Trong những năm gần đây, dân số TP.HCM liên tục tăng nhanh, đặc biệt là người nhập cư từ các địa phương khác, kéo theo nhu cầu nhà ở vô cùng lớn. Do vậy, TP.HCM đang nghiên cứu các mô hình phát triển nhà ở đáp ứng tình trạng gia tăng dân số 1 triệu người sau mỗi 5 năm.

9 mô hình nhà ở đáp ứng tình trạng gia tăng dân số của TP.HCM

18/09/2019, 08:24

Trong những năm gần đây, dân số TP.HCM liên tục tăng nhanh, đặc biệt là người nhập cư từ các địa phương khác, kéo theo nhu cầu nhà ở vô cùng lớn. Do vậy, TP.HCM đang nghiên cứu các mô hình phát triển nhà ở đáp ứng tình trạng gia tăng dân số 1 triệu người sau mỗi 5 năm.

TP.HCM tìm giải pháp về nhu cầu nhà ở do gia tăng dân số - Ảnh: Internet

Tại hội thảo nhằm tìm ra giải pháp phát triển nhà ở để đáp ứng tình trạng gia tăng dân số 1 triệu người sau mỗi 5 năm tổ chức ngày 17.9, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã trình lãnh đạo TP.HCM 9 mô hình phát triển nhà ở có thể giúp thành phố giải quyết tình trạng gia tăng dân số. Cụ thể như sau:

Nhà ở trong các khu đô thị vệ tinh

Đây là mô hình mà hơn 30 năm qua, TP.HCM đã định hướng phát triển như khu đô thị Phú Mỹ Hưng, khu đô thị mới Him Lam, khu đô thị mới Dragon City… Ông Châu cho rằng mô hình này tối ưu, hình thành các khu đô thị vệ tinh của thành phố có đầy đủ các chức năng đô thị. Đồng thời, hình thành các khu nhà ở thương mại cao cấp dành cho người có thu nhập cao; nhà ở có giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị. Mô hình này sẽ tạo điều kiện để các tầng lớp dân cư sống cùng nhau, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của thành phố.

Khu dân cư quy mô lớn

Theo ông Châu, mỗi dự án nên có diện tích khoảng 50ha trở lên tại các quận ven và huyện ngoại thành. Đây cũng là mô hình tối ưu, bởi nó hình thành các khu nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội, có đầy đủ tiện ích, dịch vụ, dành cho người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, tạo điều kiện để các tầng lớp dân cư sống cùng nhau.

Chỉnh trang, tái phát triển các khu vực đô thị cũ

Trong 30 năm qua, đã có nhiều mô hình chỉnh trang, tái phát triển các khu vực đô thị lụp xụp, chung cư cũ, kênh rạch. Điển hình thành công nổi bật là dự án chỉnh trang, di dời, tái định cư nhà trên và ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè; rạch Bến Nghé; kênh Tàu Hủ - Ruột Ngựa; kênh Tân Hóa - Lò Gốm… Đây là những bài học thực tiễn cần được tổng kết để vận dụng trong thời gian tới.

Khu nhà ở quy mô vừa và nhỏ

Chủ tịch HoREA nói rằng trong 30 năm qua, mô hình phát triển các dự án nhà ở quy mô vừa và nhỏ rất phổ biến, chiếm hơn 90% tổng số dự án trước đây.

Mô hình này có mặt tích cực là đã góp phần giải quyết bài toán nhà ở cho các tầng lớp nhân dân thành phố trong giai đoạn nền kinh tế còn rất khó khăn. Mặt tiêu cực là dẫn đến tình trạng phát triển đô thị theo kiểu lan tỏa "vết dầu loang", sử dụng quỹ đất không hiệu quả, tác động xấu đến môi trường sống, phá vỡ quy hoạch phát triển đô thị.

“Mô hình này chỉ nên cho tiếp tục phát triển tại một số khu vực hạn chế và cũng chỉ có tính chất quá độ”, ông Châu nói.

Nhà ở xã hội

Hiện nay, nguồn căn hộ nhà ở xã hội vẫn rất thiếu so với nhu cầu rất lớn của xã hội. Do vậy, ông Châu nói rằng trong thời gian tới, phát triển nhà ở xã hội nhằm tạo điều kiện tiếp cận nhà ở cho 10 đối tượng thụ hưởng, theo quy định tại Điều 49 Luật Nhà ở vẫn là nhiệm vụ hàng đầu để đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở.

Hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng và cho thuê nhà ở

Hiện nay, các hộ gia đình, cá nhân có nhà cho thuê là lực lượng chủ lực giải quyết nhu cầu thuê nhà ở của người dân và có xu thế tăng nhờ ứng dụng chia sẻ phòng thuê (Airbnb). Hộ gia đình và cá nhân kinh doanh các khu nhà trọ, phòng trọ cho thuê cũng là lực lượng chủ lực giải quyết chỗ ở cho sinh viên, công nhân, lao động và người nhập cư.

Mặt hạn chế là các khu vực nhà trọ, phòng trọ hầu hết đều có chất lượng xây dựng thấp, thiếu an toàn nhất là phòng cháy chữa cháy, kém an ninh, không có tiện ích, dịch vụ...

Các điểm dân cư nông thôn

Phát triển các điểm dân cư nông thôn theo hướng đô thị hóa nông thôn, trên cơ sở xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật, điển hình như huyện Củ Chi cũng là một mô hình đáp ứng tình trạng gia tăng dân số.

Các huyện Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ cũng có lợi thế phát triển các điểm dân cư nông thôn đầy tiềm năng, tạo ra thị trường "căn nhà thứ hai" cho cư dân thành phố và phát triển du lịch, góp phần tái cấu trúc dân cư đô thị TP.HCM.

Các mô hình lưu trú

Văn phòng - lưu trú (Officetel), căn hộ dịch vụ (Serviced Apartment), căn hộ du lịch (Condotel), cửa hàng - lưu trú (Shophouse) là các mô hình đáp ứng nhu cầu thật của thị trường, bởi nó kết hợp vừa làm việc, kinh doanh vừa lưu trú.

Mặc dù vậy, những sản phẩm này đang có sự biến tướng thành dạng căn hộ gia đình thông thường nên có thể dẫn đến quá tải hạ tầng đô thị và chưa cấp được "sổ đỏ". Do đó, Nhà nước cần sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật để xác định các chỉ tiêu dân số, chỉ tiêu quy hoạch xây dựng, thiết kế phù hợp và cấp "sổ đỏ" có thời hạn cho người mua.

Khu đô thị giáp ranh

Hơn 20 năm qua, nhiều địa phương trong "Vùng TP.HCM" đã có tốc độ đô thị hóa và phát triển công nghiệp rất nhanh, như các tỉnh Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai. Nhiều khu vực giáp ranh hoặc gần TP.HCM đã thực sự tạo thành các đô thị vệ tinh, như vùng ngoại ô của TP.HCM, góp phần cơ cấu lại sản xuất, dân cư trong toàn vùng và làm giảm bớt áp lực của dòng người nhập cư vào thành phố.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
9 mô hình nhà ở đáp ứng tình trạng gia tăng dân số của TP.HCM