Sau kiểm toán, mức lỗ sau thuế của Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí (PVC) đã tăng thêm hơn 400 tỉ đồng. Theo đó, tổng lỗ lũy kế của PVC tính đến cuối năm 2018 đã lên tới trên 3.686 tỉ đồng, trong khi vốn điều lệ thực góp là 4.000 tỉ đồng.

Sau kiểm toán, PVC lại tăng lỗ thêm hơn 400 tỉ đồng

14/04/2019, 17:24

Sau kiểm toán, mức lỗ sau thuế của Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí (PVC) đã tăng thêm hơn 400 tỉ đồng. Theo đó, tổng lỗ lũy kế của PVC tính đến cuối năm 2018 đã lên tới trên 3.686 tỉ đồng, trong khi vốn điều lệ thực góp là 4.000 tỉ đồng.

PVC thua lỗ kéo dài, công ty mẹ lỗ lũy kế hơn 3.390 tỉ đồng - Ảnh: Internet

Tổng công ty PVC mới đây đã công bố báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2018 với lỗ sau thuế hơn 414 tỉ đồng, tăng lỗ thêm hơn 104 tỉ đồng so với báo cáo tự lập. Theo đó, tổng lỗ lũy kế của PVC đến cuối năm 2018 đã lên tới trên 3.686 tỉ đồng, trong khi vốn điều lệ thực góp là 4.000 tỉ đồng.

Về vấn đề này, PVC giải thích là sau khi thực hiện kiểm toán, báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty con có nhiều thay đổi, vì vậy trên báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán của PVC đã đánh giá lại một số khoản trích lập dự phòng các khoản phải thu khó đòi, lợi nhuận chưa thực hiện, các khoản đầu tư tài chính của một số đơn vị thành viên theo chuẩn mực kế toán và chế độ tài chính hiện hành.

Tại báo cáo tài chính kiểm toán, các kiểm toán viên cũng đưa ra hàng loạt vấn đề nhấn mạnh cũng như ý kiến ngoại trừ với PVC như: không thể thu thập được các bằng chứng kiểm toán thích hợp liên quan đến giá trị có thể thu hồi của khoản phải thu 200 tỉ đồng của khách sạn Lam Kinh và số dư dự phòng đã trích lập cho khoản phải thu này là 124,4 tỉ đồng.

Đặc biệt, Kiểm toán cũng đưa ra các vấn đề nhấn mạnh liên quan đến khoản lỗ lũy kế hợp nhất 3.686.4 tỉ đồng, nợ phải trả ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn khoản 248,4 tỉ đồng và các vấn đề khác có thể ảnh hưởng tới khả năng thanh toán của tổng công ty trong 12 tháng tới.

Bên cạnh đó, PVC có khoản cho vay là bảo lãnh cho một số công ty khác với số tiền lần lượt khoảng 466,5 tỉ đồng và khoảng 237,9 tỉ đồng. Tại ngày lập báo cáo tài chính hợp nhất, tổng công ty đang tiếp tục làm việc với các công ty được cho vay, được bảo lãnh và các tổ chức tín dụng để thu hồi các khoản cho vay và giải tỏa thư bảo lãnh nhằm tăng khả năng thanh toán của PVC.

Ngoài ra, PVC còn có một số khoản công nợ tiềm tàng và chưa có kết quả cuối cùng về các nghĩa vụ liên quan.

Trong khi đó, tại báo cáo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết nhiều khoản công nợ dở dang tại một số đơn vị tồn tại từ lâu nhưng vẫn chưa thực hiện quyết toán và thu hồi dứt điểm, dẫn đến việc PVC vừa phải lo thu xếp vốn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh và phải chịu chi phí lãi vay ngân hàng, làm ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh.

Công tác thoái vốn của PVC tại các đơn vị gặp nhiều vướng mắc do phần lớn các đơn vị nằm trong kế hoạch thoái vốn của PVC đều thua lỗ, lỗ lũy kế lớn nên việc tìm kiếm các đối tác nhận chuyển nhượng có nhiều khó khăn.

Ngoài ra, PVC đã bị mất kiểm soát trong việc thực hiện dự án nhiệt điện Thái Bình 2, do mất cân đối quá lớn về dòng tiền (Công nợ phải trả đối với khách hàng của PVC lớn, đặc biệt là số phải trả các nhà thầu thi công tại dự án Tuy nhiên do khó khăn trong việc thu xếp vốn, cân đối dòng tiền nên PVC không có kinh phí để thanh toán cho khách hàng). Nếu không nhận được giải pháp hỗ trợ kịp thời và đồng bộ từ các cơ quan có thẩm quyền thì dự án tiếp tục bị chậm tiến độ, thậm chí không có khả năng hoàn thành.

Trước đó, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã ra thông báo kể từ ngày 24.4.2018, cổ phiếu PVX của PVC chính thức bị đưa vào diện kiểm soát.

Theo đó, cổ phiếu PVC sẽ chỉ được giao dịch vào phiên thứ Sáu hàng tuần. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ PVC trong năm 2016 và năm 2017 (có tính đến ảnh hưởng của ý kiến ngoại trừ của đơn vị kiểm toán) tại báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2017 là số âm.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Nhu cầu điện tăng kỷ lục, Thủ tướng yêu cầu quyết liệt đảm bảo cung ứng điện
Năm 2024 vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ thiếu điện, nhu cầu tiêu thụ điện trong thời gian mùa khô (tháng 5 - 7) được dự báo tăng cao (lên đến 13%, cao hơn nhiều so với kế hoạch khoảng 9,6%).
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sau kiểm toán, PVC lại tăng lỗ thêm hơn 400 tỉ đồng