PGS-TS Đinh Trọng Thịnh từ Học viện Tài chính cho biết thương vụ MobiFone - AVG sử dụng đến 4 công ty định giá (trong đó có AMAX). Nhưng điều “bí hiểm” chính là mức định giá của các đơn vị rất cao, mức thấp nhất đã 16.000 tỉ đồng. Đặc biệt, mức định giá giữa các đơn vị định giá cũng chênh lệch rất lớn, có lúc gấp đôi.

AMAX sai phạm thế nào trong vụ MobiFone mua AVG?

16/04/2019, 13:22

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh từ Học viện Tài chính cho biết thương vụ MobiFone - AVG sử dụng đến 4 công ty định giá (trong đó có AMAX). Nhưng điều “bí hiểm” chính là mức định giá của các đơn vị rất cao, mức thấp nhất đã 16.000 tỉ đồng. Đặc biệt, mức định giá giữa các đơn vị định giá cũng chênh lệch rất lớn, có lúc gấp đôi.

Giám đốc AMAX Võ Văn Mạnh (phải) và nhân viên đều bị bắt giam vì liên quan đến vụ MobiFone mua AVG - Ảnh: Bộ Công an

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, khi chọn Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư và Thẩm định giá AMAX (AMAX), MobiFone chỉ căn cứ vào báo giá thấp nhất trong 3 đơn vị tư vấn chứ không thực hiện theo quy trình chỉ định thầu. Đó là vi phạm quy định tại Điều 55 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26.6.2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.

Khi đàm phán giá mua cổ phần, MobiFone sử dụng kết quả thẩm định giá do AMAX xác định giá trị AVG là 16.565 tỉ đồng để đàm phám giá mua cổ phần mà không trừ các khoản nợ phải trả 1.134 tỉ đồng, riêng việc làm này gây thiệt hại 1.134 tỉ đồng.

AMAX đã sử dụng số liệu đầu vào không có cơ sở để xác định “Giá trị tài sản vô hình ngoài Bảng cân đối kế toán là 13.448 tỉ đồng”. Sau khi loại trừ giá trị tài sản vô hình 13.448 tỉ đồng và loại trừ nợ phải trả 1.134 tỉ đồng thì giá trị vốn chủ sở hữu của AVG tại thời điểm 31.3.2015 chỉ là 1.983 tỉ đồng (chưa tính đến việc định giá lại giá trị thực của các khoản AVG đã đầu tư tài chính ra ngoài doanh nghiệp).

Theo đó, so với giá mua 95% cổ phần AVG là 8.889 tỉ đồng cho thấy nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước tại Mobifone khoảng 7.006 tỉ đồng.

Về phần AMAX, kết luận thanh tra nêu rõ việc thẩm định giá của AMAX đã vi phạm nghiêm trọng Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam. Cụ thể là đã sử dụng trái phép nguồn số liệu dự báo kế hoạch kinh doanh do VCBS lập để thẩm định giá trong khi số liệu này không có cơ sở, vi phạm các tiêu chuẩn thẩm định giá.

Vì vậy, giá trị doanh nghiệp AVG tại thời điểm 31.3.2015 là 16.565 tỉ đồng không có cơ sở pháp lý, không tin cậy, MobiFone đã sử dụng để đàm phán với nhóm cổ đông AVG về giá mua cổ phần. Trách nhiệm thuộc về Giám đốc AMAX và các thẩm định viên liên quan theo quy định tại Khoản 2 Điều 42 Luật Giá.

Tổng số tiền theo hợp đồng mà MobiFone đã ký với 2 công ty tư vấn là AMAX và VCBS số tiền 3,19 tỉ đồng; đã chi số tiền 1,54 tỉ đồng, gây thiệt hại cho Mobifone. Vậy nên, Chủ tịch HĐTV; Tổng giám đốc và Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính - kế toán của MobiFone chịu trách nhiệm xử lý, thu hồi số tiền 1,54 tỉ đồng chi phí tư vấn đã chi cho 2 công ty tư vấn.

Công ty AMAX được thành lập ngày 25.6.2010 với tên gọi Công ty TNHH Thẩm định giá Việt Nhất, địa chỉ 139 Calmettle, P.Nguyễn Thái Bình, Q.1, TP.HCM. Đến ngày 20.6.2013, doanh nghiệp đăng ký lần thứ 7 và đổi tên thành Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và Thẩm định giá AMAX và địa chỉ dời về 50-C9 Đường số 11, Khu Miếu Nổi, P.2, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Ngày 2.6.2015: Đăng ký lần thứ 8 và tăng vốn điều lệ lên 3.800.000.000 đồng và thành lập nhiều chi nhánh.

Đại diện pháp luật là Giám đốc Võ Văn Mạnh (SN 1976) cũng là người vừa bị cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam về tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”, với vai trò đồng phạm với các bị can trong vụ án xảy ra tại MobiFone và các đơn vị liên quan.

Theo website của AMAX, công ty này cung cấp 8 đầu mục dịch vụ gồm: thẩm định giá; thẩm tra dự toán, quyết toán công trình; tư vấn dự án đầu tư; tư vấn đấu thầu; tư vấn doanh nghiệp; nghiên cứu thị trường và thăm dò dư luận, thông tin bất động sản, đấu giá tài sản.

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, PGS - TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho biết việc móc nối với nhau trong định giá đã xảy ra trong nhiều vụ việc, khiến Nhà nước thất thoát tài sản.

Nêu ví dụ ở chuyện MobiFone sử dụng tới 4 đơn vị định giá thương vụ mua AVG, ông Thịnh cho biết thương vụ này sử dụng 4 công ty định giá nhưng điều “bí hiểm” chính là mức định giá của các đơn vị rất cao, thấp nhất đã 16.000 tỉ, đặc biệt, mức định giá giữa các đơn vị cũng chênh lệch rất lớn, có lúc gấp đôi.

“Chỉ với 4 đơn vị thôi mà đã có sự chênh lệch lớn như thế, người ta nghi ngờ MobiFone có sử dụng “chiêu trò quân xanh, quân đỏ” để đưa ra nhiều giá khác nhau không phải không có cơ sở. Từ đó, khi chuyển nhượng có thể dìm hàng hoặc đẩy giá lên để chuyển tiền?”, ông đặt câu hỏi.

Nêu giải pháp cho vấn đề này, ông Đinh Trọng Thịnh cho rằng cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát việc định giá, kiểm toán ở các cơ quan công chứng, định giá.

“Nếu anh đã ký vào biên bản định giá thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm ở việc định giá đó. Nếu sau này cơ quan định giá lại nếu có sai sót lớn, có sự móc ngoặc thì phải chịu trách nhiệm”, ông Thịnh nói.

Tuy nhiên, trong nhiều vụ việc sai phạm cổ phần hóa được phanh phui gần đây thì các công ty định giá vẫn chưa bị xử lý hình sự. Việc này theo ông Thịnh là có nguyên nhân từ lỗ hổng luật pháp khi không quy định cụ thể.

Theo luật sư Nguyễn Thúy Kiều - Giám đốc Công ty Luật TNHH Bắc Nam, hành vi sai phạm trong định giá giá trị tài sản của các cá nhân, tổ chức chỉ bị xử lý khi cơ quan bảo vệ pháp luật chứng minh được cá nhân là những người có chức vụ, quyền hạn, cố ý làm sai lệch kết quả, can thiệp để kết quả định giá, đấu giá thấp xuống hơn thực tế để hưởng lợi cho cá nhân.

Do đó có thể bị khởi tố trong nhóm tội về chức vụ quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 như: “Tội tham ô tài sản” quy định tại Điều 353 hoặc “Tội nhận hối lộ” quy định tại Điều 354 hoặc “Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” .

Còn nếu cá nhân là những người có chức vụ, quyền hạn nhưng lơ là, thiếu sự giám sát, quản lý thì vẫn có thể bị xử lý hình sự về “Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017…

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
5 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
AMAX sai phạm thế nào trong vụ MobiFone mua AVG?