Bị can Hoàng Công Lương (bác sĩ Đơn nguyên thận nhân tạo, BV Hòa Bình) đã gửi đơn khiếu nại tới Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Hòa Bình và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình liên quan đến trách nhiệm hình sự của mình.
Liên quan tới vụ tai biến chạy thận làm 9 bệnh nhân tử vong tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình (BV Hòa Bình), ngay sau khi Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình hoàn tất kết luận điều tra bổ sung vụ án lần 2 theo yêu cầu của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình, bị can Hoàng Công Lương (bác sĩ Đơn nguyên thận nhân tạo, BV Hòa Bình) đã gửi đơn khiếu nại tới Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Hòa Bình và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình liên quan đến trách nhiệm hình sự của mình.
Trong đơn khiếu nại của bác sĩ Lương nêu rõ, nguyên nhân gây tử vong cho người bệnh trong vụ án đã được cơ quan chuyên môn có kết luận do tồn dư hóa chất axít Flohydric (HF) trong hệ thống lọc nước RO sau bảo dưỡng và sửa chữa, hoàn toàn không có mối quan hệ nhân quả liên quan tới công tác khám và ra y lệnh lọc máu của bác sĩ điều trị. Bác sĩ Lương cho rằng, quy trình bảo dưỡng, sửa chữa, bàn giao hệ thống RO sau sửa chữa tại BV Hòa Bình hoàn toàn không có từ trước đến nay nên bác sĩ không thể có hành vi cẩu thả nào trong quy trình đó. Hoạt động lọc máu thận nhân tạo tại BV Hòa Bình, ngoài việc thăm khám người bệnh đủ sức khỏe lọc máu và quan sát đồng hồ đo độ dẫn điện báo chỉ số an toàn, bác sĩ điều trị không có bất kỳ cách gì để nhận biết hệ thống RO sử dụng không an toàn, càng không thể nhận biết đồng hồ có khả năng sai số.
Trong đơn khiếu nại, bác sĩ Lương cho rằng, tại thời điểm xảy ra sự cố, do Bộ Y tế, Sở Y tế tỉnh Hòa Bình và BV Hòa Bình đều không ban hành bất kỳ văn bản nào quy định về quy trình vận hành, sử dụng, sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO cũng như bác sĩ điều trị phải báo cáo trưởng khoa và phải có ý kiến chỉ đạo của trưởng khoa mới cho phép bác sĩ ra y lệnh lọc máu nên không thể buộc trách nhiệm đối với bác sĩ Lương về lỗi cẩu thả làm chết người. “Kết luận tôi có lỗi cẩu thả do không thấy trước được hậu quả chết người từ việc sử dụng nguồn nước RO không an toàn khi chưa có ý kiến chỉ đạo của trưởng khoa là không có căn cứ...”, đơn khiếu nại của bác sĩ Lương nhấn mạnh.
Cùng với đó, bác sĩ Lương cũng khẳng định không ký, không được giao thực hiện, không nhìn thấy hợp đồng sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống RO số 2 nên không biết các bên giao kết hợp đồng. “Tôi không hiểu vì sao tôi và Bùi Mạnh Quốc (giám đốc Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh) đều bị đề nghị truy tố cùng tội danh “Vô ý làm chết người” do nguyên nhân tồn dư hóa chất sau sửa chữa hệ thống RO?”, bác sĩ Lương bày tỏ. Đồng thời, bác sĩ Lương cũng không đồng ý với bản kết luận điều tra bổ sung lần 2 kết luận bổ sung một nguyên nhân khác gây ra hậu quả làm chết người trong vụ tai biến là tình trạng bố trí nhân lực không đầy đủ và cần thiết. Cả 2 nguyên nhân: tồn dư hóa chất sau sửa chữa hệ thống RO và bố trí nhân lực đều không liên quan đến công việc điều trị của bác sĩ cũng như bản thân bác sĩ Lương. Do đó, trong đơn kiến nghị, bác sĩ Lương đề nghị cơ quan chức năng xem xét thấu đáo, toàn diện, khách quan vụ án để có phán quyết đúng đắn.
Trước đó, trong kết luận điều tra bổ sung, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình đã đề nghị truy tố bị can Hoàng Công Lương (bác sĩ Đơn nguyên thận nhân tạo, BV Hòa Bình) về tội “Vô ý làm chết người”. Kết luận điều tra bổ sung lần 2 khẳng định, bác sĩ Lương được đào tạo về kỹ thuật lọc máu cơ bản, có đủ điều kiện hành nghề về kỹ thuật thận nhân tạo và chữa bệnh độc lập. Bác sĩ Lương cũng ký xác nhận việc khám và ra y lệnh của 2 bác sĩ còn lại, nên là bác sĩ có trách nhiệm cao nhất trong việc ra y lệnh chạy thận cho các bệnh nhân trong ca lọc thận ngày 29.5.2017. Ngày 29.5.2017, hệ thống lọc nước RO2 vừa sửa chữa, chưa được lấy mẫu nước để xét nghiệm theo tiêu chuẩn AAMI; Phòng vật tư thiết bị y tế chưa nghiệm thu, làm thủ tục bàn giao cho đơn nguyên lọc máu... Bác sĩ Lương chỉ nghe thông báo của 2 điều dưỡng viên rằng đã sửa chữa xong mà ra y lệnh lọc máu.
Đánh giá hành vi của bác sĩ Hoàng Công Lương, Cơ quan CSĐT nhận định, do cẩu thả nên bị can Lương không thấy được khả năng gây ra hậu quả chết người từ việc sử dụng nguồn nước không đảm bảo an toàn, trong khi chưa có ý kiến chỉ đạo của trưởng khoa. Kết luận điều tra bổ sung xác định hành vi của bị can Lương đủ yếu tố cấu thành tội “Vô ý làm chết người” với lỗi vô ý cẩu thả theo Điều 128 Bộ luật Hình sự 2015.
Quốc Luật/SGGP