Một số doanh nghiệp đã trúng thầu cung cấp gạo dự trữ nhưng lại bỏ hợp đồng cung cấp gạo dự trữ quốc gia và có tên trong danh sách đăng ký tờ khai xuất khẩu gạo tháng 4 lên tới hàng chục nghìn tấn.
Vấn đề nhiều doanh nghiệp hủy hợp đồng cấp gạo dự trữ quốc gia để gia tăng xuất khẩu trong lúc dịch bệnh đang diễn biến căng thẳng đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận thời gian gần đây.
Ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Giám sát quản lý hải quan (Tổng cục Hải quan), cho biết qua rà soát số lượng doanh nghiệp đăng ký tờ khai xuất khẩu gạo ngày 12.4, có những doanh nghiệp trúng thầu dự trữ quốc gia mặt hàng gạo nhưng không đến ký hợp đồng hoặc từ chối ký hợp đồng cung cấp gạo dự trữ quốc gia. Tuy nhiên, trên tờ khai đăng ký xuất khẩu, các doanh nghiệp này đăng ký lên tới hàng nghìn tấn gạo.
Ông Tuấn dẫn thông tin từ Tổng cục Dự trữ cho biết Tổng công ty Lương thực miền Bắc trúng thầu 4.500 tấn gạo nhưng đến nay chưa ký hợp đồng nhưng lại đăng ký xuất khẩu 8 tờ khai với số lượng 7.200 tấn. Công ty TNHH Phát Tài trúng thầu 17.940 tấn gạo dự trữ quốc gia nhưng cũng đăng ký 5 tờ khai xuất khẩu với tổng khối lượng hơn 13.000 tấn.
Công ty CP Vĩnh Tường và Công ty CP xuất nhập khẩu Thuận Ninh cũng đăng ký tờ khai xuất khẩu trên 10.000 tấn gạo. Cả hai doanh nghiệp này đều trúng thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia nhưng cũng chưa ký hợp đồng.
Trong khi đó, ông Đỗ Việt Đức - Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước (Bộ Tài chính) cho biết từ ngày 12.3, đơn vị này đã mở thầu cung cấp 190.000 tấn gạo dự trữ quốc gia cho năm nay nhưng so với kế hoạch thu mua gạo dự trữ của Thủ tướng đặt ra, hiện nay Dự trữ Nhà nước mới chỉ mua được 4%, tương ứng với khoảng 7.700 tấn gạo dự trữ.
Nói về nguyên nhân khiến doanh nghiệp bỏ hợp đồng, ông Đức cho biết do doanh nghiệp bị tác động mạnh từ diễn biến thị trường giá tăng, nguồn cung không đảm bảo nên không mua được gạo, không cung ứng được.
"Không đủ số lượng cung ứng gạo thì chắc chắn phải đấu thầu lại không có cách nào khác, doanh nghiệp bỏ hợp đồng khi đã trúng thầu sẽ bị xử lý theo quy định của Luật Đấu thầu. Có khoảng 27 doanh nghiệp đã trúng thầu nhưng đến nay có hơn 20 đơn vị không ký hợp đồng hoặc từ chối ký hợp đồng cung cấp gạo dự trữ quốc gia. Sắp tới, chúng tôi sẽ báo cáo cấp trên về việc hủy đợt thầu vừa diễn ra", ông Đức nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan cho rằng doanh nghiệp phải thực hiện hợp đồng cung ứng gạo dự trữ quốc gia khi Chính phủ yêu cầu, sau đó mới được tham gia đấu thầu hạn ngạch xuất khẩu gạo. Vì vậy, Bộ Công Thương thay vì phân bổ hạn ngạch với một tổng lượng gạo cố định hàng tháng thì nên đấu giá hạn ngạch nhằm đảm bảo công bằng, quyền lợi cho các doanh nghiệp và đặc biệt là đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Tuyết Nhung