Mực nước biển dâng do biến đổi khí hậu đã khiến nguồn nước ngọt bị nhiễm mặn nặng nề tại những ngôi làng ven biển của Ấn Độ, theo AP.
Tình trạng nước ngọt bị nhiễm mặn xảy ra nặng nề tại nhiều nước, trong đó có Ấn Độ - một quốc gia dù trở thành một trong những nền kinh tế lớn thế giới nhưng vẫn bị xem là đang phát triển.
Ấn Độ xếp hạng ba trong nhóm nước thải phát khí carbon dioxide nhiều nhất, góp phần vào tình trạng nóng lên của Trái đất. Ấn Độ đang tích cực chuyển đổi qua năng lượng sạch, với các mục tiêu sử dụng năng lượng tái tạo đầy tham vọng, cùng một chương trình hydrogen xanh để tạo ra nhiên liệu sạch, và còn một chương trình khuyến khích người dân tạo dựng cuộc sống bền vững hơn.
Nhưng cuộc chuyển đổi đó sẽ cần nhiều thời gian để thành hiện thực. Trong khi đó, vấn đề mực nước biển dâng, bão cực đoan, việc quá lạm dụng giếng và sự phát triển tràn lan đều góp phần vào tình trạng nước nhiễm mặn nặng ở thành phố Kochi, theo nhận định của các nhà khoa học.
Vấn đề này càng trầm trọng ở các vùng duyên hải tại một quốc gia - nơi mà việc tiếp cận nguồn nước ngọt là một vấn đề nan giản. Ấn Độ là quốc gia có chưa tới một nửa tổng số dân được tiếp cận nguồn nước uống sạch, theo Quỹ Nhi Đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF).
Bijoy Nandan, Trưởng khoa đại dương học ở Đại học Khoa học - Công nghệ Cochin, nói: “Người dân khổ sở vì các tầng chứa nước đang bị nhiễm mặn nặng”.
Ông cho biết, độ mặn đã tăng từ 30 - 40% kể từ sau lần đầu khảo sát nguồn nước ngọt tại vùng Kochi hồi năm 1971.
Giáo sư S.Sreekesh ở Đại học Jawaharlal Nehru đã nghiên cứu mối đe dọa ngày càng nghiêm trọng về sự nhiễm mặn ở Kochi bằng cách xem xét ảnh vệ tinh, thủy triều và các dữ liệu khác từ những năm 1970 đến năm 2020. Ông phát hiện mực nước biển dâng ở vùng này là 1,8 mimimét mỗi năm.
Và tình trạng vỡ đường ống dẫn nước máy càng khiến cuộc sống của người dân thêm khổ sở, buộc họ phải hàng ngày xếp hàng để chờ hứng nước từ các xe tải được chở đến các ngôi làng ở thành phố duyên hải Kochi.
Tại ngôi làng Chellanam có diện tích khoảng 8km2, người dân từng uống nước từ các ao và giếng. Nhưng từ 60 năm trước, nguồn nước ngọt này đã nhiễm mặn nặng khiến 600 hộ dân không còn có thể ăn uống, tắm giặt. Họ phải trông chờ vào các xe tải hoặc ghe chở nước ngọt đến để hứng mang về nhà sử dụng.
AP tường thuật một lần hứng nước ngọt: 4 xe tải lớn chở 36.000 lít đến sân của một nhà thờ do đường làng rất hẹp nên những chiếc xe này không thể vào sâu hơn. Sau đó, nước từ xe tải được xả vào các bồn của các xe tải nhỏ hơn.
Những chiếc xe tải nhỏ này có thể chở 6.000 lít, 4.000 lít và 1.000 lít để đi giao và đổ nước vào các thùng chứa lớn màu xanh dọc theo các con đường làng. Tiếp đó, từng người dân đến đây và dùng chậu nhôm múc khoảng 5, 6 lít nước mang về nhà.
Cụ bà Maryamma Pillai 82 tuổi bị bệnh tim, nhưng cụ phải xách 7 xô nước đi 100m về nhà. Cụ cho biết, số tiền mua 5 lít nước là khoảng 40 rupee, hoặc chờ xe nước của chính quyền chở đến, cấp nước miễn phí.
Cụ còn cho biết, tình trạng thiếu nước ngọt ngày càng trầm trọng qua từng năm, và đến mùa hè thì căng thẳng hơn. Cụ kể: “Ngày xưa, chúng tôi đã quen thu xếp để có nhiều nước hơn trong từng mùa, nhưng ngày nay thì mọi sự trở nên thất thường và không thể lường trước.
Ông Karni Kumar sống cách xa đường lộ chính, nên ông có thể dùng ghe chèo qua huyện láng giềng Alleppey để lấy nước ngọt.
Nhưng vì quá nhiều dân làng Chellanam làm theo, nguồn cầu nước ngọt tăng gấp đôi trong khi huyện Alleppey chỉ có một đường ống nước máy. Từ đó, xảy ra cảnh phải xếp hàng lâu chờ hứng nước, và thi thoảng xảy ra xung đột, đánh nhau giữa dân Chellanam với dân huyện Alleppey.
Linh mục John Kalathil cho biết, dân làng Chellanam mỗi ngày phải trả từ 100 - 200 rupee (khoảng từ 1,21 đến 2,42USD) để mua nước uống, nấu ăn và tắm giặt.
Khoản tiền này chiếm 15% thu nhập hàng ngày của ngư dân. Vị tu sĩ cho biết: “Họ gọi biển là mẹ, là Kadalamma vì sống dựa vào biển. Nhưng tình hình đang rất khó khăn cho họ vì biến đổi khí hậu, sự thay đổi của các nguồn nước”.