Trong số những người của gia đình họ Triệu đó, khi được giải thích tường tận thì có đến 2 người tuy họ Triệu, nhưng chỉ là người cùng quê. Rồi cũng có đến 2 em ruột ông đâu phải là lãnh đạo sở, ngành mà chỉ mới ở cấp phòng. Ấy vậy mà “dân mạng" đã "bổ nhiệm" thay tỉnh (!), khiến cho càng lớn chuyện ra.

Áp lực mạng xã hội, hư - thực, xấu - tốt...

26/09/2016, 07:15

Trong số những người của gia đình họ Triệu đó, khi được giải thích tường tận thì có đến 2 người tuy họ Triệu, nhưng chỉ là người cùng quê. Rồi cũng có đến 2 em ruột ông đâu phải là lãnh đạo sở, ngành mà chỉ mới ở cấp phòng. Ấy vậy mà “dân mạng" đã "bổ nhiệm" thay tỉnh (!), khiến cho càng lớn chuyện ra.

Ông Triệu Tài Phong bức xúc trước thông tin trên mạng xã hội

Nhiều người mà tôi quen biết tỏ ra rất buồn lòng và cả bức xúc trước việc họ từng bị mạng xã hội lan truyền những thông tin xuyên tạc, dựng chuyện để bôi lem hoặc để hạ nhục, gây ảnh hưởng tới uy tín cá nhân, đến công tác, đến hạnh phúc gia đình và rất nhiều hệ lụy khác với họ. Không lẽ lại phản ứng quyết liệt? Nhiều khi đó cũng không hẳn là cách làm đúng, làm hay, nhất là vì thông tin đó chỉ là trên mạng, không chính thống. Nhưng không lẽ cứ im lặng để rồi cay đắng chịu đựng một mình? Theo tôi như vậy cũng là không nên. Chúng ta nên thận trọng và có "đối sách" chừng mực để dần dần giúp dư luận hiểu ra thực hư và chia sẻ nếu như đó là thông tin sai lệch, vu khống...

Nói cho khách quan, mạng xã hội không phải cái gì cũng sai, đáng phê phán, chỉ trích. Nhiều khi, nó như một kênh thông tin tốt để "soi" những gì đang diễn ra trong cuộc sống, giúp xã hội lành mạnh lên, hoàn thiện hơn và đẩy lùi cái xấu, cái tiêu cực ra khỏi đời sống xã hội.

Tỷ dụ như câu chuyện chiếc xe Lexus 570 của tư nhân nhưng lại gắn biển xe công của nguyên Phó Chủ tịch Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh bị đưa lên mạng và gây "bão mạng" hôm nào là một ví dụ. Chính vì người đi xe gắn biển sai luật đó đã khiến báo chí dựa vào thông tin này, thẩm tra lại rồi viết bài về nhân vật Trịnh Xuân Thanh trong quá khứ, khiến dư luận cả nước "nóng" lên suốt 3 tháng nay. Cũng từ đây mà biết bao chuyện bị bung bét ra. Nhờ có các cơ quan có trách nhiệm cùng vào cuộc theo chỉ đạo của Tổng bí thư, của Thủ tướng, đến nay hàng loạt quan chức bị khởi tố. Nếu không nhờ mạng xã hội khơi mào, làm sao có được kết quả tích cực như vậy!
Thời gian gần đây, những câu chuyện kiểu như chồng (Cục trưởng Cục Thuế Bà Rịa Vũng Tàu) đưa vợ vào diện quy hoạch để lên Cục phó quả là khó đỡ trước sự "ném đá" của dư luận; hay như chuyện Chủ tịch tỉnh đưa em trai làm giám đốc sở... là những câu chuyện phải suy nghĩ về cách sử dụng nhân sự của người lãnh đạo.

Nhưng câu chuyện về "gia đình Bí thư Tỉnh uỷ Hà Giang có đến 8 người thân tham gia lãnh đạo bộ máy Đảng, chính quyền tỉnh ở cấp sở, huyện" thì nó lại ở không hoàn toàn như mạng xã hội nêu... Quả thật, nếu ta chỉ đọc lúc đầu thì đã thấy bức xúc nếu không được giải thích kỹ hơn. Đây lại vào lúc mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa phát đi thông điệp rất rõ tại phiên họp thường kỳ tháng 7 của Chính phủ rằng: "Tôi đã báo cáo trước Quốc hội, phải đổi mới công tác cán bộ, tôi đề nghị các đồng chí phải lưu ý điều này, việc này cần phải chấn chỉnh ở tất cả các khâu, tuyển chọn, sử dụng, bổ nhiệm, chúng ta thi tuyển để tìm người tài, chứ không phải để tìm người nhà. Đừng để nhiệm kỳ này tai tiếng về cán bộ”...

Nhưng trong một mớ thông tin hỗn độn đó, nhiều khi đúng sai lẫn lộn do bị nói quá lên, cố tình tạo nên sức nóng trong dư luận có lẽ lại là vấn đề cần xem xét. Ví như chuyện của anh em nhà họ Triệu của ông Bí thư tỉnh ủy Hà Giang. Theo những gì người ta được biết, ông Triệu Tài Vinh đâu có đến 7 anh em và vợ ông giữ cương vị cấp sở và tương đương trở lên như trên mạng nêu. Trong số những người của gia đình họ Triệu đó, khi được giải thích tường tận thì có đến 2 người tuy họ Triệu, nhưng chỉ là người cùng quê. Rồi cũng có đến 2 em ruột ông đâu phải là lãnh đạo sở, ngành mà chỉ mới ở cấp phòng. Ấy vậy mà “dân mạng" đã "bổ nhiệm" thay tỉnh (!), khiến cho càng lớn chuyện ra.

Rồi cũng có người em, tuy bây giờ đang là Bí thư huyện ủy một huyện nghèo của tỉnh. Nhưng thử hỏi, với hơn chục năm, ông bí thư này cũng chỉ lên 2 cấp thì đâu có gì để nói nhờ "ô" của anh trai mình mà được thế? Khi người em (ông Triệu Tài Phong) làm Phó giám đốc Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh thì ông anh (Triệu Tài Vinh) cũng mới chỉ là bí thư một huyện khác. Như vậy, ông anh kia làm sao có quyền lực gì để đưa em mình lên chức ngang với cấp phó của sở, ngành?
Ấy vậy mà đọc trên mạng, thông tin đa số thấy nói thế mà thêm hoang mang và chính tôi cũng có phần bất bình. Từ "ấn tượng" hơi méo mó ban đầu đó, chúng ta sẽ rất khó đánh giá cho khách quan. Nếu gia đình ông bí thư tỉnh chỉ có 3 anh em và vợ ông giữ vị trí cấp sở trở lên, chắc áp lực này sẽ giảm nhiều lắm! Chính vì điều đó, người trong cuộc (ông Triệu Tài Phong) đã phát ức không chịu nổi. Ông ức vì ông đi tham gia chính quyền còn trước cả ông anh (Triệu Tài Vinh), lại cũng đi cơ sở rồi trưởng thành. Năng lực của ông Phong qua đó cũng không hề kém cạnh mà sao vẫn bị mang tiếng nhờ có anh trai?

Khi được biết thêm như vậy, tôi hiểu rằng, chuyện lẽ ra không đến mức bị áp lực dữ dội đến thế mà lại bị biến thành như vậy. Đó là do mạng xã hội đã thiếu khách quan khi chưa điều tra kỹ mà đã đồn thổi. Người cầm bút, nếu biết chưa chính xác mà đã viết báo dựa theo thông tin từ mạng là điều không nên làm. Cổ nhân dạy chúng ta: "Lời nói đọi máu" cũng là thế!

Chuyện vài hôm nay ở Thanh Hoá cũng khiến dư luận lan truyền nhanh đến chóng mặt. Trên các báo có dẫn lại thì trong 2 ngày 17-18.9, nhiều trang mạng xã hội, Facebook lan truyền một bài viết kèm theo nhiều hình ảnh nói về mối quan hệ tình cảm giữa Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hoá Trịnh Văn Chiến và một nữ trưởng phòng trẻ tuổi đang công tác tại Sở Xây dựng tỉnh này.

Theo đó, tuy nữ trưởng phòng này sinh năm 1986 và đang nuôi con nhỏ nhưng đã sở hữu rất nhiều biệt thự sang trọng ở Khu đô thị Bình Minh, Khu du lịch FLC Sầm Sơn (Thanh Hóa), quận Thanh Xuân (Hà Nội), một quần thể sân tennis ở Đồng Chiệc (TP Thanh Hóa), nhiều ô tô hạng sang... Tổng số tài sản mà nữ trưởng phòng này đang nắm giữ ước tính lên tới nhiều chục tỷ đồng.

Ông Bí thư tỉnh ủy đã phản bác lại, coi đây là thông tin hoàn toàn bịa đặt làm ảnh hưởng đến uy tín cá nhân ông, người đứng đầu tỉnh và một số người khác là lãnh đạo trong các cơ quan của tỉnh. Công an tỉnh Thanh Hóa cũng đã vào cuộc xác minh, làm rõ.

Để có thể đưa ra kết luận về vụ này, có lẽ cũng phải có thời gian điều tra và cấp uỷ địa phương từ đó ra thông báo cho đảng viên và quần chúng nhân dân tỏ tường, bảo vệ thanh danh cho người lãnh đạo nếu oan trái. Tuy nhiên, nếu có thể được, các cơ quan có trách nhiệm nên phối hợp với những đối tượng bị vu khống, bôi nhọ chủ động dùng các biện pháp kĩ thuật xác định huyết thống của những người này rồi công khai (mức giá xét nghiệm gien di truyền có rất nhiều cách,chung quy cũng chỉ khoảng 5-15 triệu đồng/mẫu/người đi xét nghiệm), Như vậy, sẽ chấm dứt được sự lan truyền rất không hay của mạng xã hội về chuyện ông lãnh đạo có bồ nhí và con riêng...

Chỉ cần làm như vậy, ít nhiều đã có thể giải toả được sự nghi ngờ của dư luận trong tỉnh và ngoài tỉnh về góc độ quan hệ huyết thống thực hư là sao, giúp cho người lãnh đạo được minh oan sớm hơn. Còn chuyện người nào đó giàu có nhờ cậy mối quan hệ với lãnh đạo, tôi cho rằng phải có thời gian điều tra lâu hơn.

Tôi có một người bạn, anh cũng chỉ là giám đốc một doanh nghiệp nhà nước "tầm tầm" bậc trung và đã từng vướng chuyện bị tố oan. Theo tinh thần chung về công tác tổ chức xây dựng Đảng, nhất thể hoá hiện đang là xu hướng chung và cần thiết, nếu không có gì thay đổi, anh sẽ được đề cử để làm luôn chức vụ bí thư đảng bộ cơ quan đó. Nhưng vào cái lúc sát ngày Đại hội Đảng cơ sở, anh bị tố cáo có con ngoài giá thú với tên tuổi địa chỉ rõ ràng. Oái oăm ở chỗ thời gian thì gấp, nếu cấp trên có lập tổ công tác về thẩm tra thì cũng làm sao cho kịp và dù có minh oan thì cũng phải sau Đại hội. Thật là tai hại!
Anh quyết định chủ động đề nghị Đảng uỷ cơ quan phối hợp luôn với Thanh tra nhân dân (Công đoàn) cùng vào cuộc để cho thật khách quan, dù cách làm đó nghe nói cũng không phải là chuẩn lắm. Tổ thanh tra này đã mời đơn vị chuyên làm xét nghiệm đến trụ sở cơ quan mang tóc của anh cùng cháu nhỏ đang bị "soi" đem đi xác định ADN. May là cách làm đó rất hiệu quả, rất kịp thời và anh được giải oan trước ngày đại hội Đảng. Mọi đồn đại thiếu thiện chí cũng từ đó biến mất. Nếu anh mà không làm vậy thì có lẽ "chờ được vạ, má đã sưng".

Với người lãnh đạo, khi bị dính vào những tin đồn thất thiệt trên mạng, thật sự là một điều bất lợi vì không phải lúc nào cũng đi thanh minh nổi. Ít nhiều, công tác chuyên môn cũng bị chi phối. Để có được kết luận của tổ chức, không dễ một sớm một chiều. Có những thứ, công tác điều tra vô cùng phức tạp, khó khăn. Trong khi đó, kẻ thủ ác thường mưu sâu kế bẩn để hại người khác. Đã đến lúc các cơ quan pháp luật cần phải mạnh tay khi xử lý các hành vi này hơn nữa nếu khả năng có thể kiểm soát được để bảo vệ uy tín, danh dự cho họ, với tư cách là một công dân. Bên cạnh đó, cũng nên có cách nhìn khách quan, tôn trọng những thông tin trung thực, có tinh thần xây dựng trên mạng. Nhiều khi, chính từ những thông tin ban đầu này, sau khi được tìm hiểu và tường tận thực hư, người viết báo sẽ coi nó như thứ nguyên liệu thô và sẽ được người viết dùng cho những bài báo, đem lại tác dụng tốt cho xã hội.

Quốc Phong

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
4 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Áp lực mạng xã hội, hư - thực, xấu - tốt...