Đoạn video quay cảnh người mẹ già lang thang khắp Hà Nội xin từng đồng tiền lẻ làm lộ phí gửi đơn đi kêu oan cho cái chết của con trai suốt 13 năm sau khi được một người tung lên mạng xã hội, nhiều ngày qua đã gây "bão mạng". Sự thật thì đoạn video này còn gây ra sự hiểu lầm về sự việc, khi thông tin không được kiểm chứng, vụ "án mạng" bà lão "kêu oan" là không có thật.

13 năm lang thang từ Nam ra Bắc “kêu oan” án mạng tưởng tượng

Một Thế Giới | 22/07/2015, 17:27

Đoạn video quay cảnh người mẹ già lang thang khắp Hà Nội xin từng đồng tiền lẻ làm lộ phí gửi đơn đi kêu oan cho cái chết của con trai suốt 13 năm sau khi được một người tung lên mạng xã hội, nhiều ngày qua đã gây "bão mạng". Sự thật thì đoạn video này còn gây ra sự hiểu lầm về sự việc, khi thông tin không được kiểm chứng, vụ "án mạng" bà lão "kêu oan" là không có thật.

Nhiều tòa soạn báo từ Bắc tới Nam trong nhiều năm qua đã không còn lạ khi đều đều mỗi tuần đều nhận được đơn của cụ bà này, tố cáo "vụ án động trời" cho rằng con của cụ bị ám sát. Nhiều tòa soạn sau khi nhận được đơn đã cử phóng viên đến tìm gặp cụ, nhưng thậm chí lại bị cụ cho là đến "ám sát". Sự thật trong vụ án này là con trai cụ bị tai nạn giao thông, cơ quan Trung ương đã vào cuộc điều tra làm rõ, nhưng người mẹ thương con quá nên hóa lẩn thẩn, hàng chục năm đâm đơn khiếu kiện kéo dài làm rắc rối sự việc, gây sự hiểu lầm cho dư luận.

Mẹ không tin con té xe chết

Cụ bà trong vụ việc là cụ Nguyễn Thị Long (SN 1935, ngụ phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Trong video một cá nhân tung lên mạng gây sốt nhiều ngày qua trên mạng xã hội, cụ kể suốt 13 năm qua lang thang xin tiền ở Hà Nội theo đuổi làm rõ những "điều khuất tất trong vụ tai nạn giao thông gây ra cái chết cho con trai mình". Chiều ngày 20/4/2002 con trai cụ là anh Chu Văn Tường (SN 1959, ngụ xã Hòa Hiệp, TP.Biên Hòa) từ công trường trở về, chạy xe máy gặp tai nạn giao thông. Dù được đưa đi cấp cứu anh Tường vẫn tử vong vào 23h45 cùng ngày tại bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Tuy nhiên cụ Long cho rằng có hai đối tượng gây ra cái chết cho con trai mình và dựng hiện trường giả đánh lừa cơ quan chức năng.

Hồ sơ người nhà anh Tường, và cơ quan chức năng cung cấp, dựng lại diễn biến vụ tai nạn như sau. Anh Tường là giám sát công trình xây dựng, một vị trí mà nhiều người mơ ước. Vì thế sau cái chết của con mình, cụ Long nghi ngờ có sự tư thù, nên ai đó giết con trai mình để thay thế chức vụ. Tuy nhiên, công an Đồng Nai kết luận anh Tường do say rượu, không làm chủ được tay lái, chạy quá tốc độ tông phải con chó nên té gây chấn thương nặng dẫn đến tử vong. Cụ Long không chấp nhận, đưa đơn đến Bộ công an yêu cầu quật mồ khám nghiệm tử thi lại.

Năm 2006, Bộ Công an chỉ đạo khai quật thi thể anh Tường để khám nghiệm lại, xem xét có việc bị đầu độc như cụ Long trình bày hay không? Theo biên bản Giám định pháp y ngày 9/11/2006 của Viện Pháp y quân đội:
"Chiều ngày 20/4/2002, sau khi hết giờ làm việc tại công trường xây dựng nhà máy nhựa thuộc khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa, anh Tường ở lại công trường ăn cơm cùng anh Hoàng Xuân Tình và vợ chồng Nguyễn Văn Ngọc, Hà Thị Thúy Hằng. Đồ ăn gồm lòng gà nấu với trái khổ qua, trong khi ăn mọi người cùng uống ba xị rượu. Sau khi ăn uống xong vợ chồng Ngọc và Hằng mời anh Tường trên đường về nhà ghé thăm nhà trọ của mình tại phường Tân Hiệp. Anh Tường điều khiển xe máy của mình chạy trước, anh Ngọc chở chị Hằng chạy sau trên đường từ khu công nghiệp Amata ra QL1A. Anh Tường chạy xe tới đoạn đường thuộc khu phố 2, phường Long Bình thì té ngã nằm bất tỉnh trên đường. Người dân sống ở bên đường và một số người đi đường thấy xảy ra tai nạn nên chạy tới xem, thấy có một con chó đang nằm giãy chết bên lề đường gần nơi anh Tường té".
Kết luận pháp y cho thấy anh Tường chết là do:
"Tình trạng tổn thương trầm trọng sọ não, gãy xương đòn và xương sườn ngực phải do va đập là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tử vong trong trường hợp Chu Văn Tường. Các vết xước da trên đầu mặt, thân thể, chân tay tập trung chủ yếu ở bên phải cơ thể; nhất là ở đầu và ngực; các vết xước da ở bên phải có hướng chạy từ trên xuống dưới: cho phép nhận định: Các vết xước da được hình thành do cơ thể di chuyển lê quệt trên bề mặt không phẳng trong tình trạng có gia tốc".
Như vậy không tìm thấy chất độc, không có tác động khách quan nào khác đến nạn nhân như cụ Long trình bày.

Sau đó Bộ Công an phối hợp với TANDTC ra thông báo thống nhất vụ án của anh Tường như công an tỉnh Đồng Nai xác định, ra quyết định chấm dứt vụ án. Cụ Long vẫn không chấp nhận, tiếp tục làm đơn gửi đi khắp nơi, cho rằng có người gây ra cái chết con mình, dựng hiện trường giả, và "được cơ quan chức năng bao che".

Cả nhà khuyên can vn không được

Trong đoạn video mới tung lên mạng ghi cảnh trò chuyện với cụ Long, người ta thấy sự việc đi kiện có lẽ vẫn còn tiếp diễn. Cụ Long cho biết: "Sáng giờ chỉ mới ăn một củ khoai, chưa kịp uống nước. Đi xin từ sáng giờ và cô cho thêm 100 ngàn đồng là đủ tiền gửi đơn. Tôi chỉ mong cơ quan chức năng bỏ ra một ngày thôi. Hơn 13 năm tôi đi kiện, nhưng một ngày là họ xử lý xong vụ án. Bây giờ dốc hết tiền gửi đơn đã. "Căng" nhất là 50 ngàn đồng tiền ở trọ đêm nay. Nhưng thôi, không có tiền thì bạ đâu ngủ đấy cũng được".

Cụ Long cũng cho biết nhiều năm nay đã ra tận Hà Nội để kêu án. Cụ đi xin tiền, nhiều lần bị công an địa phương đưa về đồn vì không có giấy tờ tùy thân.

"Tôi bị bắt chín lần nhưng về đồn, lãnh đạo thương, họ tha hết. Tuy nhiên họ làm lỡ việc của tôi", cụ Long nói trong đoạn video.

Cụ Long những ngày này vẫn đang lang thang ở Hà Nội, "thoắt ẩn thoắt hiện", mỗi lúc một nơi chẳng biết đâu mà lần. Phóng viên đã tìm về nhà bà cụ ở Biên Hòa để tìm hiểu thêm về vụ việc. Gặp PV, anh Cổ Văn Đức (con rể thứ sáu của cụ) lắc đầu: "Vụ việc đã chấm dứt từ lâu rồi, nhưng mẹ tôi đâu có chịu, cái ý tưởng đi kiện của mẹ không ai ủng hộ hết. Anh Tường chết là do tai nạn giao thông thật sự. Anh em tôi đồng ý với kết luận của công an, còn mẹ thì cứ cho rằng có ẩn khuất phía sau".

Dù không ai ủng hộ đi kiện, ngay cả người chồng hết lời khuyên can, nhưng cụ Long vẫn một mực không nghe. Đàn con tám người (sáu trai, hai gái) của cụ xót mẹ, sau nhiều lần khuyên nhủ không được, thậm chí còn bị cụ... ghét bỏ. Cụ Long ở nhà người con nào cũng nghe lời can ngăn, cụ không thích nên sang ở nhà anh Đức mấy năm nay những khi không lang thang ở Hà Nội. "Tôi là rể nên không dám có ý kiến gì nhiều được", anh Đức nói.

Hàng chục năm nay, năm nào cụ Long cũng lò dò ra tận Hà Nội chờ ở những cơ quan cấp cao nhất như Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chủ tịch Quốc hội, Văn phòng Thủ tướng. Tính số đơn cụ gửi đi, có lẽ đến nhiều ngàn. Anh Đức nói: "Mẹ tôi thích thì cứ mang ba lô đi, xin tiền từng người ở khu vực Biên Hòa rồi bắt xe ra Bắc, có lúc đi đến hai năm chưa thấy về, thỉnh thoảng chỉ liên lạc về nhà qua điện thoại. Nhiều năm ở miền Bắc rét quá, mẹ chịu không nổi, mới về miền Nam trú đông rồi lại tiếp tục đi ra. Chúng tôi khuyên can thì bị giận, không biết làm cách nào cả, đành cứ để mẹ đi cho thỏa mãn".

Hệ lụy của sự việc không chỉ là làm khổ mình, làm khổ các cơ quan nhiều năm cứ liên tiếp phải nhận đơn và trả lời đơn về cùng một vụ việc, bà cụ có dấu hiệu lẩn thẩn còn làm khổ chồng con. Một thời gian sau khi theo kiện vụ án, cụ Long bán tháo toàn bộ nhà cửa đất đai, không chia cho con cháu một xu, khiến người chồng phải đi ở nhà từng đứa con cứ mỗi đứa một vài tháng. Anh Bảy, một người hàng xóm, nói: "Nhiều lần cụ nhờ tôi chở ra văn phòng luật sư, mang hàng kg đơn từ để gửi. Mỗi lần như thế tôi khuyên cụ, nhưng cụ cứ nhất quyết "đi tìm công lý".

Trở lại với người con rể, anh Đức tâm sự: "Mẹ tôi già rồi, ở nhà con cháu cơm bưng nước rót hưởng tuổi già cho khỏe, đằng này cứ đi thưa đi kiện rắc rối. Tôi không biết ai đã xúi giục khiến mẹ tôi phải khổ như thế, bao nhiêu gia tài mất hết, giờ thân già lại đi ăn xin lang thang tận xứ người. Tôi mong muốn cơ quan chức năng can thiệp, làm sao để mẹ tôi không đi thưa đi kiện nữa. Làm thế nào bắt mẹ tôi về nhà cho con cháu phụng dưỡng. Con cái bó tay rồi, không ai khuyên được cả".

"Sự thật là anh tôi chết do tai nạn giao thông, có lẽ vì mất con, vì quá thương con mà mẹ tôi lẩn thẩn như thế", anh Đức trầm ngâm.

Đầu năm 2013, ngay khi nhận được đơn kêu cứu của bà Long, Nhà báo đã về TP.Biên Hòa tìm hiểu sự việc. Do người đứng đơn không để lại số điện thoại, địa chỉ cụ thể nên sau gần một ngày dò hỏi người địa phương, PV mới đến đúng nhà bà Long. Đó là ngôi nhà cắp bốn nằm trong con đường nhỏ ven đô, cửa luôn khóa trái.

Sau một hồi gọi cửa, ông lão khoảng 80 tuổi bước ra:

-“Thưa cụ, đây có phải nhà bà Long có con trai bị chết?”

-"Đúng, bà ấy là vợ tôi”.

-“Thưa, chúng tôi về xác minh thông tin bà Long gửi đơn kêu cứu liên quan đến cái chết của con trai?”

- “Bà ấy đi đâu không rõ. Lâu lâu về rồi lại đi ngay”

-"Ông có thể cho số điện thoại của bà Long để tiện liên lạc?"

-“Không biết, con gái khóa cổng, tôi không thể mở cửa cho người lạ vào nhà

Trò chuyện qua cửa sắt, chồng bà Long cho hay có biết chuyện vợ khiếu kiện nhiều năm nay về cái chết của con trai nhưng “cụ thể tôi không rõ” Hỏi những người sống xung quanh, họ chỉ biết vợ chồng bà Long sống cùng vợ chồng con gái. Mấy năm gần đây bà Long thường xuyên vắng nhà, nghe nói đi kiện cáo gì đó. Khu dân cư nơi bà Long sinh sống thuộc diện tái định cư, người tứ xứ về mua đất xây nhà nên hàng xóm không biết rõ hoàn cảnh nhau lắm. Người địa phương thậm chí còn hiểu sai là bà Long kiện con dâu đã thông đồng với tình nhân giết chồng chiếm đoạt nhà cửa.

PV để lại miếng giấy kèm số điện thoại với nội dung yêu cầu bà Long sớm liên hệ lại để tờ báo vào cuộc làm rõ. Ai ngờ ít ngày sau, bà Long tiếp tục có đơn gửi đến tòa soạn cho rằng cử phóng viên đến... ám sát bà. Lạ hơn nữa, những ngày sau đó đơn kêu cứu của bà Long tiếp tục ‘dội" về tòa soạn báo XLPL, câu chữ tha thiết đề nghị các cơ quan chức năng can thiệp.

Chiều ngày cuối năm 2014, Phóng viên chúng tôi một lần nửa quay lại nhà bà Long với hy vọng gặp đích thân người viết đơn. Lần này con gái bà Long ra mở cửa và không mấy mặn mà với chuyện mẹ vác đơn kêu cứu mấy năm qua. Chị trả lời vắn tắt rằng mẹ đi đâu gia đình không rõ, không mang theo điện thoại nên “khi nào về không rõ”. Khi được hỏi về nội dung sự việc khiến bà Long khiếu kiện triền miên, người con gái tìm cớ lảng tránh, tiễn khách.

Cụ Long có dấu hiệu bị tổn thương thần kinh từ sau cái chết của người con trai. Khi một người đăng tải clip lên mạng xã hội, nhiều nhà hảo tâm có ý định giúp cụ đều bị cụ khước từ.

“Ai cho cụ vài đồng lẻ thì cụ nhận; còn nếu cho nhiều tiền, hỏi thông tin thì cụ lại mắng và cho rằng âm mưu, thông đồng với thủ phạm lừa cụ. Hôm sau cụ đến tìm gặp lại tôi, mắng tôi “phải chăng bị người khác mua chuộc ám hại cụ", người tung clip lên mạng nói.

Bùi Yến/ Xa lộ Pháp luật.
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25.11.2024 yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
13 năm lang thang từ Nam ra Bắc “kêu oan” án mạng tưởng tượng