Nhà đàm phán thương mại hàng đầu Trung Quốc đã gặp người đứng đầu bộ phận kinh doanh toàn cầu của Nvidia hôm 25.11, trước khi Mỹ dự kiến ​​sẽ gia tăng các hạn chế với ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc, có thể diễn ra sớm nhất là trong tuần này.
Thế giới số

Nhà đàm phán thương mại hàng đầu Trung Quốc gặp Nvidia khi rộ tin Mỹ sắp trừng phạt thêm 200 công ty chip

Sơn Vân 21:45 25/11/2024

Nhà đàm phán thương mại hàng đầu Trung Quốc đã gặp người đứng đầu bộ phận kinh doanh toàn cầu của Nvidia hôm 25.11, trước khi Mỹ dự kiến ​​sẽ gia tăng các hạn chế với ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc, có thể diễn ra sớm nhất là trong tuần này.

Thứ trưởng Bộ Thương mại Vương Thụ Văn, thành viên chủ chốt của nhóm đàm phán thương mại Trung Quốc khi ông Donald Trump làm Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ đầu tiên, đã nói chuyện với Jay Puri (Phó chủ tịch điều hành phụ trách hoạt động toàn cầu của Nvidia). Chưa rõ thông tin chi tiết về cuộc họp hoặc các chủ đề được thảo luận.

Cuộc họp diễn ra khi rộ tin chính quyền sắp mãn nhiệm của Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ sớm áp đặt một vòng hạn chế xuất khẩu khác với Trung Quốc.

Các quy định mới có thể đưa thêm 200 công ty chip Trung Quốc vào danh sách đen thương mại của Mỹ, trích dẫn một email từ Phòng Thương mại Mỹ gửi cho các thành viên của mình, theo Reuters.

Reuters cho biết Mỹ dự kiến ​​sẽ công bố thêm các biện pháp hạn chế xuất khẩu lô hàng chip nhớ băng thông cao tới Trung Quốc vào tháng 12.

Mỹ chưa xác nhận lệnh trừng phạt mới, nhưng Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phản hồi hôm 25.11 tại cuộc họp báo thường kỳ, cho biết nước này sẽ thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để bảo vệ lợi ích kinh doanh quốc gia.

Nvidia, hãng thiết kế chip trí tuệ nhân tạo (AI) hàng đầu thế giới, không được phép bán các sản phẩm tiên tiến nhất của mình cho Trung Quốc. Thế nhưng, ông Jensen Huang (Giám đốc điều hành Nvidia) cho biết công ty sẽ duy trì sự hiện diện của mình tại Trung Quốc bất chấp căng thẳng địa chính trị gia tăng.

Jensen Huang phát biểu điều này tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông, nơi ông nhận bằng tiến sĩ danh dự. Tỷ phú 61 tuổi người Mỹ cho biết Trung Quốc có thế mạnh độc đáo trong việc tận dụng AI và các xu hướng công nghiệp đang thay đổi mọi thứ, từ y học đến robot.

Do Nvidia không thể bán các chip AI được săn đón nhất của mình cho các khách hàng Trung Quốc, chuỗi cung ứng đã bắt đầu điều chỉnh. PC Partner Group (Hồng Kông), hãng sản xuất thiết bị điện tử máy tính kiêm lắp ráp các card đồ họa sử dụng chip Nvidia, đã trở thành cái tên mới nhất thu hẹp quy mô hoạt động tại Trung Quốc đại lục giữa bối cảnh áp lực địa chính trị ngày càng gia tăng trong ngành công nghệ.

Tuần trước, ông Vương Thụ Văn phát biểu tại một cuộc họp báo rằng Trung Quốc sẵn sàng tham gia "đối thoại tích cực" với Mỹ để tăng cường hợp tác và quản lý những khác biệt, trong bối cảnh lo ngại về nguy cơ chiến tranh thương mại bùng nổ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới dưới thời chính quyền Trump lần thứ hai.

nvidia-gap-nha-dam-phan-thuong-mai-hang-dau-trung-quoc-khi-lenh-trung-phat-chip-moi-tu-my-gan-ke.jpg
Thứ trưởng Bộ Thương mại Vương Thụ Văn tham dự một cuộc họp báo tại Bắc Kinh, thủ đô Trung Quốc - Ảnh: Kyodo

Khi lệnh hạn chế công nghệ từ Mỹ có thể gia tăng, lượng mạch tích hợp Mỹ được nhập khẩu vào Trung Quốc đã tăng vọt.

Trung Quốc đang đẩy nhanh nỗ lực tích trữ vi mạch từ Mỹ khi tìm cách phòng ngừa làn sóng trừng phạt tiềm tàng từ chính quyền Biden và cả Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Nhu cầu của Trung Quốc đối với chất bán dẫn Mỹ đã tăng vọt trong những tháng gần đây, với lượng mua đạt 1,11 tỉ USD vào tháng 10, tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu hải quan vừa được công bố.

Trong 10 tháng đầu năm, Trung Quốc đã nhập khẩu 9,61 tỉ USD vi mạch từ Mỹ, tăng 42,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Kể từ tháng 6, lượng chip mua hằng tháng của Trung Quốc từ nền kinh tế lớn nhất thế giới luôn vượt quá 1 tỉ đô la Mỹ.

“Trung Quốc đã tăng cường nhập khẩu chip và máy móc sản xuất chip để chuẩn bị cho lệnh trừng phạt chip của Mỹ có thể gia tăng”, Liang Yan, giáo sư kinh tế tại Đại học Willamette ở tiểu bang Oregon (Mỹ), cho biết.

Trong số 9 loại vi mạch nhập khẩu từ Mỹ, Trung Quốc chủ yếu tập trung vào việc mua bộ xử lý và bộ điều khiển dựa trên CPU, cũng như chip để lưu trữ và khuếch đại tín hiệu.

Trung Quốc tiếp tục phải đối mặt với những thách thức trong việc phát triển các loại chip tiên tiến hơn.

Theo bản tin của trang Bloomberg, Huawei vẫn đang dựa vào kiến ​​trúc 7 nanomet lỗi thời cho hai bộ xử lý Ascend tiếp theo của mình, vì các hạn chế về công nghệ Mỹ ngăn cản gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc tiếp cận các máy quang khắc tiên tiến hơn.

Năm nay, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh nhu cầu Trung Quốc phải phát triển “lực lượng sản xuất mới”, kêu gọi những đột phá về công nghệ trong các ngành công nghiệp mới nổi mang tính chiến lược như AI, có thể giúp đất nước thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cấp chuỗi công nghiệp, bảo vệ mình khỏi áp lực kinh tế và địa chính trị toàn cầu.

Tuy nhiên, chiến thắng trong cuộc bầu cử gần đây của ông Trump đã làm gia tăng sự lo lắng trong số các hãng công nghệ Trung Quốc. Lý do vì ông Trump đã nhắm mục tiêu mạnh mẽ vào các công ty Trung Quốc bằng các lệnh trừng phạt trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình.

"Ông Trump chắc chắn sẽ áp đặt các hạn chế về công nghệ, nhưng hiện tại vẫn chưa rõ liệu đó sẽ là cách tiếp cận có chọn lọc và nhắm mục tiêu hơn hay các lệnh trừng phạt rộng rãi hơn", Liang Yan nhấn mạnh.

"Điều chắc chắn về Trump là ông ấy sẽ từ chối cho Trung Quốc tiếp cận các chip và máy sản xuất chip tiên tiến, nhưng chưa rõ về các loại chip phổ thông hơn", bà nói thêm.

Theo Liang Yan, ông Trump đã cam kết thuyết phục các hãng chip như TSMC chuyển sản xuất sang Mỹ. Thế nhưng, nếu sản xuất chip ở Mỹ được mở rộng, ông sẽ phải đối mặt với áp lực đảm bảo nhu cầu về chip vẫn ở mức cao. TSMC là hãng sản xuất chip theo hợp đồng số 1 thế giới, có trụ sở ở Đài Loan.

Điều đó có thể làm phức tạp thêm các nỗ lực của ông Trump nhằm tăng cường các lệnh trừng phạt với Trung Quốc, vì quốc gia này chiếm khoảng 1/3 nhu cầu về chất bán dẫn toàn cầu, Liang Yan cho hay.

"Nếu không có nhu cầu từ Trung Quốc, sản xuất chip sẽ khó có thể có lãi và bền vững. Trump sẽ phải cân nhắc hai yếu tố này và hiện tại rất khó để dự đoán ông ấy sẽ đi theo hướng nào", bà nói.

Vào tháng 6, ông Trump tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn với nhân vật truyền thông xã hội Logan Paul (Mỹ) trên podcast Impaulsive: "Chúng ta phải đối đầu Trung Quốc, mối đe dọa chính với ngành công nghiệp AI của Mỹ. Chúng ta phải đi đầu về AI".

Chính quyền Biden cũng đã có những nỗ lực đáng kể để hạn chế quyền tiếp cận của Trung Quốc với các công nghệ bán dẫn tiên tiến. Vào tháng 10.2022, Mỹ đã ban hành lệnh cấm toàn diện với việc xuất khẩu chip được sử dụng cho các mô hình AI và công nghệ lưỡng dụng sang Trung Quốc.

Công nghệ lưỡng dụng là thuật ngữ dùng để chỉ các công nghệ, sản phẩm hoặc thiết bị có thể được sử dụng cho cả mục đích dân sự và quân sự.

Phạm vi của lệnh cấm đó đã được mở rộng vào tháng 10.2023 và một lần nữa vào tháng 9 để bao gồm cả các chất bán dẫn bổ sung, như chip chơi game hiệu suất cao và chip trung tâm dữ liệu cấp thấp hơn.

Sức mạnh tính toán và AI, được thúc đẩy bởi các chip tiên tiến, đã trở thành chiến trường cạnh tranh quan trọng giữa hai siêu cường, khi cả hai đều nỗ lực thống trị sản xuất các loại chip có kích thước dưới 10 nanomet.

Bài liên quan
Google dùng siêu máy tính Eos của Nvidia để thiết kế bộ xử lý điện toán lượng tử
Bộ phận Quantum AI thuộc Google sẽ sử dụng siêu máy tính Eos của Nvidia để tăng tốc thiết kế các thành phần lượng tử.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
1 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhà đàm phán thương mại hàng đầu Trung Quốc gặp Nvidia khi rộ tin Mỹ sắp trừng phạt thêm 200 công ty chip