Thời tiết mùa hè khô hanh khiến ta ngột ngạt, khó chịu và biếng ăn. Vậy nên, các bà nội trợ hãy nhanh chóng bổ sung vào khẩu phần ăn hàng ngày cho gia đình những món canh giải nhiệt giàu dinh dưỡng để cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho cơ thể.
Canh cua rau đay (rau mồng tơi, rau muống)
Canh cua là món ăn mát và dễ ăn vào bất kỳ mùa nào trong năm, đặc biệt vào mùa hè, vì vậy, món này không thể thiếu trong thực đơn hàng tuần của nhiều gia đình.
Nguyên liệu:
Mua 3 - 5 lạng cua đồng, rửa sạch, xé bỏ mai yếm, giã nhuyễn lọc lấy nước (khoảng 2 - 3 lít); ngoáy lấy gạch cua để riêng ra một bát con. Rau đay, (rau mồng tơi, hay rau muống) rửa sạch thái nhỏ. Mướp một quả gọt vỏ, bổ dọc, thái miếng chéo. Rau rút một bó nhỏ, rửa sạch ngắt đoạn ngắn 2-3cm.Mắm tôm 1 thìa canh, một chút muối và dầu ăn.
Cách nấu:
Tra mắm tôm, một chút muối vào nước lọc cua rồi cho lên bếp đun sôi nước canh, bỏ rau và mướp vào tiếp tục đun sôi chừng 5- 7 phút. Cho rau rút vào, sôi đều là bắc nồi canh ra. Dùng dầu ăn xào chín gạch cua đổ vào nồi canh. Nêm thêm nước mắm hoặc muối cho vừa ăn.
Canh hến nấu bầu
Theo Đông y, thịt hến vị ngọt mặn, tính hàn, không độc, có tác dụng hoạt tràng, thông khí, mát gan, thanh nhiệt giải độc, lợi tiểu.Món canh này, có tác dụng thanh nhiệt, giải khát.
Nguyên liệu:
Hến sông 1 - 2 kg, bầu sao hay bầu trắng 1 quả non, mỡ, mắm, muối, hành, thì là và gia vị vừa đủ.
Cách nấu:
Hến rửa sạch luộc lấy nước, đãi lấy thịt để riêng.
Đun nước luộc hến đến sôi, thả bầu đã băm hoặc thái chỉ vào đến khi miếng bầu trong, hết đục (hơi sủi tăm) cho hành và thì là thái khúc vào.
Đun sôi mỡ, thả hành thái vào, đến khi có mùi thơm (phi hành) thì cho thịt hến vào, cho mắm muối gia vị vừa đủ, đảo đều đến khi thịt hến săn lại. Hến xào để riêng hoặc cho vào canh trên.
Canh nghêu thì là
Món canh có vị khế chua, nghêu tươi, hương thơm của thì là giúp bữa cơm gia đình phương Nam bớt nóng nực.
Nguyên liệu:
Nghêu: 1 kg
Thì là: 50 gram
200 gram cà chua
100 gram khế
Hành tím, ớt, muối, bột ngọt, dầu ăn.
Cách làm:
Ngâm nghêu trong nước gạo khoảng một tiếng để nghêu nhả bớt cát.
Thì là nhặt sạch, cắt khúc khoảng 4 cm.
Cà chua bổ múi cau
Khế xắt lát mỏng.
Cho nghêu vào nồi, đổ nước ngập nghêu. Luộc nghêu trên bếp đến khi thấy nghêu há miệng thì tắt bếp.
Chắt lấy nước nghêu, bỏ cặn. Tách lấy ruột nghêu. Phi thơm hành, xào nghêu với ít tiêu, bột ngọt.
Phi thơm hành, cho cà chua vào xào đều. Khi cà chua gần chín, cho khế vào, đảo nhanh khế khoảng một phút thì cho nghêu vào.
Cho hành khô vào phi thơm, cho cà chua vào xào gần chín. Cho khế vào, sau đó cho nghêu và nước luộc nghêu vào. Khi nước sôi bùng lên, nêm vừa ăn. Cuối cùng cho thì là và hành lá vào.
Canh rau dền nấu tôm tươi
Theo Đông y, rau dền cơm vị ngọt tính hàn. Rau dền tía vị ngọt mát, có tác dụng thanh nhiệt, mát gan, ích khí và khai khiếu. Tôm chứa nhiều protein, chứa nhiều hemoglobin, có tác dụng chống thiếu máu. Cơ thể sẽ dễ hấp thụ hemoglobin trong tôm có tác dụng bổ sắt hiệu quả. Món canh này có tác dụng mát bổ, kích thích tiêu hóa.
Nghiên cứu mới đây cho biết, rau dền có khả năng tăng thải trừ chất phóng xạ, thanh thải chất độc vì có nhiều sterol, các acid béo không no.
Nguyên liệu:
1 bó rau dền; 150 g tôm sú, hạt nêm, đường, muối, hành.
Cách chế biến:
Rau dền nhặt bỏ lá sâu, cọng già, rửa qua nước muối pha loãng, sau đó rửa lại bằng nước sạch rồi vớt ra để ráo nước. Tôm lột bỏ vỏ, rửa sạch, giã hơi dập với đầu hành.
Phi thơm dầu, cho tôm vào xào sơ với ít hạt nêm, muối, đường. Cho nước vào đun sôi, cuối cùng cho rau dền vào, nêm lại gia vị cho vừa ăn rồi tắt bếp. Lưu ý khi cho rau vào thì không đậy nắp để rau không bị thâm đen.
Lam An (t/h)