa đơn có bảng kê. Theo quy định hướng dẫn bảng kê để kiểm tra, hóa đơn theo kỳ phát sinh được sử dụng bảng kê. Nhưng khái niệm “hóa đơn theo kỳ phát sinh” chưa rõ ràng nên công ty thắc mắc chi phí như chi hội nghị, hội thảo, chi phí ăn uống có được ghi theo bảng kê hay không, doanh nghiệp mong được hướng dẫn để tránh việc sai sót khi có đoàn kiểm tra.

“Công ty chúng tôi gặp vướng mắc trong HĐĐT vì không biết doanh nghiệp đầu vào có kê khai đúng hay không? Khi ngành thuế kiểm tra phát hiện, hóa đơn của doanh nghiệp đầu vào không đúng. Là doanh nghiệp nhà nước, nếu chỉ sai sót một vài lỗi sẽ ảnh hưởng xếp hạng doanh nghiệp. Chúng tôi rất mong ngành thuế có công cụ để kiểm tra hóa đơn doanh nghiệp đã chuẩn chỉnh hay chưa để chúng tôi truy cập”, ông Nam gửi thắc mắc tới đại diện Bộ Tài chính.

Trả lời câu hỏi này của doanh nghiệp, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Vũ Chí Hùng cho biết doanh nghiệp được phép dùng bảng kê và quy định cụ thể dịch vụ phát sinh như điện, nước, viễn thông, báo cáo chuyển phát, bảo hiểm… Những dịch vụ xuất theo kỳ phát sinh được sử dụng bảng kê đính kèm hóa đơn.

Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho biết doanh nghiệp ngành điện, nước không tiềm ẩn thất thu thuế GTGT nên được kê theo bảng kê. Thứ trưởng Tuấn cũng hoan nghênh ý kiến công ty nước sạch về rà soát hóa đơn rủi ro. Theo Thứ trưởng Tuấn, từ ngày 1.7.2022 cả nước chuyển sang HĐĐT với 2 loại có mã và không mã. Hóa đơn có mã, doanh nghiệp có thể tra cứu luôn trên cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế để quản trị rủi ro.

“Công ty nước sạch quản trị tốt đầu vào, công khai minh bạch với đối tác hàng thật, dịch vụ thật và quản trị nội bộ rủi ro tốt sẽ xử lý tình trạng này. Chúng tôi đang tiếp tục xây dựng phần mềm quản trị rủi ro để giúp cảnh báo cho doanh nghiệp”, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho biết.

Bài liên quan
Mỗi lít xăng bán ra thị trường gánh bao nhiêu thuế phí?
Mỗi lít xăng bán ra thị trường đang "gánh" hơn 40% chi phí các loại thuế phí.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
1 giờ trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Năm nay, hỗ trợ thuế-phí đạt kỷ lục 233.000 tỉ đồng