Theo thời gian, không khí ngày tết có nhiều thay đổi. Ngày trước, người ta gọi là "ăn Tết", thời gian kéo dài từ rằm tháng chạp cho đến khi "ra mùng", ăn chơi, nghỉ ngơi đúng nghĩa. Ngày nay người ta thay cụm từ "ăn Tết" bằng "đón Tết", không khí không còn náo nức như xưa, nhạt nhẽo hơn nhiều.

'Ăn Tết' xưa và 'đón Tết' nay khác nhau thế nào?

17/01/2017, 05:09

Theo thời gian, không khí ngày tết có nhiều thay đổi. Ngày trước, người ta gọi là "ăn Tết", thời gian kéo dài từ rằm tháng chạp cho đến khi "ra mùng", ăn chơi, nghỉ ngơi đúng nghĩa. Ngày nay người ta thay cụm từ "ăn Tết" bằng "đón Tết", không khí không còn náo nức như xưa, nhạt nhẽo hơn nhiều.

Trẻ em miền Tây nô đùa trong ngày xuân - Ảnh: Dương Cầm

Người miền Tây sông nước rất quan trọng ngày tết, chỉ sau đám cưới, tang ma, giỗ quảy... Họ dành gần một tháng để chuẩn bị mọi thứ, rất kỹ lưỡng. Làm gì làm, ngày tết cũng phải có cái ăn, cái mặc đàng hoàng.

Theo đà phát triển, người miền Tây cũng đơn giản việc "ăn Tết", gần như chỉ còn khái niệm "đón Tết". Sự háo hức giảm bớt, "ăn Tết" không còn kéo dài như ngày xưa nữa.

Trong những ngày cận kề Tết Đinh Dậu, chúng ta cùng hồi tưởng về những cái tết quê của hàng chục năm về trước...

Trò chơi bắn súng bằng bẹ chuối của trẻ con ở miền Tây trong ngày xuân giờ không còn thấy nữa

Sáng sớm ngày rằm tháng chạp, con cháu trong nhà ùa ra sân, kẻ đứng dưới đất, người trèo lên ghế... kéo cành, lặt lá mai cho kịp nở tết. Nhà cửa được quét dọn sạch sẽ, sơn phết lại. Mùng mền chiếu gối cũng được lôi ra giặt, phơi nắng.

Những trái dừa khô mốc meo, quanh năm nằm dưới đít bộ ván ngựa, có trái đã lên mầm, được lôi ra lột, nạo. Đàn bà, con gái trong nhà xúc gạo trong khạp mang đi ngâm nước, chuẩn bị xay bột, tráng bánh.

Bánh tét, bánh ít là hai loại bánh được dân miền Tây ưu tiên gói, phải có mặt trong mâm cúng ông bà. Dưa kiệu, dưa cải... cũng được làm từ ngày hai mươi tết đổ lên, cho kịp chua, thấm tới.

Trai tráng trong nhà tát cạn những ao đìa suốt cả năm um tùm lục bình, để dành cho tết "thu hoạch". Cá trê, cá lóc, tôm... bắt được, mang đi rộng sẵn, dành để cúng ông bà, đãi khách. Gà vịt thả vườn, nuôi từ mấy tháng trước, người ta cũng "nhắm" đến những con mập nhất.

Miền Tây thanh bình vào xuân

Ngày 23 Tết, nhà nhà bày mâm thèo lèo, mứt dừa, cúng tiễn ông Táo về trời. Từ thời điểm này, không khí tết thực sự tràn về mọi ngõ ngách của làng quê.

Nhà nào cũng đã kho sẵn một nồi thịt kho trứng, hâm tới hâm lui nhiều bận dưới lửa hồng, nước dừa thấm vào cục thịt mềm rệu, béo ngậy. Mồ mả tổ tiên cũng đã được chà rửa sạch, trang trí thêm mấy chậu hoa để người khuất mặt đón xuân.

Đến 25 tháng chạp, mọi nhà bày mâm cơm đầy đủ các món: thịt kho tàu, gà luộc, chuối ngào, bánh tráng nướng... cúng "đưa ông bà". Chân nhang quanh năm đầy ắp trong lư hương cũng mang ra đốt, kèm theo giấy vàng bạc làm lộ phí cho ông bà về trời. Bộ lư hương được mang xuống đánh bóng sau lễ cúng này.

Cúng rước ông bà chiều 30 Tết

Pháo bắt đầu nổ lẻ tẻ từ lúc này. Đầu trên xóm dưới, người ta trải chiếu, túm hụm ngồi lắc bầu cua cá cọp, đánh bài cào, chơi lô tô. Dưới bóng mát, trẻ con ngồi bên bếp than hồng, nướng bánh tráng... Đàn ông mời nhau sang nhà lai rai, bàn chuyện làm ăn trong năm mới. Ly rượu cay đưa theo những câu chuyện thấm đẫm tình nghĩa chòm xóm.

Chiều 30 Tết, mọi thứ bắt buộc mọi thứ phải xong. Nhà cửa đã được trang hoàng, tươm tất. Bàn thờ có mâm ngũ quả: cầu, dừa, đủ, xoài, sung... mong muốn có một năm mới sung túc, an nhàn. Nhành mai cắm trong bình đặt trên chiếc bàn ở chính giữa nhà đã bung nụ. Lu nước trước thềm nhà, khạp gạo trong chái bếp đã đầy ắp. Một mâm cúng rước ông bà về ăn tết cùng con cháu trong chiều 30, tiễn đưa năm cũ.

Món cá lóc nướng trui là món khoái khẩu của người miền Tây, thường được đãi khách trong ngày Tết.

Chợ búa tản mác dần, qua "mùng" mới nhóm lại. Chỉ những gia đình nghèo khó mới đi chợ chiều 30. Ngày trước, người ta kiêng kỵ đi chợ trong những ngày đầu năm, sợ cả năm nghèo khó, thiếu thốn. Thành thử thực phẩm được tích trữ trong nhà rất nhiều, dư ăn cả tháng. Thời đó, không phải nhà nào cũng có tủ lạnh, đa số thực phẩm đã được chế biến sẵn.

Đồng hồ điểm 0 giờ, thời khắc giao thừa đến. Ngay cửa chính của mọi nhà, người ta treo phông pháo, châm lửa đốt, chào mừng năm mới. Pháo tiểu nổ trước, đồng loạt "ì đùng", giòn vang khắp nơi, kết thúc là tiếng nổ lớn của viên pháo đại. Chó, mèo sợ hãi trốn dưới gầm tủ, trong tiếng cười vui của trẻ nhỏ.

Vịt nuôi sẵn, người miền Tây làm thịt, cúng ông bà, đãi khách

Sáng sớm mồng Một, ngay ngay ngõ vương vãi xác pháo hồng, xen lẫn những cánh mai vàng. Một phong pháo lại được treo lên, đốt tiếp. Nhà giàu nào thì phong pháo dài cả mét. Nhà nghèo thì cũng có một phong pháo tiểu, đốt cho vui cửa vui nhà, cho có tiếng nổ ngày tết với người ta. Cả năm quần quật, vất vả, không tiếc chi tiền đốt một phong pháo...

Trẻ con xúng xính quần áo mới tinh tươm, khoanh tay mừng tuổi ông bà, cha mẹ... nhận tiền lì xì. Suốt ngày mồng Một, gần như không ai đến nhà ai, chỉ quanh quẩn trong nhà mình bởi áp lực "xông đất". Rất ngại, vì nếu trong năm mới gia chủ làm ăn khấm khá thì không nói gì, còn thất bại, không thuận lợi thì sẽ đổ thừa hết cho "người xông đất" nặng... vía, mang đến xui xẻo.

Nam thanh, nữ tú ở miền Tây trong ngày Tết

Sáng mồng Hai, mọi người bắt đầu du xuân, đến nhà thăm hỏi chúc tết nhau. Các con đường quê rộn rã tiếng cười nói, dồn dập bước chân người. Ai ai cũng diện trên mình một bộ đồ mới... Mọi người mời nhau bữa cơm, uống với nhau chung rượu, tách trà, trong không khí sum vầy, đầm ấm ngày đầu năm.

Ngày tết tuyệt nhiên chỉ được nói với nhau những chuyện vui, đại kỵ nói chuyện bệnh tật, chết chóc và những chuyện buồn. Đến nhà người khác phải thường trực nụ cười, không được mang đến gương mặt "đưa đám". Sàn nhà đầy xác pháo, cánh mai... gia chủ cũng không được quét vì sợ tài lộc theo rác ra luôn khỏi nhà. Đặng đừng lắm, nhà dơ phải quét thì phải cầm cây chổi quét theo hướng từ ngoài vào trong, dứt khoát không được quét từ trong ra ngoài.

Ngày xuân khắp các nẻo đường miền Tây đều thoang thoảng mùi hoa xoài

"Ăn Tết" xưa kéo dài cho đến "ra mùng", tức là sau ngày mùng 10. Cá biệt có nhà còn kéo dài "ăn Tết" cho đến ngày rằm tháng giêng. Ăn và vui chơi đúng nghĩa, tạm gác mọi công việc sang một bên trong khoảng thời gian này.

Ngày nay, nhiều người than phiền ngày tết không có không khí, nhạt nhẽo, chẳng khác ngày thường là bao. Sự háo hức chỉ "chớm" hiện diện trong mỗi người từ sáng 30 Tết. Đến chiều tối mồng Một, mọi thứ đã bắt đầu chùng xuống... Sang mồng Hai, mồng Ba, người ta chỉ mong sao mau hết tết, vì chẳng có gì... vui. Thời gian vui tết ngắn hơn xưa nhiều.

Ngày nay, muốn chúc tết ai, người ta chỉ cần cầm chiếc điện thoại di động lên, nói qua loa vài câu, hay nhắn vài dòng tin là đã làm xong "nhiệm vụ" lễ nghĩa. Không còn phải đến tận nhà, trực tiếp nói câu chúc như ngày xưa... Nhiều thủ tục "ăn Tết" xưa đã bị mai một, lược bỏ...

Bài, ảnh: Dương Cầm

Bài liên quan
Hàng không tăng chỗ và chuyến bay phục vụ tết, giá vé có hạ nhiệt?
Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) thông báo cung ứng thêm hơn 650.000 ghế, tương đương hơn 3.000 chuyến bay trên các chặng bay nội địa Việt Nam dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài cuối: Festival là cơ hội để hạt muối vươn xa
Theo kế hoạch, Festival muối 2025 sẽ được tỉnh Bạc Liêu tổ chức vào tháng 3.2025. Đây là sự kiện quy mô lớn, tạo tiền đề, cơ hội thuận lợi để kết nối, mời gọi nhà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất muối, từ đó góp phần nâng cao giá trị hạt muối, giúp bà con diêm dân vươn lên làm giàu từ nghề lâu đời này.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Ăn Tết' xưa và 'đón Tết' nay khác nhau thế nào?