Khi trẻ có lòng tin ở cha mẹ và được đối xử một cách tôn trọng, chúng sẽ dễ dàng chia sẻ những mong muốn của mình.

7 câu cha mẹ không bao giờ nên nói với con

La Hường | 25/07/2017, 06:33

Khi trẻ có lòng tin ở cha mẹ và được đối xử một cách tôn trọng, chúng sẽ dễ dàng chia sẻ những mong muốn của mình.

Dưới đây những câu nói cửa miệng của nhiều cha mẹ và người lớn có ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển tinh thần ở trẻ. Hãy thay đổi trước khi quá muộn để con của bạn là một đứa trẻ hạnh phúc!

"Sao con không thông minh như anh (chị) con chứ?"

Nếu bạn có thói quen so sánh bé với anh (chị) mình, bé sẽ dần hình thành tâm lý bi quan, mặc cảm hoặc cáu kỉnh, khó chịu. Giáo sư tâm lý Joe Elliott (Đại học tổng hợp Durham - Hoa Kỳ) khẳng định: "Nếu bạn cố gắng so sánh khiếm khuyết của bé với ưu điểm của các bé khác, bé sẽ nghĩ rằng bản thân mình không bao giờ khắc phục được những yếu điểm đó và không thể trở nên hoàn thiện trong mắt bạn được. Khi đã bị tổn thương, thậm chí, bé sẽ không muốn cố gắng để đạt được những hành vi tốt nữa".

"Dễ vậy mà con cũng không biết à?"

Một trong những cách tệ nhất bạn có thể khiến bé lo lắng là mắng mỏ, chê bai bé. Điều này khiến cho bé cảm thấy sợ hãi, không dám hỏi thêm bạn điều gì nữa vì sợ bạn nổi giận.

Bạn nên bình tĩnh chỉ dẫn bé làm lại từ đầu. Khuyến khích để bé tập trung hoàn thành từng phần việc nhỏ một, từ việc dễ đến việc khó, từ những việc đơn giản đến những phần việc phức tạp hơn. Không nên cười chê, chế nhạo nếu chẳng may bé không tự mình làm được. Thay vào đó, bạn nên tạo không khí vui vẻ để bé không bị căng thẳng khi bạn hướng dẫn bé làm một việc nào đó.

“Ai đã dạy con làm như thế?” (đối với một trò nghịch ngợm)

Trẻ có thể nghĩ rằng: "Bố mẹ không biết mình nghĩ ra điều này" sau câu nói trên của bạn. Một đứa trẻ như thế sẽ cho rằng con có thể đổ lỗi cho người khác.

Câu nói tích cực bạn nên dùng với con trong trường hợp này là: "Tại sao con lại làm điều đó?". Từ đó, bạn có thể hiểu con mình đã tự làm hay do ai xúi bẩy con. Bạn nên cho con cơ hội để giải thích cho hành động của mình.

“Chúng ta sẽ nói chuyện ở nhà”

Con của bạn có thể nghĩ rằng: "Bố mẹ mình có thể làm mình tổn thương. Bố mẹ không thích mình. Mình không muốn về nhà". Lúc này, nhà là nơi đứa trẻ bị trừng phạt thay vì là tổ ấm để trở về.

Thay vào đó, bố mẹ nên nói: "Để bố mẹ nói cho con nghe điều gì khiến bố mẹ buồn". Khi lắng nghe quan điểm của bố mẹ, đứa trẻ sẽ học cách quan tâm đến những suy nghĩ của mình trong tương lai.

“Con còn quá nhỏ để nghĩ về điều này”

Câu nói của bố mẹ có thể khiến trẻ có suy nghĩ: "Mình muốn biết. Mình sẽ hỏi người khác". Nếu khi con đưa ra một câu hỏi nhưng chẳng nhận được thông tin, con sẽ tìm lời đáp từ những nguồn khác - những người có ít thẩm quyền hơn và đó có thể là một điều không đúng đắn.

Bố mẹ nên nói với con rằng: "Bố mẹ chưa sẵn sàng để trả lời câu hỏi của con ngay bây giờ. Bố mẹ cần thêm thời gian để tìm hiểu". Bạn không nên phớt lờ con hay trốn tránh trả lời câu hỏi của con. Bằng cách này, bạn sẽ vẫn giữ được một vị trí tốt và lòng tin với con.

"Con không nhanh chân lên, mẹ sẽ bỏ con lại đấy"

Với các bé, nỗi sợ hãi lớn nhất là bị cha mẹ bỏ rơi. Đây có thể là câu nói khi bạn muốn thúc giục bé nhưng bé lại tỏ ra sợ hãi thực sự. Bé sẽ chỉ nhanh chân trong lần đầu bị bạn giục giã, những lần sau, bé sẽ phát hiện ra rằng bạn chỉ ‘nói chơi’, câu hù dọa này của bạn sẽ mất tác dụng.

"Con thật hư"

Bạn nghĩ nói vậy sẽ giúp bé kiểm soát hành vi của mình và tự sửa chữa những hành vi xấu. Nhưng "thực tế, câu nói này của bạn chỉ khiến bé tin rằng bé hư thật mà thôi". Thay vì nói "Con hư thế" bạn có thể nhẹ nhàng "Mẹ không bằng lòng khi con cư xử như vậy". Sau đó, bạn có thể gợi ý bé cách thực hiện những hành vi tốt hơn.

Hà Anh (TH)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Điểm mới của lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7
1 giờ trước Văn hóa
Ngày 22.11, Ban tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7 tổ chức họp báo thông tin về lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 29.11 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
7 câu cha mẹ không bao giờ nên nói với con