Phát biểu tại một cuộc tổng kết phong trào thi đua yêu nước ngày 14/4/2016, 41 năm sau ngày hòa bình thống nhất, Bí thư Thành Ủy Tp.HCM Đinh La Thăng kêu gọi người dân thành phố phải có ước mơ giành lại ngôi vị trí trung tâm tài chính, khoa học của đông nam á và không chấp nhận việc thành phố tụt hậu như một định mệnh.

41 năm và một ước mơ

02/05/2016, 10:36

Phát biểu tại một cuộc tổng kết phong trào thi đua yêu nước ngày 14/4/2016, 41 năm sau ngày hòa bình thống nhất, Bí thư Thành Ủy Tp.HCM Đinh La Thăng kêu gọi người dân thành phố phải có ước mơ giành lại ngôi vị trí trung tâm tài chính, khoa học của đông nam á và không chấp nhận việc thành phố tụt hậu như một định mệnh.

Ông Đinh La Thăng nhắc rằng, trong quá khứ, Sài Gòn từng tự hào là trung tâm tài chính, khoa học của Đông Nam Á, được tôn vinh là Hòn ngọc Viễn Đông. Thế nhưng, Sài Gòn - TP.HCM hiện tại lại đang tụt hậu khá xa so với các đô thị khác trong khu vực. "Dù là lý do và nguyên nhân từ đâu, điều đó cũng khiến tất cả chúng ta cảm thấy tiếc nuối, như một sự thật cay đắng không thể chấp nhận.

Tôi mạnh mẽ kêu gọi nhân dân toàn thành phố không chấp nhận sự thật đó như một định mệnh. Cha anh chúng ta viết nên huyền thoại về chiến tranh giải phóng cũng với tinh thần không chấp nhận sự đô hộ của ngoại bang như một định mệnh", ông Thăng nói. "Chúng ta cần phải có ước muốn lớn hơn là phải hướng tới và giành lại ngôi vị trung tâm tài chính, khoa học công nghệ... của khu vực Đông Nam Á. Với sự năng động vốn có của mỗi người dân, với bản tính kiên cường, dám chấp nhận thử thách, tinh thần đoàn kết, chia sẻ, đùm bọc đã thành nét đẹp văn hóa... chúng ta nhất định sẽ làm được", ông Thăng khẳng định. Trước đó, trong một công trình nghiên cứu phổ biến vào tháng 3/2015 tựa đề “ĐÁNH GIÁ SỨC CẠNH TRANH CỦA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH VÀ GỢI Ý ĐỊNH HƯỚNG CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN ĐẾN NĂM 2025, TẦM NHÌN 2045”, một số chuyên gia kinh tế gồm Huỳnh Thế Du, Nguyễn Xuân Thành, Đỗ Thiên Anh Tuấn, Huỳnh Trung Dũng thật ra cũng đã đặt vấn đề TP.HCM cần đặt ra mục tiêu trở lại là Hòn ngọc Viễn Đông.

Khôi phục lại vị trí đã mất trong thời buổi cạnh tranh toàn cầu không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Xếp hạng về khả năng cạnh tranh và mức độ đáng sống hiện nay của 13 thành phố trong khu vực do các tác giả nói trên tính toán cho thấy, trong khi Tokyo đang đứng đầu bảng với 94 điểm, kế đó là Hong Kong (93), Singapore (91), Seoul (78), Bắc Kinh (76) thì TP.HCM đang đứng chót bảng với 39 điểm, sau cả Bangkok (60), Mumbai (59), Jakarta (52), Manila (50). Trong Hồi ký của mình, cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã viết: “Vào năm 1975 TP.HCM có thể ganh đua với Bangkok, giờ đây (1992) thành phố này tụt lại về sau hơn 20 năm”. Xem đó đủ biết ước mơ đưa TP.HCM trở lại là Hòn ngọc Viễn Đông sẽ khó khăn đến mức nào.

Tất nhiên, khó không có nghĩa là không thể thực hiện, và dựa trên nghiên cứu con đường phát triển đã qua của các thành phố, các tác giả nói trên khá lạc quan cho rằng, nếu có chiến lược đúng thì 10 năm có thể mang lại những thay đổi nền tảng cho một thành phố và 30 năm có thể đưa một thành phố từ thế giới thứ ba sang thế giới thứ nhất. Nhưng gì thì gì, nó đòi hỏi trước hết không lặp lại những sai lầm của quá khứ, không lặp lại việc bỏ lỡ những cơ hội. Với Sài Gòn, đó là việc vào cuối những năm 1970 đã xóa bỏ một tầng lớp công thương nghiệp đã định hình và nối kết với khu vực và thế giới, thay vì dựa vào đó để tái thiết, phục hồi nền kinh tế què quặt do chiến tranh; đã để thất thoát một nguồn chất xám quý giá, trong đó có chất xám kỹ thuật cần thiết cho công cuộc dựng xây trong hòa bình; đã bỏ lỡ cơ hội đưa nền kinh tế vượt lên sau khi đất nước tham gia WTO 10 năm trước.

Nhưng không chỉ có những bài học đã qua cần rút kinh nghiệm. Cũng trong những ngày này, khi đất nước kỷ niệm 41 năm hòa bình, thống nhất đất nước, giới chuyên gia kinh tế, đại biểu Quốc hội cũng báo động về một hiện tượng, một xu hướng đáng buồn trong giới doanh nhân, quan chức Việt Nam. Cả đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa và chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đều báo động về xu hướng quan chức và doanh nhân Việt Nam không chỉ gửi con cái ra nước ngoài học tập mà bản thân họ còn chuyển tài sản ra nước ngoài, tính đường bỏ ra nước ngoài sinh sống, làm ăn. Chuyện gì đang xảy ra? Theo chuyên gia Phạm Chi Lan, với nhóm quan chức có tiền cho con đi học nước ngoài, thậm chí mua nhà mua cửa ở nước ngoài, sống bên đó thì đó là những quan chức không phải sống bằng tiền lương, đàng hoàng, trong sạch. “Khi họ có khoản thu nhập không đàng hoàng thì họ có tâm lý nơm nớp sợ, bị lộ thì phải tranh thủ khi còn cơ hội, còn quyền lực cho con ra nước ngoài, mua nhà mà không ai dám nói gì”, bà Lan nói. Nhưng ngoài những quan chức dùng địa vị để vơ vét ra, thì nguyên nhân dẫn đến hiện trạng trên còn là do môi trường sống và môi trường kinh doanh kém an toàn: kém an toàn với trẻ nhỏ khi học hành, kém an toàn với những nhà kinh doanh đã được sống trong một môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Bà Lan nói: “Vài năm trở lại đây tôi thấy một vài doanh nghiệp trưởng thành, lớn lên được thì họ lại có xu hướng chân trong, chân ngoài, một phần nhỏ còn ở đất nước, còn một phần khác, tấm lòng của họ, hướng ra thị trường, công việc lâu dài, vốn liếng, cơ hội làm ăn họ tính ra bên ngoài nhiều hơn bên trong”. Và: “Doanh nghiệp tư nhân đúng là có nhiều trường hợp như vậy, khi họ lớn lên ở mức độ nào đó bị gây khó khăn, buộc phải bán, nhượng cho người này người khác. Họ sợ giống như trước đây bị vỗ béo rồi làm thịt”, bà Lan nói.

Theo bà, nếu không ngăn cản xu hướng này thì không chỉ là chảy máu chất xám ở những người trẻ mà còn mất cả nguồn vốn, con người, kinh nghiệm kinh doanh, làm ăn. Còn dưới con mắt của một người trở về Việt Nam từ 10 năm qua, từ dân nghiên cứu chuyển sang làm kinh doanh, ông Nguyễn Quốc Toàn ngẫm thấy: “Sang thế kỷ XXI rồi mà giáo trình phổ thông và đại học của Việt Nam vẫn vô cùng lạc hậu hàng chục năm so với nước ngoài. Hàng trăm vụ scandal liên quan đến nội dung giáo trình phổ thông đã xảy ra; những gì con tôi được học không khác gì những gì cha tôi và tôi đã từng được học cách đây hơn 30- 50 năm. Và vẫn những loay hoay không lối thoát về chiến lược giáo dục. Sắp hội nhập AEC và TPP đến nơi rồi mà hơn 80% học sinh thi tốt nghiệp phổ thông trung học có điểm tiếng Anh dưới 5, điểm trung bình. Ấy thế mà những nhà quản lý giáo dục vẫn “bình chân như vại”.

Nếu như năm 2006 khi tôi trở về, câu chuyện trong giới doanh nghiệp và tài chính là đầu tư vào đâu, thì những năm gần đây, câu chuyện thường trực mà tôi nghe là họ sẽ di cư đi đâu, chuyển tiền ra nước ngoài thế nào. Tại sao người ta lại bỏ nước ra đi? Người ta bỏ nước ra đi vì họ thấy quá nhiều bất ổn: kinh tế bấp bênh, ô nhiễm môi trường trầm trọng, thực phẩm độc hại tràn lan. Và đặc biệt, là một nền giáo dục quá lạc hậu không thể chuẩn bị cho con cái họ một tương lai trước một thế giới đầy bất định. Cứ 10 chủ doanh nghiệp mà tôi gặp thì ít nhất 3-4 người đã có thẻ thường trú nhân ở một nước tư bản, số còn lại thì hơn một nửa cũng đang ngấp nghé chuẩn bị. Sự khác biệt lớn nhất của cuộc di cư lần này so với những cuộc di cư khác là cuộc di cư lần này không hề vì ý thức hệ. Cuộc di cư lần này được những người tinh hoa nhất, thành đạt nhất dẫn đầu, và được chuẩn bị vô cùng bài bản và công khai. Họ ra đi mang theo số lượng tiền bạc, trí tuệ khổng lồ. Một cuộc chảy máu chất xám và tiền lớn hơn tất cả những cuộc di cư trước cộng lại.

Tôi mong rằng sang thập kỷ mới, chính phủ Việt Nam sẽ giải quyết được triệt để những vấn đề nêu trên. Hãy trở thành một chính phủ quyết đoán hơn, dùng được tầng lớp kỹ trị. Các quan chức phải chịu trách nhiệm cá nhân cho các quyết sách của mình”. Khi cổ vũ người dân thành phố phấn đấu cho mục tiêu đưa TP.HCM trở lại là Hòn ngọc Viễn Đông, người đứng đầu Thành ủy TP.HCM cũng nói ngay rằng, những gì nói ra miệng luôn dễ gấp trăm nghìn lần thực hiện nó bằng hành động. "Tôi muốn trong thời gian tới, thay vì đưa ra các khẩu hiệu to tát, hãy xây dựng từng nội dung hành động chi tiết cho mỗi mục tiêu cụ thể. Tinh thần yêu nước trong thi đua lao động, học tập, khởi nghiệp, rèn luyện ý chí... là để cùng nhau biến TP.HCM thành nơi đáng sống nhất với bất cứ ai, chứ không phải để các đơn vị, các bộ phận hay cá nhân khoe thành tích", ông Thăng nói. 41 năm, một ước mơ. Một ước mơ đầy thách thức và báo trước là đầy khó nhọc.

Quan trọng nhất ở đây là niềm tin. Cũng trong những ngày này đã xảy ra vụ chủ quán phở Xin Chào bị khởi tố hình sự oan ở Bình Chánh, TP.HCM. Vụ việc gây phẫn nộ lớn trong công luận, cuối cùng đã được xử lý tốt đẹp trong tinh thần người dân được làm những gì luật pháp không cấm, vụ án bị đình chỉ, người khởi nghiệp kinh doanh được giải oan, những kẻ làm sai, ức hiếp dân bị trừng phạt. Việc xử lý vụ án quán Xin Chào mang niềm tin trở lại và phải chăng đó là tia hy vọng cho việc thực hiện ước mơ lớn đưa TP.HCM trở lại là Hòn ngọc Viễn Đông?

Đoàn Khắc Xuyên

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
6 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
41 năm và một ước mơ