Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Chính phủ giao cơ quan này nghiên cứu để trình Quốc hội giảm thêm thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT với xăng dầu tại kỳ họp tới.

Sẽ trình Quốc hội giảm thêm thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT với xăng dầu

Tuyết Nhung | 19/09/2022, 07:52

Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Chính phủ giao cơ quan này nghiên cứu để trình Quốc hội giảm thêm thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT với xăng dầu tại kỳ họp tới.

xang-dau.jpg

Thông tin này được ông Nguyễn Đức Chi - Thứ trưởng Bộ Tài chính đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế xã hội 2022 ngày 18.9. Theo đó, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, đại dịch COVID-19, xung đột Nga - Ukraine... đã tác động sâu rộng đến nhiều mặt của nền kinh tế Việt Nam. Những tác động này khiến kinh tế Việt Nam đối mặt nhiều khó khăn như: Đứt gãy chuỗi cung ứng, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao...

Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã điều hành linh hoạt chính sách tài khóa như: chính sách miễn giảm, giãn, hoãn thuế đã có tác động trực tiếp rất lớn đến nền kinh tế, doanh nghiệp, người dân.

Với mặt hàng xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua việc giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường. Qua chính sách này, ngân sách đã hỗ trợ khoảng hơn 13.000 tỉ đồng. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã báo cáo Chính phủ cho giảm thuế ưu đãi nhập khẩu với xăng dầu từ 20% xuống 10%.

Đặc biệt, theo Thứ trưởng, Chính phủ cũng đang chỉ đạo Bộ Tài chính xây dựng và chuẩn bị phương án tiếp tục nghiên cứu chính sách thuế bao gồm cả thuế bảo vệ môi trường, thuế VAT, tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng dầu để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, xem xét quyết định. Qua đó cơ quan quản lý sẽ có được những công cụ linh hoạt để ứng phó trong trường hợp biến động mạnh của giá nhiên liệu thế giới.

Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có quyết sách đưa thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu xuống mức sàn. Chính sách này còn được tiếp tục thực hiện đến ngày 31.12. Quốc hội, Chính phủ cũng đã có những quyết sách quan trọng, tạo điều kiện mở rộng nguồn cung, sẵn sàng cho các biến cố trong tình hình thế giới khó khăn, đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho nền kinh tế.

Nói về nguồn cung, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành có liên quan đã tham mưu cấp có thẩm quyền điều chỉnh giảm một số sắc thuế, như: Giảm thuế bảo vệ môi trường, từ mức 2.000 đồng bình quân giảm tiếp 1.000 đồng trong thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đối với thẩm quyền của Chính phủ, Chính phủ cũng đã quyết định giảm thuế nhập khẩu đối với xăng dầu - thuế MFN. Đối với các nước khu vực ASEAN, Việt Nam đã hưởng biểu thuế ưu đãi ở mức khoảng 10-12% từ lâu và gần đây đã giảm xuống mức 8%. Với các nước không nằm trong khu vực này, trước thời điểm đầu tháng 8, Việt Nam vẫn phải áp ở cái mức khoảng 20 đến 25%, song đến hiện nay, tất cả các sắc thuế nhập khẩu xăng dầu ở tất cả các thị trường còn lại của khu vực ASEAN cũng chỉ còn ngưỡng 10%. Như vậy, giảm những thuế này, chúng ta sẽ có đa dạng các nguồn cung.

"Nếu như trước đây Việt Nam băn khoăn chỉ có nguồn cung ở ASEAN tại một vài nước cụ thể, bây giờ nguồn cũng đa dạng hơn, ở nhiều châu lục, nhất là những khu vực được xem như là trọng điểm về nguồn cung xăng dầu trên thế giới. Bộ Tài chính cũng đã đồng hành cùng Bộ Công Thương tiếp tục tham mưu cho Quốc hội và Chính phủ xem xét để có thể giảm những loại thuế khác như thuế tiêu thụ đặc biệt. Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan đã điều hành và sử dụng một cách rất hiệu quả đến Quỹ bình ổn xăng dầu", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.

Tình hình nguồn cung trong nước, tháng 8 có 2,8 triệu m3 cả tồn kho gối đầu phải duy trì sang các tháng tiếp theo khoảng 1-1,3 triệu m3; nguồn tiêu thụ trong tháng khoảng 1,5-1,7 triệu m3. Theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã chỉ đạo 2 Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn và Nhà máy Lọc dầu Bình Sơn 6 tháng cuối năm và kế hoạch đăng ký với Bộ là quý 3 sẽ sản xuất 3,9 triệu m3, chiếm 72% tổng nhu cầu, quý 4 dự kiến sản xuất 4,4 triệu m3, chiếm 80% tổng nhu cầu.

"Về cơ bản, lượng sản xuất trên theo kế hoạch đã đưa ra để cân đối cung cầu từ đầu năm 2022 và đã được phân giao thực hiện cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước để đảm bảo nguồn cung cho thị trường. Hiện nay, cả 2 nhà máy đều đang vận hành công suất tối đa. Nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn sẽ vận hành ở mức công suất 105% trong 6 tháng cuối năm 2022 để cung ứng xăng dầu cho thị trường. Về tồn kho, tồn kho xăng dầu từ tháng 7 chuyển sang là 1 triệu m3, đến ngày 25.8 dự kiến là 0,9-1 triệu m3", ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), thông tin.

Về nhập khẩu, theo chỉ đạo của Bộ, các doanh nghiệp cũng nhập khẩu theo tiến độ được giao, ước nhập khẩu tháng 8 là 520 nghìn m3 và dự kiến các tháng cuối năm, mỗi tháng doanh nghiệp nhập khẩu 500 ngàn m3. Trong khi đó, nhu cầu xăng dầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước, theo ước tính 1,6-1,7 triệu m3/1 tháng. "Nguồn cung từ trong nước và nhập khẩu cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu người tiêu dùng và hoạt động sản xuất", ông Trần Duy Đông khẳng định.

Bài liên quan
Xăng dầu diễn biến bất thường: Doanh nghiệp An Giang cũng bị liên lụy
Tình trạng cung cầu xăng dầu liên tục bất ổn trong thời gian gần đây đã ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối trên địa bàn tỉnh An Giang.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
1 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sẽ trình Quốc hội giảm thêm thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT với xăng dầu