Ngày 19.1.1969, lá cờ Việt Nam xuất hiện trên đỉnh tháp nhà thờ Đức Bà Paris, một ngày sau phiên họp đầu tiên của Hội nghị Paris đàm phán hòa bình ở Việt Nam khai mạc.

Ai đã treo lá cờ Việt Nam trên đỉnh cao nhà thờ Đức Bà Paris?

Theo Người Đô Thị | 27/01/2023, 15:00

Ngày 19.1.1969, lá cờ Việt Nam xuất hiện trên đỉnh tháp nhà thờ Đức Bà Paris, một ngày sau phiên họp đầu tiên của Hội nghị Paris đàm phán hòa bình ở Việt Nam khai mạc.

Ngày 27.1.2023 là mốc đánh dấu tròn 50 năm Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết. Dịp này, các tác giả của sự kiện treo cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam trên đỉnh Nhà thờ Đức Bà Paris đúng vào ngày mở đầu vòng đàm phán Hội nghị Paris (19.1.1969) đã quyết định kể lại câu chuyện mạo hiểm của họ 54 năm trước, từng gây chấn động truyền thông Pháp và Mỹ.

Với tựa đề lớn LE VIET CONG AU SOMMET DE NOTRE - DAME, cuốn sách của Bernard Bachelard, Noé Graff và Olivier Parriaux được Nhà xuất bản FAVRE, Lausane (Thụy Sĩ) ấn hành, ra mắt tháng 1.2023.

Được sự đồng ý của các tác giả, Người Đô Thị giới thiệu một trích đoạn của cuốn sách với sự chuyển ngữ của Trần Hải Hạc. 

taccgia1.gif
Ba tác giả của cuốn sách, từ trái: Olivier Parriaux, Bernard Bachelard, Noé Graff

Tác giả của quyển sách này là ba nhà hoạt động người Thụy Sĩ mà danh tính cho đến nay chưa được phát hiện, kể cả trong hồ sơ Sở Mật thám Liên bang Thụy Sĩ. Họ đã giương cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam (MTDTGPMNVN) lên cây thánh giá ở đỉnh tháp nhà thờ Đức Bà Paris trong đêm 18.1.1969, ngày khai mạc Hội nghị bốn bên về Việt Nam.

Bernard Bachelard lúc đó 26 tuổi là giáo viên thể dục, Noé Graff 24 tuổi là sinh viên khoa luật và Olivier Parriaux 25 tuổi là sinh viên vật lý. Sau những năm cùng hoạt động trong Liên minh Mácxít Cách mạng (Ligue Marxiste Révolutionnaire - THH) tại Thụy Sĩ, người thứ nhất trở thành điều phối viên chương trình thí điểm về chăm sóc sức khỏe tại gia của bang Vaud, sau khi đã theo học khoa chính trị kinh tế.

Người thứ nhì tiếp nối cơ nghiệp trồng nho của gia đình, đồng thời dấn thân bảo vệ người lao động nông nghiệp ở Tây Ban Nha, đã cùng với đồng nghiệp sáng lập “mặt bằng vì một nền nông nghiệp mang tính xã hội bền vững” - từ năm 1986, nông trang của ông thường xuyên đón tiếp Ahmed Ben Bella (lãnh đạo Angêri - THH) tị nạn ở Thụy Sĩ. Người thứ ba trở thành giáo sư đại học, giảng dạy và nghiên cứu trong lãnh vực quang học điện từ, đã thiết lập quan hệ hợp tác chặt chẽ và lâu dài với những nhà vật lý Liên Xô.

Ngày hôm nay, ba tác giả kể lại 30 giờ gia nhập của họ vào cuộc chiến 30 năm của một dân tộc đã rứt ra khỏi nanh vuốt chủ nghĩa thực dân, kháng cự thắng lợi đại hồng thủy khói lửa và hóa chất chết người của Hoa Kỳ, và bước ra khỏi tình trạng kém phát triển.

tacgia2.gif
Bìa cuốn sách

Cách đây nửa thế kỷ, chúng tôi sang Paris...

... trên chiếc xe con cóc Citroen 2 CV. Chúng tôi - Bacchus (Bernard Bachelard), Noé (Noé Graff) và Olaf (Olivier Parriaux), quê ở ba làng khác nhau của bang Vaud, Thụy Sĩ - đến Paris với một cuộn vải lụa, một dây thừng dài, một cưa sắt và một ít đồng franc Pháp.

Ngày thứ Bảy 18.1.1969 này, không sử dụng thiết bị leo núi, chỉ bằng tay không, chúng tôi sẽ leo lên chóp tháp Viollet-le-Duc của nhà thờ Đức Bà trong ban đêm, và treo lên thánh giá ở trên đỉnh cao 96 m một lá cờ lớn của MTDTGPMNVN, mà không hề biết chắc là có về trở lại được hay không.

Lối vào, đường đến chóp tháp, cách leo lên đỉnh và cách tẩu thoát được chuẩn bị trên cơ sở của một tập bản vẽ lớn của kiến trúc nhà thờ Đức Bà Paris có tại thư viện Palais de Rumine của Lausanne.

tacgia3.gif
Lượn qua song sắt - ẩn núp ở mặt Đông - Nam tháp chuông - tụt xuống các xà gỗ của tháp chuông Nam - tiến dọc theo phào chỉ đi đến tháp chuông Bắc - Ảnh: DXR, Daniel Vorndran

Chúng tôi muốn ghi khắc chuyến dã ngoại này vào một thời điểm bản lề lịch sử thế giới. Quả thật vậy. Lá cờ Việt Nam đã phất phới suốt ngày Chủ nhật, một ngày trục của cuộc chiến tranh Việt Nam: Thứ Bảy là ngày hội đàm Paris nhóm họp phiên đầu tiên với bốn bên, tức cuối cùng đó là sự công nhận của thế giới đối với MTDTGPMNVN như là đại diện của một dân tộc đang chiến đấu để giải phóng mình. Thứ Hai là ngày biểu tình lớn của phong trào phản chiến Mỹ tại Washington chung quanh điện Capitol, nơi Nixon nhậm chức tổng thống - đắc cử với lời hứa hòa bình, ông ta sẽ kéo dài chiến tranh cho đến khi bị truất phế, tức thêm năm năm nữa và một triệu người tử vong.

Cho đến nay, chúng tôi không hề muốn lên tiếng nhận lấy trách nhiệm về hành động này, hoặc kể lại câu chuyện. Chỉ khi chóp tháp nhà thờ Đức Bà Paris cháy và sụp đổ vào tháng 4.2019, chúng tôi mới ý thức sự cần thiết quay trở lại một nửa thế kỷ, kể lại câu chuyện, trình bày những động cơ của chúng tôi lúc ấy (…)

Vương miện hoa hồng của nhà thờ Đức Bà

Lausanne, 6 giờ sáng thứ Bảy 18.1.1969. Trời còn tối. Từ một tuần nay, chúng tôi biết được đàm phán ở Paris cuối cùng sẽ khai mạc tuần ngày 19.1, sau nhiều lần cò cưa của Nixon từ khi thắng cử tổng thống Hoa Kỳ ngày 5.11.1968. Một sự giao hòa lý tưởng của hai sự kiện lớn: Phiên họp bốn bên đầu tiên thứ Bảy 18 tại Trung tâm hội nghị quốc tế Paris, và thứ Hai là ngày Nixon nhậm chức tại điện Capitol ở Washington với cuộc biểu tình phản đối của phong trào phản chiến đã từng tổ chức năm 1967 cuộc bãi khóa của một triệu sinh viên học sinh vào tháng Tư, và cuộc tuần hành 100.000 người phản kháng trước Pentagone vào tháng Mười.

tacgia4.gif
Vị trí chờ đợi trong bóng mờ (O) - tụt xuống các xà gỗ - nhảy qua khoảng trống không (X) -tiến tới giao lộ của gian giữa và gian ngang - Ảnh: AFP

Chúng tôi chất thiết bị - hầu như không có gì - vô xe con cóc và lên đường. Noé, hiền lành, cầm tay lái, đi về hướng núi Jura. Mặt trời mọc khi đến làng Les Fourgs, chúng tôi băng qua những làng nằm dọc theo lộ đường của vùng Bourgogne-Franche Comté, với những căn nhà mà mặt tiền vẽ bằng màu xưa cũ một gã múa may và hát, tay cầm ly rượu và chúc bạn thượng lộ bình an (…)

Con cóc 2 CV ngừng ở một khu vực nghỉ trên Quốc lộ số 6 gần Paris để chúng tôi trang bị. Bacchus đeo cuộn vải lụa vào vai. Tôi (Olaf) quấn dây thừng dài quanh người và đặt cưa sắt vào giữa hai xương bả vai, rồi tròng lên phía trên một áo khoác bó sát người.

Tới Paris vào khoảng 13 giờ, chúng tôi lấy hướng đảo Ile de la Cité. Thật may: Noé có thể đỗ xe phố Quai de l’Archevêché, sát vườn hoa cùng tên (nay trở thành Square Jean XXIII), ngay khu vực đầu nhà thờ lớn, ở trên trục kéo dài của nó. Vào khoảng 14 giờ, chúng tôi tách ra và thỏa thuận với Noé rằng bạn sẽ đợi hai đứa chúng tôi ở trong xe bắt đầu từ 23 giờ và sẽ nhấp nháy đèn pha - từ đây đến đó, Noé sẽ tham quan thành phố vì là lần đầu trong đời bạn đến Paris.

tacgia5.gif
Trèo lên dãy tượng Tây - Bắc - tiến lên hành lang thứ nhất - Ảnh: Alami

Bacchus và tôi cùng vào một quán cóc ở phố Cloître-Notre-Dame để dùng cà phê trước khi bắt tay vào việc. Hai đứa ngồi vào bàn. Bacchus trêu chọc: “Kỳ này là đến lượt bồ làm phải không?”. Tôi ngước mắt nhìn lên chóp tháp: “Rất tiếc, nhưng chúng ta một lần nữa phải dựa vào thần kinh của bồ”…

Phải nói rằng chúng tôi đã từng có thực tập ban đêm, trước lần biểu tình lớn ngày 22.6.1968 của toàn Thụy Sĩ ủng hộ Việt Nam chống chiến tranh của Mỹ, mà cao điểm là giương cờ MTDTGPMNVN trên đỉnh các tháp nhà thờ lớn Lausanne và Berne (1).

Tân khách của nhà thờ Đức Bà

Thứ Bảy 18.1.1969. 15g30, chúng tôi bước lên tháp chuông Nam, lẫn trong dòng khách du lịch trước khi hết giờ tham quan, đến lối đi đầu tiên của tháp ở độ cao 45m và là tầng cao của ô sáng kết nối hai tháp chuông. Chúng tôi kiểm tra hiện trường: ngõ ra Đông-Nam của lối đi có song sắt cao ngăn chận công chúng đi qua. Canh thời điểm không có ai nhìn thấy, chúng tôi lượn quanh song sắt - bên khoảng trống không - bằng cách bám vào nó, rồi ẩn núp ngay bên mặt Đông-Nam của tháp chuông.

Ngồi chồm hổm ở phía sau một dãy lam chớp âm thanh để tránh gió, chúng tôi đợi hoàng hôn xuống trong khi thảo bản thông cáo báo chí sẽ trao cho báo Le Monde. Thời tiết không dưới 4 độ, nhờ những tảng đá giữ hơi ấm của một ngày nắng đẹp mùa đông.

Màn đêm buông xuống vào khoảng 18 giờ. Đã đến lúc chúng tôi đi xuống tầng của phào chỉ, tức của dải vật liệu trang trí các mặt phẳng. Khoảng trống giữa các cánh gập của lam chớp cho phép một cơ thể luồn vào bên trong tháp chuông. Ôm lấy những xà gỗ sồi khổng lồ của khung sườn đỡ mười ba tấn và bốn thế kỷ của cái chuông lớn Emmanuel và cái chuông mới Marie, chúng tôi tụt xuống 10m phía dưới, người phủ bởi lớp bụi hàng thế kỷ. Rồi qua tầng thấp của ô sáng, chúng tôi tiến về phía điểm nối của tháp chuông Bắc với bức tường máng xối chạy dọc phía dưới mái của gian giữa nhà thờ.

Kinh ngạc: thay vì có một lối đi liên tục từ tháp chuông sang tường máng xối, chúng tôi phát hiện một khoảng cách 2m phải vượt qua mà phía dưới là 35m - điều mà tập bản đồ của thư viện không hề chỉ ra. Trời đã tối. Lưng chạm vô tường của tháp chuông - không có độ lùi lấy trớn - Bacchus phóng qua không khó khăn. Tôi nhảy qua chỉ suýt soát và phải được kềm giữ lại.

tacgia6.gif
Đi xuống theo ba chặng, từ bức tường máng xối cho đến vườn hoa Square de Archevêché - Ảnh: Zairon

Sau đó là đường đi trên bức tường dọc theo gian giữa của nhà thờ đến giao điểm với gian ngang, chúng tôi khom lưng tiến tới, một phần được khuất tầm nhìn từ phố Cloître-Notre-Dame nhờ các trụ tường chống trên cao.

Một khó khăn bất ngờ khác sinh ra ở đây. Tại giao lộ gian giữa-gian ngang, phương chính Tây Bắc, là một dãy tượng bằng đồng rập nổi, thờ nhà truyền giáo Thánh Marco, bắt đầu với biểu tượng con sư tử có cánh. Các tượng này được lắp đặt trên bệ theo những bậc thang có độ dốc cao hơn 2m mà không có chỗ lồi để bám vào - chiều cao của các bức tượng hơn 3m rõ ràng đã bị đánh giá thấp. Chúng tôi phải mất một giờ trèo lên, tuột xuống để tiến tới thân của chóp tháp. Từ đó, chúng tôi leo lên hông chóp tháp bằng cách bám vào các quái vật chimera và các chỗ lồi, cuối cùng đạt đến hành lang mở thứ nhất vào khoảng 9 giờ tối. Lối lên hành lang thứ hai dễ dàng hơn vì đi từ bên trong.

Mặc dù xuất hiện những bất ngờ trên, chúng tôi có mặt vào đúng thời điểm dự định tại chân của công trình 96 m, 500 tấn gỗ sồi, 250 tấn chì và 160 năm tuổi. Chúng tôi kiểm tra hiện trường. Choàng cuốn vải lụa qua vai, Bacchus buộc đầu dây an toàn leo núi vào thắt lưng của mình. Lá cờ bằng lụa kích thước 3 x 5 m, có viền được gia cố để chứa một sợi dây ở hai đầu buộc móc lò xo. Thay vì bị cuốn lại, lá cờ được xếp theo dạng đàn phong cầm để có thể bung ra mà không bị xoắn: cuốn vải lụa được giữ bằng mười dây thun nối nhau bởi một dây thừng sợi nhỏ và dài 12 m.

Đường lên thánh giá

Cuộc leo lên chóp tháp bằng tay không, bắt đầu vào khoảng 10 giờ tối, bên sườn Bắc là bên có những thanh sắt nẹo vào tường và cách nhau khoảng 60cm. Vươn cao lên trời, chóp tháp có mặt cắt hình bát giác. Dọc theo tám cạnh có các “móc” trang trí gothic - là những hoa văn đắp nổi, mô tả những chồi cây, nhóm theo hình vương miện và cách nhau khoảng 2m. Các móc này, đặt trên hai cạnh khung tường phải leo lên, thật hữu ích để vịn vào khi phải ngừng nghỉ. Chúng tôi đi lên thật chậm để kiểm tra ở mỗi mức độ rằng thanh sắt tiếp theo vẫn neo chắc chắn vào tường, sau một thế kỷ thời tiết mưa gió và chu kỳ nhiệt.

tacgia7.gif

Càng leo lên cao, mảnh tường chúng tôi đối diện càng thu hẹp cho đến khi tay chúng tôi có thể ôm lấy cột của thánh giá và nắm bắt tay phía sau. Gió tạo nên những dao động mà bụng của chúng tôi cảm nhận, mắt của chúng tôi cũng nhìn thấy như vũ điệu của tả ngạn sông Seine phía xa. Nhìn xuống chóng mặt: từ độ cao của chúng tôi, các mái của nhà thờ nhìn như bằng phẳng, thế nhìn của chúng tôi vượt trội các tháp chuông 69 m.

Chúng tôi tạm dừng ở hoa văn trang trí sau cùng, nơi đây dây leo an toàn được cột nhiều vòng vào một chiếc móc, để dây có thể dài ra khi Bacchus tiếp tục leo về phía thánh giá. Tôi đột nhiên nhận ra là kỹ thuật leo an toàn ở đây vô lý cũng như vô ích: nếu Bacchus ngã thì anh sẽ ngã vào bức tường bên dưới mà không có mũ bảo hiểm, với giả định rằng chiếc móc chịu đựng được cú sốc.

Kỹ thuật leo an toàn thật ra quy vào ý thức của Bacchus về sự chính xác trong mỗi động tác và sự can trường của anh, kèm với - điều mà người ta có thể tin - là lòng khoan dung phù độ của thần thánh.

Tôi dừng lại ở 3 m dưới vương miện hoa hồng và hoa loa kèn có đường kính 1 m. Tôi sẽ ở đây trong khi Bacchus thực hiện giai đoạn leo cuối cùng và rủi ro nhất vào lúc 10 giờ 45: tiến lên cây thánh giá. Khi tiến công vương miện hoa hồng, Bacchus dường như cảm nhận dây thừng quá lỏng lẻo, hô lên giọng lo âu:

- Bồ giữ tôi chặt chứ!

- Rồi! (có phải nói lên điều mà tôi vừa nhận ra chăng?)

Vượt qua phần cao khó khăn của vương miện hoa hồng, Bacchus leo lên cột kim loại đến chân cây thánh giá cao 6m và nắm lấy hoa văn ở chân cây thánh giá là một bó bốn hoa hồng lớn. Leo lên thanh đứng của thánh giá theo kiểu leo cột, Bacchus bám vào đồ trang trí ở điểm chéo nhau của thánh giá, và gắn móc lò xo của phía trên lá cờ. Giờ thứ mười một.

tacgia8.gif
Trung sĩ cứu hỏa đồng thời là diễn viên đóng thế Raymond Belle được vận chuyển bằng trực thăng đang cố gắng tháo gỡ lá cờ MTDTGPMNVN - Ảnh: Tư liệu báo chí

Tôi trông thấy đèn pha của Noé đang nhấp nháy. Bacchus tuột dần xuống và gắn móc lò xo thứ hai vào chân cây thánh giá. Sau đó, nằm trên vương miện hoa hồng, Bacchus bám vào viền hoa, thả mình xuống, đặt một chân sau thân cột chóp tháp để tiến đến gần hơn rồi ôm lấy cột khi thả viền hoa, và anh gặp lại tôi ở bên dưới vương miện hoa hồng. Giai đoạn cuối cùng này không kéo dài quá nửa giờ. Đến đó, hai đứa chúng tôi cùng kéo dây thừng nhỏ. Đánh trống ngực. Lá cờ lớn lập tức bung ra với một tiếng phựt mà ngay Noé ở dưới xe cũng nghe thấy. Mười hai giờ đêm.

Chúng tôi xuống chầm chậm một phần ba chiều cao chóp tháp và, để ngăn chận người khác sắp tới sẽ tìm cách leo lên, chúng tôi cưa các thanh sắt sát vô tường và trên nhiều mét. Cưa cắn sắt như gỗ sồi (thép không gỉ chỉ được phát minh năm 1913). Chúng tôi trở lại hành lang mở đầu tiên vào 12 giờ rưỡi đêm, và từ đó đi xuống bằng cách trượt dọc theo dãy tượng đồng phía Đông - Nam, bắt đầu với tượng của bản thân Viollet-le-Duc trong tư thế Thánh Thomas chiêm ngưỡng tác phẩm của mình, sau đó là Jacques le Mineur, Thánh Paul và cuối cùng là Thánh Jean trong hình dáng của con đại bàng thuộc tứ giác của Ngày tận thế.

Chúng tôi nhanh chóng đi đến tường máng xối và chuẩn bị việc đi xuống bằng dây theo ba chặng: Từ lối đi trên tường đến mái của khán đài; từ mái này đến mái của lối đi bên ngoài; và từ đấy xuống mặt đất. Một nút thắt dây thành vòng được thắt vào giữa cuốn dây thừng. Mỗi nửa phần dây thừng được đặt mỗi bên giá đỡ của một miệng ống máng thoát nước, một phân nửa này đi qua vòng của một phân nửa kia, bao quanh cái giá đỡ. Việc leo xuống bằng dây được tiến hành trên phân nửa dây thừng không có thắt thành vòng. Nên khi tiếp nhận người leo xuống thứ hai, một lực kéo trên phân nửa dây có thắt thành vòng cho phép thu hồi dây thừng cho lần leo xuống bằng dây tiếp theo.

tacgia9.gif
Tiểu đội trực thăng vận của Cứu hỏa Paris và chiến lợi phẩm

Khoảnh khắc lo âu trong lần leo xuống bằng dây cuối cùng: nó xảy ra trước buồng áo tân-gothic của Viollet-le-Duc, ở đó có một tu sĩ đang gác đêm trong một căn phòng có ánh sáng và mở cửa sổ. Chúng tôi xuống tới đất lúc 1g30, bỏ lại dây thừng tại chỗ - khiến có nhà báo về sau viết rằng các tác giả vụ treo cờ nhà thờ Đức Bà đã leo lên bằng dây thừng - và rút lui kín đáo qua vườn hoa, đến nơi hẹn gặp Noé. Nhìn lại phía sau lưng một lần cuối, chúng tôi nhận ra lá cờ to đẹp trong ánh sáng khuếch tán của thành phố. Nó phất phới theo gió, giương rộng ra.

Hai giờ sáng, xe chúng tôi đi đến tòa soạn của báo Le Monde, số 5 rue des Italiens. Nỗi lo sợ sau cùng: trên đường đi, chúng tôi rơi vô một ngã tư lớn khá hỗn độn - tiếng huýt còi, chất hỏa mù, đèn pha quay, lực lượng công an hiện diện dày đặc và kiểm tra xe (chúng ta không xa tháng 5.1968 và Tổng thống De Gaulle còn đương quyền). Một viên công an ra dấu cho xe dừng lại và tiến đến gần - rồi đời chúng tôi, mặt mũi lúc đó còn bôi đen ôxít chì. Nhưng chúng tôi lại sững sờ vì nụ cười của ông khi nhìn thấy bảng xe ở nước ngoài của chúng tôi, và liền ra dấu với cây dùi cui cho xe đi nhanh.

Lần cuối cùng toát mồ hôi hột là trước cửa báo Le Monde: May là tòa soạn có một hộp thư ở bên ngoài, cho nên tôi đã đút ngay bản thông cáo báo chí vào đấy. Lúc ấy là đã hai giờ rưỡi. Chỉ một giờ sau đó, một nhân viên Sở công an trên đảo Ile de la Cité sẽ phát hiện ra lá cờ tung bay trên đỉnh của chóp tháp.

Khi đó, đã ra khỏi Paris, chúng tôi trên đường đi Lausanne, và sẽ về đến nơi vào cuối buổi sáng Chủ nhật - vô cùng nóng lòng muốn biết số phận của lá cờ và tiếng vang có thể của nó trên bầu trời Paris.

Vừa về tới nơi, chúng tôi chạy đến rạp Cinéac khi đó chiếu thường trực thông tin thời sự. Chúng tôi thở phào và phấn khích: lá cờ vẫn còn đó, phất phới tuyệt vời ở đỉnh chóp tháp (…)

Mọi cặp mắt đều nhìn về nhà thờ Đức Bà

Trả lời phỏng vấn của một nhà báo Mỹ ngay sáng Chủ nhật đó, một sĩ quan công an Pháp tuyên bố: “Dù là ai thì cũng không dễ gì mà làm. Có thể nhận thấy rõ lá cờ từ Sở công an cách 250 m. Lính cứu hỏa đã thử gỡ nó xuống nhưng không thành. Tôi phải thừa nhận rằng sáng hôm nay chúng tôi hơi bị quê. Người làm điều ấy phải là người gan góc”. Lần đầu tiên trong lịch sử của họ, đội cứu hỏa Paris đã phải thao tác bằng trực thăng. Các nhà báo, nhiếp ảnh, quay phim mặc sức ngắm cảnh đó dưới mọi góc độ. Cuối cùng, đến khoảng 15 giờ, lính cứu hỏa và đồng thời là diễn viên đóng thế (nay đã quá cố) Raymond Belle (bố là lính Pháp, mẹ người Việt) đã treo mình vào dây cáp trực thăng để tiến đến gần cây thánh giá - trong những điều kiện khó cực kỳ và sau nhiều lần thất bại - mới cắt đứt các dây cột lá cờ đỏ - xanh với ngôi sao vàng năm cánh.

Ông được binh chủng chính thức vinh danh, cũng như sự quý trọng của chúng tôi, vì sự can đảm và nghiệp vụ tổ chức thao tác trực thăng. Sự hiện diện lâu dài của lá cờ MTDTGPMNVN ngày mở đầu đàm phán, cũng như thao tác nhào lộn để tháo gỡ nó, đã thu hút quan tâm của các phương tiện truyền thông quốc tế với những bài báo, phim và ảnh ngoạn mục, trong đó có trang đầu The New York Times ngày 20.1.

tacgia10.gif
Sự kiện lập tức xuất hiện trên báo The New York Times - Ảnh: Reporter Associes D.R.

Thao tác của chúng tôi, dù mang tính thiểu số, không thuộc loại hành động mang tính cám dỗ; đó không phải là hành động mà tính chất triệt để chỉ biểu hiện sự nôn nóng hay bất lực, thay thế sự thiếu vắng một phong trào xã hội. Trái lại, thao tác ấy phải được đặt vào quá trình phát triển của phong trào ủng hộ MTDTGPMNVN ở châu Âu, đã được đẩy tới bởi mùa thu nóng năm 1967 tại Đức và tháng 5.1968 với mười triệu lao động đình công tại Pháp, và với sự chuyển hóa ở Hoa Kỳ của phong trào chống chiến tranh thành phong trào công khai ủng hộ MTDTGPMNVN.

Ngày hôm đó, trong một không khí tất tưởi và lo lắng, Washington chuẩn bị cuộc biểu tình lớn hôm sau ngày Richard Nixon tuyên thệ nhậm chức tại Capitol, trong bụng đã quyết dội bom ồ ạt trở lại và tiếp tục tiến hành chiến tranh hóa học tàn phá rừng rú và ruộng đồng Việt Nam.

tacgia11.gif
... và tạp chí Life - Ảnh: Reporter Associes D.R.

Hành vi của chúng tôi hiển nhiên không thay đổi tương quan lực lượng trong chiến tranh, nhưng tầm cỡ và sự thành công của nó nhấn mạnh vị thế lệ thuộc, cô lập của chính quyền Sài Gòn, và tính chính đáng, ưu việt của MTDTGPMNVN. Mặt khác, nó cũng hỗ trợ phong trào phản chiến Mỹ trong cuộc vận động quốc tế của nó, như Bill Zimmerman xác nhận(2): “Vào sáng ngày 20.1.1969, một số đông trong phong trào phản chiến tập hợp về Washington phản đối Richard Nixon nhậm chức tổng thống, tinh thần của chúng tôi được kích lên lại bởi một bức ảnh trên trang nhất báo The New York Times.

Một lá cờ của MTDTGPMNVN trên đỉnh nhà thờ Đức Bà ở Paris, nơi diễn ra những cuộc hội đàm chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Tại Hoa Kỳ, chúng tôi hoạt động đã 4 năm nhằm kết thúc cuộc chiến ấy, và nhìn thấy với bằng chứng hiển nhiên rằng những người khác trên thế giới cũng đang làm như vậy, khiến chúng tôi càng quyết tâm tiếp tục cuộc đấu tranh của mình chừng nào còn cần thiết”.

Hoàn thành sứ mạng

Chúng tôi đã dự đoán đúng từng chữ lời biết ơn tháng 1.1973 của bà Nguyễn Thị Bình, người đứng đầu phái đoàn Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (CPCMLTCHMNVN) tại hội đàm Paris: “Một lần nữa, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành tới các bạn bè của Việt Nam trên thế giới, trong đó có các bạn Hoa Kỳ, đã giương cao biểu ngữ của MTDTGPMNVN và CPCMLTCHMNVN, đã đấu tranh chống lại chiến tranh xâm lược do Hoa Kỳ tiến hành và ủng hộ nguyện vọng chính đáng của người dân miền Nam Việt Nam”.

Báo Le Monde thứ Ba 21.1 đăng lại kết luận thông cáo báo chí của chúng tôi: “… Hành vi nói trên biểu tượng sự ủng hộ của nhân dân Pháp đối với một cuộc đấu tranh giải phóng mà họ liên đới, bản thân họ đã đặt cơ sở cho cuộc đấu tranh cách mạng ở Pháp vào tháng 5.1968. Thay vì cho đó là một hành động phạm thần linh, nên xem nó là việc ủng hộ tình cờ của Giáo hội Công giáo đối với cách mạng, trong khi ở Sài Gòn vai trò giáo hội là làm chỗ tựa cho một chính quyền phản động”.

Đưa thông tin rộng rãi, các báo đài hầu như không phản bác hành động của chúng tôi: Sự chênh lệch về những phương tiện huy động để treo và để hạ lá cờ, mặt khác tính thẩm mỹ cân xứng của hành động, như khơi dậy sự tôn trọng nói chung.

Điều này phản ánh độ cảm tình cao trong công luận đối với MTDTGPMNVN. Chính quyền Sài Gòn có cáo buộc Mặt trận Giải phóng “làm uế tạp” công trình tôn giáo. Văn phòng tòa Tổng giám mục đã cải chính rằng chỉ bên trong nhà thờ lớn mới là sở hữu của Giáo hội, còn bản thân công trình thuộc Nhà nước Pháp. MTDTGPMNVN tuyên bố không liên quan đến sự kiện đó.

Theo chứng từ tháng 1.2021 của một thành viên còn sống trong nhóm đàm phán của CPCMLTCHMNVN và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: “Tất cả chúng tôi đều vui mừng thấy lá cờ MTDTGPMNVN bay trên nhà thờ Đức Bà, nhưng đều tránh biểu lộ công khai điều ấy để không làm phật lòng chính phủ nước chủ nhà” (3).

Bernard Bachelard, Noé Graff và Olivier Parriaux - Trần Hải Hạc dịch (trích đoạn)

(1) Ngày 22.6.1968, nhiều cư dân Berne ngạc nhiên thấy một lá cờ lớn, rõ ràng không phải cờ Thụy Sĩ, tung bay trên đỉnh tháp chuông thánh đường Münster. Vài người trẻ vào đêm trước đã leo lên tận đỉnh tháp, treo lá cờ của MTDTGPMNVN. “Kỳ tích leo núi” này, như cảnh sát gọi, đã mở đầu Ngày Thụy Sĩ cho Việt Nam, quy tụ tại Berne vài trăm người, đa số là giới trẻ, biểu tình chống chiến tranh Việt Nam.
(2) Nhà hoạt động chính trị lâu năm, đã hành động cho dân quyền ở các nước phía Nam, phản kháng chiến tranh Việt Nam, giúp hướng dẫn phong trào phản chiến giữa 1971 đến 1973. Sau đó, ông hoạt động chống lại sự can thiệp quân sự của Hoa Kỳ ở châu Mỹ La tinh và hướng dẫn những chiến dịch bầu cử cấp tiến ở Hoa Kỳ.
(3) Chứng từ do Nguyễn Ngọc Giao ghi lại, thư tín riêng, 1.2021.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Không để người dân thiếu nước
32 phút trước Bảo vệ môi trường
Trước tình hình thiếu nước ngọt do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã triển khai linh hoạt các biện pháp ứng phó nhằm bảo đảm cho hoạt động sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ai đã treo lá cờ Việt Nam trên đỉnh cao nhà thờ Đức Bà Paris?