“Công bố của Vinastas là thông tin về arsen tổng, lập lờ, không rõ ràng, gây hoang mang cho người tiêu dùng, xâm hại nghiêm trọng uy tín của nước mắm truyền thống. Một vài siêu thị, cửa hàng bán lẻ đã thông báo tạm dừng mua hàng của các nhà sản xuất nước mắm truyền thống” – kiến nghị của 5 hiệp hội nước mắm nêu rõ.

5 hiệp hội nước mắm gửi kiến nghị lên Thủ tướng về vụ 'Vinastas

Trí Lâm | 21/10/2016, 17:09

“Công bố của Vinastas là thông tin về arsen tổng, lập lờ, không rõ ràng, gây hoang mang cho người tiêu dùng, xâm hại nghiêm trọng uy tín của nước mắm truyền thống. Một vài siêu thị, cửa hàng bán lẻ đã thông báo tạm dừng mua hàng của các nhà sản xuất nước mắm truyền thống” – kiến nghị của 5 hiệp hội nước mắm nêu rõ.

          

Ngày 20.10, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã phối hợp với Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc, Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết - Bình Thuận, Hiệp hội Nước mắm Nha Trang, Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM cùng một số doanh nghiệp nước mắm đại diện cho miền Bắc đã họp để đánh giá thiệt hại của ngành sản xuất nước mắm truyền thống do hậu quả của thông tin nhiễm thạch tín (arsen) gây ra.

Ông Trần Trọng Thanh, Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang cho biết sau cuộc gặp các đại diện tham gia đã thống nhất sẽ gửi văn bản kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ về việc công bố thông tin gây thiệt hại của Vinastas. Đồng thời, các doanh nghiệp sẽ sớm thống kê thiệt hại về kinh tế do thông tin của Vinastas gây ra đối với các doanh nghiệp nước mắm truyền thống.

Theo ông Thanh, tới đây các hiệp hội nước mắm sẽ hoàn thành bộ tiêu chuẩn về nước mắm chứ không tranh cãi nước mắm truyền thống hay nước mắm công nghiệp.

Theo các hiệp hội nước mắm, hàm lượng arsen có trong nước mắm là arsen hữu cơ, chỉ arsen vô cơ mới gây nguy hiểm cho người dùng. Bộ Y tế đã thông tin cho biết hàm lượng arsen vô cơ vượt ngưỡng 01mg/lít mới không an toàn. 

“Công bố của Vinastas là thông tin về arsen tổng, lập lờ, không rõ ràng, gây hoang mang cho người tiêu dùng, xâm hại nghiêm trọng uy tín của nước mắm truyền thống. Một vài siêu thị, cửa hàng bán lẻ đã thông báo tạm dừng mua hàng của các nhà sản xuất nước mắm truyền thống” – kiến nghị nêu rõ.

Do đó, các hiệp hội này kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ liên quan kiểm tra và xử phạt nghiêm hành vi phát tán trái phép danh sách các nhãn hàng nước mắm có hàm lượng arsen, thực chất là không gây hại theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm của Bộ Y tế (QCVN 8-2:2011/ BYT).

Các hiệp hội cũng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ liên quan công bố công khai trên thông tin đại chúng việc arsen hữu cơ có mặt trong nước mắm không gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng, đồng thời làm rõ mức giới hạn ô nhiễm arsen trong nước mắm tại Quy chuẩn kỹ thuật về kim loại nặng QCVN 8-2:2011 là arsen vô cơ. Đồng thời xử lý nghiêm những hành vi quảng cáo không đúng” – kiến nghị nêu rõ.

Văn bản cũng chỉ ra rằng có hiện tượng danh sách nước mắm nhiễm arsen được nhân viên của một số nhà sản xuất nước mắm công nghiệp đi phát trực tiếp cho người tiêu dùng tại các chợ truyền thống và cửa hàng bán lẻ và bị phát tán trên mạng xã hội. Trong khi đó Vinastas cho rằng họ không công khai danh sách các nhãn hàng nước mắm.

Các hiệp hội nước mắm cũng kiến nghị nội dung quảng cáo của doanh nghiệp sản xuất nước mắm công nghiệp xuất hiện trên một số báo ghi không đúng của quy định về arsen tại QCVN 8-2:2011/BYT.

Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, TS Trần Thị Dung, một chuyên gia nhiều năm nghiên cứu về nước mắm cho biết cơ quan chức năng cần yêu cầu các hãng nước mắm công bố thành phần ngay trên nhãn mác. 

Bà Dung nói nước mắm truyền thống chỉ có cá và muối, còn nước mắm công nghiệp thì có tới cả chục loại hóa chất, nào là hóa chất điều vị, phụ gia bảo quản, chất tạo sánh, hương liệu… Lý do là khi pha chế, các hãng nước mắm công nghiệp phải pha loãng nước mắm truyền thống, hàm lượng muối xuống thấp thì phải bổ sung chất bảo quản, phụ gia, hương liệu, màu…

Vị chuyên gia này cũng cho rằng cần phân biệt rõ khái niệm nước mắm cốt và nước mắm long. Nước mắm cốt được lấy ra lần đầu sau quá trình cá ướp muối, lên men. Sau khi lấy nước mắm cốt, người ta cho muối vào thùng chượp để lấy nước mắm lần 2 hoặc 3 thì gọi là nước mắm long.

“Khi các hãng nước mắm công nghiệp mua thì họ sẽ không bao giờ mua nước mắm cốt bởi vì giá rất cao, nên thường mua nước mắm long để pha. Khi pha loãng họ mới pha chế thêm cho phù hợp. Do đó, hương liệu của nước mắm công nghiệp rất đồng đều ở các lô hàng, còn nước mắm truyền thống thì không có được sự đồng đều này” – bà Dung nói.

Theo bà Dung, các hãng nước mắm cần phải thông tin thành phần nước mắm lên nhãn chai và phải ghi chữ to, rõ ràng để người tiêu dùng có thể đọc được chứ hiện nay các hãng nước mắm công nghiệp ghi chữ rất nhỏ, người tiêu dùng rất khó đọc được chữ trên nhãn mác. 

Ngoài ra, bà Dung nêu nhiều loại nước mắm công nghiệp dùng hình ảnh thùng chượp cá để quảng cáo khiến người tiêu dùng nhầm tưởng là nước mắm sản xuất theo kiểu truyền thống, hay cách đặt tên sản phẩm có từ cá thu, cá hồi, cá chim trắng gây nhầm lẫn về nguyên liệu. Đây là điều không thể chấp nhận.

Trí Lâm

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
7 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
5 hiệp hội nước mắm gửi kiến nghị lên Thủ tướng về vụ 'Vinastas