Khi nói về chủ đề hôn nhân, người dị tính chắc chắn phải học hỏi những điều này từ người đồng tính.
Những câu hỏi như "Ai là người dọn nhà vệ sinh?", "Ai rửa bát đĩa?", "Ai nắm giữ chi tiêu?", "Ai là người chăm con lúc bệnh?"… là những câu hỏi mà hầu hết mọi cặp đôi sắp kết hôn luôn phải đối mặt. Đặc biệt là trong bối cảnh ngày càng có nhiều phụ nữ quyết định phát triển sự nghiệp riêng của mình. Theo ước tính, tại Mỹ có khoảng 60% phụ nữ đã lập gia đình đang có công việc riêng nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm chính với việc nội trợ.
Còn đối với các cặp đồng tính thì sao? Liệu họ có thể xóa bỏ vai trò về giới trong công việc nhà?
Để trả lời câu hỏi đó, Viện The Families and Work Institute đã xem xét và phân tích sự khác biệt trong sự phân bổ việc nhà giữa các cặp đôi dị tính và các cặp đôi đồng tính. Tổ chức này đã phỏng vấn 225 cặp đôi, cả đồng tính lẫn dị tính vào đầu năm nay và đã đưa ra những điểm khác biệt thú vị:
1. Phụ nữ không phải làm tất cả mọi việc
Theo nghiên cứu, đối với các cặp dị tính, phụ nữ thường giữ vai trò quan trọng trong các trách nhiệm "nữ tính" như chăm sóc con, dọn dẹp và nấu nướng. Còn đàn ông thì đảm nhận các công việc nam tính như sữa chữa nhà cửa hay các việc bên ngoài.
Trong khi đó, các cặp đồng tính thường chia sẻ đồng đều các trách nhiệm trên. Có đến 74% các cặp đồng tính cùng đảm trách việc chăm sóc con trong khi con số tương tự ở cặp đôi dị tính chỉ có 38%. Các cặp đồng tính cũng thường san sẻ trách nhiệm ở nhà chăm con bệnh hơn là các cặp đôi dị tính (con số cụ thể là 62% so với 32%). Đây là một vấn đề khá quan trọng vì vấn đề ngày nghỉ có thể liên quan trược tiếp đến tương lai công việc của cả đàn ông lẫn phụ nữ.
Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng việc một người trong cặp đôi phải đảm trách toàn bộ các vấn đề liên quan đến con cái là không cần thiết. Họ vẫn còn nhiều lựa chọn tốt hơn cho cả gia đình hơn như thế.
2. Các cặp đôi cần phải nói rõ về việc phân chia việc nhà
Nghiên cứu của The Families and Work Institute cũng xem xét mức độ hài lòng của các cặp đôi với cách phân chia việc nhà. Theo đó, kết quả đã chỉ ra rằng dù việc nhà có được phân chia như thế nào đi nữa, thì nhân tố quan trọng nhất vẫn là mỗi cá nhân đều phải có tiếng nói riêng về vấn đề chung. Những cặp đôi thường bàn về vai trò trong gia đình thường có chỉ số hài lòng cao hơn những cặp đôi muốn nói nhưng lại không nói được.
"Việc kín tiếng sẽ gây ra nhiều tổn thất hơn bạn nghĩ", Kenneth Matos, một trong những người điều hành tại Viện và cũng là tác giả của nghiên cứu này chia sẻ.
Việc giữ im lặng thường thấy ở các phụ nữ trong những mối quan hệ dị tính. Có khoảng 20% phụ nữ dị tính nói rằng họ chưa từng bàn luận về vấn đề việc nhà với bạn đời của mình dù họ rất muốn. Con số này ở các cặp đôi đồng tính nữ là 15%. Trong khi đó, chỉ có 11% nam giới trong quan hệ đồng tính lẫn dị tính là tự nguyện giữ im lặng.
Tuy nhiên, Matos khẳng định điều được rút ra từ cuộc nghiên cứu không chỉ phụ nữ là người cần phải lên tiếng. Cả nam giới lẫn nữ giới đều phải bày tỏ những vấn đề của mình cho đối phương hiểu. Cả hai đều cùng phải có trách nhiệm với việc nhà, và việc trò chuyện về vấn đề này rất quan trọng. Chỉ như vậy mới có thể thay đổi được những bất cập, và cùng nhau đưa ra những giải pháp phù hợp cho cả gia đình.
Toàn Tăng (Theo Huffington Post)