Apple đang có kế hoạch bắt đầu sử dụng màn hình tùy chỉnh của riêng mình trong các thiết bị di động sớm nhất vào năm 2024, một nỗ lực nhằm giảm sự phụ thuộc vào các đối tác công nghệ như Samsung và LG, đồng thời mang nhiều linh kiện hơn vào nội bộ.

Apple bắt đầu tự sản xuất màn hình vào 2024, cú sốc cho Samsung và LG

Sơn Vân | 11/01/2023, 09:01

Apple đang có kế hoạch bắt đầu sử dụng màn hình tùy chỉnh của riêng mình trong các thiết bị di động sớm nhất vào năm 2024, một nỗ lực nhằm giảm sự phụ thuộc vào các đối tác công nghệ như Samsung và LG, đồng thời mang nhiều linh kiện hơn vào nội bộ.

Apple đặt mục tiêu bắt đầu bằng cách hoán đổi màn hình trong Apple Watch cao cấp nhất vào cuối năm 2024, theo những người có kiến ​​thức về vấn đề này. Cụ thể hơn, màn hình OLED (đi-ốt phát sáng hữu cơ) tiêu chuẩn sẽ được nâng cấp thành microLED. Apple cũng có kế hoạch sẽ đưa màn hình microLED lên các thiết bị khác, gồm cả iPhone.

Những thay đổi này là một phần trong nỗ lực sâu rộng nhằm thay thế các nguồn cung cấp của Apple bằng các linh kiện nội bộ. Đây là điều sẽ giúp công ty kiểm soát nhiều hơn với thiết kế và khả năng của các sản phẩm của mình. Apple đã loại bỏ chip Intel trong máy tính Mac của mình để chuyển sang thiết kế nội bộ và có kế hoạch làm điều tương tự với các thành phần không dây quan trọng trong iPhone.

Một đại diện của Apple có trụ sở tại thành phố Cupertino, bang California, Mỹ từ chối bình luận.

Việc chuyển đổi màn hình của Apple đã được tiến hành trong nhiều năm. Tờ Bloomberg lần đầu tiên báo cáo vào năm 2018 về kế hoạch thiết kế màn hình của riêng công ty, bắt đầu với Apple Watch. Động thái này sẽ giáng một đòn mạnh vào Samsung Display và LG Display, hai nhà cung cấp chính màn hình cho Apple Watch.

Dự án của Apple đang được dẫn dắt bởi Wei Chen, người điều hành nhóm công nghệ hiển thị Apple trong bộ phận Công nghệ phần cứng của Johny Srouji. Công ty đã bắt đầu thử nghiệm màn hình microLED trên bản cập nhật cho Apple Watch Ultra - đồng hồ thể thao cao cấp mới của hãng.

So với Apple Watch hiện tại, màn hình thế hệ tiếp theo được thiết kế để mang lại màu sắc sáng hơn, rực rỡ hơn và khả năng nhìn rõ hơn ở một góc. Màn hình sẽ hiển thị nội dung giống như được vẽ trên mặt kính, theo những người đã nhìn thấy chúng, yêu cầu giấu tên vì dự án vẫn còn trong vòng bí mật.

microLED sẽ là màn hình đầu tiên của Apple được thiết kế và phát triển hoàn toàn trong nội bộ. Ngoài Samsung Display và LG Display, nhiều nhà sản xuất khác, gồm cả Japan Display, Sharp và BOE Technology Group, đang cung cấp màn hình cho Apple.

Đang cạnh tranh với Apple trên thị trường smartphone ngoài vai trò là nhà cung cấp, Samsung từ chối bình luận về thông tin trên. LG cũng không bình luận.

apple-bat-dau-tu-san-xuat-man-hinh-vao-2024.jpg
Cơ sở sản xuất và phát triển màn hình của Apple tại thành phố Santa Clara (Mỹ) - Ảnh: Bloomberg

Công việc, có tên mã T159, được triển khai vào khoảng năm 2018 và Apple từng đặt mục tiêu bắt đầu chuyển sang màn hình microLED sớm nhất là vào năm 2020, Bloomberg đưa tin vào thời điểm đó. Song dự án bị trì hoãn do chi phí cao và những thách thức kỹ thuật, những người tham gia vào công việc cho biết. Ban đầu Apple nhắm đến việc đưa công nghệ này vào màn hình lớn, nhưng những lo ngại khiến hãng tập trung vào đồng hồ của mình (có màn hình khoảng 2 inch) là thiết bị di động đầu tiên có khả năng này.

Một số người tham gia vào dự án cho biết mục tiêu năm 2024 của Apple có thể bị trì hoãn đến 2025. Công ty cũng có thể chỉ cung cấp một lượng hạn chế các thiết bị mới để bắt đầu quá trình chuyển đổi.

Dù đã thiết kế màn hình mới và nghĩ ra quy trình sản xuất của riêng mình, Apple có khả năng sẽ phải dựa vào một nhà cung cấp bên ngoài để xử lý việc sản xuất hàng loạt.

Apple vận hành một cơ sở rộng 62.000 foot vuông (1 foot vuông = 0,09290304 mét vuông) ở thành phố Santa Clara (bang California, Mỹ), cách trụ sở Apple Park khoảng 15 phút, nơi công ty tiến hành sản xuất thử nghiệm màn hình. Apple cũng có một cơ sở nghiên cứu và phát triển tương tự ở Đài Loan.

Đến nay, Apple đã chi vài tỉ USD cho nỗ lực này. Đây được coi là một trong những dự án quan trọng nhất của Apple trong nội bộ, bên cạnh nỗ lực phát triển ô tô điện, tai nghe thực tế hỗn hợp và các tính năng sức khỏe quan trọng cho đồng hồ của hãng. Apple đã chi khoảng 26 tỉ USD cho nghiên cứu và phát triển trong năm tài chính 2022.

Trong thời gian tới, màn hình mới là thay đổi quan trọng nhất với Apple Watch. Công ty có kế hoạch giới thiệu các mẫu mới vào cuối năm 2023, nhưng chúng sẽ là những bản cập nhật khiêm tốn tập trung vào chip nhanh hơn và nâng cấp cảm biến sức khỏe nhỏ. Apple đã không cập nhật bộ xử lý chính bên trong đồng hồ của mình trong 3 năm.

Công ty cũng đã tùy chỉnh màn hình cho tai nghe thực tế hỗn hợp sắp ra mắt của mình, sử dụng công nghệ tương tự như màn hình microLED trên Apple Watch. Dù sẽ mất nhiều năm trước khi Apple chuyển iPhone sang microLED, hãng có kế hoạch đưa công nghệ OLED lên iPad với mẫu Pro vào năm 2024, Bloomberg đưa tin.

Việc chuyển sang microLED đã có từ lâu trong kế hoạch của Apple. Nỗ lực này bắt đầu vào năm 2014 khi Apple mua lại startup LuxVue, công ty đi tiên phong trong công nghệ microLED. Quá trình phát triển màn hình riêng của Apple được dẫn dắt bởi giám đốc kỳ cựu Lynn Youngs trong bộ phận kỹ thuật phần cứng của Apple, nhưng công việc này đã được chuyển giao hai năm trước cho Johny Srouji, người giám sát nhóm chip tùy chỉnh của công ty.

Apple có kế hoạch thay chip Wi-Fi của Broadcom bằng linh kiện tự làm

Việc Apple thúc đẩy thay thế chip bên trong thiết bị của mình bằng các linh kiện tự sản xuất sẽ gồm cả việc loại bỏ một bộ phận quan trọng của Broadcom vào năm 2025. Việc này sẽ giáng đòn mạnh vào một trong những nhà cung cấp lớn nhất của Apple.

Là một phần của sự thay đổi, Apple cũng đặt mục tiêu hoàn thành chip modem di động đầu tiên của mình vào cuối năm 2024 hoặc đầu 2025, cho phép hãng thay thế các thiết bị điện tử từ Qualcomm, những người yêu cầu giấu tên cho biết vì các kế hoạch là riêng tư.

Trước đây, Apple được cho sẽ thay thế bộ phận Qualcomm ngay trong 2023, nhưng những trở ngại trong quá trình phát triển đã đẩy lùi thời gian.

Apple là khách hàng lớn nhất Broadcom và chiếm khoảng 20% doanh thu của nhà sản xuất chip này trong năm tài chính vừa qua, lên tới gần 7 tỉ USD. Qualcomm nhận được 22% doanh thu hàng năm từ Apple, tương đương gần 10 tỉ USD, dù công ty này đã cảnh báo trong nhiều năm rằng sự phụ thuộc vào Apple của họ sẽ suy yếu.

Các động thái này sẽ tiếp tục thúc đẩy ngành công nghiệp chip vốn kiếm được hàng tỉ USD từ việc cung cấp linh kiện cho Apple. Hiện tại, Apple - hãng công nghệ có giá trị nhất thế giới - đã loại bỏ hầu hết bộ xử lý Intel khỏi máy tính Mac của mình, thay vào đó chọn sử dụng chip nội bộ được gọi là Apple Silicon. Bây giờ, những thay đổi của Apple đang ảnh hưởng đến các nhà sản xuất thiết bị điện tử không dây lớn nhất.

iPhone là công cụ kiếm tiền hàng đầu của Apple, tạo ra hơn một nửa trong tổng doanh thu 394,3 tỷ USD của hãng vào năm 2022. iPhone cũng đã giúp thúc đẩy tăng trưởng tại Broadcom, công ty gọi Apple là “khách hàng lớn ở Bắc Mỹ” trong các cuộc gọi báo cáo thu nhập. Nhà sản xuất chip tạo ra một thành phần kết hợp xử lý cả chức năng Wi-Fi và Bluetooth trên các thiết bị của Apple.

Apple đang phát triển một giải pháp thay thế nội bộ cho chip đó và đặt mục tiêu bắt đầu sử dụng nó trong các thiết bị của mình vào năm 2025, nguồn tin cho biết. Ngoài ra, Apple đã làm việc trên một phiên bản tiếp theo sẽ kết hợp modem di động, khả năng Wi-Fi và Bluetooth thành một bộ phận duy nhất.

Broadcom vẫn cung cấp cho Apple các linh kiện khác, bao gồm chip tần số vô tuyến và chip xử lý sạc không dây, dù nhà sản xuất iPhone cũng đang nghiên cứu tùy chỉnh các bộ phận đó.

Trong một cuộc gọi hội nghị vào tháng trước, Hock Tan, Giám đốc điều hành của Broadcom, bày tỏ sự tin tưởng rằng công ty của ông sẽ duy trì chỗ đứng tại Apple.

Hock Tan nói: “Chúng tôi tin rằng mình có công nghệ tốt nhất và mang lại giá trị cho khách hàng. Không có lý do gì để tìm thứ khác mà bạn không phải là người giỏi nhất”.

apple-bat-dau-tu-san-xuat-man-hinh-vao-20241.jpg
Hock Tan phát biểu khi ông Donald Trump lắng nghe trong một sự kiện tại Nhà Trắng vào tháng 11.2017, thông báo rằng công ty sẽ chuyển trụ sở toàn cầu đến Mỹ - Ảnh: AP

Vào tháng 11.2022, Qualcomm cho biết dự kiến sẽ cung cấp phần lớn modem cho iPhone ra mắt vào năm 2023, tăng so với giả định trước đó là chỉ 20%.

Không có thay đổi nào với giả định lập kế hoạch của chúng tôi và chúng tôi giả định đóng góp tối thiểu từ doanh thu sản phẩm của Apple trong năm tài chính 2025”, Qualcomm cho biết.

Với việc chuyển hướng khỏi modem Qualcomm, Apple dự định ban đầu chỉ sử dụng linh kiện sản xuất nội bộ của mình trong một sản phẩm mới, chẳng hạn mẫu iPhone cao cấp. Sau đó, Apple sẽ dần dần rời khỏi modem Qualcomm trong khoảng thời gian mà công ty dự đoán sẽ mất khoảng 3 năm, tương tự như cách Apple xử lý các quá trình chuyển đổi trong quá khứ.

Thế nhưng, việc chuyển đổi cho đến nay không hề dễ dàng. Sau khi đặt mục tiêu ra mắt modem di động của riêng mình vào năm nay, Apple đã phải đối mặt với các vấn đề về nhiệt độ, thời lượng pin và việc xác thực thành phần này. iPhone hiện hoạt động với hơn 100 nhà cung cấp dịch vụ không dây tại hơn 175 quốc gia, điều này đòi hỏi một quy trình thử nghiệm dài và rườm rà.

Modem di động là thứ cho phép iPhone xử lý các cuộc gọi điện thoại và kết nối với internet khi không có Wi-Fi, khiến nó trở thành phần quan trọng nhất của thiết bị với hầu hết mọi người. Nếu sản phẩm của Apple kém hơn linh kiện của Qualcomm, điều đó có thể khiến iPhone gặp bất lợi đáng kể.

Quá trình chuyển đổi dài cũng có thể đặt Apple vào một tình thế khó khăn. Công ty sẽ vẫn phải phụ thuộc vào Qualcomm trong vài năm tới khi hãng này thay thế thành phần này trong nhiều thiết bị khác nhau.

Apple lần đầu tiên bắt đầu phát triển modem của mình vào khoảng năm 2018, mở văn phòng tại thành phố San Diego (bang California) gần trụ sở chính của Qualcomm. Để tăng tốc độ phát triển, Apple đã mua lại bộ phận modem của Intel vào năm 2019 với giá 1 tỉ USD và mở thêm văn phòng tại các khu vực trọng điểm nổi tiếng về phát triển công nghệ không dây.

Nỗ lực chip Wi-Fi và Bluetooth mới hơn cùng việc phát hành sẽ mất nhiều thời gian hơn. Song trước đây, Apple đã sản xuất một số chip không dây, gồm cả bộ xử lý H2 có trong AirPods và chip W3 có trong Apple Watch.

Apple và Qualcomm đã vướng vào một cuộc chiến pháp lý về tiền bản quyền và bằng sáng chế liên quan đến modem cho đến khi đạt được thỏa thuận vào năm 2019. Thời điểm đó, Apple cho rằng thỏa thuận ngừng kiện tụng là cần thiết để hỗ trợ 5G cho iPhone vào năm 2020. Hai công ty đã đồng ý rằng Qualcomm sẽ cung cấp linh kiện cho Apple đến năm 2024.

Apple cũng có mối quan hệ căng thẳng với Broadcom. Giám đốc điều hành Hock Tan nổi tiếng với những cuộc đàm phán khó khăn và buộc một số khách hàng phải cam kết thực hiện các đơn đặt hàng không thể hủy bỏ trong thời kỳ khủng hoảng nguồn cung do đại dịch gây ra.

Vào 2020, Apple cho biết đã chi tổng cộng 15 tỉ USD để mua chip Broadcom trong một thỏa thuận kéo dài đến giữa năm 2023. Dù Apple là khách hàng hàng đầu của Broadcom, nhưng cam kết của Hock Tan với thị trường đôi khi bị dao động. Trước thỏa thuận năm 2020, Hock Tan chỉ ra rằng Broadcom có thể thoái vốn mảng kinh doanh cung cấp chip cho Apple.

Với các nhà đầu tư của Broadcom, các bước tiếp theo của Apple là một điều đáng lo ngại khác, nhà phân tích Aaron Rakers của Wells Fargo & Co cho biết.

Aaron Rakers nói: “Dù ai cũng biết rằng Apple tiếp tục hướng tới việc thiết kế nội bộ ngày càng nhiều các thành phần của mình, nhưng từ góc độ của Broadcom, điều này có thể tạo ra một cơn gió ngược tâm lý với nhà đầu tư do đóng góp doanh thu của Apple là đáng kể như thế nào”.

Bài liên quan
Các nhà cung cấp ở Trung Quốc ảnh hưởng nặng nề do thông tin Apple giảm đơn đặt hàng
Các nhà cung cấp của Apple tại Trung Quốc bị ảnh hưởng vì cuộc thảo luận mới về việc cắt giảm đơn hàng và tiếp tục tách rời giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Apple bắt đầu tự sản xuất màn hình vào 2024, cú sốc cho Samsung và LG