Đã có 99 chuyến hàng Việt về nông thôn, giúp cho người dân địa phương được tiếp cận, lựa chọn mua sắm với nhiều hàng hóa Việt Nam. Từ đó, sẽ phát huy tinh thần người Việt Nam ưu tiên hàng Việt Nam

99 chuyến hàng Việt đến tay người dân nông thôn đạt hiệu quả cao

Tô Văn | 19/09/2022, 11:44

Đã có 99 chuyến hàng Việt về nông thôn, giúp cho người dân địa phương được tiếp cận, lựa chọn mua sắm với nhiều hàng hóa Việt Nam. Từ đó, sẽ phát huy tinh thần người Việt Nam ưu tiên hàng Việt Nam

Những chuyến hàng lưu động đầu tiên trong thời điểm dịch bệnh

Khoảng 7 giờ sáng 29.7, những xe bán hàng lưu động đầu tiên của siêu thị Tứ Sơn (số 102, Nguyễn Tri Phương, P.Vĩnh Mỹ, TP.Châu Đốc, tỉnh An Giang) xuất phát tới điểm bán tại P.Châu Phú B, xã Vĩnh Châu, TP.Châu Đốc và nhanh chóng tổ chức bán.

Chỉ trong buổi sáng, 2 xe bán hàng lưu động siêu thị Tứ Sơn đã đưa các mặt hàng thực phẩm thiết yếu đến tay người dân tại các khu dân cư.

3-ts.jpg
2-ts.jpg
Những chuyến hàng Việt khi đến tay người dân nông thôn sẽ giúp giảm bớt những khó khăn trong việc đi lại mua sắm các sản phẩm thiết yếu, đồng thời sẽ phát huy người Việt Nam ưu tiên hàng Việt Nam - Ảnh: Tô Văn

Chị Kim Loan (35 tuổi, ngụ P.Châu Phú B, TP.Châu Đốc) cho biết, mấy ngày rồi chợ gần nhà đóng cửa, còn phải hạn chế ra đường nên cả nhà sắp hết thực phẩm khô.

“Nghe phường thông báo sẽ có điểm bán hàng lưu động vào tới tận nhà nên sáng nay tôi ngồi đón để mua ngay" - chị Loan nói.

Ông Tạ Minh Sơn – Giám đốc Siêu thị Tứ Sơn cho rằng khi người tiêu dùng nhìn vào hàng Việt tiềm thức họ đã có một sự ưu ái nhất định.

“Khi chúng ta tổ chức được những chuyến hàng lưu động về nông thôn thì cần có một sự đồng hành từ hệ thống chính quyền, từ các cấp lãnh đạo, từ doanh nghiệp thì mới thực hiện đạt hiệu quả cao. Từ đó, những chuyến hàng Việt khi đến tay người dân nông thôn sẽ giúp giảm bớt những khó khăn trong việc đi lại mua sắm các sản phẩm thiết yếu, đồng thời sẽ phát huy người Việt Nam ưu tiên hàng Việt Nam”, ông Sơn nhận định.

Cũng theo ông Sơn, doanh nghiệp nhận thấy sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân tại các xã vùng sâu, vùng xa khi các chuyến xe lưu động hàng Việt về đến. Qua đó, nhận thấy nhu cầu mua sắm ủng hộ hàng hóa Việt Nam của người dân còn rất cao.

99 chuyến hàng Việt đến tay người tiêu dùng đạt hiệu quả cao

Sáng 19.9, tại An Giang, UBND thị xã Tân Châu tổ chức lễ tổng kết 99 chuyến hàng Việt và phát động cho các chuyến hàng Việt tiếp theo trên địa bàn.

1-ts.jpg
Các lãnh đạo UBND thị xã Tân Châu tặng hoa tri ân cho các doanh nghiệp - Ảnh: Tô Văn

Ông Trần Hoàng Hải – Phó chủ tịch UBND thị xã Tân Châu cho biết, đã có 99 chuyến xe hàng Việt về nông thôn được thực hiện trên địa bàn tỉnh An Giang. Riêng địa bàn thị xã Tân Châu có 16 chuyển được thực hiện trên địa bàn các xã, có trên 15.000 lượt người đến tham quan, mua sắm.

“Thông qua những chuyến hàng này, sẽ giúp cho người dân địa phương được tiếp cận, lựa chọn mua sắm với nhiều hàng hóa Việt Nam có giá cả phù hợp với thu nhập của mỗi gia đình; đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm do các cơ sở, doanh nghiệp có uy tín trong nước sản xuất”, ông Hải thông tin.

4-ts.jpg
Các doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị năng lực, nguồn hàng, nâng cao sức cạnh tranh thông qua việc xây dựng kế hoạch dài hạn, bài bản, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh - Ảnh: Tô Văn

Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước – Bộ Công Thương cho biết, theo đánh giá của Nikkei (Nhật Bản), chỉ số phục hồi sau đại dịch COVID-19, Việt Nam tăng 48 bậc lên vị trí thứ 14 thế giới. Tổ chức xếp hạng quốc tế Fitch Ratings cũng nâng hạng BB với triển vọng tích cực cho Việt Nam và dự báo tăng trưởng GDP sẽ tăng tốc lên 6,1% vào năm 2022 và 6,3% vào năm 2023 (từ mức 2,6% năm 2021).

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng đầu năm 2022 đạt quy mô cao, đang dần bắt kịp tốc độ tăng của cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch bệnh và tăng 16% so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm trước giảm 0,3% do ảnh hưởng của dịch COVID-19). Trong đó, nhóm bán lẻ hàng hóa đã đạt mức tăng trưởng khá tốt (tăng 13,7% với sự gia tăng của các nhóm vật phẩm văn hóa, giáo dục, lương thực, thực phẩm tăng 13,8-21,4%), nhóm du lịch lữ hành và dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng trưởng mạnh sau thời gian giảm vì dịch bệnh COVID-19 (với mức tăng từ 37 - 166%), dịch vụ khác tăng 13,9%. Các nhóm còn lại tăng từ 3,7-9,7%. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 7 tháng đầu năm vẫn tăng 11,9%.

“Qua theo dõi, Vụ Thị trường trong nước chúng tôi nhận thấy, An Giang là vùng sản xuất lúa gạo, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản lớn, nên hình thành rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã, làng nghề thủ công sản xuất, chế biến nông sản đặc sản địa phương.

Vượt lên trên hàng hóa, sản phẩm đặc sản, trong đó có các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP còn là sản vật để khách du lịch trong và ngoài nước thưởng thức, mua làm quà biếu. Vì vậy việc kết nối với các đầu mối tiêu thụ, hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm là rất cần thiết”, bà Nga nhận định

Cũng theo bà Nga, trong thời gian tới, về phía các cơ quan quản lý nhà nước tỉnh An Giang cần tiếp tục tham gia vào các chương trình, đề án đang được triển khai hiệu quả trong khuôn khổ triển khai Cuộc vận động để hỗ trợ hàng Việt, doanh nghiệp Việt như: Các chương trình triển khai Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025.

Các chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; Các chương trình xúc tiến thương mại trong nước; Các chương trình thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài; Các hoạt động khuyến công; Các hoạt động phát triển thương mại điện tử; Các công tác tăng cường cải tiến, ứng dụng khoa học kỹ thuật nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt...

“Về phía các doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị năng lực, nguồn hàng, nâng cao sức cạnh tranh thông qua việc xây dựng kế hoạch dài hạn, bài bản, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh thông qua ứng dụng khoa học và công nghệ, học tập, áp dụng các mô hình thành công đã có để có sự chuẩn bị tốt nhất khi phải đối mặt với áp lực cạnh tranh.

Bên cạnh đó, chủ động hợp tác, liên kết để nâng cao sức mạnh, tạo chuỗi cung ứng thông qua thúc đẩy liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân, hộ sản xuất, từ đó hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất, canh tác, chế biến và phân phối tới người tiêu dùng, nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm. Đặc biệt là việc ứng dụng thương mại điện tử vào phân phối lưu thông là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay”, bà Nga nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào
Với mục tiêu không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan chủ động đánh giá, dự báo sát tình hình; xây dựng các phương án, kể cả phương án xấu nhất.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
99 chuyến hàng Việt đến tay người dân nông thôn đạt hiệu quả cao