Từ ngày 12.11, Hội nghị cấp cao ASEAN sẽ diễn ra tại Singapore, với sự tham dự của lãnh đạo 10 nước trong khối, cùng sự tham dự của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.

ASEAN sẽ mạnh mẽ hơn khi có Thủ tướng Malaysia Mahathir?

11/11/2018, 15:27

Từ ngày 12.11, Hội nghị cấp cao ASEAN sẽ diễn ra tại Singapore, với sự tham dự của lãnh đạo 10 nước trong khối, cùng sự tham dự của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.

Thủ tướng Mahathir (phải) và Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha - Ảnh: Reuters

Theo SCMP, đây sẽ là lần tham dự hội nghị ASEAN đầu tiên của Thủ tướng Mahathir, từ sau khi ông thắng cử trước đối thủ đàn em cũ Najib Razak ở cuộc bầu cử Quốc hội Malaysia hồi tháng 5, và nắm lại chiếc ghế nóng mà ông Mahathir từng giữ từ năm 1981 đến 2003.

Tiến sĩ Mahathir, 93 tuổi, từng được mô tả là “biểu tượng tinh túy của chính trị thế giới”, và các nhà quan sát ngoại giao đang hy vọng vị trưởng lão sẽ giúp đem lại sức sống cho khối ASEAN vốn lâu nay bị nhận xét là “uể oải” vì các lãnh đạo quốc gia chỉ chú trọng xử lý các vấn đề trong nước hơn là giải quyết các vấn đề của khối.

Thủ tướng Mahathir cũng khẳng định một trong những mục tiêu đối ngoại của ông là khôi phục quan điểm trung lập của Malaysia, vốn từng do ông khởi xướng.

Theo SCMP, có hy vọng Tiến sĩ Mahathir đem thông điệp này đến hội nghị ASEAN. Khi thăm Nhật Bản tuần này, ông đã nói bóng gió khối ASEAN quá lo chuyện riêng mỗi nước, cần tái chú trọng vào sự hợp tác khu vực.

Chuyến thăm Nhật Bản để kêu gọi đầu tư vào Malaysia của Thủ tướng Mahathir cũng gây đồn đoán, rằng ông sẽ thúc đẩy để cường quốc châu Á này giữ vai trò lớn hơn trong khối ASEAN.

Cựu Đại sứ Malaysia ở Bắc Kinh, ông Abdul Majid Khan nói: “Theo tôi, nhiều nước thuộc khối này đang trông chờ vai trò lãnh đạo của Tiến sĩ Mahathir trong việc thúc đẩy ASEAN tích cực hơn”.

Lãnh đạo ASEAN dự Hội nghị 2018 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới - Ảnh: EPA

Lãnh đạo ASEAN hiện tại khác biệt quan điểm với thời của Thủ tướng Mahathir

Các nhà phân tích cũng đồng ý rằng Tiến sĩ Mahathir sẽ là một tiếng nói được lắng nghe, từ kinh nghiệm lãnh đạo cùng sự lớn tuổi của ông. Ông Ngeow Chow Bing thuộc Viện Nghiên cứu Trung Quốc ở Đại học Malaysia, nói: “Tiến sĩ Mahathir đã duy trì quan hệ cân bằng với tất cả các thế lực lớn, và trải qua nhiều thăng trầm trong khu vực. Nên có thể sẽ có một cấp độ kính trọng mà các lãnh đạo ASEAN khác dành cho ông”.

Tuy nhiên, sự cách biệt tuổi tác với các lãnh đạo trong khối lại có thể cản trở chủ trương “khu vực hội nhập” của Tiến sĩ Mahathir, người từng vận động mạnh để mở rộng ASEAN (do 5 nước thành viên ban đầu là Indonesia, Philippines, Malaysia, Singapore lập năm 1967) mà sau đó Việt Nam và Brunei gia nhập.

Lào và Myanmar được kết nạp vào khối ASEAN năm 1997, khi Malaysia dưới quyền Tiến sĩ Mahathir giữ chức chủ tịch luân phiên của khối. Ông Mahathir cũng thúc đẩy đưa Campuchia vào cùng năm đó, nhưng vì khủng hoảng chính trị trong nước, mãi đến năm 1999 thì Campuchia mới tham gia.

Đầu thập niên 2000, theo đề nghị của Tiến sĩ Mahathir, ASEAN lập Sáng kiến Liên kết ASEAN, làm tiền đề cho việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015.

Ông Ngeow Chow Bing và các nhà phân tích khác nhận định: các lãnh đạo ASEAN không chú trọng mục đích hội nhập kinh tế khu vực. Tuổi trung bình của 10 nhà lãnh đạo ASEAN là 72, và nhà lãnh đạo cao tuổi thứ nhì (sau ông Mahathir) là ông Bounnhang Vorachith của Lào, nay 80 tuổi.

Ông Ngeow Chow Bing nói: “Thế hệ các lãnh đạo ASEAN hiện nay rất khác, có quan điểm về thế giới khác hẳn cái nhìn của Tiến sĩ Mahathir. Họ gắn bó với ASEAN vốn vẫn vững mạnh về lý thuyết, nhưng không mạnh về nhiệt huyết như thế hệ lãnh đạo của Tiến sĩ Mahathir gồm Thủ tướng Lý Quang Diệu của Singapore và Tổng thống Suharto của Indonesia”.

Shahriman Lockman, nhà phân tích cấp cao ở Viện Nghiên cứu quốc tế chiến lược (ở Malaysia) nói bóng gió rằng ngay cả Tiến sĩ Mahathir cũng không thể xử lý các vấn đề chồng chất của ASEAN.

Hồi tháng 10, Tiến sĩ Mahathir nói: “Tôi không thất vọng về ASEAN, vì tôi đã nghỉ làm chính trị suốt 15 năm, nhưng họ vẫn chưa hoàn toàn hội nhập với nhau”.

Thủ tướng Mahathir được gọi là "biểu tượng tinh túy của chính trị thế giới" - Ảnh: AP

Tiến sĩ Mahathir sẽ có bài giảng nào về cách làm việc với Trung Quốc?

Nhưng theo SCMP, ngay cả khi các lãnh đạo ASEAN không nhiệt tình với quan điểm vì khu vực của Tiến sĩ Mahathir, họ vẫn sẵn sàng lắng nghe quan điểm của ông về Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của khối.

Khi các nước ASEAN đối mặt với sức ép phải “chọn phe” trong cuộc xung đột Mỹ-Trung ngày càng căng thẳng, một số người trong cuộc của khối đang hy vọng Thủ tướng Malaysia chỉ ra những bài học lập quan hệ cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc mà không bị kéo vào quỹ đạo ảnh hưởng của Mỹ và Trung Quốc.

Một số người trong khu vực đã nhận định: chiến lược của Tiến sĩ Mahathir đối với Trung Quốc chính là mô hình các nước nhỏ nên noi theo, để đối phó với Trung Quốc đang hung hăng.

Ngay sau khi thắng cử, Thủ tướng Mahathir đã tuyên bố tạm ngưng 2 dự án trị giá 22 tỉ USD mà cựu Thủ tướng Najib từng ký với Trung Quốc. Ông nói trong 9 năm nắm quyền, ông Najib đã phạm sai lầm là quá thân cận Trung Quốc.

Các nhà quan sát đã bị bất ngờ, vì quan hệ giữa Malaysia-Trung Quốc vẫn ổn định, bất kể việc Thủ tướng Malaysia đã hủy các dự án cơ sở hạ tầng do Trung Quốc tài trợ, với các lý do kinh tế.

Tiến sĩ Mahathir còn xử lý thận trọng khi phản đối Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông, mà không để bị Bắc Kinh trả đũa: quan điểm của ông trong vụ tranh chấp vùng biển này là tất cả tàu chiến của Mỹ, Trung Quốc và của các nước Đông Nam Á nên ở ngoài vùng tranh chấp.

Denison Jayasooria, người gần đây được đưa vào ban cố vấn các vấn đề quốc tế để giúp Ngoại trưởng Saifuddin Abdullah của Malaysia, nói: Thủ tướng Mahathir có thể là “nguồn cảm hứng” cho các nước trong khu vực về cách làm việc với Trung Quốc.

Giáo sư Jayasooria của Đại học Quốc gia Malaysia còn nói: dù khả năng gây ảnh hưởng đến hành động của các nước ASEAN của Tiến sĩ Mahathir còn bị hạn chế, nhưng ông có thể “nuôi dưỡng và củng cố sự hợp tác để kéo giảm đà tiến của Trung Quốc tại khu vực. Tiến sĩ Mahathir là người thực tế, sẽ không phớt lờ cả Mỹ lẫn Trung Quốc, so với vài nước trong khối đang ngả theo Trung Quốc hoặc theo Mỹ”.

Nhà nghiên cứu Andrew Kam của Viện Nghiên cứu Malaysia và Quốc tế, nói hai điều sau:

-Malaysia sẽ không lôi kéo bất kỳ quốc gia thành viên ASEAN nào về phía Mỹ hoặc Trung Quốc, khi Mỹ và Trung Quốc đều chiếm 15 % trong khối hàng hóa xuất khẩu của Malaysia.

-Và khi chương trình Vành Đai Con Đường (BRI) của Trung Quốc “có hiệu quả hơn so với nhiều chương trình kết nối của ASEAN, thì họa có điên mới kêu gọi các nước ASEAN tự cách ly với Trung Quốc.

Vĩnh Thụy (theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
2 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
ASEAN sẽ mạnh mẽ hơn khi có Thủ tướng Malaysia Mahathir?