Sau nhiều năm đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), Việt Nam chủ yếu tham gia vào những mắt xích có giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi giá trị toàn cầu, đa phần thâm dụng lao động và yêu cầu kỹ thuật thấp.
Tài chính và đầu tư

35 năm thu hút FDI, Việt Nam vẫn chủ yếu ‘góp mặt’ ở những mắt xích có giá trị gia tăng thấp

Lam Thanh 03/02/2024 13:45

Sau nhiều năm đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), Việt Nam chủ yếu tham gia vào những mắt xích có giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi giá trị toàn cầu, đa phần thâm dụng lao động và yêu cầu kỹ thuật thấp.

Chuyển giao công nghệ giữa DN FDI và DN trong nước còn yếu

Việt Nam đã thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) trong suốt hơn 30 năm, trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Từ năm 1987 và Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987, FDI đã không ngừng tăng, đặc biệt sau gia nhập WTO và khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009. Tính lũy kế trong 35 năm, Việt Nam đã thu hút gần 438,7 tỉ USD vốn FDI.

Theo Báo cáo liên kết chuỗi giá trị của doanh nghiệp (DN) Việt Nam tới chuỗi giá trị toàn cầu do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), khu vực DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã đóng vai trò quan trọng trong việc đưa Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu và nâng cao năng lực sản xuất.

Đặc biệt, sự hiện diện của các tập đoàn đa quốc gia trong khu vực này đã góp phần thúc đẩy chuyển giao công nghệ và kỹ năng quản lý, nâng cao trình độ công nghệ của người Việt Nam, đồng thời tăng năng suất lao động và cải thiện năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Ngoài ra, khu vực FDI cũng đã trở thành đầu tàu dẫn dắt xuất khẩu của Việt Nam, với tỷ trọng ngày càng tăng trong tổng kim ngạch xuất khẩu.

Trong giai đoạn từ năm 2011 đến 2020, tỷ trọng xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam đã đạt khoảng 35,9%; tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu qua chế biến trong tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam cũng tăng lên đáng kể. Đây cũng là một tín hiệu tích cực, thể hiện sự chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam theo hướng nâng cao giá trị gia tăng.

fdi-1.jpeg
Chuyển giao công nghệ giữa DN FDI và DN trong nước còn yếu

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra, dù Việt Nam đã thu hút nhiều FDI, nhưng chuyển giao công nghệ giữa các DN FDI và DN trong nước vẫn còn yếu. Theo đó, đa số DN FDI tại Việt Nam là 100% vốn nước ngoài và tập trung vào tận dụng chi phí về nhà xưởng, lao động và các ưu đãi về thuế thay vì phát triển chuỗi cung ứng.

Số lượng DN FDI chiếm tỷ lệ lớn trong việc thực hiện chuyển giao công nghệ tại Việt Nam. Các hợp đồng chuyển giao công nghệ chủ yếu là từ công ty mẹ tại nước ngoài cho công ty con tại Việt Nam. DN Việt Nam tham gia trực tiếp ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ với đối tác nước ngoài chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Một số ngành công nghiệp Việt Nam vẫn đang sử dụng công nghệ lạc hậu, và chỉ có một số ngành như da giày đã đạt được tỷ trọng công nghệ cao cấp hơn.

Về trình độ công nghệ và đổi mới sáng tạo, Việt Nam đứng ở vị trí thấp (thứ 90/100), trong đó công nghệ nền tảng thứ 92/100, năng lực đổi mới sáng tạo thứ 77/100, FDI và chuyển giao công nghệ xếp thứ 73/100 (World Economic Forum, 2019).

Do đó, tỷ lệ giá trị sản phẩm công nghệ trung bình và cao cấp của Việt Nam chỉ chiếm 30% trong tổng giá trị xuất khẩu, trong khi các nước trong khu vực là 80%, thấp như Philippines cũng chiếm 50%. Điều này cho thấy Việt Nam cần nỗ lực hơn để nâng cao trình độ công nghiệp hóa và chuyển giao công nghệ.

“Liên kết ngược” là chủ yếu

Báo cáo cũng nêu, cho tới thời điểm hiện tại, khả năng tham gia cung ứng đầu vào cho DN FDI của các DN nội địa Việt Nam còn hạn chế, đặc biệt là cung ứng cho các tập đoàn lớn. Trong khi 90% DN FDI tại các nước Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan sử dụng nguồn đầu vào trong nước thì tại Việt Nam chỉ chiếm khoảng 60%.

Đáng chú ý, báo cáo đánh giá sau nhiều năm đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam chủ yếu tham gia vào những mắt xích có giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi giá trị toàn cầu, đa phần thâm dụng lao động và yêu cầu kỹ thuật thấp. Chính vì vậy, liên kết ngược là hình thức phổ biến trong chuỗi giá trị.

Cụ thể, liên kết ngược là Việt Nam chưa tham gia được vào hệ sinh thái và chuỗi giá trị của các DN đầu chuỗi và DN nước ngoài. Các DN FDI hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao thường có xu hướng nhập hàng hóa đầu vào từ nước xuất xứ của mình hơn là các DN FDI hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thấp và có xu hướng sử dụng nhà cung cấp tư nhân trong nước ít hơn.

Ví dụ như các DN Nhật Bản, một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, mua sắm khoảng 32,6% các dịch vụ và sản phẩm đầu vào từ các nhà cung cấp địa phương. Con số này thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp FDI của Nhật tại các nước láng giềng, ví dụ như Trung Quốc (67,8%), Thái Lan (57,1%) và Indonesia (40,5%).

fdi-2.jpeg
Việt Nam vẫn chủ yếu ‘góp mặt’ ở những mắt xích có giá trị gia tăng thấp

So với liên kết ngược, khả năng hình thành các liên kết xuôi sẽ hơn vì tỷ lệ DN FDI mua đầu vào trong nước nhiều hơn là cung cấp đầu vào cho các doanh nghiệp trong nước.

“Có tới gần 30% các DN FDI hoàn toàn xuất khẩu, không cung cấp sản phẩm cho thị trường trong nước vì thế không có bất kỳ một cơ sở nào để hình thành liên kết xuôi trong nước. Và trong số gần 70% doanh nghiệp FDI có cung ứng sản phẩm cho thị trường trong nước thì chưa đến 20% DN hoàn toàn không có hoạt động xuất khẩu”, báo cáo chỉ ra.

Theo đó, tỷ lệ DN Việt Nam mua đầu vào từ các DN trong nước là khá cao. Chỉ có khoảng gần 3% DN nhập khẩu trực tiếp đầu vào từ nước ngoài, còn lại thì mua từ các DN Việt Nam hoặc FDI. Như vậy có thể thấy rằng mức độ liên kết xuôi còn khá ít và lỏng lẻo.

Bài liên quan
Tập trung thu hút các dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao
Thủ tướng yêu cầu tập trung xúc tiến, thu hút các dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao, nhất là đối với phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn, hydrogen...

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Khánh thành và khai thác cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo, Diễn Châu – Bãi Vọt
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Chiều 28.4, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với UBND các tỉnh Ninh Thuận, Nghệ An, Hà Tĩnh tổ chức lễ khánh thành Dự án đường bộ cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo và thông xe đưa vào khai thác dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
35 năm thu hút FDI, Việt Nam vẫn chủ yếu ‘góp mặt’ ở những mắt xích có giá trị gia tăng thấp