Trong lúc huyện Chợ Mới thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, tại khu vực bến phà An Hòa cũ vẫn còn một hộ dân tổ chức cho hàng chục người lao động tự do ngồi lựa rau củ quả.

An Giang: Điểm tập kết nông sản tụ tập đông người trong lúc giãn cách, cán bộ địa phương nói gì?

Tô Văn | 03/09/2021, 15:02

Trong lúc huyện Chợ Mới thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, tại khu vực bến phà An Hòa cũ vẫn còn một hộ dân tổ chức cho hàng chục người lao động tự do ngồi lựa rau củ quả.

Tụ tập đông người lựa rau củ, địa phương kiểm tra qua loa

Sáng 3.9, nhiều người dân (ngụ xã Hòa Bình, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) phản ánh với phóng viên Một Thế Giới rằng một hộ dân tên là N.T.N.S (ngụ  ấp An Thuận xã Hòa Bình), tụ tập đông người không phù hợp tinh thần giãn cách theo Chỉ thị 16. Không ít người lo ngại nếu có ca F0 nào xuất hiện tại khu vực này thì ai sẽ chịu trách nhiệm.

1-ho-dan.jpg
Khu vực nơi hộ dân tổ chức cho hàng chục lao động đến lựa rau, củ, quả và tài xế luân phiên đi từ vùng dịch đến nhận hàng - Ảnh: L.H  

Theo thông tin từ người dân, từ cổng bến phà cũ lên tới ngã tư (bao gồm hộ bà S) có chiều dài khoảng 150m và hơn trăm hộ gia đình sinh sống, sinh hoạt nằm san sát với nhau, “trớ trêu” khoảng tuần nay, thì xuất hiện rất nhiều lao động tự do đến nhà hộ dân này ngồi lựa rau, củ như một cái chợ “chồm hổm”… Không dừng lại đó, các tài xế đến từ vùng dịch đậu xe chất hàng hóa gây tiếng ồn làm ảnh hưởng đến sức khỏe và đem lại nỗi lo lắng vì sợ lây nhiễm dịch bệnh.

Ông L.V.H (ngụ xã Hòa Bình, huyện Chợ Mới) cho biết, gần tuần nay, tại nhà bà S là điểm tập kết rau, củ, quả phân phối lên xe tải chở đi TP.HCM và Bình Dương.

“Xã Hòa Bình được coi là vùng xanh (người dân không có ca nhiễm cộng đồng nào – PV), từ khi nhà bà S xuất hiện hơn 30 người người lao động tự do đến làm việc thêm tài xế lái xe tải từ vùng dịch thay phiên nhau về đây lấy hàng đã mang nỗi lo sợ cho bản thân và những người hàng xóm. Theo tôi quan sát thì thấy các anh chị em trong lúc lựa rau, củ, đai vác hàng, đa số họ không đeo khẩu trang, xịt khuẩn. Với cách làm kiểu này thì Chỉ thị 16 coi như bỏ luôn. Tôi còn nghe mọi người nói hộ bà S đang làm từ thiện gì đó giúp người dân tỉnh khác, thôi đừng phản ánh địa phương chi cho tội. Nhưng khi tìm hiểu thì không phải vậy, nếu làm từ thiện thì phải treo băng rôn thông báo, còn đằng này thì không, hơn nữa lại tụ tập đông người vi phạm quy tắc 5K và tài xế đi về từ vùng dịch thì có phải nguy cơ nhiễm bệnh tại nơi này xảy ra cao không? Ai nào thông cảm được”, ông H. bức xúc nói.

Cũng theo ông H., bản thân ông đã phản ánh với một cán bộ UBND xã thì người này cho biết có nắm thông tin nhưng cấp trên không phân công và không có ý kiến nên “bó tay”.

Cùng chung nỗi bức xúc với ông H. về hộ bà S vi phạm Chỉ thị 16, ông N.N.Đ (ngụ cùng địa phương ông H.) cho biết, tình hình dịch bệnh hiện nay gia đình quá ớn lạnh. Thấy việc tụ tập đông người tại hộ bà S và tài xế đến từ vùng dịch thì bản thân ông cũng đã báo với địa phương nhưng mấy ổng đến kiểm tra qua loa rồi đi về, “không nói không rằng”.

“Bến phà cũ này đã dẹp từ lâu rồi và đến bây giờ khu vực này đâu phải là nơi mở tiệm chành xe, bãi tập kết vận chuyển nông sản. Dịch bệnh đang diễn biến phức tạp trong thời gian này, tự nhiên nổi lên điểm tập kết đông người trong lúc giãn cách xã hội. Đặc biệt, các tài xế xe tải đi từ vùng dịch về đem xe lại đây đậu thì lại không thấy bóng dáng cơ quan chức năng nào kiểm tra, không thấy ai lập chốt kiểm soát người ra vào. Chứ người dân mà ra đường hay ngồi "tụm hai tụm ba" nói chuyện là bị hốt liền”, ông Đ. bộc bạch.

Ông Đ. cho biết thêm, trong bộ quy tắc 5K và Chỉ thị 16 thì chỗ làm việc hộ bà S là sai hoàn toàn, nguy hiểm hơn nữa là chỗ này tụ tập hơn 30 người. Nếu lỡ xuất hiện ca F0 tại nơi đây thì coi như xong phim.

“Tôi có hỏi một cán bộ ấp, tại sao hộ bà S tập trung đông người trong lúc làm việc sao không thấy chính quyền xuống xử lý hay nhắc nhở. Tuy nhiên, người này cho biết địa phương cho phép vì hộ bà S làm từ thiện và đã có kiểm tra, nhắc nhở. Với cách trả lời của cán bộ ấp, tôi thật sự thắc mắc và bức xúc và có nhắn tin vào số điện thoại di động giám đốc Công an tỉnh An Giang và được biết có một anh cán bộ công an đã xuống kiểm tra nhưng vào thời điểm giữa trưa (lao động nghỉ làm, họ làm từ 15 giờ đến sáng hôm sau - PV) ngó xung quanh, hỏi han rồi đi về. Chỉ thị 16 thì địa phương kêu dân đóng cửa, hạn chế ra ngoài còn chỗ bà S thì tụ tập đông người sao không xử lý, kì vậy”, anh Đ. thắc mắc và bức xúc nói.

2-ho-dan.jpg
Một người lao động tại hộ bà S không đeo khẩu trang khi lấy hàng chất lên xe tải - Ảnh: N.Đ

Cần kiểm tra quyết liệt hơn

Khi phóng viên Một Thế Giới đề cập vấn đề về việc nhà bà S tập trung đông người lựa rau, củ, quả trong lúc huyện Chợ Mới thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 và các tài xế thay phiên từ vùng dịch về khu vực này thì cách giải quyết của địa phương để người dân khỏi lo sợ và thắc mắc, ông Đặng Thanh Bình – Bí thư, Chủ tịch UBND xã Hòa Bình cho biết, địa phương có nắm thông tin phản ảnh từ người dân về hộ bà S. Tuy nhiên, khi kiểm tra thì được biết toàn những người thân trong gia đình bà S đến giúp. Còn chuyện tài xế thay phiên về đây lấy rau, củ, quả khi vào xã Hội An, thì họ đều được test nhanh với kết quả âm tính nên lực lượng chức năng mới cho vào địa bàn huyện và được đến khu vực này lấy hàng.

“Chỗ bà S được sự thống nhất theo chủ trương của lãnh đạo UBND huyện Chợ Mới về việc giải cứu nông sản cho bà con ở những tỉnh khác. Trong quá trình cho phép bà S làm điểm tập kết nông sản thì huyện và chính quyền địa phương đã xuống kiểm tra theo quy định phòng chống dịch COVID-19 và thống nhất mô hình này”, ông Bình nói.

Ông Bình thông tin thêm, với mỗi ngày nhân công làm việc tại hộ bà S, địa phương đã bắt buộc chủ hộ ghi nhật ký và khi có hàng đưa đi thì thông báo để cán bộ xuống kiểm tra, đồng thời bắt buộc quy định tài xế khi lấy hàng phải ngồi trên xe xuyên suốt.

“Chỉ có ngày đầu tiên hộ bà S thực hiện việc tập kết dẫn đến đông người và đa số lao động không đeo khẩu trang và sai quy định giờ giấc. Từ chỗ người dân không biết rồi lo sợ và phản ánh thì chính quyền đã báo cáo về huyện có cử đoàn xuống kiểm tra và thấy chỗ bà S không còn vi phạm theo phán ánh của người dân và có cam kết thực hiện giờ giấc đúng theo yêu cầu của địa phương”, ông Bình nói.

Cũng theo ông Bình, hiện địa phương đã yêu cầu bà S lập danh sách những người lao động có phải là người trong gia đình hay không hay thuê mướn. Và hằng tuần những người làm việc cho hộ này phải đến trạm y tế test nhanh để đảm bảo tính an toàn. Ngoài ra, địa phương đã tăng cường xuống kiểm tra, nhắc nhỡ việc đeo khẩu trang, xịt khuẩn và giám sát cánh tài xế ở mức cao hơn để đảm bảo phòng chống dịch bệnh.

Trao đổi rõ hơn về vấn đề này, PV liên hệ qua điện thoại với ông Vũ Minh Thao – Phó chủ tịch UBND huyện Chợ Mới thì ông chưa bắt máy.

Một luật sư thuộc Đoàn luật sư tỉnh An Giang cho biết, trong thời điểm hiện nay, để xã hội sớm trở lại bình thường thì mọi người phải thực hiện đúng và đầy đủ về nguyên tắc 5T kết hợp thực hiện nghiêm Chỉ thị 16. Trường hợp cấp thiết cần có đông người phải thực hiện việc, công việc nhất nhất phải tuân thủ quy tắc 5K và phải được cho phép, có kiểm soát của Cơ quan thẩm quyền về quy định 3 tại chỗ trong sản xuất.

“Bất kỳ cá nhân nào lấy lý do thu nhận nông sản làm từ thiện, cung ứng nông sản cho khu vực bị phong tỏa, cách ly .v.v… để vi phạm quy định trong phòng chống dịch bệnh thì chẳng những không đóng góp gì cho xã hội mà còn làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh, phá hủy toàn bộ công sức mọi người, mọi nhà trong thời gian 2 tháng qua về phòng chống dịch bệnh.

Chính vì hành vi tụ tập đông người ngay tại khu dân cư đông đúc, người tụ tập không đeo khẩu trang, người tụ tập chưa được tiêm ngừa vắc xin COVID-19 đã tiềm ẩn nhiều rủi ro dịch bệnh, chưa kể người tiếp nhận nông sản lại đi lại thường xuyên, liên tục từ vùng đỏ sang vùng cam và nay là vùng xanh.

Những tài xế xe tải di chuyển liên tục từ vùng có dịch bệnh sang vùng không có dịch bệnh nay lại xuất hiện trong khu dân cư đông đúc, không kiểm tra, kiểm soát, nên cũng chẳng ai dám cam kết rằng những tài xế xe tải này không mang mầm bệnh trong người khi đến tiếp nhận nông sản chở đi vùng khác, tỉnh khác sẽ không làm phát sinh nguy cơ lây lan, bùng phát dịch bệnh”, vị luật sư này nhận định.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
3 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
An Giang: Điểm tập kết nông sản tụ tập đông người trong lúc giãn cách, cán bộ địa phương nói gì?