Cuộc thi viết tạp bút "Quê nhà yêu dấu" do tập san Áo Trắng tổ chức nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày ra đời đã khép lại với lễ trao giải tại TP.HCM. Ba giải cao nhất đều thuộc các cây bút vùng đồng bằng sông Cửu Long.

30 năm tập san Áo Trắng: Trao giải cuộc thi tạp bút ‘Quê nhà yêu dấu’

Tiểu Vũ | 26/09/2020, 17:49

Cuộc thi viết tạp bút "Quê nhà yêu dấu" do tập san Áo Trắng tổ chức nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày ra đời đã khép lại với lễ trao giải tại TP.HCM. Ba giải cao nhất đều thuộc các cây bút vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Ngày 25.9, tại TP.HCM, tập san Áo Trắng (NXB Trẻ) đã tổ chức lễ trao giải cuộc thi viết tạp bút chủ đề Quê nhà yêu dấu. Đây là cuộc thi do Áo Trắng phối hợp với công ty sách Huyền Đức tổ chức nhân kỷ niệm 30 năm ngày tập san ra mắt bạn đọc.

Cuộc thidiễn ratừ ngày 15.2 đến15.7.2020. Áo Trắng đã nhận được 503 bài dự thi của bạn đọc trên cả nước gửi về. Ban sơ khảo đã chọn 202 bài vào vòng chung khảo, tại vòng này, ban giám khảo chọn ra 3 tác tác phẩm hay nhất để trao giải nhất, nhì, ba và các giải phụ khác.

Kết quả giải nhất được trao cho tạp văn Bắp chuối mà gói sầu đâu của Tống Phước Bảo (TP.HCM). Giải nhì thuộc về cây bút Em Nguyên với tạp bút Kèo nèo. Giải ba được trao cho cây viết Phạm Văn Trung (sinh viên ĐH Y dược TP.HCM) với tạp bút Mẹ và rau đắng đất.

Ban tổ chức cũng trao giải đặc biệt cho học sinh có bài viết khá nhất. Giải thuộc về bài Giậu lá mơ của em Hồng Ngọc (học sinh lớp 11, Trường THPT Trần Hưng Đạo, Krông Bông Đắk Lắk). Ngoài ra,Áo Trắng trao 12 giải khuyến khích cho các tác giả khác. Dịp này, NXB Trẻ và Áo Trắng cũng phát hành tập sáchQuà mưa, tuyển chọn 51 tác phẩm vào chung khảo cuộc thi tạp bút Quê nhà yêu dấu.

Nhà báo Dương Thành Truyền - Chủ tịch Hội đồng thành viên NXBTrẻ, ghi nhận sự đóng góp củatập san Áo Trắng vào đời sống văn chương của nhiều thế hệ trẻ từ ngày thành lập đến nay

Nhà văn Đoàn Thạch Biền cho biết, ban giám khảo đã rất khó khăn khi chọn tác phẩm để trao giải, bởi chất lượng của các bài viết khá đồng đều, giống như tâm tình của mỗi tác giả khi viết về những gì thân quen nhất mãi lưu dấu trong cuộc đời mình.

Ba thành viên của ban giám khảo gồm nhà văn Lê Văn Nghĩa, nhà báo Đào Tuấn, nhà thơ - nhà báo Trần Hoàng Nhân. Về hình thức chấm giải, BTC cho biếtmỗi giám khảo đều đọc bài một cách độc lập và tự chấm những bài viết hay nhất. Bước tiếp theo là cả ba trình bản danh sách của mình để đối chiếu với nhau, sau đó cùng thống nhất để chọn tiếp để trao giải. Dù việc tuyển chọn rất ngẫu nhiên, nhưng ba giải thưởng cao nhất đều thuộc các tác giả ở đồng bằng sông Cửu Long. Trong khi đó, ba vị giám khảo đều xuất thân ở ba vùng miền khác nhau. Chi tiết này cho thấy các giám khảo đã công tâm, không hề “thiên vị đồng hương”.

Các cây bút nhận giải của tập san Áo Trắng

Buổi lễ trao giải cũng là dịp để nhìn lại chặng hành trình 30 năm của tập san quen thuộc này. Áo Trắng ra mắt bạn đọc cả nước vào năm 1990 với mong muốn trở thành một diễn đàn văn chương dành cho độ tuổi học sinh, sinh viên. Từ đó đến nay, tập san này đã trở thành nơi hội ngộ văn chương gửi gắm những sáng tác đầu tiên của các thế hệ những cây bút trẻ nước nhà. Áo Trắng là mảnh đất cho nhiều nhà thơ, nhà văn thành danh trên văn đàn ngày nay gửi gắm tác phẩm đầu tay của họ.

Ca sĩ trẻ Lina Nguyễn biểu diễn tại lễ trao giải

Thế nhưng, từ khoảng hơn 10 năm trở lại đây,trước sự bùng nổ của truyền thông kỹ thuật số, mạng xã hội và báo điện tử, Áo Trắngđã đối diện với nhiều khó khăn trong việc phát hành dạng báo in. Số lượng bạn đọc giảm dần theo thời gian do họ có nhiều lựa chọn khác. Các cây bút cũng tự đăng tác phẩm của mình lên mạng xã hội hoặc các trang báo điện tử. Các “gia đình Áo Trắng” ở nhiều tỉnh thành đã tan rã. Do lượng phát hành báo giấy giảm sút nghiêm trọng nên NXB Trẻ phải bù lỗ để tiếp tục duy trì tập san cho đến ngày hôm nay.

Để Áo Trắng không rơi vào tình trạng “lãng quên rồi biến mất” những người có tâm huyết đã đưa ra nhiều biện pháp “giải cứu Áo Trắng”, trong đó vấn đề được nhiều người bàn tới đó là “tìm nhà tài trợ” về tài chính để duy trì bản in giấy, song song đó là phát hành Áo Trắng điện tử để thu hút bạn đọc. Bên cạnh việc duy trìtập san, Áo Trắng cũng sẽ có một cuộc “cách mạng” về cả hình thức và nội dung để tập san tiếp tục là nơi ươm mầm nuôi dưỡng tình yêu văn chương cho giới trẻ.

Về tương lai củaÁo Trắng, nhà văn Đoàn Thạch Biền nói: "Tôi mong muốn Áo Trắng sẽ tiếp tục chặng mới sau ba mươi năm đã qua, tôi nghĩNXB Trẻ nếu muốn duy trì Áo Trắng phải tìm được những người trẻ yêu thích văn chương kế thừa tôi để phát triển sân chơi văn học nghệ thuật dành cho học sinh, sinh viên. Còn bây giờ chúng ta thấy có báo Văn nghệ Quân đội, báo Văn nghệ Công an Nhân dân thì tại sao không có tờ báo văn chương dành cho học sinh sinh viên, vì vậy cần phải tiếp tục duy trì Áo Trắng".

Bài và ảnh: Tiểu Vũ
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
5 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
30 năm tập san Áo Trắng: Trao giải cuộc thi tạp bút ‘Quê nhà yêu dấu’