Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho rằng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã trở thành một vấn đề toàn cầu và theo ông, tất cả chính phủ và các quốc gia trên thế giới cần hợp tác để chống dịch.
Theo các số liệu được công bố, đến nay tại Iran đã có 54 người tử vong, gần 1000 người nhiễm bệnh, trong đó có cả quan chức, chính khách.
Trên toàn thế giới, theo cập nhật của Bộ Y tế Việt Nam, đã có 88.584người mắc, 3.043 người tử vong, trong đó riêng Lục địa Trung Quốc: 2.912 người tử vong.
Số ca tử vong bên ngoài Quốc nhiều nhất, là:Iran: 54 người, Ý: 34 người,Hàn Quốc: 21 người.
Số còn lại được ghi nhận tại: Hồng Kông: 02 người, Đài Loan: 01 người, Phillippines: 01 người,Nhật Bản: 06 người, Pháp: 02 người, Tàu Diamond Princess: 06 người, Mỹ: 01 người, Australia: 01 người, Thái Lan: 01 người.
COVID-19, bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona được phát hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12.2019. Sau đó, dịch đã lan ra 31 tỉnh thành của Trung Quốc. Đến nay, 66 quốc gia/vùng lãnh thổ trên toàn cầu ghi nhận trường hợp mắc.
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Tổng thống Iran đã đưa ra lời kêu gọi trên trong cuộc điện đàm với Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al Thani. Trong cuộc điện đàm, nhà lãnh đạo Iran cho rằng không nước nào có thể tránh hoàn toàn được virus SARS-CoV-2, do đó, tất cả các nước cần phải chia sẻ kinh nghiệm và nguồn lực để đối phó với đại dịch này.
Tổng thống Iran bày tỏ mong muốn mở rộng hợp tác song phương và khu vực trong lĩnh vực y tế. Về phần mình, Quốc vương Qatar đã bày tỏ hoan nghênh lời đề nghị của Tổng thống Iran về hợp tác giữa Bộ Y tế hai nước và hướng tới ký kết hiệp định y tế song phương nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại và du lịch giữa hai nước.
Quốc vương Qatar khẳng định rằng nhà nước và Chính phủ Qatar nhận thấy rằng cần sát cánh bên Iran và Doha luôn sẵn sàng hợp tác cũng như hỗ trợ để đối phó với dịch bệnh này.
Trước đó, Bộ Y tế Qatar cùng ngày đã thông báo về ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên ở nước này. Còn tại Iran, cho tới nay nước này đã ghi nhận 54 trường hợp tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19. Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn Iran là 987 người. Iran hiện là nước có số ca tử vong do dịch bệnh COVID-19 cao nhất ngoài Trung Quốc đại lục.
Thủ tướng Italy ký sắc lệnh mới ngăn chặn dịch bệnh COVID-19
Ngày 1.3, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã ký sắc lệnh mới bổ sung các biện pháp nhằm ngăn chặn lây lan dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Theo đó, sắc lệnh mới đã này mở rộng một số biện pháp đã được áp dụng trước đó để đảm bảo tính thống nhất trên toàn lãnh thổ, triển khai các phương án dự phòng và quản lý tình trạng khẩn cấp của dịch COVID-19. Theo sắc lệnh mới, Italy được chia thành 3 khu vực can thiệp, áp dụng ít nhất đến ngày 8/3.
Ngoài các biện pháp áp dụng với vùng "đỏ," gồm 10 thị trấn điểm dịch tại vùng Lombardia và 1 thị trấn vùng Veneto, vùng "vàng" gồm Emilia Romagna, Lombardia, Veneto, tỉnh Pesaro, Urbino và Savona, các biện pháp mới cũng được bổ sung với vùng còn lại trên toàn bộ lãnh thổ quốc gia. Các biện pháp ngăn chặn dịch lây lan trong vùng đỏ vẫn tập trung cấm người dân ra vào vùng dịch, đình chỉ các sự kiện, đóng cửa các trường học, ngừng các hoạt động giao lưu giáo dục, đóng cửa các bảo tàng, tạm ngưng hoạt động của các cơ quan hành chính, trừ các dịch vụ thiết yếu, các dịch vụ vận tải. Về các biện pháp ngăn chặn dịch lây lan trong vùng vàng, sắc lệnh đình chỉ các sự kiện, các hoạt động thi đấu thể thao, đóng cửa các trung tâm thể thao, văn hóa, trường học…
Áp dụng quy tắc "giọt bắn" (droplet), nhằm giữ khoảng cách an toàn với mọi người, cách nhau ít nhất 1m trong các quán bar, nhà hàng, bảo tàng và nhà thờ. Trong khi đó, các biện pháp phòng ngừa, thường xuyên rửa tay, khử trùng tại các cơ quan công sở… cũng được khuyến cáo với các vùng còn lại.
Ngoài ra, bất kỳ trường hợp nào trở về từ Trung Quốc hoặc vùng đỏ kể từ ngày 14/2 đều phải thông báo cho cơ quan y tế địa phương. Về tình hình lây nhiễm COVID-19, tính đến 18 giờ ngày 1/3 (giờ địa phương), Cơ quan Bảo vệ Dân sự nước này cho biết, tổng số người được xác định dương tính với SARS-CoV-2 là 1.694, trong đó có 83 người đã hồi phục, số ca tử vong đã tăng lên đến 34 trường hợp.
COVID-19 tiếp tục lan rộng tại châu Âu
Ngày 1.3, dịch COVID-19tiếp tục lan rộng tại châu Âu, trong bối cảnh các nước ghi nhận nhiều ca nhiễm mới, trong khi số ca tử vong tại Italy - tâm dịch ở châu Âu, đã tăng lên 34 người. Nhà chức trách Italy cho biết trong ngày 1.3 đã có thêm 5 ca tử vong do COVID-19 ở nước này, trong khi số ca nhiễm mới là gần 1.700 người, tăng vọt so với con số hơn 1.100 1 ngày trước đó.
Đáng lưu ý, hầu hết những người dương tính với virus đều thể hiện rất ít, thậm chí, không có triệu chứng phát bệnh. Chỉ có 9% trường hợp nhiễm virus, tương đương 140 người, trong đó 106 người ở vùng Lombardy - tâm dịch ở Italy, cần phải được điều trị tích cực. Dự kiến, chính phủ Italy trong tuần này sẽ thông qua gói ngân sách trị giá 3,6 tỷ EUR để hỗ trợ nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch.
Cùng ngày, nhà chức trách Ireland cũng đã đóng cửa một trường học trong 14 ngày sau khi phát hiện cơ sở trên có liên hệ gần với trường hợp nhiễm COVID-19 đầu tiên ở nước này. Toàn bộ học sinh và giáo viên trong trường đã được yêu cầu hạn chế tự cách ly. Còn tại Phần Lan, nước này cũng ghi nhận ca nhiễm COVID-19 thứ 6.
Thông báo cho hay bệnh nhân là một phụ nữ trong độ tuổi lao động. Nhà chức trách Pháp ngày 1/3 cũng xác nhận đã phát hiện hơn 30 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 ở nước này lên 130 trường hợp.
Cho tới nay, Pháp - quốc gia đầu tiên tại châu Âu phát hiện trường hợp nhiễm COVID-19 hôm 24/1, đã ghi nhận 2 ca tử vong do dịch bệnh.
Hơn 80 nước áp đặt lệnh hạn chế nhập cảnh đối với công dân Hàn Quốc
Theo phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc, mặc dù Seoul vẫn tiếp tục thuyết phục các nước kiềm chế thực thi các biện pháp “quá mức” nhưng tới ngày 1.3 đã có hơn 80 quốc gia đang áp đặt lệnh hạn chế nhập cảnh và triển khai các thủ tục kiểm dịch chặt chẽ hơn đối với du khách đến từ Hàn Quốc do lo ngại sự lây lan của dịch bệnh COVID-19. Theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, tính đến cuối ngày 1.3, đã có 37 quốc gia thực thi lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân Hàn Quốc và người nước ngoài đã đến Hàn Quốc trong vài tuần qua (ngày 29/2 mới chỉ có 34 nước).
Thổ Nhĩ Kỳ và Lào là những quốc gia mới nhất tham gia danh sách này và được biết Angola sẽ bắt đầu áp đặt lệnh cấm nhập cảnh tương tự vào ngày 3/3 tới.
Hàn Quốc đã tích cực đề nghị các nước và vùng lãnh thổ “kiềm chế” không áp dụng các hạn chế nhập cảnh “quá mức” đối với công dân Hàn Quốc. Tuy nhiên, trước sự lây lan nhanh chóng của dịch COVID-19, bắt nguồn từ thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) từ tháng 12/2019, các nước đã buộc phải hành động.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hơn 80% trường hợp nhiễm COVID-19 được ghi nhận ở Daegu và tỉnh Bắc Gyeongsang khiến nhiều quốc gia phải áp dụng lệnh cấm nhập cảnh đối với những người đến từ hai địa danh này. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã nâng cảnh báo lên mức cao nhất khuyến cáo công dân họ không nên đến Daegu và miền Bắc Italy.
Động thái này được đưa ra khoảng một tuần sau khi Washington đưa ra khuyến cáo công dân Mỹ “thận trọng" và sau đó nâng lên mức “cân nhắc” khi đến Hàn Quốc.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence nói rằng đất nước của ông sẽ phối hợp chặt chẽ với Hàn Quốc để kiểm tra y tế đối với công dân các nước trước khi lên đường tới Mỹ. Một quan chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết tất cả hành khách trước khi lên máy bay đến Mỹ sẽ phải trải qua khâu kiểm tra sức khỏe rất kỹ lưỡng.
Tính đến ngày 1.3, Hàn Quốc ghi nhận có thêm 586 người dương tính với COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm lên 3.736 người. Hiện, nước này đã có 20 bệnh nhân tử vong.
Pháp tạm đóng cửa Bảo tàng Louvre
Sáng 1.3, những người yêu nghệ thuật đã phải đứng ngoài khi Bảo tàng Louvre ở thủ đô Paris của Pháp đóng cửa do bảo tàng này tổ chức cuộc họp với các nhân viên về dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Những hàng dài du khách tỏ ra thất vọng ở bên ngoài bảo tàng, nơi lưu giữ bức chân dung tuyệt tác Mona Lisa của danh họa nổi tiếng Leonardo da Vinci và bức tượng thần Vệ nữ thành Milo. Một nữ phát ngôn viên bảo tàng hy vọng sẽ mở cửa bảo tàng sau cuộc họp giữa nhà quản lý, nhân viên và các bác sỹ của bảo tàng.
Bà cho biết các bảo tàng không nằm trong phạm vi điều chỉnh của các sắc lệnh chính phủ về việc hủy mọi cuộc tụ tập đông người trong nhà hoặc ở những nơi có thể chứa hơn 5.000 người. Ngày 29/2, Chính phủ Pháp đã ban hành các sắc lệnh nhằm kiềm chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
Đến nay, Pháp đã ghi nhận 104 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 2 trường hợp tử vong. Theo một trong các sắc lệnh này, cuộc triển lãm nông trại Paris thường niên và cuộc thi chạy marathon với hơn 40.000 người đăng ký dự kiến vào ngày 1/3 tại Paris đã bị hủy bỏ.
Anh, Italy, Đức sẵn sàng cho kịch bản dịch COVID-19 phức tạp hơn
Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock ngày 1.3 cho biết Anh đang lên kế hoạch cho trường hợp dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 diễn biến tồi tệ hơn, đồng thời mô tả dịch bệnh hiện nay là một "thách thức rất, rất lớn."
Trả lời phỏng vấn trang tin Sky News, Bộ trưởng Hancock khẳng định: "Chúng tôi đã có một chiến lược rõ ràng để đối phó với virus corona chủng mới - một thách thức rất, rất lớn.
Chúng tôi cũng đang lên kế hoạch cho trường hợp dịch trở nên nghiêm trọng hơn." Trong một diễn biến khác cùng ngày, Bộ trưởng Kinh tế Italy Roberto Gualtieri cho biết tuần tới, nước này sẽ công bố các biện pháp trị giá 3,6 tỷ euro, tương đương 0,2% GDP, để hỗ trợ nền kinh tế đang bị tác động bởi COVID-19. Trả lời phỏng vấn báo La Repubblica, ông Gualtieri bày tỏ tin tưởng rằng Liên minh châu Âu (EU) sẽ phê chuẩn việc tăng mục tiêu thâm hụt chính thức của Italy.
Theo kế hoạch, các bộ trưởng Khu vực đồng euro (Eurogroup) sẽ thảo luận về tình hình này vào giữa tuần tới. Italy hiện là nước ghi nhận nhiều ca nhiễm virus SARS-CoV-2 nhất châu Âu, với 1.128 ca, trong đó 29 ca tử vong.
Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Chính phủ Đức đang chuẩn bị chương trình kích thích kinh tế cho các trường hợp khẩn cấp trong bối cảnh dịch COVID-19 đang tác động lớn đối với nền kinh tế Đức vì chuỗi cung ứng rất dễ bị tổn thương.
Bộ trưởng Tài chính liên bang Olaf Scholz muốn khởi động một chương trình viện trợ nếu cầu thiết. Trả lời phỏng vấn báo Welt am Sonntag (Thế giới Chủ Nhật) ngày 1/3, ông Scholz cho biết: "Nếu cần một sự thúc đẩy như vậy là cần thiết, chúng tôi cũng có phương tiện để khởi động gói kích thích kinh tế."
Theo Bộ trưởng Scholz, trước hết, đó là sự viện trợ khẩn cấp về y tế, có thể rút từ ngân sách hiện tại. Ông Scholz nhấn mạnh: "Nếu có thêm bất kỳ ảnh hưởng nghiêm trọng nào trong nền kinh tế toàn cầu, chẳng hạn khi thị trường và khu vực sản xuất trên toàn thế giới bị ảnh hưởng, chúng tôi có đủ sức mạnh để phản ứng nhanh chóng, dứt khoát và mạnh mẽ."
Nhóm khủng hoảng của Chính phủ Liên bang Đức hiện đã đưa ra các biện pháp bảo vệ bổ sung, ví dụ như hành khách từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Italy và Iran phải báo cáo về tình trạng sức khỏe của mình trước khi nhập cảnh vào Đức. Cho đến nay, điều này chỉ hiệu lực với Trung Quốc.
Cũng trả lời phỏng vấn báo trên, Bộ trưởng Y tế Jens Spahn cho biết: "Chúng ta đang ở giai đoạn đầu của một dịch bệnh”, đồng thời kêu gọi tất cả công ty xây dựng kế hoạch của riêng mình để đối phó với đại dịch như các tổ chức công cộng. Bộ trưởng Spahn thừa nhận những hạn chế trong việc chăm sóc và bảo vệ nhân viên y tế.
Ông cũng chỉ trích các nhà sản xuất ở Đức quá phụ thuộc vào các sản phẩm chính từ Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh: "Chúng ta không nên quá phụ thuộc vào các khu vực khác trên thế giới về thuốc hoặc thiết bị bảo vệ." Báo cáo của trung tâm nghiên cứu kinh tế châu Âu tại Mannheim – Đức cho thấy dịch bệnh có khả năng gây ra một cú sốc kinh tế tiêu cực nghiêm trọng
Người đứng đầu Viện kinh tế thế giới Kiel, ông Gabriel Felbermayr đánh giá cú sốc có khả năng tấn công mạnh vào các công ty Đức vì họ có mạng lưới quốc tế rộng. Hiện Đức có 79 người nhiễm bệnh, trong đó phần lớn là người sống tại vùng Heinsberg thuộc bang Nordrhein-Westfalen.
T.H-TTXVN