4 ngày trước lễ Giáng sinh, trong khi Trung Quốc đang cố gắng vượt qua sự bùng nổ của các ca nhiễm SARS-CoV-2 trên khắp đất nước, Foxconn, nhà lắp ráp thiết bị điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới, đã lặng lẽ hoàn tất kế hoạch chuyển một số dây chuyền sản xuất iPad và MacBook của Apple sang Việt Nam.

Apple tìm đến Việt Nam, Ấn Độ khi chuỗi cung ứng thành tâm điểm cuộc chia cắt Mỹ-Trung

Sơn Vân | 14/01/2023, 20:38

4 ngày trước lễ Giáng sinh, trong khi Trung Quốc đang cố gắng vượt qua sự bùng nổ của các ca nhiễm SARS-CoV-2 trên khắp đất nước, Foxconn, nhà lắp ráp thiết bị điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới, đã lặng lẽ hoàn tất kế hoạch chuyển một số dây chuyền sản xuất iPad và MacBook của Apple sang Việt Nam.

Được lên kế hoạch từ cuối năm 2020, động thái trên của Foxconn (Đài Loan) dự kiến sẽ trở thành hiện thực trong năm 2023, với những sản phẩm đầu tiên dự kiến sẽ xuất xưởng từ nhà máy tại tỉnh Bắc Giang vào đầu tháng 5.

Cả Foxconn và Apple đều chưa chính thức xác nhận sự thay đổi này. Tuy nhiên, kế hoạch đó phù hợp với chiến lược của Apple nhằm đưa Việt Nam trở thành nhà lắp ráp lớn nhất cho các sản phẩm của họ bên ngoài Trung Quốc.

Foxconn có 60.000 nhân viên tại Việt Nam và công bố khoản đầu tư 270 triệu USD vào năm ngoái để thành lập một công ty con mới tại đây.

Sumit Vakil, người đồng sáng lập Resilinc (công ty tư vấn cung cấp lời khuyên về các giải pháp ánh xạ, giám sát và phục hồi chuỗi cung ứng), nói: “Sự không chắc chắn và phụ thuộc vào Trung Quốc đã thực sự thúc đẩy tầm quan trọng của việc biết nhà cung cấp của bạn là ai, dưới ánh đèn sân khấu và phòng họp. Không thể quay lại cách các chuỗi cung ứng vận hành trước đại dịch".

apple-tim-den-viet-nam-an-do-khi-chuoi-cung-ung-thanh-tam-diem-cuoc-chia-cat-my-trung.jpg
Một cửa hàng bán sản phẩm Apple gần Khu công nghiệp Vân Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang - Ảnh: Bloomberg

Các nhà sản xuất toàn cầu, vốn đã giúp củng cố danh tiếng của Trung Quốc là "công xưởng thế giới" cho mọi thứ, từ chiếc dù và quần áo cho đến các bộ phận máy bay, đã giảm bớt sự phụ thuộc vào nước này vài năm qua trong một loạt ngành công nghiệp.

Sự kết hợp của một số yếu tố làm tăng thêm tính cấp bách: Chi phí lao động gia tăng ở Trung Quốc, thuế quan của chính quyền Donald Trump với hầu hết mọi thứ sản xuất tại Trung Quốc và sự gián đoạn sản lượng do chính sách Zero COVID trước đây gây ra.

Những thay đổi tương tự đang diễn ra ở các nơi khác trong chuỗi cung ứng của Apple là Ấn Độ.

Apple đã ký hợp đồng với Wistron (Đài Loan) để lắp ráp iPhone SE từ năm 2017 tại Ấn Độ. Tháng 9.2022, Apple, công ty có giá trị nhất thế giới, đã đẩy mạnh Kế hoạch B và thông báo rằng sẽ sản xuất iPhone 14 ở Ấn Độ. Nói cách khác, Apple đã hỗ trợ Ấn Độ một bước quan trọng để chuyển từ sản xuất các mẫu iPhone lỗi thời sang phiên bản mới nhất.

"Lịch trình sản xuất hàng loạt iPhone 14 ở Ấn Độ vẫn chậm hơn Trung Quốc khoảng 6 tuần, nhưng khoảng cách đã được cải thiện đáng kể. Vì vậy, thật hợp lý khi kỳ vọng rằng Ấn Độ và Trung Quốc sẽ có thể sản xuất iPhone 15 cùng thời điểm vào năm tới", theo nhà phân tích Kuo Ming-chi của hãng TF International Securities.

Kuo Ming-chi có lẽ là người nổi tiếng nhất theo dõi chuỗi cung ứng của Apple.

Hiện tại, Trung Quốc vẫn ở trên Ấn Độ và Việt Nam vài bậc trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Apple, theo phân tích từ trang Bloomberg.

Có tới 121 nhà cung cấp của Apple năm 2022 đặt trụ sở tại Trung Quốc (tương đương 17,7%), vận hành 2.360 cơ sở tại quốc gia này (tương đương 19,3% tổng số). Điều đó khiến Trung Quốc trở thành nguồn cung ứng toàn cầu lớn nhất của Apple sau Mỹ.

Ấn Độ xếp ở vị trí thứ 8, có hai công ty (0,3%) là nhà cung cấp của Apple đặt trụ sở tại đây, vận hành 278 trong số 12.248 cơ sở toàn cầu (2,3%). Trong khi Việt Nam đứng thứ 14 với hai công ty (0,3%) là nhà cung cấp của Apple đặt trụ sở tại nước ta, vận hành 160 cơ sở (1,3%).

Chuỗi cung ứng thay đổi đang có tác động sâu sắc đến giá cổ phiếu các nhà cung cấp của Apple.

Luxshare Precision Industry, công ty sản xuất bộ sạc, đầu nối và dây cáp được sử dụng trong các thiết bị của Apple, đã gặp vấn đề trên thị trường chứng khoán Thâm Quyến trong hai ngày giao dịch đầu năm mới.

Cổ phiếu Luxshare Precision Industry đã giảm 9% vào ngày 4.1 sau khi trang Nikkei đưa tin Apple đã cắt giảm các đơn đặt hàng sản xuất tai nghe nhét tai AirPods (169 USD/chiếc) mà Luxshare Precision Industry là nhà cung cấp hàng đầu. Cổ phiếu Luxshare Precision Industry tăng vọt vào ngày hôm sau khi Financial Times báo cáo rằng nhà sản xuất có trụ sở tại thành phố Đông Hoản (Trung Quốc) được Apple chọn để sản xuất iPhone 14 Pro.

Được thành lập gần hai thập kỷ trước ở tỉnh Quảng Đông (trung tâm cơ sở sản xuất của Trung Quốc), Luxshare Precision Industry tiêu biểu cho các nhà sản xuất hợp đồng điện tử đã được nâng đỡ nhờ sự phổ biến ngày càng tăng của iPhone, iPad và hàng loạt phụ kiện Apple.

Bà Wang Laichun, người sáng lập Luxshare Precision Industry, làm công nhân tại Foxconn trong một thập kỷ, trước khi cùng anh trai (cũng làm ở Foxconn) vào năm 2004 thành lập một nhà máy sản xuất dây cáp điện và bộ sạc cho các sản phẩm của Apple. Từ năm 2017 đến 2020, doanh thu do Apple đóng góp đã tăng từ 37% lên 69% tổng doanh thu của Luxshare Precision Industry, trước khi tăng thêm lên 74% vào năm 2021, khi công ty bắt đầu nghiên cứu sâu hơn về chuỗi cung ứng của Apple.

Goertek, công ty đã sản xuất các bộ phận âm thanh cho tai nghe nhét tai AirPod của Apple và các thiết bị khác ở tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc trong 2 năm, là một ví dụ khác.

Goertek, công ty niêm yết tại thành phố Thâm Quyến đã cắt giảm 60% ước tính thu nhập năm 2022, với lý do một "khách hàng lớn ở nước ngoài" yêu cầu ngừng sản xuất thiết bị âm thanh thông minh. Dù Goertek không nêu tên khách hàng, các nhà phân tích tuyên bố thiết bị này là AirPods Pro của Apple.

Ofilm, công ty sản xuất linh kiện quang học và máy ảnh iPhone ở Nam Xương (thủ phủ tỉnh Giang Tây, Trung Quốc), đã bị đưa ra khỏi chuỗi cung ứng của Apple sau khi lọt vào danh sách trừng phạt theo Đạo luật ngăn chặn cưỡng bức lao động người Duy Ngô Nhĩ, trở thành luật của Mỹ vào tháng 12.2021. Doanh số bán hàng và lợi nhuận của Ofilm giảm kể từ đó, với giá cổ phiếu mất 3/4 giá trị.

Việc Apple điều chỉnh các nhà cung cấp của mình, tuân thủ luật pháp Mỹ và đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng lẫn công nghệ, mang lại danh sách liên tục “kẻ thắng người thua”. Trong năm tài chính kết thúc vào tháng 9.2021, Apple đã bổ sung thêm 6 nhà cung cấp Trung Quốc và chia tay với 7 công ty khác.

Chính sách Zero COVID khắc nghiệt đã đảo ngược mọi thứ, khi các đợt phong tỏa liên tục ở Thượng Hải, Trịnh Châu và hàng chục thành phố ở Trung Quốc, nơi Apple và các nhà cung cấp của họ hoạt động, đã tàn phá chuỗi cung ứng.

Lệnh phong tỏa toàn thành phố Thượng Hải trong hai tháng 4 và 5.2022 đã làm gián đoạn quá trình sản xuất và vận chuyển giữa các nhà cung cấp của Apple ở Đồng bằng sông Dương Tử, một trong những động cơ chính của ngành sản xuất Trung Quốc.

Một đợt bùng phát dịch vào tháng 11.2022 tại thành phố Trịnh Châu (thủ phủ tỉnh Hà Nam), nơi Foxconn có khoảng 200.000 công nhân làm việc tại một trong những nhà máy lắp ráp độc lập lớn nhất của Apple, đã làm gián đoạn quá trình sản xuất một loạt sản phẩm Apple, đặc biệt là iPhone. Điều này buộc công ty phải đưa ra một cảnh báo hiếm hoi rằng các lô hàng iPhone 14 Pro sẽ bị chậm trễ, ngay trước kỳ nghỉ lễ quan trọng cuối năm.

Những vấn đề mới nhất ở Trung Quốc đã thúc đẩy sự đa dạng hóa chuỗi cung ứng, với Việt Nam và Ấn Độ được hưởng lợi.

apple-tim-den-viet-nam-an-do-khi-chuoi-cung-ung-thanh-tam-diem-cuoc-chia-cat-my-trung1.jpg
Công nhân trên dây chuyền lắp ráp sản phẩm của Foxconn ở Thâm Quyến - Ảnh: AFP

Ấn Độ có thể sản xuất 1/2 số iPhone trên thế giới vào năm 2027, so với tình trạng hiện tại là dưới 5%, theo dự báo vào tuần trước từ Luke Lin, nhà phân tích tại đơn vị nghiên cứu của DigiTimes (nhật báo công nghệ Đài Loan).

Dự báo này tích cực hơn dự đoán trước đó của JPMorgan rằng Ấn Độ sẽ lắp ráp 25% tổng số iPhone trên toàn thế giới vào năm 2025, nhưng phù hợp với sự gia tăng nhanh chóng về tỷ lệ giao hàng iPhone của Ấn Độ.

Các lô hàng iPhone của Ấn Độ đã tăng gấp đôi từ tháng 4 đến tháng 12.2022 so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ lệ sản xuất MacBook và AirPods của Apple tại Việt Nam cũng được dự đoán sẽ tăng do các nhà thầu, gồm cả từ Trung Quốc, đổ xô đến đây để xây nhà máy.

Trong khi đó, Trung Quốc vẫn là thị trường bán hàng trọng điểm của Apple với doanh số tăng trưởng mạnh mẽ. Theo dữ liệu của công ty nghiên cứu thị trường Canalys, Apple đã báo cáo mức tăng trưởng 36% trong quý 3/2022 tại Trung Quốc, trong khi tất cả đối thủ cạnh tranh lớn tại địa phương, từ Oppo đến Xiaomi, đều có doanh số bán hàng giảm so với cùng kỳ.

Các nhà cung cấp Trung Quốc cũng chứng tỏ khả năng cạnh tranh của họ trong một số lĩnh vực nhất định. Apple được cho là đang cân nhắc sử dụng chip nhớ từ YMTC (nhà sản xuất chip nhớ số 1 Trung Quốc) cho smartphone ở Trung Quốc, nhưng kế hoạch này đã bị hủy bỏ trong bối cảnh Mỹ giám sát kỹ lưỡng ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc.

Nhà sản xuất màn hình BOE (Trung Quốc) đã đánh bại gã khổng lồ Samsung Electronics (Hàn Quốc) để giành được hầu hết đơn đặt hàng làm màn hình iPhone 15 và iPhone 15 Plus cho nửa cuối năm 2023, trong dấu hiệu mới về sự phụ thuộc lẫn nhau giữa Apple và Trung Quốc, Kuo Ming-chi cho biết. BOE có kế hoạch đầu tư 400 triệu USD để xây dựng hai nhà máy tại Việt Nam, theo báo cáo của Reuters.

Việc sắp xếp lại chuỗi cung ứng của Apple là sự kết hợp của nhiều thay đổi. Apple đã chuyển đơn đặt hàng giữa các nhà cung cấp khác nhau ở Trung Quốc. Luxshare Precision Industry đã được Apple chọn để lắp ráp một số mẫu iPhone Pro nhất định, khi các đơn đặt hàng lẽ ra phải dành cho Foxconn.

Apple cũng đã chuyển các đơn đặt hàng một nhà cung cấp ở các quốc gia khác nhau, chẳng hạn nhà máy Foxconn ở Việt Nam và Trung Quốc. Công ty cũng chuyển các đơn đặt hàng các nhà cung cấp ở những quốc gia khác nhau, đặc biệt là sau khi tập đoàn Tata Group (Ấn Độ) mua một nhà máy địa phương từ Wistron (Đài Loan).

Thế nhưng, quá trình này có khả năng trở thành lực cản cho sự linh hoạt chuỗi cung ứng của Apple.

"Một câu hỏi quan trọng sẽ là các nhà cung cấp Ấn Độ có thể tăng tốc để đáp ứng các tiêu chuẩn này trong bao lâu. Apple đã hợp tác hoặc phát triển các nhà cung cấp Trung Quốc của họ trong nhiều năm và điều này sẽ không đạt được trong một sớm một chiều. Việc loại bỏ chất xúc tác 'trình điều khiển cho sự hoàn hảo' này ra khỏi thị trường có thể dẫn đến việc trượt các tiêu chuẩn trong chuỗi cung ứng", Alan Day, người sáng lập công ty tư vấn chuỗi cung ứng State of Flux (có trụ sở tại Vương quốc Anh), nhận định.

Bài liên quan
Apple bắt đầu tự sản xuất màn hình vào 2024, cú sốc cho Samsung và LG
Apple đang có kế hoạch bắt đầu sử dụng màn hình tùy chỉnh của riêng mình trong các thiết bị di động sớm nhất vào năm 2024, một nỗ lực nhằm giảm sự phụ thuộc vào các đối tác công nghệ như Samsung và LG, đồng thời mang nhiều linh kiện hơn vào nội bộ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Apple tìm đến Việt Nam, Ấn Độ khi chuỗi cung ứng thành tâm điểm cuộc chia cắt Mỹ-Trung