Đơn vị Thượng Hải của Apple sẽ tập trung vào phát triển phần mềm, dịch vụ dữ liệu lớn, dịch vụ lưu trữ và xử lý dữ liệu.
Theo thông tin đăng ký doanh nghiệp, Apple đã thành lập một liên doanh xử lý dữ liệu mới tại thành phố Thượng Hải khi nỗ lực đưa dịch vụ trí tuệ nhân tạo (AI) vào iPhone tại Trung Quốc đại lục của gã khổng lồ công nghệ Mỹ vẫn còn trong tình trạng lấp lửng.
Được thành lập hôm 10.1 với số vốn đăng ký là 35 triệu USD, Apple Technology Development (Thượng Hải) sẽ tập trung vào phát triển phần mềm, dịch vụ dữ liệu lớn, dịch vụ lưu trữ và xử lý dữ liệu, theo nền tảng đăng ký doanh nghiệp Tianyancha (Trung Quốc).
Tejas Kirit Gala, người đứng đầu nhiều đơn vị của Apple tại quốc gia này, đóng vai trò là đại diện pháp lý của công ty mới, do Apple South Asia sở hữu hoàn toàn, theo Tianyancha.
Apple đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận vào thứ sáu.
Động thái mới nhất diễn ra khi Apple đang phải đối mặt với thách thức ngày càng tăng tại Trung Quốc, thị trường smartphone lớn nhất thế giới. Tại đây, Apple phải trải qua cuộc chiến ngày càng khốc liệt với các hãng smartphone trong nước, gồm cả Huawei.
Apple cũng đang chờ cơ quan quản lý phê duyệt để triển khai Intelligence (bộ tính năng AI mới) cho người dùng iPhone tại Trung Quốc đại lục.
Tháng trước, Apple đang trong giai đoạn đàm phán ban đầu với Tencent Holdings và ByteDance để giới thiệu Apple Intelligence tại Trung Quốc, nơi phát hành các sản phẩm AI tạo sinh đòi hỏi phải có đối tác địa phương, theo hãng tin Reuters.
Đầu tháng 12.2024, Apple được cho là đang hợp tác với gã khổng lồ tìm kiếm trên internet Baidu về quan hệ đối tác AI tại địa phương. Song theo hãng tin The Information, các tranh chấp về quyền truy cập vào dữ liệu người dùng và phản hồi không chính xác cho các truy vấn đã làm chậm tiến độ.
Năm ngoái, Giám đốc điều hành Apple - Tim Cook đã có ít nhất ba chuyến thăm Trung Quốc, nơi ông đã gặp các nhà cung cấp chính của công ty tại đây và các cơ quan quản lý ngành để thảo luận về các chủ đề, gồm cả bảo mật dữ liệu và dịch vụ đám mây.
Đầu tháng 1.2025, Apple đã bắt đầu giảm giá iPhone và các sản phẩm khác thông qua trang web tại Trung Quốc cùng các cửa hàng Apple truyền thống để giúp thúc đẩy doanh số bán hàng ở nước này.
Theo dữ liệu được công bố vào tuần trước bởi Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Trung Quốc do nhà nước điều hành, thị phần tại Trung Quốc đại lục của các thương hiệu smartphone nước ngoài, chủ yếu là Apple, đã giảm gần 1/2 vào tháng 11.2024 so với cùng kỳ năm trước.
Viện này cho biết các nhà sản xuất điện thoại nước ngoài bán ra 3,04 triệu chiếc smartphone tại Trung Quốc vào tháng 11.2024, giảm 47,3% so với mức 5,77 triệu chiếc cùng kỳ năm 2023, song không nêu tên bất kỳ thương hiệu cụ thể nào.
Hồi tháng 10.2024, Apple đã mở một phòng thí nghiệm nghiên cứu ứng dụng tại Thâm Quyến, trung tâm công nghệ ở phía nam Trung Quốc, khi gã khổng lồ Mỹ củng cố cam kết của mình với thị trường smartphone lớn nhất thế giới trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt với các công ty trong nước này.
Trung tâm nghiên cứu này của Apple bắt đầu hoạt động hôm 10.10.2024 tại Công viên Thâm Quyến ở Hetao. Hetao là khu hợp tác được phát triển theo chỉ thị của chính quyền Trung Quốc nhằm tăng cường quan hệ đối tác công nghệ giữa Thâm Quyến với Hồng Kông ở lân cận, theo Nhân dân Nhật báo.
Vào tháng 3.2024, Apple đã công bố kế hoạch xây dựng một phòng thí nghiệm mới ở Thâm Quyến, sẽ thúc đẩy khả năng thử nghiệm và nghiên cứu cho các sản phẩm chính của mình, bao gồm iPhone, iPad và kính thực tế hỗn hợp Vision Pro, đồng thời giúp tăng cường sự hợp tác giữa công ty với các nhà cung cấp địa phương.
Cơ sở mới này có diện tích 20.000 mét vuông trong giai đoạn đầu, trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển của Apple tại Khu vực Vịnh Lớn.
Khu vực Vịnh Lớn là trung tâm kinh tế và kinh doanh gồm Hồng Kông, Ma Cao và 9 thành phố ở tỉnh Quảng Đông (Quảng Châu, Thâm Quyến, Chu Hải, Phật Sơn, Huệ Châu, Đông Quan, Trung Sơn, Giang Môn và Triệu Khánh).
Cơ sở này của Apple sẽ tuyển dụng hơn 1.000 nhân tài trong và ngoài nước, trở thành phòng thí nghiệm rộng nhất của Apple bên ngoài Mỹ.
Công ty có trụ sở tại thành phố Cupertino, bang California, Mỹ đang thúc đẩy đầu tư nghiên cứu tại Trung Quốc bất chấp những nỗ lực gần đây nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất của mình ra bên ngoài quốc gia này. Khu vực Đại Trung hoa (Trung Quốc đại lục, Hồng Kông, Ma Cao và Đài Loan) là thị trường lớn nhất của Apple sau châu Mỹ và châu Âu.
Vào tháng 3.2024, Apple thông báo đã thành lập các trung tâm nghiên cứu tại thủ đô Bắc Kinh, thành phố Thượng Hải, Tô Châu và Thâm Quyến. Công ty Mỹ cho biết thêm rằng quy mô nhóm nghiên cứu và phát triển của họ tại Trung Quốc đã tăng gấp đôi trong 5 năm qua.
Apple đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường smartphone Trung Quốc, nơi Huawei (có trụ sở tại Thâm Quyến) chứng kiến sự hồi sinh hoạt động kinh doanh điện thoại di động.
Hôm 8.1.2025, Trung Quốc đã cung cấp khoản trợ cấp 15% cho việc mua smartphone, máy tính bảng và đồng hồ thông minh có giá dưới 6.000 nhân dân tệ (818 USD), phù hợp với chương trình đổi hàng tiêu dùng mở rộng của chính phủ. Đó là thông báo của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, cơ quan hoạch định kinh tế hàng đầu của Trung Quốc và Bộ Tài chính.
Trợ cấp sẽ được giới hạn ở mức 500 nhân dân tệ cho mỗi lần mua, trong khi người tiêu dùng chỉ được giảm giá một mặt hàng cho mỗi danh mục sản phẩm.
Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết các công ty trong và ngoài nước đều đủ điều kiện tham gia chương trình trợ cấp "một cách công khai và bình đẳng".
Tuy nhiên, chương trình này khiến 3/4 mẫu iPhone 16 không đủ điều kiện. Lý do vì những chiếc iPhone này có giá trên ngưỡng 6.000 nhân dân tệ.
Giá iPhone 16 Pro, iPhone 16 Pro Max lần lượt từ 7.999 nhân dân tệ và 9.999 nhân dân tệ. Mẫu iPhone 16 bộ nhớ trong 128 GB có giá 5.999 nhân dân tệ, thấp hơn mức trần của chương trình. Một số mẫu cũ hơn trong dòng iPhone 15 và iPhone 14 cũng đủ điều kiện vì giá khởi điểm từ 5.399 nhân dân tệ và 4.699 nhân dân tệ.
Tuy nhiên, chương trình mới nhất của chính phủ Trung Quốc khiến Apple và các hãng điện thoại cao cấp nước ngoài khác gặp bất lợi tại thị trường smartphone lớn nhất thế giới, khi phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ Vivo, Huawei, Xiaomi, Honor và Oppo. Cùng với Apple, đó là những hãng smartphone được xếp hạng hàng đầu quốc gia này trong quý 3/2024, theo hãng nghiên cứu thị trường Counterpoint Research.
"Chính sách trợ cấp có lợi hơn cho các nhà sản xuất Trung Quốc vì nhằm mục đích thúc đẩy mức tiêu thụ trên quy mô lớn hơn", nhà phân tích cấp cao Ivan Lam của Counterpoint Research nói.
Nhà phân tích cấp cao Ivan Lam bình luận: "Dù Apple vẫn đủ điều kiện tham gia chương trình, thương hiệu này chủ yếu nhắm đến nhóm khách hàng cao cấp, vốn ít quan tâm đến các khoản trợ cấp của chính phủ". Ông nói thêm rằng các khoản trợ cấp có thể thúc đẩy doanh số các mẫu iPhone cũ có giá dưới 6.000 nhân dân tệ, vì chúng cạnh tranh với các smartphone cao cấp thương hiệu Trung Quốc.
Ivan Lam chỉ ra rằng tác động từ chương trình trợ cấp của chính phủ Trung Quốc với doanh số smartphone trong nước sẽ bị hạn chế, vì nhiều nền tảng mua sắm trực tuyến và kênh phân phối đã cung cấp rất nhiều chương trình giảm giá.