Với việc chia sẻ cổ phần, Berlusconi và tỉ phú Taechaubol hy vọng sẽ mạnh tay hợp tác để Milan sớm trở lại đẳng cấp cao nhất ở Ý và châu Âu.
Thương vụ này sẽ hoàn tất vào cuối tháng 9 tới và số tiền 527 triệu USD sẽ được chuyển vào tài khoản của Tập đoàn Fininvest vào ngày 30.9. Đây chính là chủ sở hữu theo pháp luật đối với AC Milan và doanh nghiệp gia đình này của Berlusconi cũng nắm quyền kiểm soát đối với kênh truyền hình Mediaset và Nhà Xuất bản Mondadori.
Gần 3 thập niên điều hành, Berlusconi có thể tự hào khi AC Milan sở hữu 18 ngôi vô địch nước Ý trong tổng số 28 danh hiệu khác nhau. Tuy nhiên, AC Milan đã sa sút nhiều trong thời gian gần đây, mùa rồi chỉ xếp hạng 10 Serie A và là lần đầu tiên vắng mặt ở các cúp châu Âu sau 4 năm. Với việc chia sẻ cổ phần, Berlusconi và tỉ phú Taechaubol hy vọng sẽ mạnh tay hợp tác để Milan sớm trở lại đẳng cấp cao nhất ở Ý và châu Âu.
Vợ chồng tỉ phú Thái Lan Bee Taechaubol trên đường phố châu Âu. Ảnh: As |
Việc các doanh nhân đến từ Đông Nam Á, khu vực mà nền kinh tế chung chưa phải đã phát triển cao, chịu đầu tư mạnh vào bóng đá châu Âu đã tạo nên những tia hy vọng mới cho các CLB cho dù mức độ rủi ro không ít cũng như khả năng thành công là rất mong manh. Trước Bee Taechaubol, ông trùm ngành dầu cọ, tỉ phú Peter Lim (Singapore), đã mua đến 70,4% cổ phần của CLB Valencia trị giá trên 300 triệu USD, đưa đội bóng này trở lại hạng 4 La Liga mùa giải năm ngoái, chỉ sau các “ông lớn” như Barcelona, Real Madrid, Atletico Madrid; đồng thời giành quyền tham dự vòng sơ loại cuối Champions League.
Chuyện của Taechaubol và Lim đang thể hiện xu hướng đầu tư mới của một số đại gia Đông Nam Á. Doanh nhân Erick Thohir (Indonesia) đầu tư vào Inter Milan nhưng chưa thể cải thiện phong độ đội bóng này khi chỉ xếp hạng 8 Serie A và mất luôn quyền tham dự các cúp châu Âu mùa này… Tỉ phú Malaysia Vincent Tan thì đang “gánh nợ” cùng Cardiff City; cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra từng nắm quyền quản lý Man City năm 2007 nhưng về sau phải bán lại cho các nhà đầu tư từ Abu Dhabi; ông trùm Vichai mua đứt CLB Leicester City (Giải Ngoại hạng Anh), còn nữ tỉ phú Sasima Srivikorn đứng đầu nhóm cổ đông đồng hương Thái Lan sở hữu đội hạng nhất nước Anh Reading FC.
Tiền bạc trong tay các doanh nhân phải tạo ra lợi nhuận. Đó là lý do để dòng vốn từ Đông Nam Á đang tràn vào bóng đá châu Âu trong khi thành tích các đội tuyển khu vực này quá phập phù với các thứ hạng rất thấp trên bảng xếp hạng FIFA.