Trong phần sau của bài "Mỹ cần chiến lược mới để Ả Rập Saudi và Iran dừng hỗ trợ Nga" đăng trên Tạp chí Foreign Policy, nội dung cho thấy Ả Rập Saudi và Iran đã chán ngấy "trật tự thế giới cũ" của Mỹ.
Kỳ trước: Mỹ đã mắc sai lầm gì mà để cả Ả Rập Saudi và Iran cùng chung sức hỗ trợ Nga?
Để giành lại ảnh hưởng và tạo đòn bẩy với cả Ả Rập Saudi và Iran, Mỹ nên thừa nhận xu hướng không thể đảo ngược về một trật tự thế giới đa cực. Trên thực tế, Washington nên thiết lập lại mô hình tư duy của mình, vốn được phát triển trên tiền đề lỗi thời về quyền bá chủ (hegemony) của Mỹ ở Trung Đông.
Như thường lệ với Iran, Tehran tập trung nhiều vào việc họ bị áp đặt các biện pháp trừng phạt. Châu Âu và Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào các cá nhân và thực thể ở Iran bị họ cáo buộc đã cung cấp máy bay không người lái để cho Nga sử dụng ở Ukraine. Nhưng Iran vốn là một trong những quốc gia bị trừng phạt nặng nề nhất trên thế giới; đặc biệt là với quân đội họ. Bên cạnh việc khoe sức mạnh, rõ ràng là các biện pháp trừng phạt của phương Tây sẽ không làm thay đổi hành vi của Iran. Thay vào đó, châu Âu và Mỹ nên tập trung vào các cách họ có thể can thiệp và ngăn cản vũ khí Iran được sử dụng ở Ukraine cũng như tăng áp lực dư luận cho Iran.
Tác động dư luận là đặc biệt quan trọng vì giới lãnh đạo Iran đang phải vất vả đối phó với các cuộc biểu tình trên toàn quốc đã bước sang tháng thứ hai. Và vào thời điểm mà những người biểu tình đang kêu gọi Tehran thay đổi, phương Tây nên tiếp tục nhấn mạnh vai trò của Iran trong việc yểm trợ Nga. Đây là một chủ đề đặc biệt nhạy cảm trong các cuộc tranh luận công khai của Iran vì vai trò của phương Tây trong việc hỗ trợ nhà lãnh đạo Iraq lúc bấy giờ là Saddam Hussein trong Chiến tranh Iran-Iraq dẫn đến hàng nghìn người ở Iran bỏ mạng. Trải nghiệm đó vốn làm phần lớn công chúng Iran, bao gồm các thành viên của Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo có thành kiến sâu nặng với phương Tây. Dù vậy, người Iran cũng không muốn nước họ tham gia một cuộc chiến không cần thiết ở Ukraine. Vị thế các bên ở Ukraine không giống như ở Syria, nơi Iran biện hộ cho các hành động của mình dựa trên việc hậu thuẫn chính quyền Damas chống lại chủ nghĩa khủng bố và cuộc tấn công của Mỹ,
Số phận của các cuộc đàm phán để khôi phục thỏa thuận hạt nhân cũng có thể được sử dụng để gây ảnh hưởng với Iran đối với vấn đề Ukraine. Mặc dù chắc chắn rất nhiều người ở Tehran đang nghi ngờ về một thỏa thuận mới, nhưng cũng rõ ràng rằng những lợi ích kinh tế có thể có đã khiến Iran quay trở lại đàm phán — và có thể áp lực gia tăng trong nước sẽ trở thành một động lực đáng kể.
Anh và Pháp, hai bên tham gia thỏa thuận hạt nhân năm 2015, đã cáo buộc việc cung cấp máy bay không người lái của Iran cho Nga là vi phạm Nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (cả Nga và Iran đều bác bỏ những cáo buộc như vậy). Anh và Pháp ủng hộ nghị quyết này cấm Iran (cho đến năm 2030) chuyển giao các hệ thống phân phối - chẳng hạn như máy bay không người lái — có khả năng mang vũ khí hạt nhân. Điều này quan trọng trong việc báo hiệu cho Tehran rằng họ càng can dự sâu hơn với Nga ở Ukraine, thì nước này càng có nguy cơ bị lún sâu trong việc tìm lối thoát ngoại giao hạt nhân. Ngay cả khi thỏa thuận hạt nhân được khôi phục, Iran không thể mong đợi thị trường châu Âu chào đón nó với vòng tay rộng mở khi Tehran liên minh với Moscow ở Ukraine.
Các nhà hoạch định chính sách phương Tây cũng nên cảnh báo Iran rằng lập trường của họ ở Ukraine có thể mở ra cánh cửa cho một mặt trận ủy nhiệm mới không thể đoán trước với Israel. Bất chấp mối quan hệ tế nhị của Israel với Moscow, Israel được cho là đã cung cấp cho Ukraine thông tin tình báo liên quan đến máy bay không người lái của Iran. Cuộc chiến trong bóng tối giữa Iran và Israel có thể gia tăng ở Ukraine theo những cách tương tự như cách Israel nhắm vào con người và tài sản của Iran ở Syria. Ví dụ, Israel có thể yểm trợ các lực lượng Ukraine nhắm vào các địa điểm được báo là có các cố vấn quân sự Iran đang cộng tác với Nga.
Về phía Ả Rập Saudi, các nhà hoạch định chính sách cấp cao của Mỹ và Nhà Trắng đã công khai cáo buộc Riyadh bắt tay với Nga. Do lưỡng đảng Mỹ đều thấy khó khôi phục lại vị thế an ninh thống trị ở Trung Đông, Washington nên chấp nhận tiền đề rằng mối quan hệ của họ với Ả Rập Saudi cần được khởi động lại, định dạng phù hợp để tập trung vào các lợi ích cốt lõi được xác định rõ ràng của cả hai bên. Cách tiếp cận bề trên sẽ chẳng giúp Mỹ đạt được điều gì và sẽ đẩy mối quan hệ lún sâu hơn trong khi giá năng lượng bị đẩy cao lên. Lộ trình hành động lý tưởng là phải cụ thể hóa và nhắm vào mối quan hệ Ả Rập Saudi - Nga.
Trước tiên, Mỹ nên áp dụng các biện pháp sáng tạo để tăng cường khả năng phục hồi của chính mình đối với không chỉ Ả Rập Saudi mà tất cả các nhà sản xuất hydrocacbon. Mức giới hạn giá G-7 tính áp đối với dầu của Nga - dự kiến bắt đầu hoạt động vào tháng 12 - hiện phải được đẩy sớm thành tháng 11. Châu Âu và Mỹ cũng nên tăng cường hợp tác về nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) dài hạn và quá trình chuyển đổi từ dầu sang LNG, đặc biệt là phối hợp về giá cả, đầu tư, khuyến khích và quy định.
Thứ hai, cần giả thiết rằng đảng Cộng hòa sẽ nhượng bộ hơn nhiều trong việc đối đầu với Ả Rập Saudi và Nga khi họ trở lại nắm quyền sẽ làm suy yếu quyết tâm của Mỹ. Khi đó, lợi ích quốc gia là kích hoạt nỗ lực của lưỡng đảng trước cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ, tập trung vào việc xem xét lại Đạo luật NOPEC (hoặc Không sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ) để chỉ nhắm mục tiêu đến các tác nhân nước ngoài, bảo vệ ngành năng lượng Mỹ và khởi động một cuộc kiểm toán đặc biệt về mối quan hệ tài chính Nga-Ả Rập Saudi, đặc biệt là giữa hai quỹ tài chính có chủ quyền.
Cuối cùng, chiến lược có tác động lớn nhất vẫn là tìm ra những cách sáng tạo để nhắc nhở Tehran và Riyadh rằng Moscow trước hết là một đối thủ cạnh tranh, tận dụng cách Nga đang cung cấp lượng dầu thô với chiết khấu ngày càng lớn cho các thị trường truyền thống của Ả Rập Saudi và Iran là Trung Quốc và châu Á.
Iran và Ả Rập Saudi đã quyết định yểm trợ Nga trực tiếp hoặc gián tiếp trong nỗ lực chiến tranh ở Ukraine. Khi đánh giá cách quản lý các cường quốc trong khu vực, Mỹ nên thoát khỏi suy nghĩ truyền thống rằng họ có thể đặt cược chiến lược vào Ả Rập Saudi hoặc rằng chính sách răn đe là tất cả những gì nên làm khi đối đầu với Iran.
Phương Tây cần các chính sách mới, sáng tạo hơn và hiệu quả hơn để đáp trả các cường quốc khu vực trong trật tự thế giới đa cực đã được xúc tiến bởi cuộc đụng độ với Nga.