Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - công ty cổ phần (mã chứng khoán ACV - UpCOM) cho biết doanh thu và lợi nhuận của công ty đồng loạt tăng là do giá dịch vụ tăng, bên cạnh đó đơn vị còn được hưởng lợi từ việc chênh lệch tỷ giá và lãi suất tiền ngân hàng.

ACV 'bội thu' nhờ tăng giá dịch vụ

06/11/2018, 14:57

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - công ty cổ phần (mã chứng khoán ACV - UpCOM) cho biết doanh thu và lợi nhuận của công ty đồng loạt tăng là do giá dịch vụ tăng, bên cạnh đó đơn vị còn được hưởng lợi từ việc chênh lệch tỷ giá và lãi suất tiền ngân hàng.

Doanh thu và lợi nhuận của ACV tăng trong 9 tháng đầu năm 2018 - Ảnh: Internet

Doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) mới đây công bố báo cáo tài chính hợp nhất cho biết doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ quý 3/2018 đạt 3.993 tỉ đồng, lũy kế từ đầu năm đến hết quý này đạt hơn 11.957 tỉ đồng, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2017. Theo đó, lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng tương ứng đạt 6.051 tỉ đồng, tăng gần 2.000 tỉ so với cùng kỳ năm ngoái.

Doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm nay đạt 1.175 tỉ đồng, từ mức hơn 893 tỉ đồng năm ngoái. Phần lãi trong công ty liên kết đạt 257 tỉ đồng, tăng 43%. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp 9 tháng đầu năm nay đạt 4.953 tỉ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ năm ngoái đạt 2.961 tỉ đồng).

ACV lý giải doanh thu và lợi nhuận của tổng công ty tăng là do sản lượng vận chuyển qua các cảng hàng không tăng lên, cùng với đó là đơn giá dịch vụ được điều chỉnh tăng theo Quyết định 2345/QĐ-BGTVT.

Ngoài ra, còn do các khoản lãi chênh lệch tỷ giá, lãi tiền gửi ngân hàng tăng. Cụ thể, lãi tiền gửi ACV thu về từ đầu năm đến nay là hơn 1.000 tỉ đồng, tăng mạnh so với mức 750 tỉ đồng cùng kỳ năm ngoái. trong khi đó, tiền lãi chênh lệch tỷ giá đơn vị này thu về cũng tăng mạnh đạt hơn 132 tỉ đồng, cùng kỳ năm ngoái con số này chỉ ở mức 82 tỉ đồng.

Trước đó, theo điều chỉnh của Bộ trưởng GTVT, một loạt dịch vụ hàng không đã tăng giá. Cụ thể là phí cất/hạ cánh máy bay theo từng khung giờ, giờ cao điểm phí cao, giờ thấp điểm phí thấp. Nhờ quyết định này mà doanh thu dịch vụ cất hạ cánh của ACV tăng lên 1.779 tỉ đồng 3 quý năm nay.

Ngoài ra, giá dịch vụ đảm bảo an ninh hàng không đối với hành khách quốc tế cũng tăng lên 2 USD/hành khách; đối với hành khách, hành lý quốc nội tăng dần từ 11.818 đồng/hành khách lên đến 18.181 đồng vào thời điểm 1.4.2018.

Đối với giá dịch vụ phục vụ hành khách tại cảng hàng không đối với chuyến bay quốc nội được điều chỉnh tăng theo giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 (từ 1.10.2017 đến hết 31.12.2017), mức thu áp dụng cho cảng hàng không nhóm A là 75.000 đồng/khách, nhóm B là 70.000 đồng/khách và nhóm C giữ nguyên như hiện nay là 60.000 đồng/khách. Như vậy, tại các cảng hàng không nhóm A, B, mức giá này đã tăng khoảng 7%.

Giai đoạn 2 (từ 1.1.2018 đến hết 31.3.2018), mức giá áp dụng tương ứng cho các cảng hàng không nhóm A, B, C là 80.000, 75.000 và 60.000 đồng/khách; Giai đoạn 3 (từ 1/4/2018 đến hết 30/6/2018), khách bay nội địa tại các cảng hàng không nhóm A, B, C sẽ phải nộp tương ứng 85.000, 75.000 và 60.000 đồng/khách.

Giai đoạn cuối cùng, mức giá cao nhất áp tại cảng hàng không nhóm A là 100.000 đồng/khách, nhóm B là 80.000 đồng/khách và nhóm C là 60.000 đồng/khách.

Theo tính toán của Bộ GTVT, với phương án điều chỉnh này, ACV có thể tăng doanh thu thêm 1.081 tỉ đồng/năm.

14 khách hàng nợ xấu

Tính tới 30.9 vừa qua, tổng tài sản ACV đạt 53.554 tỉ đồng, tăng hơn 4.000 tỉ so với đầu năm. Trong khi đó, nợ phải trả tính đến cuối quý 3 là 23.606 tỉ đồng, tăng khoảng 2.000 tỉ đồng so với đầu năm. Trong đó, nợ ngắn hạn là 8.768 tỉ đồng và nợ dài hạn là 14.837 tỉ đồng. Trong cơ cấu nợ dài hạn, vay nợ thuê tài chính dài hạn chiếm hơn 14.726 tỉ đồng, chủ yếu là vay nợ ODA do Nhật Bản tài trợ.

Trong cơ cấu tài sản ngắn hạn, các khoản phải thu cả khách hàng ngắn hạn có xu hướng tăng từ 1.972 tỉ đồng lên 2.122 tỉ đồng (tăng hơn 1.000 tỉ đồng). Các đơn vị đang “om” vốn của ACV gồm: Vietnam Airlines (589 tỉ đồng), Vietjet (527 tỉ đồng), Jesta Pacific (161 tỉ đồng)… Đáng chú ý, lượng tiền gửi ngân hàng của ACV ở mức khá cao với 18.604 tỉ đồng (bằng 69,7% tài sản ngắn hạn và bằng 38% tổng tài sản).

Ngoài ra, trong bảng nợ xấu của ACV có tổng cộng 14 khách nợ với tổng số tiền là hơn 30 tỉ đồng, trong đó có 3 hãng hàng không: Air Mekong chiếm 25,9 tỉ đồng, Transaero Airlines nợ 2,65 tỉ đồng và hãng SW Italia nợ 634 triệu đồng. Tuy nhiên, Air Mekong đã bị "khai tử" khỏi thị trường hàng không Việt Nam hồi đầu tháng 1.2015 sau gần 2 năm xin tạm ngừng khai thác để tái cơ cấu đội tàu bay, nên khả năng khoản tiền nợ trên ACV rất khó thu hồi lại.

Hiện ACV có hơn 1.163 tỉ đồng tiền và các khoản tiền tương đương. Trong đó, tiền mặt là hơn 3 tỉ đồng, tiền gửi ngân hàng là hơn 660 tỉ đồng, các khoản tiền tương đương là 500 tỉ đồng.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Du lịch xanh lên ngôi
10 giờ trước Văn hóa
Xu hướng du lịch xanh trong những năm gần đây ngày càng "lên ngôi", được nhiều du khách trong và ngoài nước quan tâm.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
ACV 'bội thu' nhờ tăng giá dịch vụ