Mục tiêu của Techfest 2017 là thu hút từ 4.000 đến 4.500 người tham dự, 200 doanh nghiệp khởi nghiệp, 130 nhà đầu tư và quỹ đầu tư quốc tế, 80 doanh nghiệp cùng các tập đoàn kinh tế lớn và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp.

200 doanh nghiệp khởi nghiệp, 130 nhà đầu tư và quỹ đầu tư quốc tế tham dự Techfest 2017

Thu Anh | 14/11/2017, 15:15

Mục tiêu của Techfest 2017 là thu hút từ 4.000 đến 4.500 người tham dự, 200 doanh nghiệp khởi nghiệp, 130 nhà đầu tư và quỹ đầu tư quốc tế, 80 doanh nghiệp cùng các tập đoàn kinh tế lớn và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp.

Ngày 14.11 tại Hà Nội, Bộ KH&CN cùng các đối tác trong nước và quốc tế tổ chức Ngày hội Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo quốc gia (Techfest Việt Nam 2017) lần thứ 3 với chủ đề: “Kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”.

Techfest 2017 được tổ chức theo các làng khởi nghiệp với 6 lĩnh vực tiềm năng: Cộng đồng tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp; Nông nghiệp; Giáo dục; Du lịch và Dịch vụ ẩm thực; Y tế; Công nghệ mới.

Nhiều thương vụ gọi vốn thành công

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Chu Ngọc Anh – Bộ trưởng Bộ KH&CN chia sẻ: “Trong 1 năm qua, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Với vai trò là cơ quan đầu mối triển khai Đề án 844, Bộ KH&CN đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành từ TƯ đến địa phương, cùng thúc đẩy sự phát triển của phong trào khởi nghiệp ĐMST”.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng dẫn chứng sự kiện Diễn đàn khởi nghiệp APEC được tổ chức tại TP.HCM với sự tham gia của của gần 30 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, hơn 30 nhà đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm…Tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam 2017 cũng đã dành một phiên chuyên đề về Khởi nghiệp ĐMST.

Thiết bị bay siêu nhẹ ứng dụng trong nông nghiệp công nghệ cao được giới thiệu tại Techfest 2017 - Ảnh: Thu Anh

Theo Bộ trưởng, Việt Nam đã có các chương trình hợp tác với các quốc gia có hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển như Phần Lan, Israel, Hoa Kỳ, Singapore, qua đó giúp Việt Nam tích lũy được những kinh nghiệm quý giá từ các mô hình hỗ trợ khởi nghiệp tiên tiến, tìm kiếm các cơ hội hợp tác, kết nối với các đối tác kinh doanh và các nhà đầu tư tiềm năng.

Năm 2017, hành lang pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST cũng đã được hoàn thiện thêm một bước sau khi Quốc hội thông qua Luật Chuyển giao công nghệ 2017, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, có nhiều quy định mới hỗ trợ cho khởi nghiệp ĐMST. Cùng với các hoạt động hợp tác hỗ trợ như trên, năm 2017,hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tại Việt Nam đã có những bước phát triển mới.

Cụ thể, Bộ trưởng nêu ra những ví dụ như trong năm 2016 – 2017, hoạt động của các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST Việt Nam diễn ra rất sôi động. Chỉ tính riêng 5 thương vụ kêu gọi vốn thành công nhất đã có tổng giá trị đến 50 triệu USD (Momo 28 triệu USD, F88 10 triệu USD, Got it! hơn 9 triệu USD, Vntrip.vn 3 triệu USD, Toong 1 triệu USD).

Mới nhất là doanh nghiệp Foody – mạng xã hội về ẩm thực đã được SEA mua lại hơn 82% cổ phần với giá hơn 64 triệu USD, được coi là khoản đầu tư lớn nhất trong năm 2017 tính đến thời điểm hiện tại. Những dòng tiền lớn đã và đang chảy vào startup Việt.

Mạng lưới nhà đầu tư tăng cao

Theo thông tin từ Bộ KH&CN, hơn 900 dự án khởi nghiệp được ươm tạo với 300 sản phẩm khởi nghiệp đã được kết nối đến với cộng đồng và các quỹ đầu tư. Hơn 40 quỹ đầu tư mạo hiểm đã có hoạt động tại Việt Nam, có 24 cơ sở ươm tạo (BI), 10 tổ chức thúc đẩy kinh doanh (BA) và nhiều mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp được hình thành.

Ngoài ra, nhiều tập đoàn, công ty lớn, ngân hàng lớn của Việt Nam đã tham gia thành lập các Quỹ đầu tư như Quỹ sáng tạo CMC, FPT Ventures, Viettel Ventures hay Quỹ tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam (VIISA) hoạt động với 4 nhà đầu tư chính là FPT, Dragon Capital Group, Tập đoàn Hanwha (Hàn Quốc) và Công ty cổ phần chứng khoán BIDV.

Các doanh nghiệp startup đang giới thiệu sản phẩm - Ảnh: Thu Anh

Hiện các nhà đầu tư ở Việt Nam cũng đã bắt đầu kết nối, hình thành một số câu lạc bộ, mạng lưới đầu tư cho khởi nghiệp ĐMST. Điển hình như VIC Impact, Hatch!, Angel Network, Angel4us… Về mặt nhân lực hỗ trợ khởi nghiệp, huấn luyện viên, cố vấn khởi nghiệp cũng tăng về số lượng và bắt đầu có sự liên kết.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, Việt Nam vẫn là quốc gia có xuất phát điểm thấp, nguồn lực đầu tư cho giáo dục khởi nghiệp, cho nghiên cứu khoa học phát triển chưa cao. Các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST tuy đã được hình thành nhưng cần phát triển mạnh mẽ hơn và nên tập trung hỗ trợ cho sinh viên, giới trẻ để hình thành, nuôi dưỡng và hoàn thiện các ý tưởng sáng tạo.Bên cạnh đó, văn hóa khởi nghiệp, văn hóa ĐMST cần được phát triển để khuyến khích các bạn trẻ có tư duy sáng tạo, có khát vọng bắt tay vào hành động, dám chấp nhận rủi ro để từ đó biến ước mơ của mình thành hiện thực.

Thu Anh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
9 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
200 doanh nghiệp khởi nghiệp, 130 nhà đầu tư và quỹ đầu tư quốc tế tham dự Techfest 2017