Năm 2021 có thể nói là một năm toàn bộ nền kinh tế, xã hội của Việt Nam chịu tác động mạnh từ dịch bệnh COVID-19, trong đó ngành y tế luôn được chú trọng nhất khi triển khai các biện pháp phòng chống dịch.

5 sự kiện rúng động của ngành y tế năm 2021

Dạ Thảo - Ảnh: Thành Chung | 05/01/2022, 06:19

Năm 2021 có thể nói là một năm toàn bộ nền kinh tế, xã hội của Việt Nam chịu tác động mạnh từ dịch bệnh COVID-19, trong đó ngành y tế luôn được chú trọng nhất khi triển khai các biện pháp phòng chống dịch.

Cùng điểm lại các sự kiện nổi bật nhất của ngành y tế trong suốt năm 2021 với hàng loạt các vấn đề nổi cộm, thu hút được sự chú ý của truyền thông và người dân, đặc biệt trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19.

1. Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất được huy động trên cả nước

Việt Nam đã trải qua 4 làn sóng của đại dịch COVID-19 và ngành y tế đã chủ động, linh hoạt điều chỉnh chiến lược ứng phó với dịch bệnh. Đặc biệt nhất, với các biến chủng mới và nhiều người lây nhiễm bệnh, dẫn đến nhiều bệnh nhân tử vong vì dịch bệnh COVID-19, ngành y tế đã chủ động triển khai chiến lược tiêm chủng lớn nhất trên cả nước. Để trở lại trạng thái bình thường mới, Việt Nam xây dựng kế hoạch tiêm phủ vắc xin mũi 1 và mũi 2 cho tất cả người dân, theo lộ trình 4 giai đoạn với thông điệp "vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất". Với mục tiêu đặt ra, hệ thống y tế cả nước được huy động để đẩy mạnh công tác tiêm chủng trên diện rộng, các điểm tiêm lưu động được dựng lên giúp tốc độ tiêm chủng cho người dân được thực hiện nhanh. Đến nay, việc triển khai đã được thực hiện cơ bản đồng bộ; các địa phương đã không còn tình trạng phong tỏa trên diện rộng, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân nhưng vẫn bảo đảm phòng, chống dịch hiệu quả. Để tăng cường miễn dịch, phòng bệnh COVID-19 cho những người đã được tiêm chủng đủ liều cơ bản, các tỉnh, thành phố hiện đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 3 và mũi 4 cho người dân.

tiem-chung.jpg
Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử là sự kiện nổi bật nhất của ngành Y trong năm 2021

2. Năm kỷ lục về số cán bộ y, dược bị khởi tố, bắt tạm giam

Năm 2021 là năm kỷ lục về số lượng cán bộ ngành y bị khởi tố, bắt tạm giam với ít nhất 25 người liên quan đến các vụ án lớn. Đăc biệt ngày 24.1.2021, điều tra mở rộng vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai, Công ty CP Công nghệ y tế BMS (gọi tắt là Công ty BMS) và các đơn vị liên quan trong việc thực hiện các đề án lắp đặt máy, thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai theo hình thức xã hội hóa, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã làm rõ hành vi sai phạm của một số lãnh đạo, cán bộ Bệnh viện Bạch Mai và Công ty CP Thẩm định giá và Dịch vụ tài chính Hà Nội khiến cho hàng loạt các lãnh đạo bệnh viện Bạch Mai và cựu giám đốc bệnh viện bị khởi tố.

Chưa dừng lại ở đó, đến tháng 2.2021 vụ Bệnh viện mắt TP.HCM cũng đã xảy ra sai sót trong quá trình đầu thầu gây hiệu quả nghiêm trọng khiến Phó giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM và nguyên phó giám đốc cũng bị tạm giam. Tháng 3.2021 vụ đấu thầu tại Sở Y tế Cần Thơ, tháng 5.2021và tháng 7.2021và tháng 10.2021 vụ việc tại Bệnh viện Tim Hà Nội cũng đã gây rúng động dư luận khiến nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim là ông Nguyễn Quang Tuấn bị khởi tố.

Tới tháng 11.2021 vụ dược phẩm Cửu Long đã làm rõ các sai phạm trong vụ án vi phạm quy định của nhà nước về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng. Và tháng 12 kết thúc với việc bắt tạm giam một loạt các cán bộ cao cấp của ngành y tế như: ông Nguyễn Quang Tuấn, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, ông Trương Quốc Cường, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế trong vụ án hình sự: “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh mang nhãn mác Health 2000 Canada. Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại TP.HCM các tỉnh, thành phố khác và Cục QLD - Bộ Y tế” để phục vụ công tác truy tố, xét xử vụ án.

covid-15.jpg
Năm 2021 có thể nói là một năm vất vả nhất của các nhân viên y tế

3. 'Thổi giá' kit test COVID-19

Cuối năm 2021, người dân cả nước bàng hoàng trước thông tin Tổng giám đốc Công ty Việt Á, ông Phan Quốc Việt đã thổi giá kit test xét nghiệm COVID-19 trên cả nước. Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam ông Phan Quốc Việt về vụ việc “thổi giá” này. Công ty này được coi là "ông lớn" trong ngành thiết bị y tế tại Việt Nam, sở hữu hệ thống phòng khám tại TP.HCM và Quảng Nam. Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá xác định giá bán là 470.000 đồng/kit; thỏa thuận và chi tiền % hợp đồng cho lãnh đạo bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm. Cơ quan điều tra cũng bắt tạm giam Phạm Duy Tuyến - giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hải Dương, và các bị can là lãnh đạo, nhân viên của Công ty Việt Á. Các bị can bị điều tra về tội ''vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng''.

Kết quả điều tra xác định, Công ty Việt Á đã cung ứng kit xét nghiệm cho trung tâm kiểm soát bệnh tật và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với doanh thu gần 4.000 tỉ đồng. Điều đáng nói, Phan Quốc Việt lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 "bắt tay" với giám đốc CDC một số địa phương nâng khống giá bộ xét nghiệm COVID-19 để hưởng lợi bất chính số tiền lớn. Ban Chỉ đạo yêu cầu Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự Đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung lực lượng, khẩn trương, quyết liệt, mở rộng điều tra làm rõ bản chất của vụ án, xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định của pháp luật; không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu bất kỳ sự can thiệp trái pháp luật của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào.

4. Bệnh nhân mở phòng “bay lắc”, bán ma túy trong bệnh viện tâm thần

Vụ việc biến phòng bệnh tại Bệnh viện tâm thần Trung ương I thành nơi bay lắc để phục vụ sử dụng trái phép chất ma túy và nơi giao dịch mua bán chất ma túy là việc thật bất ngờ và chưa từng có tiền lệ. Đối tượng cầm đầu là Nguyễn Xuân Quý. Đây là đối tượng sử dụng ma túy, có 4 tiền án tiền sự, vào điều trị tại bệnh viện tâm thần Trung ương 1 từ tháng 11/2018. Được sự giúp sức của cán bộ bệnh viện, Quý cải tạo phòng bệnh thành nơi bay lắc, đưa gái dịch vụ vào phục vụ và bán ma túy. Công an Hà Nội đã khởi tố 8 bị can, trong đó có 3 nhân viên thuộc bệnh viện. Ông Vương Văn Tịnh, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 bị cách chức và kỷ luật khiển trách đối với ông Nguyễn Tuấn Đại, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1.

5. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long giải trình

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long lên làm Bộ trưởng trong giai đoạn ngành y có nhiều lãnh đạo bị khởi tố nhiều nhất, liên quan đến các vụ án tham nhũng, thổi giá thiết bị y tế, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Những sai phạm của những người đứng đầu các cơ sở y tế này đã khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi bức xúc về tư cách đạo đức, trình độ lãnh đạo của cán bộ ngành y tế, nhân viên y tế...

Với trách nhiệm đứng đầu ngành Y, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã khẳng định trước Quốc hội sẽ không để dịch bệnh bùng phát một lần nữa. Đồng thời ngành y tế sắp tới sẽ trình lên Quốc hội về những quy định mới, cơ chế mới đối với các lãnh đạo bệnh viện khi phụ trách cả chuyên môn và kinh tế.

Khi trả lời về vấn đề vắc xin tiêm cho trẻ em, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết hiện nay ngành y tế đang tiêm vắc xin cho trẻ em là vắc xin mRNA cho trẻ từ 12 tuổi trở lên và vắc xin này đã được tiêm ở gần 40 quốc gia. Vắc xin tiêm cho trẻ em ở Việt Nam là Pfizer - BioNTech theo công nghệ mRNA. Cơ chế tác động của vắc xin này là khi vào cơ thể không xâm nhập vào hệ gen của người và giúp cơ thể sản xuất kháng thể chống lại sự xâm nhập của vi rút vào tế bào.

Việt Nam trải qua gần 2 năm đương đầu với cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19, ngành y tế đã huy động tổng lực nhân lực, trang thiết bị, thuốc men và hết sức nỗ lực trên mọi mặt trận để phòng chống dịch, đặc biệt trong đợt dịch COVID-19 thứ 4 hiện nay Đến nay, diễn biến dịch ở các điểm nóng như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An… đang có xu hướng giảm. Đối với TP Hà Nội hiện đang triển khai quyết liệt "2 mũi giáp công" là tiêm chủng và xét nghiệm.

Người đứng đầu ngành y tế thông tin: Bộ Y tế đang bắt đầu triển khai xây dựng kế hoạch và chiến lược phòng, chống dịch cho năm 2022 và giai đoạn tiếp theo. Từ đó định hình hướng đi, chiến lược chống dịch của quốc gia trên cơ sở tổng kết, đúc kết những bài học kinh nghiệm trong suốt thời gian qua. "Chiến lược này là tổng thể các giải pháp từ nâng cao năng lực đối với hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở, y tế dự phòng và những vấn đề liên quan khác mang tính chuyên môn như xét nghiệm, điều trị, vaccine, thuốc… trong phòng chống dịch", Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định trước thềm năm mới 2022.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
5 sự kiện rúng động của ngành y tế năm 2021