Giải ngân vốn đầu tư công của 10 tháng chỉ đạt trên 52%, thấp hơn khoảng hơn 4 điểm % so với con số của cùng kỳ năm ngoái (56,7%).
Hạ tầng và bất động sản

10 tháng chỉ đạt 52%, áp lực giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm rất lớn

Lam Thanh 18:57 09/11/2024

Giải ngân vốn đầu tư công của 10 tháng chỉ đạt trên 52%, thấp hơn khoảng hơn 4 điểm % so với con số của cùng kỳ năm ngoái (56,7%).

Giải ngân đầu tư công chậm

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến hết tháng 10.2024, giải ngân vốn đầu tư công của cả nước ước đạt trên 355.616 tỉ đồng, bằng 47,43% tổng kế hoạch và bằng 52,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Có 15 bộ, ngành và 41 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước nhưng có tới 29 bộ, ngành và 22 địa phương giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước.

Một số địa phương được giao kế hoạch vốn lớn nhưng tỷ lệ giải ngân không cao đã ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ giải ngân chung của cả nước. Tỷ lệ giải ngân các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm trong lĩnh vực giao thông vận tải cao không đồng đều.

0-dtc-4.jpeg
Giải ngân đầu tư công vẫn chậm

Như vậy, áp lực giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm là rất lớn khi tỷ lệ giải ngân 9 tháng đầu năm 2024 chưa đến 50% kế hoạch vốn được giao.

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng đầu tư công là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, việc giải ngân chậm có vướng mắc, kéo dài từ khẩu giải phóng mặt bằng, khâu lập và thẩm định hồ sơ dự án, thậm chí từ chính trách nhiệm của người đứng đầu khi chưa quyết liệt…

Ông Thịnh cho rằng ngoài việc tháo gỡ khăn về cơ chế, vật liệu thì cũng cần quy trách nhiệm giải ngân cho người đứng đầu các ngành, địa phương để nâng cao trách nhiệm của họ, có như thế mới thực hiện được việc giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả nhất.

Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam cũng cho rằng đầu tư công sẽ đóng vai trò thiết yếu trong việc thúc đẩy tăng trưởng năm 2025.

Theo ông Hùng, với tình hình xuất khẩu gặp khó khăn và dòng vốn đầu tư nước ngoài khó có thể duy trì mức tăng trưởng như trước, đầu tư công sẽ nổi lên như động lực chính cho tăng trưởng kinh tế trong năm tới, đặc biệt khi thị trường toàn cầu chưa có dấu hiệu phục hồi vững chắc.

Tuy nhiên, Kinh tế trưởng ADB cũng cảnh báo về những thách thức trong triển khai đầu tư công, ông chỉ rõ rằng việc đảm bảo hiệu quả đầu tư công và tránh lãng phí là yêu cầu bắt buộc để đầu tư công thực sự phát huy tác dụng.

Ngoài ra, ông Hùng lưu ý rằng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công hiện còn chậm, trong khi các rào cản pháp lý vẫn là trở ngại lớn cho các dự án. Ông Hùng đề xuất rằng các cơ quan quản lý cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu các khâu trung gian và đơn giản hóa quy trình giải ngân nhằm tối ưu hóa nguồn vốn đầu tư công.

Trả lời báo chí tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết Bộ KH-ĐT đã cập nhật số liệu báo cáo Chính phủ. Giải ngân của 10 tháng đến nay đạt trên 52%, thấp hơn khoảng hơn 4 điểm % so với con số của cùng kỳ năm ngoái (56,7%).

Theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, hiện còn 3 tháng để giải ngân kế hoạch vốn năm 2024, trong đó có 2 tháng để thực hiện, 1 tháng để giải ngân những khối lượng đã thực hiện trong năm để có thời gian chỉnh lý, quyết toán.

Khó khăn về vật liệu, thủ tục...

Theo ông Trần Quốc Phương, những khó khăn, thách thức giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 cơ bản tiếp nối từ năm 2023 sang. Khó khăn lớn nhất nổi lên trong năm 2024 là về vật liệu thông thường để phục vụ cho thi công các công trình lớn, đặc biệt là các công trình giao thông.

“Chúng ta đã biết, vấn đề này liên quan không phải Luật Đầu tư công mà để giải quyết, liên quan đến rất nhiều luật khác, đặc biệt là luật về khoáng sản, cấp phép mỏ vật liệu cũng như việc cho phép bán các vật liệu thông thường phục vụ cho các công trình”, ông Phương nói.

0-dtc-1.jpg
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương

Để đạt được mục tiêu 95% từ nay đến hết kế hoạch năm 2024, Thủ tướng đã chỉ đạo thành lập 7 tổ công tác của Chính phủ đôn đốc giải ngân, cộng với cơ chế là các thành viên Chính phủ làm việc với các địa phương.

“Hai cơ chế này vẫn đang diễn ra và các thành viên cũng rất là tích cực làm việc với các địa phương”, ông Phương nói.

Nhóm giải pháp thứ hai theo ông Phương là tổ chức triển khai thực hiện. “Đây là nhóm giải pháp khá khó mà trách nhiệm chính thuộc về các bộ ngành, địa phương”, ông Phương nêu.

Theo Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, trong quá trình thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, các thủ tục giải ngân như thủ tục kiểm đếm hay nghiệm thu khối lượng, hay thủ tục về hồ sơ thanh quyết toán thì đề nghị các chủ đầu tư phải làm sớm, nhanh để có thể giải ngân được lượng vốn trong kế hoạch đang còn tồn đọng rất nhiều nhằm đạt được mục tiêu đề ra.

Ngoài khó khăn về vật liệu thông thường, ông Phương cho hay còn những khó khăn khác đối với một số dự án như về mặt thủ tục, đặc biệt là các thủ tục về điều chỉnh dự án.

“Đến nay gần cuối năm rồi, dự án nào đang trong quá trình thủ tục điều chỉnh thì phải kết thúc ngay để tiếp tục thực hiện nếu không sẽ bị chậm trễ tiến độ”, ông Phương nêu.

Ông Phương cũng đề cập đến thủ tục điều chỉnh về kế hoạch. Hiện nay luật đã cho phân cấp rất nhiều, các bộ ngành, địa phương phải triển khai rà soát ngay kế hoạch vốn của mình để có thể điều chỉnh phù hợp.

“Chỗ nào, dự án nào chậm giải ngân thì có thể điều chỉnh sang các dự án giải ngân tốt để sử dụng hết tổng vốn trong kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ giao”, ông Phương cho hay.

Giải pháp cuối cùng theo ông Phương là tăng cường kỷ luật, kỷ cương về đầu tư công, đặc biệt là đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin để quản lý công tác đầu tư công nhanh nhất và hiệu quả nhất.

“Luật Đầu tư công đang được sửa đổi và đang trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 này, kèm theo đó là các luật khác như luật sửa đổi 4 luật liên quan đến đầu tư. Các đột phá về thể chế này ngay trong năm nay chưa có tác dụng và cần phải có hiệu lực của luật. Hy vọng sang năm sẽ có hiệu lực hơn, trong đó sẽ giải quyết một số vấn đề vướng mắc, tồn đọng trong quá khứ”, ông Phương nói.

Bài liên quan
Tương lai Apple phụ thuộc vào các khoản đầu tư nhỏ hơn, thay vì sản phẩm bom tấn tiếp theo tầm cỡ iPhone
Apple có lẽ không bao giờ tìm thấy một sản phẩm nào khác có tiềm năng đạt doanh thu lớn như iPhone, nhưng vẫn có thể tăng trưởng mạnh mẽ nếu tạo ra nhiều thiết bị mới có mức thành công tương tự Apple Watch hoặc iPad.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chủ tịch nước Lương Cường bắt đầu thăm chính thức Peru và dự Tuần lễ Cấp cao APEC
một giờ trước Sự kiện
Chiều 12.11 (giờ địa phương), chuyên cơ chở Chủ tịch nước Lương Cường và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Jorge Chavez ở thủ đô Lima, bắt đầu đầu chuyến thăm chính thức Cộng hòa Peru và tham dự Tuần lễ Cấp cao diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2024 tại Lima, theo lời mời của Tổng thống Dina Ercilia Boluarte Zegarra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
10 tháng chỉ đạt 52%, áp lực giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm rất lớn