Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) tăng trưởng tín dụng 2%, huy động vốn tăng 7% là kết quả mới được công bố tại báo cáo tài chính riêng lẻ và báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2013.
Theo báo cáo hợp nhất, tính đến thời điểm 30.9 ACB có tổng tài sản l60.477 tỷ đồng, giảm 9% so với 176.307 tỷ đồng hồi cuối năm ngoái. Tài sản giảm chủ yếu do tiền gửi của ACB tại các tổ chức tín dụng khác giảm mạnh từ 20.328 tỷ đồng xuống 6.863 tỷ đồng. Khoản tiền gửi này có 3.102 tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn và 3.760 tỷ đồng có kỳ hạn.
Theo thuyết minh tiền gửi tại báo cáo tài chính hợp nhất, ACB lưu ý có 718,9 tỷ đồng tiền gửi liên ngân hàng đã quá hạn liên quan đến một ngân hàng TMCP quốc doanh (Viettinbank-PV) và số dư này đang được cơ quan chức năng điều tra, khả năng thu hồi khoản nợ này sẽ tùy thuộc vào quyết định của Tòa án.
Dư nợ cho vay khách hàng của ACB sau 9 tháng là 104.457 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với 102.814 tỷ đồng hồi cuối năm 2012. Tín dụng chỉ tăng nhẹ 2% nhưng nợ xấu của ACB tăng mạnh 36% lên 3.490 tỷ đồng so với 2.570 tỷ đồng ở thời điểm cuối năm 2012, chiếm 3,39% tổng dư nợ cho vay.
Trong các nhóm nợ xấu, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) đã giảm 58% xuống còn 487 tỷ so với 1.150 tỷ vào ngày 31/12/2012. Tuy nhiên nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) đã tăng hơn 2 lần lên 2.341 tỷ đồng so với 747 tỷ đồng cuối năm ngoái. Nợ nghi ngờ (nhóm 4) giảm nhẹ xuống 662 tỷ đồng so với 673 tỷ đồng.
Huy động vốn của ACB tăng 7%, sau 9 tháng đạt 133.674 tỷ đồng so với 125.233 tỷ ở thời điểm 31/12/2012. Tiền gửi của các tổ chức tín dụng khác vào ACB giảm gần 50%, xuống còn 7.077 tỷ so với 13.748 tỷ đồng.
Trong quý 3, ngoại trừ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh lỗ 20,4 tỷ đồng thì tất cả các hoạt động kinh doanh khác đều có lãi. Chú ý nhất là hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng lãi 10,1 tỷ so với mức lỗ khủng 1.144 tỷ đồng của quý 3 năm 2012.
Tổng mức lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước dự phòng rủi ro của ACB quý 3 đạt 616 tỷ đồng và 9 tháng là 1.820 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Quý 3, ACB trích lập dự phòng rủi ro tín dụng 82 tỷ, giảm mạnh so với 274 tỷ đồng quý 3 năm trước, 9 tháng trích lập dự phòng 341 tỷ, giảm 41% so với cùng kỳ năm 2012.
Lợi nhuận sau thuế quý 3, ACB lãi 400 tỷ đồng so với mức lỗ 520 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm ACB lãi 1.117 tỷ đồng, tăng 3% so với 1.086 tỷ đồng năm ngoái.
Tính đến ngày 30.9, ACB có 1.783 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Tiền mặt, vàng bạc đá quý là 2.701 tỷ đồng, giảm mạnh so với 13.502 tỷ đồng ở thời điểm cuối năm năm 2012.
Như vậy, có thể thấy nhờ tất toán một số lượng lớn vàng mà ACB đã thoát lỗ, kết quả kinh doanh có lãi trở lại. Trong phần giải trình, Ngân hàng ACB cho biết lợi nhuận tăng, chủ yếu do hoạt động kinh doanh vàng và ngoại hối lãi so với mức lỗ khủng năm 2012.
Quang Bách