UBND tỉnh An Giang cho rằng công trình bảo vệ bờ quốc lộ 91 làm giảm thêm tiết diện mặt cắt ướt dòng chảy, làm tăng thêm nguy cơ xói lở. Vì vậy, UBND tỉnh An Giang đề nghị cho phép nạo vét mở rộng lòng sông Hậu đoạn qua khu vực xã Bình Mỹ kéo dài khoảng 3 km theo hình thức xã hội hóa.
UBND tỉnh An Giang vừa ký văn bản gửi Thủ tướng xin chủ trương về việc xã hội hóa chỉnh trị dòng chảy sông Hậu để bảo vệ quốc lộ 91 cũ ở đoạn xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang (đoạn này thường xảy ra sạt lở - PV).
Trong văn bản gửi Thủ tướng có nêu do việc biến đổi khí hậu nên ở các sông lớn như sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Nao... thời gian gần đây đã chuyển sang chiều hướng phức tạp chế độ dòng chảy, thay đổi mang tính bất thường đã gây nhiều vụ sạt lở nghiêm trọng.
Đầu tiên là vụ sạt lở nghiêm trọng xảy ra vào tháng 8.2019 vừa qua đã làm mất một đoạn quốc lộ 91 cũ với chiều dài hơn 85 mét gây khó khăn cho việc lưu thông. Theo đó để khắc phục sự cố kịp thời, Bộ GT-VT đã lập dự án đầu tư xây dựng kiên cố hóa sạt lở quốc lộ 91 tổng kinh phí dự toán khoảng 500 tỉ đồng.
Tuy nhiên, Bộ GT-VT đã giao lại tuyến quốc lộ 91 đoạn bị sạt lở ở xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú cho tỉnh An Giang để triển khai xử lý và kiên cố hóa với chiều dài hơn 2 km, có tổng kinh phí trên 160 tỉ đồng. Hiện nay, phần việc này đang được UBND tỉnh An Giang thực hiện.
Vụ sạt lở nghiêm trọng xảy ra vào tháng 8.2019 vừa qua đã làm mất một đoạn quốc lộ 91 cũ gây khó khăn cho việc lưu thông - Ảnh: Tô Văn
Trong quá trình thực hiện, UBND tỉnh An Giang cho rằng nếu chỉ xử lý và kiên cố hóa đoạn sạt lở trên thì không đảm bảo lâu dài. Do chiều rộng lòng sông Hậu đoạn qua khu vực xã Bình Mỹ kéo dài khoảng 3 km bị thắt hẹp còn khoảng 300 mét so với đoạn thượng lưu và hạ lưu liền kề rộng khoảng 600 mét, làm gia tăng vận tốc dòng chảy gây xói bờ. Vì thế, công trình bảo vệ bờ quốc lộ 91 sẽ làm giảm thêm tiết diện mặt cắt ướt dòng chảy, làm tăng thêm nguy cơ xói lở.
Chính vì thế, UBND tỉnh An Giang đã đề nghị cho phép nạo vét mở rộng lòng sông Hậu đoạn qua khu vực xã Bình Mỹ kéo dài khoảng 3 km theo hình thức xã hội hóa. Đơn vị thực hiện chỉnh trị chịu chi phí lập dự án và chi phí đền bù đất bãi bồi bờ xã Bình Thạnh Đông, huyện Phú Tân (ngoài phạm vi 30 mét đất bãi bồi do nhà nước quản lý) và nạo vét mở rộng dòng chảy kết hợp tận thu cát.
Các vết nứt có dấu hiệu lan rộng nguy cơ sạt lở cao - Ảnh: Tô Văn
Hiện tại, UBND tỉnh An Giang đang chỉ đạo các ngành chức năng lập hồ sơ, thủ tục cần thiết để đợi khi có chủ trương chấp thuận của Thủ tướng sẽ bắt tay vào làm ngay trên tinh thần khẩn cấp cứu quốc lộ 91 cũ.
Tối 25.5, ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó chủ tịch UBND huyện Châu Phú cho biết vết nứt mới nhất trên mặt đường quốc lộ 91 cặp bờ sông Hậu tại xã Bình Mỹ đã rộng 4-5 cm, dài gần 30 mét, lần lượt tăng 3-4 cm chiều ngang và 8 mét chiều dài so với lúc phát hiện 2 hôm trước.
“Chúng tôi đã cử cán bộ xuống làm việc với từng hộ dân trong khu vực nguy cơ sạt lở. Khu vực này có chiều dài khoảng 300 mét hiện có 81 hộ sinh sống. Nhưng cái khó khăn trước mắt hiện nay xã Bình Mỹ không còn chỗ để dân tái định cư. Các xã khác như Bình Long, Cái Dầu lại còn trên dưới 60 nền. Cho nên nếu 81 hộ dân này chịu di dời thì chúng tôi đỡ gặp khó khăn hơn. Còn nếu không chịu di dời, chúng tôi làm 1 con đường mới kết hợp với tuyến dân cư mới ngay khu vực đó để cho 81 hộ dân này định cư một cách nhanh chóng”, ông Lâm nói.
Rào chắn cảnh báo khu vực sạt lở nguy hiểm quốc lộ 91 - Ảnh: Tô Văn
Cũng theo ông Lâm, sáng 25.5 huyện vừa cho thổi cát xong tuyến dân cư mới. Theo đó, tại đây có thể bố trí hơn 630 nền để di dời hết tất cả các hộ dân sống cặp theo bờ sông Hậu (trong đó có 81 hộ đang sơ tán - PV) với bán kính 2 km, lấy ngay từ ngã ba giao đường tránh làm tim phân định.
Như Một Thế Giới thông tin, vào lúc 6 giờ ngày 23.5, xuất hiện vết rạn nứt dọc đường quốc lộ 91 tại ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, cách điểm sạt lở vào năm 2019 khoảng 80 mét về phía hạ lưu. Hiện khu vực này có nguy cơ sạt lở xuống sông Hậu (vết nứt sâu vào 1/3 mặt đường), với chiều dài đoạn rạn nứt khoảng 20 mét, cách mép bờ sông khoảng 7,5 mét.
Tô Văn