Những năm qua, mô hình nuôi tôm càng xanh xen canh trên ruộng lúa đã dần bắt nhịp với đồng ruộng của nông dân tỉnh Bạc Liêu. Đây là mô hình hiệu quả, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương và đem lại thu nhập ổn định cho người nuôi.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Bạc Liêu: Mô hình xen canh lúa - tôm càng xanh hiệu quả nhưng khó tìm đầu ra

Trần Khải 30/11/2024 07:30

Những năm qua, mô hình nuôi tôm càng xanh xen canh trên ruộng lúa đã dần bắt nhịp với đồng ruộng của nông dân tỉnh Bạc Liêu. Đây là mô hình hiệu quả, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương và đem lại thu nhập ổn định cho người nuôi.

Sản phẩm tôm sạch được người tiêu dùng ưa chuộng

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, việc nuôi xen canh tôm càng xanh trên ruộng lúa được xem là mô hình kinh tế hiệu quả, ổn định và bền vững. Đồng thời, đây cũng là một mô hình nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu. Điểm đáng chú ý của mô hình này là cây lúa sẽ hạn chế được lượng độc tố cho môi trường nuôi tôm, giúp tôm sinh trưởng và phát triển tốt. Thân và rễ lúa sau thu hoạch sẽ là nguồn thức ăn tự nhiên giúp tôm lớn nhanh. Đặc biệt, sau mỗi vụ tôm, chất thải của tôm bồi lắng sẽ tạo độ màu mỡ cho đất, tạo thành phân hữu cơ rất tốt cho cây lúa.

1(1).jpg
Thu hoạch tôm càng xanh

Hiện nay, mô hình lúa – tôm càng xanh phát triển tại các huyện như Phước Long, Hồng Dân và thị xã Giá Rai… Hình thức canh tác này đã khẳng định được tính hiệu quả từ năng suất, chất lượng cho đến giá trị của con tôm.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Phước Long, vụ tôm càng xanh năm nay toàn huyện thả giống trên 15.000ha. Tới thời điểm này nông dân đã thu hoạch gần dứt điểm, năng suất đạt 120kg/ha, trong đó tập trung chủ yếu tại các xã Phước Long, Phong Thạnh Tây B, Phong Thạnh Tây A, Vĩnh Phú Tây và thị trấn Phước Long.

2.jpg
Tôm càng xanh có thịt ngọt, dai rất được người tiêu dùng ưa chuộng

Ông Trương Phước Hiền, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Phước Long cho hay, mô hình đã thích ứng rất tốt với điều kiện tự nhiên, rủi ro dịch bệnh thấp. Bên cạnh đó, khi sản xuất với mô hình này, nông dân hạn chế sử dụng hóa chất độc hại nên tạo ra sản phẩm sạch, tăng thu nhập cho bà con trên cùng một diện tích canh tác. “Nông dân thực hiện mô hình này, khi thu hoạch, trừ hết chi phí, bà con thu lãi từ 20-30 triệu đồng/ha/vụ”, ông Hiền nói.

Khó tìm đầu ra

Nhận thấy đây là mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao, nông dân địa phương đã bắt đầu phát triển, nhân rộng. Thay vì trước đây chỉ sản xuất lúa, thì nay trên cùng diện tích đó bà con thả nuôi tôm càng xanh nên mang lại nguồn thu nhập tương đối cao. Tuy nhiên, bên cạnh năng suất đáng phấn khởi thì bà con nông dân ở đây đang gặp khó trong việc tìm đầu ra cho con tôm.

Hiện tôm càng xanh loại khoảng 20 con/kg được thương lái thu mua tại ruộng với giá dao động từ 90.000 – 100.000 đồng/kg. Với mức giá này, nông dân tuy có lãi nhưng không cao.

3.jpg
Hiện nông dân Bạc Liêu đang vào vụ thu hoạch tôm càng xanh

Anh Mai Thanh Tuấn, ngụ xã Phước Long, huyện Phước Long cho biết, gia đình anh đang thu hoạch tôm càng xanh trên diện tích 1ha. Do tôm không đạt trọng lượng chuẩn nên thương lái chỉ mua với giá 60.000 đồng/kg. Giá tôm hiện giảm so với thời điểm trước.

Theo anh Tuấn, từ nhiều năm nay, từ khi các doanh nghiệp tham gia thực hiện chuỗi liên kết sản xuất, chỉ lúa là được bao tiêu rộng rãi, còn sản phẩm tôm thì chưa được bao tiêu, đa phần người dân tự tìm đầu ra. “Tới kỳ thu hoạch tôm càng xanh bà con địa phương tự tìm thương lái để bán nhưng giá cả thì lên xuống không ổn định”, anh Tuấn cho hay.

Ông Trần Thanh Ngân, ngụ xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân cho biết, trong số các loại tôm mà gia đình ông nuôi, tôm càng xanh đang có giá thấp nhất. Hết vụ năm nay, gia đình ông sẽ chuyển sang nuôi tôm thẻ hoặc tôm sú.

Ông Trương Phước Hiền, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Phước Long cho hay, trước đây khi loại tôm càng xanh mới xuất hiện trên thị trường, giá bán tại ao lên đến 150.000 – 180.000 đồng/kg. Tuy nhiên, hiện nay việc người dân nuôi nhiều nên sức tiêu thụ ít, nên giá tôm giảm là điều tất yếu.

4.jpg
Giá tôm hiện được thu mua từ 90.000 - 100.000 đồng/kg

Theo ông Hiền, tôm càng xanh chủ yếu tiêu thụ nội địa, không đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu nên giá không cao, phần lớn được thương lái thu gom cung ứng cho nhà hàng, quán ăn. “Tôm sú, tôm thẻ chân trắng được các nhà máy thu mua chế biến xuất khẩu là chính nên việc tiêu thụ có phần thuận lợi hơn. Còn tôm càng xanh chỉ tiêu thụ nội địa và phải thu hoạch, vận chuyển tôm sống tới tay người tiêu dùng nên rất khó khăn”, ông Hiền chia sẻ.

Ông Đỗ Minh Thắng, Chủ tịch UBND thị xã Giá Rai cho biết: “Địa phương sẽ liên kết, tìm những người có khả năng làm đầu mối trung gian thu gom tôm của bà con. Bởi chất lượng tôm nuôi theo hình thức này đã được chứng minh là tôm sạch và rất phù hợp để chế biến, xuất khẩu. Con tôm, cây lúa là 2 đối tượng nuôi trồng không thể tách rời trong định hướng phát triển bền vững”.

Bài liên quan
Vụ xin phép sửa chữa, xây luôn nhà mới ở Bạc Liêu: Sẽ tháo dỡ, không cho tồn tại nếu làm sai phép
Chính quyền huyện Vĩnh Lợi (tỉnh Bạc Liêu) vừa giao cho UBND xã Vĩnh Hưng phối hợp với các ngành có liên quan tiến hành kiểm kê đất, tài sản trên đất và làm việc với hộ dân để thống nhất quy mô sửa chữa; trường hợp làm sai phép thì tháo dỡ, không cho tồn tại.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bạc Liêu: Mô hình xen canh lúa - tôm càng xanh hiệu quả nhưng khó tìm đầu ra