Kịch bản Mỹ đánh phủ đầu CHDCND Triều Tiên gồm nhiều giải pháp quân sự như Tổng thống Donald Trump tuyên bố ầm ĩ. Tuy nhiên, các hành động quân sự này không thể sớm xảy ra khi quân đội Mỹ chưa có động tĩnh nào.
Theo báo New York Times, việc đánh phủ đầu Triều Tiên bắt đầu từ việc có tin tình báo khẩn cấp và bí mật trình lên ông Trump rằng Bình Nhưỡng đã đặt quả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) lên dàn phóng.
Trong vòng 2 giờ, nó được nạp nhiên liệu và sẵn sàng phóng thử đến Thái Bình Dương hoặc có thể tấn công vào lãnh thổ Mỹ, ví dụ như đảo Guam. Lúc đó, Mỹ có thể sẽ phản ứng như ông Trump đã từng nói, buộc lãnh đạo Kim Jong-un phải “hối tiếc nhanh chóng” vì đã khiêu khích Mỹ.
Những ngày qua, cuộc khẩu chiến giữa Mỹ - Triều đã làm gia tăng căng thẳng, nhưng chưa rõ trong tình cảnh nào thì Mỹ sẵn sàng dùng đến sức mạnh quân sự là bắn hạ tên lửa Triều Tiên. Hay sẽ mở cuộc tấn công để tiêu diệt chương trình phát triển ICBM có thể gắn đầu đạn hạt nhân? Hoặc sẽ đánh phủ đầu vào Triều Tiên, đánh chặn một cuộc tấn công vào lãnh thổ Mỹ hoặc vào đồng minh của Mỹ?
Dưới đây là vài kịch bản hành động quân sự cùng những hậu quả mà các quan chức ngoại giao - quân sự Mỹ nói có thể xảy ra.
Mỹ phóng Tomahawk bắn hạ tên lửa Triều Tiên
Một cuộc đánh chặn tên lửa Triều Tiên chỉ là một trong nhiều kịch bản mà các chuyên gia quân sự nói có thể xảy ra trong một cuộc xung đột leo thang giữa Mỹ - Triều trong vài tuần hoặc vài tháng tới. Khi có lệnh của Tổng tư lệnh Trump, máy bay Mỹ sẽ cất cánh hoặc phóng các tên lửa hành trình Tomahawk từ một khu trục hạm ở gần bán đảo Triều Tiên. Các tên lửa này sẽ bay với vận tốc tối đa gần 900 km/giờ tới căn cứ tên lửa Triều Tiên.
Những việc xảy ra sau đó là sự sốt ruột ở cơ quan chỉ huy Mỹ, nơi từ lâu xem chuyện đánh Triều Tiên là giải pháp cuối cùng nếu như các nỗ lực ngoại giao thất bại.
Nếu ra lệnh đánh phủ đầu Triều Tiên, ông Trump sẽ phải đánh cược rằng chỉ một đợt phóng Tomahawk đủ buộc ông Kim Jong-un phải chấp nhận kho vũ khí bị giảm thiểu, đồng thời phải rút khỏi việc đối đầu với Mỹ và các nước châu Á.
Nhưng các quan chức quân đội Mỹ lo ngại ông Kim Jong-un sẽ hiểu sai đòn tấn công này và xem đó là đợt tấn công đầu tiên vào Bình Nhưỡng. Từ đó, vị lãnh đạo Triều Tiên lệnh nã pháo hoặc phóng tên lửa quy ước đến hai thủ đô của Nhật Bản và Hàn Quốc.
Hoặc ông Kim có thể ra lệnh quân đội vượt qua khu phi giới tuyến phi quân sự (DMZ) ngăn cách hai miền Triều - Hàn.
Một giải pháp ít nguy hiểm hơn là Mỹ có thể dùng hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở đảo Guam để bắn hạ bất kỳ tên lửa Triều Tiên phóng thử xuống vùng biển quanh đảo này. Hành động này có thể được bào chữa là phòng thủ, nhưng uy tín của THAAD sẽ bị giảm nếu bắn hụt tên lửa Triều Tiên.
Mỹ tấn công bằng tên lửa hạt nhân
Nếu Triều Tiên tấn công trước, có thể là phóng nhiều tên lửa vào căn cứ quân sự Mỹ ở đảo Guam, ông Trump sẽ quyết định cách phản ứng trước việc này. Trong Phòng tình hình ở Nhà Trắng, vị Tổng thống Mỹ có thể ra lệnh tấn công tổng lực vào kho vũ khí hạt nhân và hạm đội tên lửa Triều Tiên.
Kịch bản tấn công bất ngờ này có thể bắt đầu như kịch bản chỉ một lần đánh, nhưng lớn hơn việc phóng Tomahawk từ hàng chục khu trục hạm thả neo ở cả hai phía bán đảo Triều Tiên, phá toàn bộ các vị trí tên lửa ở Triều Tiên.
Cùng lúc, chiến đấu cơ từ căn cứ không quân Andersen ở đảo Guam, ở Nhật Bản và trên các tàu sân bay trong khu vực sẽ cất cánh, chấp nhận nguy cơ bị súng phòng không Triều Tiên bắn hạ và nỗ lực phá hủy các cơ sở vũ khí của Triều Tiên được cho là giấu trong những pháo đài ngầm. Các máy bay ném bom tàng hình (được tiếp nhiên liệu giữa trời) cũng có thể cất cánh từ Mỹ.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Perry (thời Tổng thống Bill Clinton) từng xét kế hoạch phá hủy một lò phản ứng hạt nhân của Triều Tiên hồi năm 1994, nói vũ khí Triều Tiên hiện được bảo vệ rất kỹ. Ông nói: “Chúng tôi đã phải giả định Triều Tiên đánh Hàn Quốc, và nếu họ nã pháo vào Seoul, họ có thể giết hàng chục ngàn dân trước khi chúng tôi có thể chặn họ. Lúc đó, cái giá phải trả quá cao, nhưng cái giá phải trả hiện nay còn hơn thế nữa”.
Các quan chức quân sự Mỹ rất lo ngại việc không thể “phát hiện, xác định và kết thúc” toàn bộ số vũ khí hạt nhân và tên lửa Triều Tiên. Chưa kể nguy cơ lớn là Triều Tiên giấu một hoặc nhiều tên lửa gắn đầu đạn có thể tấn công hạt nhân vào Mỹ hoặc các đồng minh của Mỹ.
Hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ phải lo bắn hạ các tên lửa này. THAAD ở Hàn Quốc có thể được dùng để bảo vệ nước này. Còn tên lửa Triều Tiên phóng vào lãnh thổ Mỹ có thể bị chặn bằng hệ thống tên lửa đánh chặn trên mặt đất (GMD) đặt ở các bang Alaska và California. Tuy nhiên, khả năng của GMD khá thất thường, dù cuộc phóng thử gần đây nhất hồi tháng 5 được báo cáo là thành công.
Chuẩn bị chiến tranh tổng lực
Các chuyên gia quân sự Mỹ nói rằng mối lo ngại chính là hai kịch bản đầu có thể gây ra chiến tranh tổng lực trên bán đảo Triều Tiên. Lúc đó, ông Trump phải chọn kịch bản quân sự khác hơn, đó là dần dần triển khai quân đội cho một cuộc xâm chiếm Triều Tiên.
Kế hoạch chuẩn bị chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên OPLAN 5027 của quân đội Mỹ là triển khai một nửa lực lượng hải quân Mỹ và hơn 1.000 máy bay tại khu vực trong 90 ngày.
Kế hoạch này bắt đầu bằng việc sơ tán 200.000 người Mỹ và đồng minh ở Hàn Quốc. Công tác này là một nỗ lực hậu cần lớn, cũng là thời gian cho các nỗ lực ngoại giao, hoặc chờ xem sự trừng phạt kinh tế có tác động đến hành vi của Triều Tiên hay không.
Cùng lúc, tàu chiến Mỹ từ Hawaii và các nơi khác bắt đầu di chuyển đến bán đảo Triều Tiên. Quân đội cũng triển khai thêm pháo, radar và các phương tiện khác. Sự hiện diện quân sự Mỹ sẽ tăng cao, điều chưa hề có tại một nước ngoài kể sau lần Tổng thống Mỹ George Bush "cha" đưa hơn nửa triệu quân đến Trung Đông hồi năm 1990.
Việc triển khai quân như thế sẽ mất yếu tố bất ngờ nhưng là tín hiệu cảnh báo ông Kim Jong-un chớ nên tấn công trước. Nó cũng giúp Tổng thống Mỹ có một giải pháp hạn chế, trong lúc nỗ lực khuyên bảo Triều Tiên chớ hung hăng, cũng như tạo ưu thế cho Mỹ trên chiến trường.
Nhưng các quan chức quân sự Mỹ lo ngại rằng ông Kim Jong-un cũng có thể tranh thủ thời gian Mỹ triển khai quân để di chuyển tên lửa tầm xa quanh Triều Tiên, khiến Mỹ khó đánh úp. Ông Kim Jong-un cũng có thể diễn giải việc Mỹ triển khai quân là để lật đổ chế độ của ông, điều dẫn đến viễn cảnh ông sẽ tấn công trước bằng vũ khí quy ước hoặc vũ khí hạt nhân.
Và nếu chiến tranh tổng lực trên bán đảo Triều Tiên kéo dài, các quan chức quân sự Mỹ nói rằng hậu quả sẽ tàn khốc, hàng trăm ngàn người chết ngay cả khi không dùng đến vũ khí hạt nhân.
Các khả năng khác
Các quan chức quân sự Mỹ gần như nhất trí rằng các giải pháp quân sự rất phức tạp, khó thực hiện và nguy hiểm. Tuy nhiên, ông Trump vẫn còn các công cụ khác để đối phó với Triều Tiên.
Năm 2014, Tổng thống Barack Obama ra lệnh tiến hành chiến tranh mạng, chiến tranh điện tử chống chương trình tên lửa Triều Tiên. Trong gần 3 năm, tỉ lệ thất bại khi Triều Tiên phóng thử tên lửa đã tăng dù không rõ có bao nhiêu phần trăm là nỗ lực của Mỹ. Nhưng ở bất kỳ tỉ lệ nào, tấn công mạng không làm chậm được chương trình tên lửa của Triều Tiên nên chưa thể kết thúc cuộc khủng hoảng hiện nay.
Chính phủ Mỹ cũng có thể áp dụng các biện pháp bí mật để “thay đổi chế độ” Bình Nhưỡng, gồm ám sát ông Kim Jong-un. Nhưng khả năng ám sát rất khó thực hiện.
Quân đội Mỹ ở Nhật - Hàn chưa động binh
Hiện các nhà lập kế hoạch quân sự và quan chức ngoại giao Mỹ nói chưa có hành động quân sự rõ rệt nào. Tàu chiến Mỹ chưa đến gần Triều Tiên. 200.000 người và hàng ngàn công dân nước ngoài ở Hàn Quốc vẫn chưa phải sơ tán.
Theo một quan chức cấp cao Lầu Năm Góc (thời Obama) đề nghị giấu tên, lời dọa “súng đã lên đạn” của ông Trump không hề nguy hiểm vì đó là tuyên bố giả.
Người này nói với Newsweek rằng các kịch bản tập trận Mỹ - Hàn cho thấy cần nhiều thời gian để chuyển khí tài quân sự trước khi có thể tấn công Triều Tiên. Ông nói Mỹ đã ở thế phòng thủ nhưng không ở thế tấn công nếu như chỉ được báo trước vài giờ.
Ngày 11.8, Lầu Năm Góc xác nhận với trang tin Vox chưa hề tăng triển khai khí tài quân sự ở Đông Á và bán đảo Triều Tiên.
Dù không thể so với quân đội Mỹ nhưng quân đội Triều Tiên vẫn là một trong những lực lượng lớn nhất thế giới với 1,2 triệu quân, có vũ khí hạt nhân, hàng chục ngàn cỗ pháo.
Mỹ có hơn 35.000 quân trú đóng ở Hàn Quốc và 40.000 quân ở Nhật Bản. Hai lực lượng này chưa được đặt trong tình trạng báo động cao hoặc tái triển khai trong những ngày qua.
Mỹ cần triển khai thêm bộ binh để tăng viện cho quân Hàn Quốc và cùng đưa tàu sân bay đến đánh không quân - hải quân Triều Tiên. Nhưng 2 tàu sân bay Carl Vinson và Ronald Reagan sau khi đến bán đảo Triều Tiên hồi tháng 4 đã rời khu vực này hồi tháng 6.
Vĩnh Thụy (theo New York Times)