Người dân cho rằng việc UBND xã cưỡng chế 127m3 đất để cải tạo ruộng, trong đó xã lấy 5 xe để san lấp trụ sở UBND là vừa trái quy trình, vừa trái thẩm quyền.
Lấy đất cưỡng chế san nền UBND xã
Theo đơn tố cáo gửi đến báo điện tử Một Thế Giới của bà Ngô Thị Hóa (thôn Mai Phong, xã Mai Trung, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang), gia đình bà được cấp quyền sử dụng 2.304m2 đất, trong đó có 324m2 đất lúa thấp hơn ruộng đất liền kề. Việc này khiến ruộng bà Hóa luôn luôn ngập nước, cây lúa bị đổ, khó khăn trong canh tác. Do đó, bà Hóa đã mua 127m3 đất đổ vào thửa đất này để tôn tạo, chống úng trồng mía và rau củ quả sạch.
Bà Hóa cho rằng bản thân mình thực hiện đúng theo Điều 9 của Luật Đất đai 2013, cụ thể là Nhà nước có chính sách khuyến khích người sử dụng đất đầu tư lao động, vật tư, tiền vốn và áp dụng thành tựu khoa học, công nghệ vào các việc như bảo vệ, cải tạo, làm tăng độ màu mỡ của đất; Khai hoang, phục hóa, lấn biển, đưa diện tích đất trống, đồi núi trọc, đất có mặt nước hoang hóa vào sử dụng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Phát triển kết cấu hạ tầng để làm tăng giá trị của đất.
Tuy nhiên, bà Hóa cho biết Chủ tịch UBND xã Mai Trung Nguyễn Văn Tự đã huy động khoảng 20 người cùng xe cơ giới, ô tô, máy múc đến xúc đất trên thửa ruộng của bà vào ngày 8.8.2017. Số đất đó có 3 xe đổ san nền cho UBND xã và đổ vào đường đi nhà trưởng thôn, chỉ có 3 xe được chở lên nhà con rể bà Hóa là ông Ngô Văn Hảo.
Trong đơn, bà Hóa nêu rõ, UBND xã Mai Trung cưỡng chế lấy đất trên thửa ruộng không đúng quy trình, thủ tục và thẩm quyền cưỡng chế.
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, ông Nguyễn Văn Tụ, Chủ tịch UBND xã Mai Trung cho biết, khoảng 9 giờ tối ngày 7.8.2017, anh Phương, cán bộ địa chính xã báo cáo có trường hợp xe đất đến để san mặt ruộng. Sau đó xã chỉ đạo cán bộ địa chính và lãnh đạo thôn đến tìm hiểu vụ việc và thấy có một số xe ô tô đang đổ đất.
“Chúng tôi lập biên bản yêu cầu dừng lại. Trong thời điểm đó họ đồng ý dừng lại nhưng sáng mai chúng tôi ra thì họ đã lấp kín”, ông Tụ nói và cho biết xã tiếp tục yêu cầu gia đình chuyển nhưng gia đình không chuyển nên buộc xã phải chuyển đi.
“Lẽ ra chúng tôi thu hồi đất này nhưng cũng vì tình cảm làng xóm mà chúng tôi chở đất này lên nhà ông Hảo, con rể bà Hóa 3 xe. Còn 3 xe đất mà chúng tôi đổ ở UBND là do lúc đó đã quá trưa, anh em đều mệt nên tôi nói với anh Hảo là đổ tạm ở đó, khi nào cần thì anh Hảo đến đem về”, ông Tụ cho hay.
Còn theo anh Phương, đất này vẫn canh tác bình thường chứ không phải ngập úng. Việc người dân làm như vậy là sai với quy định của pháp luật. Đây là đất lúa, bà Hóa muốn chuyển đổi cơ cấu cây trồng thì phải xin phép UBND xã và xã cũng khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
“Nguồn gốc đất nông nghiệp của bà Hóa là của nhà khác. Quá trình canh tác thì 2 nhà đổi cho nhau nhưng chưa chuyển giao theo đúng quy định của pháp luật”, anh Phương nói.
Tuy nhiên, bà Ngô Thị Hóa lại phủ nhận điều này cho biết thực tế không diễn ra như lời của cán bộ xã nói. Bà Hóa cho biết, khi không được đồng ý san đất thì gia đình có nói sẽ tự chuyển đi vào ngày mai, tuy nhiên xã nhất quyết cưỡng chế và gia đình không đồng thuận với điều này.
Bà Hóa cho rằng để cưỡng chế thì cấp xã không có quyền và trước khi cưỡng chế phải có thông báo rõ ràng, có quyết định cưỡng chế chứ không phải thích là làm một cách vội vã như vậy.
Xã có dấu hiệu cưỡng chế sai quy định
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, Luật sư Kiều Anh Vũ (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, theo thông tin của vụ việc này, hộ gia đình bà Hóa muốn nâng cao phần trồng lúa để trồng mía và trồng rau củ.
Khoản 4 Điều 166 Luật Đất đai quy định quyền của người sử dụng đất là được Nhà nước hướng dẫn và giúp đỡ trong việc cải tạo, bồi bổ đất nông nghiệp. Điều 134 Luật Đất đai cũng quy định người sử dụng đất trồng lúa có trách nhiệm cải tạo, làm tăng độ màu mỡ của đất. Do đó, nếu phần đất trồng lúa của hộ bà Hóa bị thấp, úng nước… thì bà được quyền cải tạo, bồi bổ để tăng độ màu mỡ, sử dụng hiệu quả.
Tuy nhiên, ông Vũ cho rằng việc cải tạo, bồi bổ cũng cần lưu ý đảm bảo mục đích sử dụng đất là trồng lúa. Đối với đất trồng lúa, pháp luật có những quy định và yêu cầu riêng mà người sử dụng đất phải tuân thủ.
Cụ thể, Nghị định 35/2015/NĐ-CP và Thông tư 19/2016/TT-BTNMT cũng quy định nếu muốn chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa thì người sử dụng đất đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa với Ủy ban nhân dân cấp xã. Do đó, người sử dụng đất được quyền cải tạo, bồi bổ đất nhưng để trồng cây khác thì phải đăng ký chuyển đổi cơ cấu cấy trồng trên đất lúa.
Như vậy, ông Vũ cho rằng trong trường hợp này cần phân biệt quyền cải tạo, bồi bổ đất của người sử dụng đất và vấn đề thay đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa. Quyền cải tạo, bồi bổ đất là quyền hợp pháp và Nhà nước phải giúp đỡ, hướng dẫn. Còn nếu họ vi phạm về việc thay đổi cơ cấu cây trồng mà chưa đăng ký, vi phạm pháp luật về đất đai thì cơ quan có thẩm quyền phải xử lý theo trình tự, thủ tục luật định về xử phạt vi phạm hành chính.
Theo đó, cơ quan chức năng phải lập các biên bản vi phạm, quyết định xử phạt, áp dụng hình thức xử phạt … Nếu người vi phạm không chấp hành thì mới áp dụng các biện pháp cưỡng chế, buộc thi hành.
Theo khoản 1 Điều 31 Nghị định 102/2014/NĐ-CP, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 5.000.000 đồng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 5.000.000 đồng; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm. Do đó, trong vụ việc này cũng cần phải xác định giá trị vi phạm ở đây, nếu có, là bao nhiêu tiền để xác định thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND cấp xã.
Bà Hóa cho biết, số tiền mua 127m3 đất vào khoảng gần 20 triệu đồng. Theo đó, Luật sư Kiều Anh Vũ cho rằng UBND xã có dấu hiệu cưỡng chế không phù hợp với quy định của pháp luật, bởi vì xã chỉ có quyền xử lý đến mức 5 triệu đồng mà thôi.
Hoài Phong