Nỗ lực chế tạo vắc xin ngừa COVID-19 được thực hiện với tốc độ nhanh chưa từng có. Nhưng đây không phải nhiệm vụ dễ dàng và đi kèm nhiều vấn đề.

5 câu hỏi quan trọng về vắc xin COVID-19

12/08/2020, 08:10

Nỗ lực chế tạo vắc xin ngừa COVID-19 được thực hiện với tốc độ nhanh chưa từng có. Nhưng đây không phải nhiệm vụ dễ dàng và đi kèm nhiều vấn đề.

Nhiều quốc gia nỗ lực phát triển vắc xin ngừa COVID-19 - Ảnh: Channel News Asia

Hiện toàn thế giới có ít nhất 165 ứng viên. Mỹ, Anh, Ấn Độ, Trung Quốc, Singapore, Việt Nam,… đều tham gia cuộc đua. Gần 30 dự án bước vào giai đoạn thử nghiệm trên người, các nhà khoa học hy vọng vắc xin sẽ sẵn sàng vào năm 2021.

Mục tiêu 2021 có vắc xin khả thi không?

Tổng giám đốc Viện nghiên cứu Vắc xin quốc tế (IVI) Jerome Kim cho biết 6 ứng viên đang ở giai đoạn thử nghiệm thứ ba và tất cả đều rất tiềm năng.

“Vắc xin tạo ra phản ứng miễn dịch một cách đúng đắn, bảo vệ khỉ khỏi lây nhiễm. Rất nhiều bằng chứng cho thấy chúng cung cấp sự bảo vệ trong thời gian ngắn. Tuy vậy ta phải cẩn thận, lúc này cần đảm bảo rằng sử dụng vắc xin trên người cũng đạt hiệu quả tương tự”, theo Tổng giám đốc Kim.

Ông lấy ví dụ sản phẩm của đại học Oxford nhận tài trợ từ hãng AstraZeneca. Kết quả thử nghiệm trên 1.000 tình nguyện viên cho thấy vắc xin này tạo phản ứng miễn dịch mạnh mẽ.

Giáo sư Ooi Eng Eong thuộc trường Y đại học quốc gia Singapore cũng nhận định đội ngũ Oxford có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu nhiều loại vi rút tương tự như Hội chứng Hô hấp Trung Đông, Ebola, Chikungunya, vì vậy khả năng vắc xin COVID-19 của họ được cơ quan quản lý nhanh chóng cấp phép rất cao.

Tổng thư ký Liên minh Dược phẩm Ấn Độ Sudarshan Jain thừa nhận vi rút gây COVID-19 rất xảo quyệt, khiến các hãng dược chưa thể hiểu hết về chúng. Tuy nhiên khi toàn ngành cùng nhau đương đầu thử thách thì năm sau hoàn toàn có thể có 4 - 5 vắc xin.

Tổng giám đốc Kim đánh giá: “Nếu mọi thứ diễn ra bình thường, cuối năm nay ta sẽ có thông tin về ít nhất 1 loại vắc xin”.

Vắc xin của đại học Oxford là ứng viên sáng giá - Ảnh: ABC News

Vắc xin an toàn không?

Theo Tổng giám đốc Kim, câu hỏi quan trọng hơn chính là có đủ dữ liệu chứng minh vắc xin COVID-19 an toàn hay không, vì quy trình phát triển thông thường mất từ 5 - 10 năm nhưng nay các hãng dược đẩy nhanh tiến độ chỉ còn 6 tháng.

Ông cho rằng cần tiến hành hàng nghìn đánh giá an toàn thì mới đáng tin. Tuy nhiên trong ngắn hạn khi vắc xin được cấp phép sử dụng khẩn cấp hoặc được chấp thuận tung ra thị trường, sẽ chẳng thể nào có đủ dữ liệu chứng minh độ an toàn như thông thường. Vì vậy đơn vị phát triển nên theo dõi tình nguyện viên (cả nhóm tiêm vắc xin lẫn nhóm tiêm giả dược) trong thời gian lâu hơn: 2 hoặc 3 năm để đảm bảo không phát sinh tác dụng phụ đáng kể.

Giáo sư Ooi cũng nhấn mạnh giữa “nhanh” và “an toàn” thì “an toàn” quan trọng hơn, nhưng hai yếu tố không loại trừ lẫn nhau. Quá trình phát triển vắc xin COVID-19 có thể được rút ngắn nhờ nhiều nghiên cứu tích lũy qua hàng thập kỷ nay.

Quốc gia nào cũng được tiếp cận vắc xin?

Vấn đề vắc xin không chỉ liên quan đến khoa học mà còn liên quan đến chính trị.

Mỹ trước đó bị chỉ trích khi cố gắng mua độc quyền vắc xin Đức và Pháp. Giáo sư Ooi chỉ ra rằng lý do để tư lợi là rất rõ ràng: quốc gia sở hữu và tiêm phòng vắc xin COVID-19 sớm hơn sẽ thoát tình trạng phong tỏa sớm hơn, phục hồi nhanh hơn.

“Chắc chắn phải có yếu tố chính trị. Công dân ở quốc gia đang phát triển vắc xin sẽ yêu cầu ưu tiên cho trong nước”, theo Tổng thư ký Jain. Tuy nhiên ông tin tưởng khi nhiều loại vắc xin xuất hiện thì nguồn cung sẽ dồi dào.

Ngoài ra, hiện nay đã có một số cuộc thảo luận nhằm tránh để xảy ra chuyện tích trữ vắc xin. Đối thoại giúp đảm bảo phân phối công bằng (dù không thể nào hoàn hảo 100%).

Vào tháng 5, Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết cung cấp vắc xin Trung Quốc cho tất cả. Vấn đề ở đây là liệu những nước khác có tin chính quyền Bắc Kinh sẵn lòng giúp đỡ mà không kèm điều kiện gì hay không, theo giáo sư Joseph Liow thuộc đại học Nanyang (Singapore).

Tổng giám đốc Kim nhận định trên thực tế không cần một lúc cung cấp vắc xin cho tất cả mọi người mà nên ưu tiên đối tượng cần nhất là người lớn tuổi, nhân viên y tế, người có bệnh nền nguy hiểm.

Một tình nguyện viên được tiêm vắc xin COVID-19 của công ty Đức CureVac - Ảnh: Reuters

Tiêm phòng diện rộng bắt đầu lúc nào?

Tổng thư ký Jain cho rằng người không có bệnh nền nguy hiểm thì chưa được ưu tiên cung cấp trước cuối năm 2021. Như vậy tiêm phòng diện rộng sẽ bắt đầu vào năm 2022, không thể sớm hơn vì năng lực sản xuất hiện tại còn hạn chế.

Chính quyền Washington đề nghị các công ty bắt đầu sản xuất, đặc cược một cách bài bản vào vài loại vắc xin nhất định và giảm rủi ro bằng cách chỉ bỏ tiền ra tài trợ với hy vọng tạo điều kiện cho các công ty cung cấp vắc xin giá rẻ.

Một số tổ chức như Liên minh Sáng kiến ứng phó dịch bệnh (CEPI) cũng áp dụng cách tương tự. CEPI xác định cần đạt năng lực sản xuất 10 tỷ liều.

Tổng giám đốc Kim phân tích: “Nếu cần tiêm phòng 60 - 70% dân số để đạt miễn dịch cộng đồng, nghĩa là phải cung cấp vắc xin cho 4 - 6 tỷ người. Nếu mỗi người tiêm 2 liều thì phải cung cấp 12 tỷ liều. Thật là một con số lớn”.

Có vắc xin, cuộc sống sẽ trở lại bình thường?

Theo Tổng thư ký Jain, cuộc sống khó trở lại bình thường trong năm đầu tiên có vắc xin. Ông kêu gọi mọi người vẫn nên thận trọng, duy trì thói quen đeo khẩu trang, giữ khoảng cách.

Nhiều chuyên gia khác cũng đồng tình với quan điểm vắc xin chưa thể loại bỏ vi rút hoàn toàn. Giáo sư Ooi chỉ ra rằng vi rút đến từ động vật, mà con người không thể nào tiêm phòng cho mọi loài động vật được.

Giáo sư vi rút học Ian Jones thuộc đại học Reading (Anh) lưu ý dữ liệu hiện có cho thấy những vắc xin đang thử nghiệm chỉ giúp bảo vệ trước COVID-19 chứ không đem lại miễn dịch khử trùng (sterilising immunity - thanh lọc mầm bệnh khỏi cơ thể trước khi chúng lây nhiễm tế bào). Như vậy nghĩa là người tiêm phòng vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh rồi lây lan cho người khác, vắc xin không phải giải pháp hoàn hảo.

Tuy nhiên, theo giáo sư Jones, đây vẫn là giải pháp cần được xúc tiến vì vắc xin vẫn hữu ích và còn có tác dụng trấn an người dân.

Tổng giám đốc Kim đánh giá vắc xin sẽ đảm bảo con người không phải hứng chịu hậu quả của một đợt bùng phát nữa. Giả định 5 năm sau tỷ lệ tiêm chủng đạt 60 - 70%, vài trường hợp mắc COVID-19 lúc đó chẳng thể lây lan mạnh vì cộng đồng đã được miễn dịch.

Cẩm Bình (theo Channel News Asia)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Mục tiêu chống 'vàng hóa' đã thành công, nên bỏ độc quyền vàng miếng SJC
Các chuyên gia khẳng định mục tiêu chống "vàng hóa" đã thành công, họ đề xuất bỏ quy định nhà nước độc quyền vàng miếng SJC.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
5 câu hỏi quan trọng về vắc xin COVID-19